Bác Hai Phạm Hùng - Người đứng đầu Chính phủ luôn nói đi đôi với làm

Đồng chí Phạm Hùng (bìa phải) trong lần thăm Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1985. Ảnh: In-tơ-nét.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mười (quê ở Vĩnh Long) nguyên Cục trưởng Cục An ninh, Bộ Công an cho biết đồng chí Phạm Hùng có nhiều năm trực tiếp lãnh đạo lực lượng Công an: Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (cuối năm 1945, đầu năm 1946); Bí thư Xứ ủy lâm thời, kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1946-1951), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) (1980-1986), rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) đã chỉ đạo trực tiếp ngành Công an toàn quốc. Tới đâu ta cũng nghe nói những tâm tình của bác tại cơ quan Bộ Công an hay Sở Công an Nam Bộ, lúc mà bác Hai Phạm Hùng là chỉ huy ngành.


Có lần, sau cuộc họp của Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Vĩnh Long tại TP. Hồ Chí Minh, hỏi Thiếu tướng Nguyễn Văn Mười về chiếc xe mà cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng vẫn hay dùng khi đi công tác. Đồng chí Mười cho biết, tại Khu lưu niệm về cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (tại huyện Long Hồ) có một chiếc xe đang trưng bày rất giản dị, thuộc dòng xe của Liên Xô (cũ) sản xuất từ cuối năm 1960, chiếc xe mang biển số 52C - 3362. Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã không dùng xe đắt tiền của các đời xe nổi tiếng của Nhật, Đức và các nước châu Âu… sản xuất, mà chỉ chiếc xe hãng Vonga sản xuất. Chiếc xe đã chở bác đến làm việc với nhiều tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ để chỉ đạo nhiều vấn đề bức bách, cực kỳ quan trọng của Hội đồng Bộ trưởng trong các năm chuyển từ cơ chế quan liêu, bao cấp bắt đầu manh nha của cơ chế kinh tế thị trường từ thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh những năm 1976-1980 và 1980-1986, rồi chỉ đạo ra toàn Nam Bộ và cả nước. Theo lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Mười thì xe vẫn phục vụ tốt cho từng chuyến đi. Tuyệt đối lúc đó, xe của bác Hai Phạm Hùng đi đến chỗ nào không có xe Công an gác hay xe tiền hô hậu ủng. Trong suốt nhiều năm liền, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thay mặt Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo các tỉnh miền Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chiếc xe này vẫn trung thành với đồng chí đến các điểm cần chỉ đạo. Nhiều quyết sách của Chính phủ đã cùng với các Tỉnh ủy, UBND tỉnh để vực dậy nền kinh tế sau 10 năm đầu giải phóng, còn biết bao khó khăn, trở ngại đã đưa người đứng đầu Chính phủ cùng đến với các chủ trương rất quyết liệt, táo bạo… để cải thiện tình hình.

Đầu năm 1981, có một vụ án rất nghiêm trọng mà bác Hai Phạm Hùng thay mặt Chính phủ đã bóc gỡ từng mảng, chỉ đạo quyết liệt. Trong vụ án này khi ta vừa giải phóng Sài Gòn và miền Nam 6 năm thì những kẻ phản quốc như Lê Quốc Tý, Mai Văn Hạnh cầm đầu “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam” đã tung biệt kích, gián điệp, tiền giả vào nước ta. Chúng dự định cấu kết với bọn phản động trong nước xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng tại chỗ, nhằm các hoạt động gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền từ các tỉnh miền Nam rồi lan ra cả nước. Nói và chỉ đạo làm ngay, khi tình hình bức bách, bác Hai Phạm Hùng đã quyết định thành lập Ban chuyên án đấu tranh suốt hơn 4 năm (1981-1984). Dưới sự chỉ đạo của bác Hai Phạm Hùng, Ban chuyên án Bộ Công an đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ các toán gián điệp, đồng thời bóc gỡ mạng lưới gián điệp của chúng ở nội địa, làm thuê cho chúng, phản bội lại dân tộc.

Ngoài ra, bác Hai Phạm Hùng còn cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và công an các đơn vị địa phương chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân Việt Nam phối hợp với Công an nước bạn Lào ngăn chặn có hiệu quả kế hoạch Z mang tên “Mật kế chiến lược đối với 3 nước Đông Dương” do Võ Đại Tôn chỉ huy; đấu tranh phá tan tành kế hoạch “Đông Tiến” do Hoàng Cơ Minh, một kẻ phản động có máu mặt lúc đó ở hải ngoại về cầm đầu tại miền Nam nước ta.

Nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) từng kể cho chúng tôi nghe, khi thời điểm cả nước thiếu lương thực trầm trọng, nhất là thiếu đói cả 2 miền những năm 1977-1979, bác Hai Phạm Hùng đã chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh và Công ty Lương thực thành phố được cho mỗi ngày hàng đoàn xe tải nặng, khoảng 100 chiếc/ngày có đủ lực lượng Công an và Quân đội mở đầu, khóa mũi đoàn xe đưa lúa gạo mới về được TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để cung ứng cho bà con. Cô Ba Thi kể, với chủ trương cụ thể này, ngoài đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh rất đồng quan điểm, thì cách gợi ý, đề nghị về cách chuyển lúa gạo của đồng chí Phạm Hùng còn có nhiều ý nghĩa khi người đứng đầu Chính phủ ủng hộ hết mình tất cả vì người dân đồng bằng sông Cửu Long không những bán ra được lúa làm ra mà người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ lại có được gạo ăn hằng ngày trong những năm cực kỳ khan hiếm lúa gạo (1976-1985).

Bác Hai Phạm Hùng luôn nghĩ ra những cách để tìm ra cái ăn no đủ cho mọi người dân còn vô vàn khốn khó khi thiếu cái ăn, cái mặc hằng ngày. Kể cả có một việc nhỏ mà các đồng chí an ninh bảo vệ cổng Cơ quan Chính phủ phía Nam (trên góc đường Lê Duẩn - gần Thảo Cầm viên Sài Gòn) kể lại: Mỗi khi từ địa bàn làm việc của Chính phủ với các tỉnh về, nhìn vào suất cơm của anh em bảo vệ cổng, bác Hai Phạm Hùng hỏi sao chỉ ăn có nửa quả trứng và rau, thế trứng vịt, trứng gà cho anh em ăn mà cũng thiếu à? Từ đó bác đã nói thêm với các anh có nhiệm vụ lo nhà bếp, cho đủ mỗi chiến sĩ bảo vệ có đủ thức ăn.

Trong gia đình, bác Hai Phạm Hùng là người chu toàn khi chăm sóc người vợ hiền đảm đang, dù khi đó cụ bà đang bị di chứng đi lại khó khăn. Trong căn nhà nhỏ gọn của Nhà nước dùng cho người đứng đầu Chính phủ lúc đó không phải nhà mặt tiền, xe hơi của Văn phòng Chính phủ mỗi ngày đưa đón đồng chí ở lại làm việc phía Nam vẫn phải dừng tại đường lớn rồi bác Hai đi bộ vào/ra. Sau này, tôi có lần gặp hỏi chị Phạm Thị Hồng, Đại tá Công an, con gái bác Hai Phạm Hùng, chị Hồng nói nhiều lần Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị đổi nhà cho bác song bác không cho, bác nói cứ để lo cho các cán bộ còn khó khăn về nhà cửa trước đi đã…

Hơn 10 năm trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác Hai Phạm Hùng đã cùng Trung ương và Chính phủ chỉ đạo bóc nối hàng loạt vấn đề liên quan tình hình an ninh, chính trị của đất nước, giữ cuộc sống yên lành cho người nông dân cả nước, trong đó có nông dân Nam bộ. Suốt hơn 10 năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, để tạo nên đà gần gũi giữa các nước anh em, để kết nối với quốc tế đưa những thế mạnh nông nghiệp đất nước vươn xa, vươn cao như ngày nay, ngay từ những năm giữa thập kỷ 80, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ Phạm Hùng đã chuẩn bị sẵn những dự tính, bước đi lớn của nền nông nghiệp nước nhà.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh bác Hai Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long với những phẩm chất cao quý: Đó là ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn. Đó là phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”. Đó là tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thủy chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất