Tình nguyện về công tác ở xã đảo xa nhất của TP. Hồ Chí Minh, luôn nằm chênh vênh ngoài biển, cách biệt với đất liền gần 1 giờ đi tàu đò, bác sĩ Luân Thanh Trường hơn 12 năm nay vẫn vượt qua vô vàn khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và ngày càng được người dân trên đảo tin yêu, quý mến.
Bác sĩ Luân Thanh Trường trong một lần khám bệnh cho người dân xứ đảo Cần Giờ.
Luôn trọn lòng gắn bó với dân
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Luân Thanh Trường (cư trú quận Gò Vấp) đã tình nguyện xin về huyện Cần Giờ công tác. Sau hơn 12 năm công tác trên đất liền, anh lại tình nguyện xin về công tác tại xã đảo Thạnh An khi nghe tin có một bác sĩ đã bỏ nhiệm sở vì không kham nổi công việc vất vả và cuộc sống quá khó khăn tại xứ đảo. Hơn 12 năm gắn bó với người dân xã đảo, nay anh đã trên 55 tuổi, vẫn trực tiếp khám, chữa bệnh cho không biết bao nhiêu lượt người dân trên đảo, để cứu họ vượt qua cảnh thập tử nhất sinh. Chính vì thế, người dân ở xã đảo ngày càng tin tưởng và yêu mến anh, trong mỗi lần anh đến cứu chữa họ hay thăm gia đình họ.
Từ bến đò của xã đảo, chúng tôi theo dọc một con đường huyết mạch được trải bê tông để tìm đến trạm y tế của xã. Những tưởng với một xã còn rất nhiều khó khăn thì trạm y tế cũng sẽ rất xập xệ, tuy nhiên, khi chứng kiến một trạm y tế khang trang, sạch sẽ như một bệnh viện thu nhỏ, chúng tôi mới biết mô hình trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đã hiện diện nơi heo hút này. “Bệnh viện thu nhỏ” này có khuôn viên khang trang và đầy đủ các phòng khám chữa bệnh, nhân sự, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã. Nhân viên của trạm có tất cả 6 người, gồm có một bác sĩ, một y sĩ, một điều dưỡng, một nữ hộ sinh, một dược tá, một nhân viên xét nghiệm và 12 cộng tác viên y tế của ấp. Tất cả những bác sỹ, y tá… ở đây luôn tận tình chăm sóc chữa trị (hoàn toàn miễn phí) các bệnh cảm ho, cao huyết áp, hen phế quản, sản và nhất là qua 4 đợt COVID-19… Trạm Y tế xã đã thực hiện các chương trình quốc gia cho khoảng trên 4.500 người của 1.165 hộ gia đình của xã đảo.
Với cương vị là Trạm trưởng trạm y tế trên xã đảo duy nhất của TP. Hồ Chí Minh cộng với việc đò ngang cách trở với đất liền nên bác sĩ Trường phải đảm nhận đủ mọi việc và khám đủ thứ bệnh: Từ chấn thương chỉnh hình, mắt, tai - mũi - họng đến đỡ… đẻ khi nữ hộ sinh đi học. “Do khoảng cách giữa đất liền với đảo rất xa cho nên nhiều bác sĩ rất ngại đến đảo công tác. Tuy nhiên, xuất phát từ tình cảm với dân, tôi đã tình nguyện xin về đây công tác dù biết là xã khó khăn. Ngày trước hay bây giờ, trong công việc chuyên môn, chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, chẳng hạn như những trường hợp bệnh khó cần chuyển viện gấp. Nếu như ở đất liền, ca nào khó có thể chuyển ngay lên bệnh viện tuyến trên nhưng ở xã đảo cách trở với đất liền nên công tác chuyển bệnh rất khó khăn, đặc biệt khi chuyển viện vào mùa dông bão hay mùa gió chướng gặp biển động. Tuy nhiên, từ những khó khăn đó mà chúng tôi càng đồng cảm và muốn chia sẻ bớt khó khăn hơn với bà con nghèo”, bác sĩ Thanh Trường chia sẻ.
Tận tình cứu chữa cho dân
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 6 anh chị em tại Gò Vấp, nhưng không có ai theo nghề bác sĩ, sau một lần được một thầy thuốc cứu mạng, bác sĩ Trường đã quyết định theo đuổi nghề y. Tuy nhiên, để đến được với nghề không phải chuyện dễ, bởi anh đã phải miệt mài và kiên trì thi đi thi lại tới 6 lần mới đỗ vào Đại học Y học Phạm Ngọc Thạch. Tình nguyện xin về công tác tại những xã có điều kiện địa lý đặc biệt, từ cù lao xã Lý Nhơn đến xã đảo Thạnh An ở đâu anh cũng luôn tận tình với người bệnh, trong lúc họ đang nan giải nhất.
Bác sĩ Luân Thanh Trường nhớ lại: “Khi còn ở Trạm y tế xã Lý Nhơn, một đêm mưa lớn, có bệnh nhân bị bệnh bí tiểu vì u xơ tuyến tiền liệt tuyến mà người nhà gọi điện thoại kêu cứu. Nhà bệnh nhân ở sát bờ sông lại không có điện, trong khi mưa lớn gặp con nước lên, nước dâng cao không biết đâu là sông, đâu là bờ. Tuy nhiên, vì bệnh nhân đang cần mình nên tôi bám theo những ngọn cây, hàng rào còn ló ngó trên mặt nước, dò dẫm tìm lối đi vào nhà bệnh nhân. Sau khi đặt ống thông, bệnh nhân đi tiểu được đã òa lên khóc nức nở cảm ơn bác sĩ. Còn khi về xã đảo Thạnh An, trong một lần chuyển bệnh nhân lên tuyến huyện, một đồng nghiệp nữ của trạm đã khóc lặng người khi thấy mình và người sản phụ mà cô đưa lên tuyến bệnh viện huyện cấp cứu còn sống sau hơn một giờ vật lộn trên con thuyền giữa biển với cơn dông bão, mưa gió trên đường đi vào đất liền. Và đây là những hình ảnh khiến tôi không thể rời xa mảnh đất đã thấm nhớ này”.
Tận tình cứu chữa cho người dân dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào vì vậy suốt thời gian công tác tại xã đảo, bác sĩ Trường luôn được bà con tin yêu, quý mến. Bà Mười, người dân sống hơn 45 năm ở xã đảo Thạnh An cho biết: “Hiếm thấy bác sĩ nào hết lòng vì người dân như bác sĩ Trường. Khi tới khám tại trạm y tế thì bác sĩ dặn dò cẩn thận, khám bệnh nhiệt tình; còn ngoài giờ khám bệnh, người dân nào gọi đến nhà khám, bác sĩ không những không tính công mà tiền thuốc chỉ lấy gọi là cho có. Người nào không có tiền trả thì gửi bác sĩ khi thì con gà, quả trứng, cá khô… vẫn được. Tuy nhiên, không vì thế mà bác sĩ lại không tận tình với người dân”.
“Năm 2006, tôi quyết định đi thi chuyên khoa nội để nâng cao trình độ chuyên môn. Khi biết tôi đi thi, một bà cụ tìm đến và hỏi: Nếu đỗ, học xong bác sĩ có về đây làm không? Trong khi chờ tôi trả lời, bà cụ nói ngay: Tôi vái bác sĩ đi thi… rớt cho bà con nhờ, và lần này tôi thi rớt thật. Không chỉ vậy, tôi còn nợ ơn thầy, nghĩa bạn rất nhiều. Không gặp được hết mọi người để trả ơn, tôi mang ơn nghĩa đó trả cho bà con nghèo ở đây. Do đó, tôi sẽ còn gắn bó dài lâu với bà con xã đảo nơi đây”, bác sĩ Thanh Trường luôn tâm sự, khi có ai nói về mình.
Một thầy thuốc suốt hơn 25 năm đã gắn bó với xã đảo, gắn bó nơi khó khăn nhất, mà mọi người dân đều cần tới anh. Chân dung đó của một người bác sĩ đã hơn 25 năm vì dân, không bao giờ người dân được quên anh - người đảng viên, bác sĩ Luân Thanh Trường. Do những cống hiến đó, năm 2015 bác sĩ Thanh Trường được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tuyên dương là cá nhân xuất sắc trong học và làm theo Bác trên địa bàn toàn thành phố. Cùng với đó Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì những đóng góp xuất sắc của bác sĩ Luân Thanh Trường.
Phạm Bá Nhiễu