|
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh bên sáng chế máy tách sợi chuối (Ảnh: TL).
|
Nhà sáng chế của nông dân
10 năm kể từ khi quyết định trở về quê nhà huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) lập nghiệp, anh Hồ Xuân Vinh không thể nhớ hết các giải thưởng mà các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành tặng cho mình. Nhưng có một giải thưởng mà anh luôn tự hào, đó là khi người nông dân gọi anh là “Nhà sáng chế của nông dân”. Thực ra ý tưởng “Ly nông, không ly hương” được anh Vinh mong ước thực hiện từ khi còn ngồi trên giảng đường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh luôn tin rằng, tuổi trẻ với khả năng sáng tạo, với tri thức được cung cấp trong nhà trường cũng như quá trình không ngừng học hỏi sẽ giúp anh có thể trở về quê hương giúp bà con làm nông nghiệp công nghệ cao. Ước mơ ấy dần thành hiện thực khi anh từ chối công việc lương cao trong Tập đoàn Viễn thông công nghiệp Viettel để về quê sáng chế máy đúc gạch không nung vào năm 2012.
Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020”. Tuy nhiên, thực tế lúc bấy giờ, các lò gạch truyền thống vẫn đang hoạt động mạnh, gây tác hại rất lớn cho môi trường; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, than đá, củi gỗ tiêu thụ nhiều, hàng triệu tấn khí CO2 thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính. Điều này khiến anh trăn trở rất nhiều và quyết định bước chân vào ngành chế tạo dây chuyền đúc gạch không nung để thay thế cho gạch nung truyền thống. Hàng loạt yêu cầu đặt ra đòi hỏi các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế các gia đình làm gạch, làm sao vật liệu phải phổ biến, giá rẻ và tái chế được; quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng than đá, củi đốt, không xả thải khí độc ra môi trường. Bằng sự kiên trì, sáng tạo, anh đã giải được “bài toán khó” này khi dùng bụi đá do các công ty khai thác đá thải ra để sản xuất gạch không nung.
Từ thành công bước đầu, anh tiếp tục thiết kế, sản xuất nhiều dòng máy cải tiến, như: Máy gạch Terrazzo mâm xoay, máy gạch Leho từ đất đồi, máy cấp vật liệu sản xuất gạch sinh thái tự chèn, máy bẻ đai thép để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã chọn Hồ Xuân Vinh làm Chủ nhiệm Dự án sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Dự án sử dụng các sáng chế máy đúc gạch không nung thay thế cho các lò gạch thủ công đã có kết quả vượt các chỉ tiêu đề ra. Trong một năm thực hiện, Dự án đã cung cấp ra thị trường 520 bộ máy, giảm được 418,6 nghìn tấn khí thải CO2 ra môi trường, giảm được 1,092 triệu m3 đất sét để làm gạch nung. Hiện nay, Công ty của anh đã bán ra thị trường hàng vạn dây chuyền sản xuất gạch không nung, trong đó ở thị trường Việt Nam là khoảng 3.000 dây chuyền (giải quyết công việc cho khoảng 20.000 lao động), sản xuất 6 tỷ viên gạch mỗi năm, chiếm 35% sản lượng gạch không nung trên toàn quốc.
Cuộc “chạm ngõ” đầu tiên với công việc sáng chế đạt thành công vượt xa mong đợi đã giúp anh tự tin sáng chế tiếp hơn 30 sản phẩm, được anh đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ, nhiều sáng chế được cấp bằng độc quyền, đem lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng rộng rãi không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu qua nhiều quốc gia khác như Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Ăng-gô-la, Cu-ba… Sinh ra trên mảnh đất được xem là vựa rau, quả của tỉnh Nghệ An, Hồ Xuân Vinh nhận thấy bà con nông dân khi trồng dứa, trồng chuối luôn phải bỏ đi rất nhiều thân, lá. Ví như cây dứa, qua 18 tháng chăm bón chỉ thu hoạch quả, còn lá và thân cây trở thành phế phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí lớn. Sau quá trình nghiên cứu, anh nhận thấy các loại lá dứa, thân chuối là những nguồn nguyên liệu đầu vào có thể tách sợi và ứng dụng vào cuộc sống. Từ đó, anh tập trung nghiên cứu các dây chuyền máy móc chế biến sợi chuối, sợi dứa và đã sáng chế ra máy xẻ thân cây chuối, máy tách sợi dứa, máy tách sợi chuối tự động. Đây là dự án khởi đầu cho việc phát triển một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam là ngành chế biến sợi chuối để làm đồ thủ công mỹ nghệ, thời trang, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn.
Đặc biệt, trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhận thấy tình trạng khan hiếm máy thở và máy trợ thở, Hồ Xuân Vinh đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế ra máy trợ thở xách tay. Máy có thể điều chỉnh được lưu lượng, nhiệt độ, độ ẩm luồng khí dương liên tục, giúp cho người bệnh nhẹ có được hơi thở ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, không còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Sáng chế có thể dùng điện lưới hoặc dùng pin, có tính năng di động, xách tay được, giúp người dùng dễ dàng mang theo mọi nơi, mọi lúc. Đây là sản phẩm được nghiên cứu, sáng chế hoàn toàn mới tại Việt Nam, có tính tiên phong, góp phần vào công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19 của nước ta.
Thanh niên phải có khát vọng vươn lên
Hồ Xuân Vinh luôn đau đáu việc thanh niên nông thôn ra thành phố học tập rồi tìm cách bám trụ ở nơi “đất chật người đông” mà quên đi rằng, nông thôn chính là mảnh đất màu mỡ để người trẻ thể hiện khát khao sáng tạo của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp. “Hiện nay ở các vùng nông thôn, đa phần người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ bởi tư duy cố hữu từ nền nông nghiệp truyền thống. Những người trẻ được học đại học lại cố ở lại thành phố mưu sinh, còn những người trẻ không được học đại học lại có xu hướng đi xuất khẩu lao động. Hơn lúc nào hết, vùng nông thôn cần bàn tay, khối óc của những người trẻ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tôi nghĩ rằng, mỗi người nên có trách nhiệm trong việc góp phần vào sự phát triển của địa phương mình. Sống không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh và cộng đồng”, anh khẳng định.
Khi được hỏi về anh Hồ Xuân Vinh, đồng chí Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An hồ hởi cho biết: “Những sáng chế của anh Hồ Xuân Vinh đều rất thiết thực, có ý nghĩa với đời sống sản xuất của người nông dân. Những máy móc cùng dây chuyền thiết bị công nghệ mà anh Vinh tạo ra đã giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất, giảm sức lao động, đồng thời rất thân thiện với môi trường. Trong đó có những sản phẩm anh tạo ra đã tận dụng phế phẩm mà lâu nay chúng ta bỏ đi, rất lãng phí. Sở Khoa học và Công nghệ luôn đồng hành cùng các nhà sáng chế trong việc sản xuất, quảng bá sản phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã giúp đỡ, động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để anh Vinh tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và các hội chợ, triển lãm để sản phẩm do anh sáng chế “vươn” xa hơn”.
Đồng chí Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu khẳng định, anh Hồ Xuân Vinh là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp của huyện Quỳnh Lưu nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Anh Vinh đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên nông thôn bám trụ và làm giàu trên quê hương bằng những phương thức sinh kế đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều thanh niên có công ăn việc làm ổn định ngay tại công ty của mình. Trong các hoạt động đoàn, với tư cách là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Quỳnh Lưu, anh Vinh đã nhiệt tình kết nối, xông xáo, trách nhiệm, góp phần tạo nên một tổ chức thanh niên xung kích, sáng tạo và dấn thân tại địa phương.
Trao đổi cùng phóng viên nhân dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, anh Hồ Xuân Vinh cho rằng, trong 12 tiêu chí thanh niên thế hệ mới mà Đại hội hướng tới thì tiêu chí “khát vọng vươn lên” và “sáng tạo không ngừng” là điều bản thân anh luôn coi là kim chỉ nam soi đường trong mọi hoàn cảnh để khẳng định mình và góp một phần công sức giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. “Thanh niên là lực lượng xung kích, phải có khát vọng vươn lên trong các hoạt động phong trào cũng như trong phát triển kinh tế” - anh tâm đắc.
Dấn thân vào con đường chông gai
Những ngày lập nghiệp ở quê nhà, Hồ Xuân Vinh tham gia nhiều hoạt động phong trào đoàn tại địa phương rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2015. Thời điểm đó, cán bộ, công nhân của Công ty anh cũng có nhiều người là đảng viên nhưng đang sinh hoạt mỗi người một nơi. Vì thế, Ban lãnh đạo Công ty đã đề nghị với đảng ủy cấp trên cho thành lập một chi bộ tại Công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên sinh hoạt, giúp cán bộ, công nhân yên tâm làm việc. Chi bộ Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu ra đời với 10 đảng viên và anh Hồ Xuân Vinh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ. Cùng với sự lớn mạnh trong kinh doanh, Lãnh đạo Công ty rất chú trọng đến việc xây dựng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh. Anh Vinh tâm niệm: “Phát triển tổ chức đảng trong công ty tư nhân mang lại sự tin cậy hơn cho đối tác, khách hàng. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người lao động là đảng viên sẽ phát huy tính tiên phong, gương mẫu, năng động, giúp Công ty ngày càng phát triển, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất - kinh doanh”.
Là tác giả của hơn 30 sáng chế nhưng anh Hồ Xuân Vinh không hề thỏa mãn với những gì mình đã làm được. Anh bảo, người nông dân hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đòi hỏi những nhà sáng chế như anh phải không ngừng mày mò, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm hữu ích hơn nữa mà giá thành ngày càng rẻ. “Khi chọn con đường sáng tạo khoa học - kỹ thuật, tôi đã hiểu đó là một con đường đầy chông gai, thách thức. Bởi thời gian cho ra kết quả thường rất dài, tính bằng nhiều năm và chưa chắc đã thành công trong việc thương mại hóa. Tuy nhiên, nếu biết lắng nghe cuộc sống thì sẽ luôn là người tiên phong trên con đường sáng tạo. Khoa học - kỹ thuật là để phục vụ cuộc sống, đặc biệt là với người nông dân, việc cơ giới hóa sẽ giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ các sáng chế, tôi muốn góp sức mình để giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giúp nhiều thanh niên không còn cảnh ly hương làm ăn xa, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó cũng là mục đích của tôi khi về quê lập nghiệp”, anh chia sẻ.
Không chỉ có nhiều sáng chế vì cộng đồng, anh Hồ Xuân Vinh còn tập hợp thanh niên cùng chung lý tưởng, chí hướng trên địa bàn huyện giúp nhau phát triển kinh tế. Từ khi thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Quỳnh Lưu, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo thanh niên nông thôn tham gia. Ngoài ra, anh Vinh cũng rất chú trọng tham gia công tác xã hội tại địa phương. Hằng năm, Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu đều ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, ủng hộ các hoạt động vì người nghèo, hỗ trợ các gia đình chính sách tại quê nhà. Với hiệu quả kinh tế và giá trị mang lại cho cộng đồng (hiện Công ty đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người), Công ty đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngô Khiêm