Cô giáo 25 năm chăm “búp non” trên đất Tây Nguyên
Cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện cùng trẻ em Trường Mầm non Đăk Long.

Khi được đề nghị giới thiệu một gương cán bộ nữ trong ngành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà Lê Thị Nhung không chút đắn đo: “Anh cứ lên Đăk Long, gặp cô giáo Thiện, một nữ hiệu trưởng giàu nghị lực và nhiệt huyết”. Thế là chúng tôi xốc lại hành trang, hăm hở ngược miền núi Kon Tum.

Thoạt nhìn, cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện khá dung dị, điềm đạm với gương mặt đằm thắm, ưa nhìn. Cô đón khách xởi lởi, thân thiện, ánh mắt trìu mến, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm, đậm rõ thanh âm đặc trưng của phụ nữ gốc Quảng Trị, nhưng ẩn sâu trong đó là sự tâm huyết, tận tụy và thấu đáo của một nữ cán bộ đã được tôi luyện, trui rèn trong gian khó và từ thực tiễn sinh động cuộc sống nơi vùng cao. 

Tròn 25 năm gắn bó với sự nghiệp chăm “búp trên cành”, từ một cô giáo trẻ, đến nay trở thành một cán bộ quản lý giỏi là cả quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của cô giáo sinh năm 1980 Hoàng Thị Xuân Thiện. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, thỏa ước mong trở thành cô giáo mầm non khi tròn 19 tuổi, cô giáo Thiện hăm hở lên vùng cao xã Văn Lem, huyện Đăk Tô với hành trang là sức trẻ. Bằng nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, từ cô giáo đến Hiệu phó, Hiệu trưởng các trường Mẫu giáo xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), Đăk Mar, Đăk Ui (huyện Đăk Hà), ở cương vị nào, cô cũng tận tâm với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm học 2022-2023, cô được điều về làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đăk Long.

Cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện cùng trẻ em Trường Mầm non Đăk Ui.

Cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện cùng trẻ em Trường Mầm non Đăk Ui.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm nghề nghiệp, cô giáo Thiện luôn tâm niệm: “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Thầy tốt mới dạy trò ngoan”. Bởi vậy với vai trò là Hiệu trưởng, cô luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhà trường chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục phát động, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... đã tạo nên phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.

Trong hành trình xây dựng và phát triển nhà trường, cô Thiện chú trọng phát huy dân chủ, quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy và học. Là người “đứng mũi chịu sào”, cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn làm cho diện mạo Trường Mẫu giáo Đăk Long ngày càng khang trang; khuôn viên nhà trường, thư viện, vườn hoa, cây cảnh xanh, sạch, đẹp, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học, bảo đảm chất lượng nuôi, dạy trẻ. 

Từ năm học 2022-2023 đến nay, Trường Mẫu giáo xã Đăk Long huy động nhóm trẻ 25-36 tháng tuổi và trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt chỉ tiêu giao, 100% trẻ 5 tuổi bảo đảm kiến thức, kỹ năm vào lớp 1. Nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua năm học 2022-2023 và thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển xã Đăk Long. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà tặng Giấy khen phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. 

Những ngày đầu năm Giáp Thìn, khi chúng tôi đến thăm trường, bất chợt nhìn thấy cô giáo Thiện rón rén bước, nhẹ nhàng đắp tấm chăn ấm cho các cháu. Cô Thiện nhỏ nhẹ: “Vì sợ mất giấc ngủ trưa của các con”. Những hình ảnh thân thương ấy đã đi sâu vào tiềm thức, là lời nhắc nhở đối với các cô giáo của nhà trường cần chu đáo, chăm chút cho trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ. 

Cũng tại đây, chúng tôi gặp chị Y Gap ở làng Pa Cheng là phụ huynh của cháu Y Ái. Chị tâm sự: “Mỗi ngày đưa con đến lớp đều thấy con mình rất vui vẻ, đi học về ngày càng ngoan ngoãn, lễ phép và bộc lộ dần kỹ năng đọc, viết. Các cô giáo ở Trường Mẫu giáo Đăk Long chăm sóc các cháu rất tận tình, giống như người mẹ vậy”. Chị cho biết: “Mình đi làm nương rẫy cả ngày, không có thời gian chăm sóc con nên nhờ cả vào cô giáo thôi. Khi chưa đến lớp, con chỉ biết nói tiếng dân tộc Xơ Đăng, nhưng giờ về nhà biết múa, hát tiếng phổ thông rồi, vui lắm”. Tôi thoáng nhìn các cháu, dù vẫn hằn rõ nhiều vất vả nhưng trên môi các em vẫn giữ được nụ cười tươi tắn, ánh mắt vẫn hồn nhiên, ngây thơ như “búp trên cành”, mang đến ánh sáng rực rỡ, hy vọng của núi rừng đại ngàn xanh tươi.

Nhận xét về người Hiệu trưởng của mình, Hiệu phó Phạm Thị Hương tâm sự: “Với 416 học sinh hầu hết là người dân tộc Xơ Đăng, có điểm trường xa trên 16 cây số đường rừng, dù vất vả, khó khăn, chị Thiện vẫn là người tiên phong, gương mẫu vận động các con đến trường, đã dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cán bộ, giáo viên trong trường noi bước”. Còn Hiệu phó Ngô Thị Giang Thu bộc bạch: “Chị Thiện sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm với đồng nghiệp. Chị nhẹ nhàng chỉ bảo phương pháp chuyển tải thông tin cho trẻ, cách dẫn dắt, thu hút trẻ tham gia các hoạt động cùng cô, cùng bạn dù chỉ là những trò chơi, hay những câu nói, những tình huống làm sao để cuốn hút trẻ thực sự, để trẻ yêu thích, lắng nghe, hợp tác trong mỗi hoạt động, mỗi tiết học”. Từ đó đã giúp cho giáo viên mầm non ngoài sự ân cần chăm sóc trẻ, cần có sự linh hoạt, khéo léo trong mọi cử chỉ, hành động. Trong ngữ điệu lời nói ấy cũng là cả một nghệ thuật, toát lên sự sáng tạo không ngừng nghỉ, giúp cho đồng nghiệp thêm yêu hơn nghề của mình đã chọn.

Cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện (ngoài cùng bên phải) trao thưởng cho giáo viên.

Cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện (ngoài cùng bên phải) trao thưởng cho giáo viên.

“Em chỉ ước mong làm được những điều bình dị nhất, đó là mang đến cho các con những tiếng cười trẻ thơ trong ngôi trường với đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ thật an toàn, con đường đưa bước chân của các con đến trường hằng ngày bằng phẳng - những điều bình thường nhất mà trẻ em ở nơi khác dễ dàng có được”, cô Thiện nói.

Trường Mầm non xã Đăk Long nằm trên một triền núi. Ngày ngày, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của những cô Thiện, cô Hương, cô Thu và tập thể giáo viên đã bao năm “cắm bản”, những âm thanh trong trẻo từ lời ca, tiếng hát, câu chuyện kể của con trẻ nơi vùng cao này vẫn vang lên rộn rã, tươi vui. Cuộc sống của người Xơ Đăng đang bừng lên mỗi ngày. Thấp thoáng trong diện mạo mới của bản làng có bóng dáng của cô giáo Hoàng Thị Xuân Thiện vẫn lặng lẽ, tận tụy “ươm” những mầm xanh trên núi, mang ánh sáng của Đảng đến với người dân Đăk Long thân yêu.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất