Cuối tháng 7-2020, tôi được đến với huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và tình cờ gặp Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ Nguyễn Đình Nghị. Được nghe đồng chí kể về những thời khắc “giằng co” với bão, một cuộc “giằng co” vô cùng khốc liệt khi mà ranh giới giữa sự sống với cái chết quá đỗi mong manh thì mới thấy công việc của người làm khí tượng hải văn ngoài đảo nguy hiểm nhường nào.
“Đâu cần thanh niên có…”
“Mới đó mà đã 16 năm”, đồng chí Nguyễn Đình Nghị bắt đầu câu chuyện với tôi như thế khi được hỏi về những ngày đầu tiên đặt chân đến đảo. Đó là một ngày biển động của năm 2004, và cũng là thời điểm huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập sau nhiều năm là một phần của mảnh đất Vĩnh Linh. Ngày đó phương tiện đi lại còn thô sơ, đồng chí phải đợi ở Cửa Tùng đến mươi ngày, đợi sóng yên ả mới có tàu cá của bà con qua để đi nhờ. Khoảng cách chỉ 15 hải lý nhưng con tàu lênh đênh trên biển đến 3 giờ đồng hồ, những con sóng xô đập vào tàu, bắn tung tóe khiến đồng chí ướt hết người.
Mặc dù đã được cấp trên làm công tác tư tưởng, thế nhưng đồng chí cũng không thể hình dung được hòn đảo này lại hoang sơ đến vậy. Đường sá, các cơ sở hạ tầng còn rất thô sơ, trụ sở làm việc là những nhà cấp 4 lụp xụp, xuống cấp. Cây cối mọc um tùm lấn vào cả nhà. Trên đảo không có điện, không có sóng điện thoại, thiếu nước ngọt và lương thực, thực phẩm. Mọi thứ sử dụng đều hết sức tiết kiệm. Ánh sáng hiếm hoi của buổi tối được phát ra từ chiếc đèn ắc quy mà đến giờ làm việc mới được phép bật lên, trong khi dây điện phải chắp nối chằng chịt. Mỗi ngày đồng chí chỉ có 2 bữa, bữa sáng vào lúc 8 giờ, bữa chiều ăn lúc 4 giờ để tranh thủ lúc trời còn sáng.
Đồng chí Nguyễn Đình Nghị, Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ lặng thầm với công việc “đếm gió, đo mưa, đón bão”.
“Ngày ấy việc quan trắc được thực hiện hoàn toàn thủ công, thông tin quan trắc được chuyển về bằng máy I-com, với những dãy số mã hóa khí tượng hải văn. Các thiết bị máy móc đều chạy bằng ắc-quy và pin mặt trời. Máy nổ chỉ được phép dùng trong những ngày mưa bão. Nhưng tất cả những khó khăn ấy đều không “đáng sợ” bằng việc thiếu hơi ấm của người đất liền ra. Thế rồi, mọi thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần cũng qua đi, lấy tiếng sóng thay tiếng người, 4 anh em ở Trạm động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, đồng chí Nguyễn Đình Nghị nhớ lại.
Chia sẻ động lực để vững tin ở lại và gắn bó đến giờ, đồng chí bảo, bản thân luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”. Đã là thanh niên thì phải sống có lý tưởng, hoài bão, không thể có khó khăn là chùn bước. Đó là thể hiện tình yêu nghề tha thiết, sự trách nhiệm lớn lao với công việc đem lại bình yên cho người dân trên đảo cũng như trong đất liền. Đồng chí đã vô cùng hạnh phúc mỗi khi gặp cán bộ, chiến sĩ, người dân đều có câu cửa miệng: “Hôm nay thời tiết thế nào?”.
“Tranh đấu”, “giằng co” với bão
Những người làm công tác khí tượng hải văn đâu chỉ có khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà còn đầy rẫy những hiểm nguy rình rập. Đó là vào những ngày từ tháng 8 đến tháng 12, khi những mưa bão ngoài biển Đông ầm ầm kéo đến. Nếu như những ngày biển lặng, đồng chí Nguyễn Đình Nghị và các đồng nghiệp chỉ phải quan trắc 4 obs/ngày (ốp quan trắc) thì khi bão có nguy cơ ảnh hưởng, các anh phải ngày đêm thay nhau trực TYPH (mã bảng tin quan trắc bão) với tần suất 30 phút/ lần cho đến khi bão tan. Nếu như những ngành, nghề khác thì khi gió bão người ta sẽ tìm chỗ trú ẩn an toàn còn các đồng chí thì đấy lại là thời khắc phải “tranh đấu”, “giằng co” với cơn bão để hoàn thành nhiệm vụ.
Trên gương mặt cháy sạm, đồng chí vẫn không thể quên được những giây phút “nhớ đời” mà bản thân và các đồng nghiệp đã trải qua. Thời điểm trước năm 2018, khi Trạm còn ở nhà cấp 4 thì mỗi trận bão đi qua đều khiến cán bộ, nhân viên “thót tim”. Năm 2007, có trận bão gió to cộng với mưa ầm ập, xối xả có những lúc tưởng chừng như sắp bay mất cánh cửa. Lúc đó ai cũng nhận thức được rằng nếu bay mất cửa thì không những thiết bị máy móc bị hỏng hóc, cuốn trôi mà tính mạng con người cũng khó có thể bảo đảm vậy nên bằng mọi giá các đồng chí phải giữ được cửa. Các đồng chí chia nhau mỗi người một việc, 2 người lấy bàn ghế, dây rợ chèn/buộc để giữ cửa, còn một người tiếp tục quan trắc, một người truyền số liệu về Trung tâm. Thế rồi hình như cơn bão cũng chịu “khuất phục” trước sự kiên cường của những người “chiến sĩ”.
Một cơn bão nữa mà các đồng chí phải đối mặt trong giây phút sinh tử là bão Doksuri vào năm 2017. Năm ấy, xấp xỉ siêu bão, tiếng gió thét ào ào như dòng thác lũ ngoài cửa, và đây là một trong những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến đảo. Các đồng chí đã phải cố thủ trong phòng để bảo vệ tính mạng. “Khi ấy cấp trên đã ra lệnh cho chúng tôi: “Phải đặt an toàn tính mạng lên hàng đầu”. Thế nhưng cứ nghĩ đến việc những số liệu mình gửi về sẽ giảm thiệt hại tối thiểu cho bà con ngư dân và nhân dân nên chúng tôi vẫn bảo đảm “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo tính mạng, vừa tiến hành khoan trắc trong nhà. Khi gió giảm, an toàn hơn, chúng tôi ngay lập tức ra kiểm tra máy móc, khắc phục hư hỏng, tiếp tục công việc quan trắc, đo đạc… để kịp thời cung cấp số liệu quan trọng vào bờ”, đồng chí Nguyễn Đình Nghị bồi hồi kể lại.
Đồng chí Nguyễn Đình Nghị.
Luôn gương mẫu, đi đầuSau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực, ngày 26-7-2011, đồng chí Nguyễn Đình Nghị được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị. Với vai trò là một người đảng viên, đồng chí luôn quyết tâm nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn mà cơ quan giao phó. Do đặc thù về khoảng cách địa lý, vào mùa khô, đồng chí sinh hoạt đảng tập trung (sinh hoạt chuyên đề) 1 lần/quý, sinh hoạt đảng hằng tháng theo hình thức trực tuyến. Còn vào mùa mưa bão, sinh hoạt đảng hoàn toàn theo hình thức trực tuyến.
Không chỉ nỗ lực trong công tác chuyên môn, đồng chí Nguyễn Đình Nghị còn cùng tập thể cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ chung tay cùng quân và dân trên đảo phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Các đảng viên, đoàn viên của Trạm tình nguyện nhận nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh một đoạn bờ biển dài 2km, thực hiện phong trào thả cá về biển, bảo tồn cua đá, vích để giữ gìn tài nguyên biển. Với tinh thần gương mẫu của người đảng viên, với tình yêu nghề thẳm sâu, với sự kiên gan, bền chí giữa muôn trùng sóng gió, đồng chí Nguyễn Đình Nghị đã cùng các đồng nghiệp ngày ngày lặng thầm “đếm gió, đo mưa, đón bão”…
Đồng chí Nguyễn Đình Nghị đã đón nhiều cái Tết liên tiếp ngoài đảo. Đồng chí rất nhớ người thân, gia đình và cả những câu quan họ đằm thắm, mượt mà nơi quê nhà. Thế nhưng vì nhiệm vụ cấp trên giao phó, sự tin yêu của nhân dân trên đảo, đồng chí bảo mình sẽ kiên quyết bám trụ trên đảo. “Kiên quyết không rời vị trí”, tinh thần, khẩu khí ấy khiến tôi liên tưởng đến tinh thần của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A (1942-2001), người chiến sĩ lưu danh muôn thuở trên đảo nhỏ anh hùng này. Nguyễn Đình Nghị, người đảng viên, “chiến sĩ” trên “mặt trận không khói súng” đã, đang và sẽ tiếp bước thế hệ của người chiến sĩ trên “mặt trận đầy khói súng” Thái Văn A để “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió” như lời ca trong bài hát “Thái Văn A đứng đó” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn An.
Ngô Khiêm