Một ngày đầu năm 2021, chúng tôi có chuyến đi thực tế vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đúng vào thời điểm cơn bão vừa đi qua khiến đường sá, cầu cống hư hỏng nặng. Và khi ấy được gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo và các em học sinh mới thấy được tình người ấm áp nơi đây…
Cô giáo Nga (người đứng thứ 5 từ phải sang) cùng tập thể giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Cao Thị Nga đã có ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm tỉnh Quảng Bình, trong khi các bạn cùng lứa tuổi đều lựa chọn công tác gần nhà thì Nga lại rời quê hương tình nguyện lên huyện vùng cao Nam Trà My dạy học. Vào thời điểm đó, đây là quyết định không mấy dễ dàng gì vì Nam Trà My là huyện miền núi mới được chia tách từ huyện Trà My cũ, lại gặp rất nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, bằng tình yêu thương con trẻ, cô giáo Nga được phân công về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn để công tác.
Những giáo viên cắm bản như cô giáo Nga luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ cơ sở vật chất cho đến điều kiện ăn ở, dạy học còn thiếu thốn, đặc biệt là đường đến trường, lớp phải qua nhiều sông, suối, phần lớn các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ca Dong việc nhận thức sự học cũng còn nhiều hạn chế trong khi phụ huynh lại không mặn mà với những con chữ. Cô Nga tâm sự: “Những tháng ngày khó khăn nhất khi tôi lên nhận công tác nhìn các em đi học còn thiếu thốn đủ thứ, từ dụng cụ học tập, sách vở cho đến quần áo. Thậm chí có em đến lớp còn đói ăn, tôi phải mua đường, sữa, mỳ tôm cho các em ăn vì ở đây đa số là học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em gia đình còn rất nghèo!”.
Dù năm nay mới bước vào tuổi 31, nhưng cô giáo Nga đã có 8 năm tuổi nghề gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Nam Trà My. Ngần đó thời gian cũng là những chuỗi ngày dài với biết bao câu chuyện đầy cảm xúc về các em học sinh dân tộc. Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như chùn bước ấy, nhưng nhờ chính sự hồn nhiên, vô tư của các em và tình cảm chan hòa, gần gũi của mỗi người dân nơi đây đã níu kéo cô gắn bó với nghề. Vì thương các em không có quần áo ấm để mặc trong những ngày rét buốt, cứ mỗi dịp hè được về quê là cô lại quyên góp quần áo cũ để mang lên tặng cho các em học sinh.
Sau hơn 8 năm công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn, cô giáo Nga không thể nhớ nổi hết những ngày cùng Ban Giám hiệu nhà trường xuống tận các thôn, bản để tuyên truyền, vận động các em không bỏ học giữa chừng. Còn trong chuyên môn cô Nga luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy sao cho thật dễ hiểu giúp các em học sinh nắm chắc kiến thức bài vở. Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về, chỉ bảo coi như những đứa em của mình. Trong công việc cũng như trong cuộc sống bản thân cô Nga luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ của người giáo viên, luôn tích cực tham gia trong mọi phong trào hoạt động của nhà trường và công đoàn phát động, đặc biệt là hưởng ứng thực hiện tốt cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phát động.
Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của cô chính là thấy sự trưởng thành của các em học sinh thân yêu của mình. Phát huy tinh thần trách nhiệm của người giáo viên nhân dân, bằng tình thương yêu con trẻ, cô giáo Nga đã gieo vào lòng các em học sinh của mình bằng những tình cảm yêu thương, để mang đến một miềm tin và tri thức cho các em. Đáp lại tình thương yêu của cô giáo dành cho mình, học trò của cô luôn chăm ngoan, học giỏi, luôn có ý thức hơn trong quá trình học tập. Chính từ sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của cô mà các em đều chăm ngoan, lễ phép, đặc biệt là các em luôn yêu con chữ và có ý chí phấn đấu, vươn lên trong quá trình học tập để trở thành những con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Có thể nói rằng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường trong những năm qua, chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn ngày càng được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%, chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Tập thể giáo viên trường luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đựoc giao. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ đáng trân trọng của cô giáo Cao Thị Nga trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Bản thân cô 5 năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua của Trường, là giáo viên giảng dạy giỏi cấp huyện năm học 2017-2018; 2018-2019; 2019-2020. Bản thân cô Nga được vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 2019.
Thầy giáo Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn cho biết: “Cô Nga là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng. Tuy là giáo viên còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lớp do cô Nga chủ nhiệm luôn đạt thành tích cao trong học tập, có nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Ngoài ra cô Nga thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên các giáo viên trẻ mới vào nghề để giúp họ vững vàng hơn về chuyên môn đóng góp vào thành tích chung của nhà trường”.
Dẫu rằng trên con đường chinh phục những đỉnh cao tri thức đối với các em học sinh dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao huyện Nam Trà My vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng dù con đường có chông gai đến đâu, khó khăn thách thức đến nhường nào thì những người giáo viên cắm bản như cô giáo Cao Thị Nga vẫn luôn biết vượt qua mọi khó khăn, thách thức ấy. Bởi đằng sau đó dù còn gặp những khó khăn nhưng cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em.
Trần Cao Anh
Học viện Chính trị khu vực III