Gặp gỡ “chiến sỹ áo trắng” nơi tâm dịch



Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Với 20 năm trong nghề, 15 năm công tác tại Khoa Hồi sức, 5 năm tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, bác sỹ Cường luôn làm tốt nhiệm vụ của một bác sỹ, vai trò trách nhiệm của một lãnh đạo khoa và trách nhiệm của một Phó Bí thư Chi bộ. Nhưng với anh, có lẽ nhiệm vụ tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua là nhiệm vụ khó có thể quên trong sự nghiệp cứu người của mình.

Bác sỹ Cường chia sẻ: Ban đầu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, anh được Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện điều động, phân công hỗ trợ thêm cho Vùng đệm Khoa cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất. Giữa tháng 8-2021, Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng Tân Bình được thành lập, anh Cường nhận nhiệm vụ phụ trách Khu bệnh nặng.

Ban đầu Bệnh viện Thống Nhất phụ trách 150 giường bệnh nặng và 50 giường bệnh hồi sức, thực tế bệnh nhân rất đông, chỉ trong hai tuần lễ đầu gần như kín tất cả các giường bệnh. Lúc ấy, nguồn nhân lực thiếu rất nhiều. Mỗi ca trực chỉ có 4 điều dưỡng chăm sóc trên 100 bệnh nhân khiến áp lực công việc vô cùng lớn. Vì vậy, đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, điều dưỡng, kể cả lãnh đạo khoa đều phải tham gia điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ trong Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng Tân Bình hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân F0, dù đã được tập huấn khá kỹ về công tác bảo hộ cá nhân nhưng việc lây nhiễm không tránh được. Bởi thế, các bác sỹ ngoài hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn còn phải hết sức chú ý bảo đảm an toàn không để mình bị lây bệnh, tránh hao hụt lực lượng y tế. Khó khăn, vất vả, áp lực lớn như vậy, nhưng bằng quyết tâm cao, với tinh thần “tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, vượt qua những khó khăn ban đầu, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên của Bệnh viện đã nỗ lực hết mình, thực hiện tốt công tác điều trị, đồng thời là chỗ dựa tinh thần lớn cho bệnh nhân khi bên cạnh họ không có người thân chăm sóc.

“Với quan điểm vì nhân dân phục vụ, vì sự sống của bệnh nhân, chúng tôi đã nỗ lực gấp nhiều lần, đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi luôn chủ động, tiên phong đi trước trong tất cả các công việc chuyên môn; đồng thời thường xuyên động viên tinh thần đồng nghiệp trong khoa, phát huy sức mạnh tập thể, chung sức, đồng lòng cùng các cấp, các ngành của Thành phố đẩy lùi dịch bệnh”, bác sỹ Cường tâm sự.

Nhớ lại thời điểm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng đông, áp lực đè nặng lên đội ngũ nhân viên y tế không thể nào diễn tả được, bác sỹ Cường trầm tư: Có lẽ không y, bác sỹ nào muốn nhắc lại những ký ức về thời điểm khi mà người dân đa phần chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, mức độ diễn tiến nặng do COVID-19 gây ra rất nhanh, trầm trọng, số lượng bệnh nhân nhập viện trở nặng tăng, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn ở mức cao. Các bác sỹ phải chứng kiến cảnh bệnh nhân rời khỏi tầm tay của mình... Đó là những điều thực sự đau xót với chúng tôi. Là người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng tôi vẫn cảm thấy thực sự “sốc”. Bởi vậy, một số bác sỹ, nhân viên y tế trẻ thời điểm đó cảm thấy áp lực quá lớn cũng là điều dễ hiểu. Khi công việc cuốn đi thì không ai nghĩ đến, nhưng lúc trở về, những ám ảnh, nghĩ suy, day dứt làm nhiều người bỏ ăn, mất ngủ…

Những lúc như vậy, bác sỹ Cường không chỉ đặt mình ở cương vị Lãnh đạo Khoa. Anh luôn xác định mình là đảng viên, phải tiên phong, gương mẫu; là người anh, là đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm để động viên, trấn an những nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia thực hiện nhiệm vụ. “Tôi vẫn nói với các em rằng: Trong cuộc đời, khi chúng ta đứng ở vị trí này, không ai mong muốn phải chứng kiến dịch bệnh thêm lần nào nữa, cũng không muốn con cháu chúng ta phải chứng kiến những điều tương tự. Bởi vậy, mỗi người trên cương vị công tác của mình, hãy nỗ lực góp sức cùng cả hệ thống chấm dứt dịch bệnh này. Hằng ngày phải chứng kiến những cuộc “ra đi” không mong muốn, tôi luôn tự nhủ bản thân phải đứng trên góc độ là nhân viên y tế, gạt đi nỗi đau để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân tử vong, từ đó chia sẻ và rút kinh nghiệm với đồng nghiệp, người thân để điều đó không xảy ra với người bệnh thứ hai, thứ ba… Mỗi bệnh nhân tử vong là một bài học suốt đời cho mình, bởi vậy mỗi người cần phải vượt qua những ám ảnh, tâm trạng để nỗ lực nhiều hơn trong công tác điều trị cho bệnh nhân”, Bác sỹ Cường chia sẻ thêm.

Gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện, ai cũng cho rằng chính sự quan tâm, động viên kịp thời của bác sỹ Cường đã giúp tinh thần của các y, bác sỹ trẻ, các tình nguyện viên được tốt hơn, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả hơn. Nhiều nhân viên y tế đã bỏ cả thời gian nghỉ của mình để nói chuyện, chia sẻ, chăm sóc bệnh nhân… Những việc làm tốt, hiệu quả cứ thế nhân lên mỗi ngày. Có thể thấy, trong thời khắc sinh tử, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, chúng ta càng nhận ra ý nghĩa, giá trị của sự cho đi, của tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Hình ảnh những bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, nhất là những bệnh nhân đã từng chuyển biến nặng vui mừng trong ngày xuất viện, trở về sum họp bên gia đình và người thân; những cái bắt tay, những lời cảm ơn đội ngũ y, bác sỹ điều trị là nguồn động viên vô cùng to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu tiếp tục hành trình giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, anh cho biết: Trong 20 năm công tác, dù đã nhiều lần trực tiếp ký giấy đủ điều kiện xuất viện cho nhiều bệnh nhân, nhưng hình ảnh cụ ông trên 90 tuổi bị nhiễm COVID-19 nhập viện điều trị và tiên lượng chuyển biến nặng đã vượt qua “cửa tử” như một kỳ tích, cùng với những nỗ lực của các bác sỹ và các chuyên gia khiến tôi không thể nào quên. Hình ảnh bệnh nhân và người nhà vui mừng khi gặp lại nhau sau 14 ngày điều trị trong khu vực cách ly đem lại cho tôi và những đồng nghiệp nhiều cảm xúc không thể nào quên.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, ở cương vị Phó Bí thư Chi bộ Khoa Hô Hấp - Ung bướu - Lọc thận, bác sỹ Cường luôn hoàn thành tốt vai trò của mình. Đồng chí khẳng định: Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cấp ủy luôn quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đảng viên trong Chi bộ; triển khai đầy đủ các nội dung, kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng… Đặc biệt, trong quá trình tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng Tân Bình, Chi bộ luôn chú trọng giao việc cho đảng viên dìu dắt quần chúng ưu tú nhằm tạo môi trường rèn luyện, từ đó giới thiệu nguồn cho Chi bộ xem xét, kết nạp.

Thời gian qua, Chi bộ Khoa đã kết nạp được 3 đảng viên. Đây là những đảng viên được rèn luyện, trưởng thành trước và trong quá trình tham gia công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương cho nhiều người khác noi theo. Qua đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các đảng viên trong Chi bộ cũng được thể hiện rõ nét hơn. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

May mắn có một hậu phương vững chắc

Mạnh mẽ trên tuyến đầu chống dịch là thế, nhưng khi nói về gia đình, anh Cường vẫn trào dâng những nỗi niềm khó tả. Anh chia sẻ: Thời điểm năm 2019 khi dịch bệnh vừa diễn ra, do yêu cầu công việc, anh và nhiều đồng nghiệp trong các khoa, phòng đã xung phong tình nguyện tham gia vào công tác phòng, chống dịch, luôn sẵn sàng lên đường khi Đảng ủy, Ban Giám đốc có lệnh. “Ngay từ đầu tôi đã xác định rõ tôi sẽ tham gia, đóng góp sức mình theo khả năng cao nhất có thể. Chúng tôi hiểu, các y, bác sỹ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các F0, dù được tập huấn và bảo vệ kỹ lưỡng, việc có thể lây nhiễm là điều không ai lường trước được. Do vậy, ngoài việc phải xác định sẵn sàng tâm lý, tôi đã nói với gia đình, vợ con để mọi người hiểu, chia sẻ và ủng hộ. Trong mọi hoàn cảnh đều phải lạc quan, tự tin để vượt qua. Sự quyết tâm đó của tôi nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của gia đình”, anh Cường bộc bạch.

Sau những câu chuyện nghề, nghĩ về gia đình, bác sỹ Cường vẫn không giấu được những xúc động. “Tuy làm cách nhà không xa nhưng vì nhiệm vụ, cũng là vì sự an toàn của những người thân nên tôi và hầu hết đồng nghiệp đều phải xa người thân trong một thời gian khá dài. Hiện nay dù chúng ta đã thích ứng với trạng thái “bình thường mới” nhưng do yêu cầu của công việc, đa số chúng tôi vẫn nhờ đến sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để liên hệ với gia đình. Những cuộc gọi video call, những tin nhắn chúc mừng vào dịp Giáng sinh, sinh nhật người thân…, thậm chí những lời trách nhẹ của các con rằng sao bình thường rồi mà ba vẫn chưa về nhà… chính là động lực vô cùng to lớn để chúng tôi nỗ lực nhiều hơn, chung sức vì cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. May mắn tôi luôn nhận được sự chia sẻ, động viên từ bà xã, các con và gia đình. 

“Có lẽ không chỉ riêng tôi mà đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, tình nguyện viên và nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đều mong bệnh viện dã chiến sớm giải thể, bác sỹ trên mặt trận phòng, chống COVID-19 sẽ “thất nghiệp”. Như vậy có nghĩa là dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát và cuộc sống của người dân trở lại nhịp sống vốn có. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, mỗi người cần phải thích ứng với trạng thái bình thường mới, có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Khi đã khoác lên mình chiếc bluse trắng, nếu được lựa chọn lại, chúng tôi vẫn lựa chọn được cống hiến, đóp góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19”.

Chia tay người bác sỹ kiên cường giữa tâm dịch, tôi càng thấu hiểu hơn những giá trị của cuộc sống, sự cho đi và nhận lại, bởi lẽ hơn ai hết những chiến sỹ áo trắng nói chung, bác sỹ Cường nói riêng đều hiểu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất