Viết với cả tấm lòng

Bạn tôi đã nêu một vấn đề thú vị về nghề nghiệp.

Tôi nghĩ, đối với người cầm bút có lương tâm, có trách nhiệm, thật ra không chủ đề nào khó hơn hoặc dễ hơn chủ đề nào. Chủ đề nào cũng đòi hỏi người viết dùng hết tài năng, sở trường và đặt cả tâm hồn vào tác phẩm thì mới đạt được yêu cầu đúng, hay, bổ ích và hấp dẫn. Ai cũng biết viết một bài báo, trước hết nội dung phải đúng, có ích. Nhưng nếu thiếu tính hấp dẫn, không cuốn hút được người đọc thì hiệu quả sẽ giảm, thậm chí không có hiệu quả. Vì thế mới có chuyện tìm kiếm và lựa chọn chủ đề.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đương nhiên người cầm bút có quyền lựa chọn chủ đề mà mình tâm đắc. Nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp nhà báo phải thực hiện những chủ đề theo yêu cầu của thời cuộc, đáp ứng mục đích, tôn chỉ của tờ báo, đơn giản hơn là làm theo sự phân công của Ban Biên tập. Đứng về góc độ nghề nghiệp, không thể bỏ qua một thực tế là các chủ đề đều khác nhau về tính chất rộng hay hẹp. Nói cách khác là về cấp độ phổ biến của nó. Trong chừng mực nào đó, câu chuyện này cũng tương tự như việc sử dụng ngôn từ. Một từ hoặc một cụm từ có nội hàm càng rộng thì được sử dụng càng nhiều, song tính chuẩn xác của nó lại theo đó mà giảm đi một cách tương ứng. Chủ đề rộng thường được nhiều người viết, mà khi quá nhiều người cùng xông vào một trận địa thì người cầm bút phải thật cao tay, có bản lĩnh, bài viết mới có thể vượt lên trên mức bình bình, đạt yêu cầu vừa đúng vừa hay, được nhiều độc giả quan tâm.


Chủ đề Đảng là một chủ đề rộng. Trong cuộc sống của dân tộc ta, không nơi đâu không có Đảng, không một lĩnh vực nào thiếu vai trò và sự lãnh đạo của Đảng. Viết về một đơn vị tiên tiến, làm sao có thể không đề cập đến hoạt động của đảng bộ, làm sao không nói đến tác động của đường lối, chính sách, tức là sự lãnh đạo của Trung ương? Viết về một anh hùng quân đội, một chiến sĩ thi đua cũng chính là viết về Đảng, bởi không có sự lãnh đạo của Đảng làm sao dấy lên phong trào thi đua yêu nước, làm sao có các chiến sĩ thi đua? Những đề tài ấy không đề cập trực tiếp đến vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí có khi không thấy một câu, một chữ nào nhắc đến Đảng, song nếu ta viết cho hay, cho đúng, cho truyền cảm thì người đọc vẫn thấy có Đảng ở bên trong. Như vậy, viết bất cứ chủ đề gì người viết cũng có thể nói rất hay về Đảng. Mặt khác lại phải dè chừng: Chủ đề về Đảng quá rộng cho nên khó viết, nếu non tay dễ làm cho người đọc cảm thấy tác giả hiểu không sâu, sức truyền cảm của tác phẩm bị hạn chế.

Chủ đề Đảng lại là một chủ đề hẹp. Nhất là khi ta đi vào nội dung tư tưởng và tổ chức, vào công tác xây dựng Đảng, một lĩnh vực mà không phải người cầm bút nào cũng am tường. Trong Đảng có nhiều đảng viên lâu năm, tháng nào cũng sinh hoạt đảng, ấy thế mà mỗi lần bầu cử lại phải trao đổi và thống nhất về quy chế, thủ tục tiến hành. Đơn cử một vài thí dụ như trên để thấy đây là một vấn đề đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, tay nghề vững chắc. Nói cách khác, người viết về chủ đề xây dựng Đảng phải chuyên đến một mức độ nào đó thì bài viết mới đứng được và theo lẽ thường phải nhuần nhuyễn vấn đề mình thực hiện mới mong có tác phẩm hay.

Suy nghĩ về cái rộng, cái hẹp như trên thật ra chưa đi vào thực chất của vấn đề. Đúng là làm việc gì cũng phải tính đến những điều kiện. Song, có khi tưởng mình đã hội đủ bao nhiêu điều kiện, bài viết đúng rồi, sao vẫn chưa hay, chưa đi vào lòng người đọc - nhất là khi trực tiếp viết về chủ đề Đảng Cộng sản quang vinh?

Chợt nhớ một câu vốn là sáng tác của Lu-i A-ra-gông, nhà thơ cộng sản Pháp đã được chuyển sang Việt ngữ rất tài tình:“Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”. Câu thơ sao giản dị, thấm sâu vào lòng của bao nhiêu thế hệ đến thế. Hoặc như lời một nhà văn nước ngoài trả lời phỏng vấn báo chí trong bối cảnh “bức tường Béc-lin” vừa sụp đổ năm 1989: “Vâng, Đảng của tôi có nhiều khiếm khuyết, nhiều bất cập, thậm chí sai lầm - và tôi rất buồn về những chuyện ấy - nhưng tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện xin ra khỏi Đảng, bởi vì ngoài Đảng Cộng sản không có một tổ chức nào khác có thể đưa dân tộc tôi đến tự do, hạnh phúc”.

Lời nói chân thành và có sức truyền cảm xiết bao. Cũng như khi Tố Hữu thốt lên: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”, nhà thơ thương mến của chúng ta nào có biện luận gì đâu. Những câu văn, ý thơ được thốt ra từ tấm lòng thành đối với Đảng đã và sẽ còn tác động đến tấm lòng của muôn người đọc, người nghe. Lòng mình có rung động thật sự thì mới hy vọng lan truyền được làn sóng trong lòng mình sang lòng những người khác.

Chắc có bạn sẽ bảo: “Đó là nói về văn học, nghệ thuật. Nghề báo là nghề thường được coi là nghiêng về tư duy luận lý, cũng vậy sao?”

Xin thưa: Đúng như vậy.

Xét đến cùng, dù là thơ, là văn, là báo hay là văn hóa - nghệ thuật gì đi nữa, dù văn hay chữ tốt đến mấy, dù tác phẩm của anh dùng nhiều tiểu xảo và sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại nhất, khi viết về Đảng, nếu người thực hiện muốn truyền cảm đến công chúng, thì đi đôi với một số điều kiện không thể thiếu như tài năng chẳng hạn, người cầm bút trước hết phải có tấm lòng. Báo chí ta từ trước đến nay có biết bao nhiêu bài viết về Đảng, rất nhiều bài đã đứng vững với thời gian. Tuy nhiên, phải chăng tỷ lệ những bài thật hay so với tổng số những bài viết về chủ đề Đảng chưa có nhiều như mong muốn? Nếu có tình trạng này thì nguyên nhân chủ yếu - theo tôi - là do các bài viết chưa được đậm đà, tấm lòng của người cầm bút khi viết về Đảng chưa thật sâu nặng lắm.

Viết về chủ đề Đảng, mà trong lòng người viết thiếu rung cảm thì khó thành công hơn so với viết về bất cứ chủ đề nào khác. Ở đây cần nhấn mạnh chữ “tâm”:“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất