Nghệ An chăm lo công tác thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc, tháng 1-1967.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lực lượng thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Người luôn khẳng định tiềm năng, vai trò, vị trí to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Ngay từ khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, Người đã nêu tư tưởng: Thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Vào những năm đầu khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển và toàn diện. Người ví tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội(2). Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, cô độc đối với thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh họ, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Người nói: cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực. Trên cơ sở nhìn nhận vai trò quyết định của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc, đất nước, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên. Chính người đã sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước đề ra các chính sách thanh niên phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt là về mặt giáo dục, đào tạo. Công tác thanh niên mà cơ bản là đào tạo, giáo dục, phát huy thanh niên theo Người là quá trình tác động đồng bộ của các chủ thể từ gia đình, đoàn thể, xã hội cho đến các cấp ủy đảng và chính quyền. Người đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(3). Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho Đảng và dân tộc, Bác còn căn dặn việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng ta cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết(4).

Với thanh niên Nghệ An, trong bài nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An (ngày 14-6-1957), Bác nhấn mạnh: “Bây giờ nói về thanh niên, trước hết nói về thanh niển là học sinh. Tỉnh ta có hơn 7 vạn học sinh. Thế là khá... Ngoài ra, chúng ta có 5 vạn cháu bé học vỡ lòng. Đó là phát triển về văn hóa bước đầu. Trong bài nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An (sáng ngày 9-12-1961), Người khẳng định: "Tỉnh ta có hơn 22 vạn thanh niên, mà Đoàn Thanh niên lao động mới có non 1 vạn đoàn viên. Như thế là quá ít. Đoàn cần phải giáo dục và giúp đỡ thanh niên tiến bộ, chọn lọc những thanh niên tốt, hăng hái lao động và học tập, tổ chức họ vào Đoàn để phát triển và củng cố hơn nữa đội ngũ của mình. Trong bài nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ - Tĩnh (ngày 9-12-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ. Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên, không nên công thần, không nên tiêu cực.

Nghệ An chăm lo công tác thanh niên

Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên ở Nghệ An phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị - xã hội trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thế hệ trẻ. Các cấp ủy chỉ đạo tổ chức hơn 3.000 diễn đàn đối thoại với chủ đề “Thanh niên với Đảng, Đảng với thanh niên”; hằng năm tổ chức Chương trình giao lưu “Mùa xuân và Tuổi trẻ” chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, của các vị lãnh tụ, về truyền thống, bản sắc dân tộc, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Công tác giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức; tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên học tập nghị quyết đại hội Đảng các cấp dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tổ chức đoàn triển khai bồi dưỡng 4 bài học lý luận chính trị cho 100% cán bộ, đoàn viên; tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên.

Các cấp ủy đảng, đoàn phát huy tốt vai trò đội ngũ báo cáo viên kịp thời dự báo, nắm bắt, định hướng tư tưởng đoàn viên, thanh niên vươn tới những giá trị cao đẹp chân, thiện, mỹ; cụ thể hóa thông qua nhiều hình thức, nhất là cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới”; xây dựng mạng lưới báo cáo viên hoạt động hiệu quả (với 40 báo cáo viên cấp tỉnh và hơn 742 báo cáo viên cấp huyện), thành lập 1 Câu lạc bộ Lý luận trẻ cấp tỉnh, 30/35 đơn vị cấp huyện và trực thuộc đã thành lập và duy trì có hiệu quả Tổ phản biện dư luận xã hội với hơn 300 thành viên. BTV Tỉnh đoàn duy trì nhóm Cán bộ đoàn tỉnh Nghệ An, chỉ đạo 100% các huyện, thành, thị đoàn, chi đoàn trực thuộc duy trì sử dụng trang facebook riêng để tuyên truyền, định hướng dư luận cho thanh niên, chỉ đạo đoàn xã, chi đoàn trực thuộc lập facebook đăng tải nội dung hoạt động, giao trách nhiệm quản lý, kiểm soát, định hướng thông tin đến cá nhân phụ trách. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo các cấp bộ đoàn triển khai thường xuyên và có hiệu quả, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Đoàn và dân tộc, các sự kiện chính trị, văn hoá của địa phương, đất nước. Hằng năm, cấp ủy chỉ đạo cấp bộ đoàn phối hợp với Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, lực lượng vũ trang tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút hàng trăm nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia, tạo dấu ấn sâu sắc trong xã hội và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03-12-2013 của BTV Tinh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Xây dựng tác phong, lề lối làm việc của người cán bộ Đoàn theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN ngày 17-5-2013 của BTV Trung ương Đoàn về việc “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn” và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Triển khai thực hiện đăng ký “xây dựng hình mẫu thanh niên Nghệ An thời kỳ mới”, đám cưới văn hóa trong thanh niên, xây dựng các mô hình: gia đình trẻ ấm no, tiến bộ, văn minh; mô hình bạn giúp bạn, mô hình tái hòa nhập cộng đồng... Từ năm 2010 đến nay, các cấp bộ đoàn đã phát hiện, bình chọn, biểu dương 1.830 gương đoàn viên, thanh thiếu nhi tiêu biểu, 1.186 thanh niên được tuyên dương làm theo lời Bác, hơn 50 điển hình đạt giải thưởng Lý Tự Trọng cấp tỉnh và cấp trung ương, 250 điển hình thiếu nhi là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Đã xây dựng được 3.564 tủ sách “Bác Hồ với thanh niên” cùng 300.665 đầu sách cung cấp cho đoàn viên thanh niên. Toàn tỉnh đã có hơn 2.200 tin, bài trên báo chí và 15.254 số tin trên mạng xã hội tuyên truyền và các nội dung của đợt hoạt động của các câp bộ đoàn. Các cấp, các ngành, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội đã đưa nội dung giáo dục, định hướng lối sống văn hoá cho thanh niên vào nội dung trọng tâm trong công tác hằng năm, đồng thời triển khai nhiều chương trình phối hợp hiệu quả.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị -  xã hội tích cực chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên trong học tập nâng cao trình độ, xây dựng phong trào tự học. Toàn tỉnh đã xây dựng được 457 câu lạc bộ đội nhóm với 14.883 thành viên. Cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã huy động, giúp đỡ hàng chục ngàn lượt thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Phối hợp hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập với tổng số tiền hơn: 235 tỷ đồng; tổ chức trao tặng 18.495 suất học bổng với tổng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức Lễ tôn vinh học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã chăm lo, tạo điều kiện hơn cho thanh niên thực hiện các phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, làm chủ các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật; thích ứng với điều kiện COVID-19. Xây dựng 400 câu lạc bộ học tập với gần 4.000 thành viên; tổ chức các cuộc thi sáng tạo trong thanh thiếu niên, cuộc thi tin học trẻ không chuyên, 100% đoàn trường học xây dựng và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ bạn nghèo; hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng; toàn tỉnh tặng trên 100 tỷ đồng cho chương trình tiếp sức đến trường, tổ chức được 100 lớp phổ cập tin học cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều đề án tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho thanh niên tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập như: “Truyền thông về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên giai đoạn 2010-2015”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; đề án đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020"; đề án “Đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao”; đề án “Quy hoạch ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; đề án giải quyết việc làm người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 430/KH-UBND về việc truyền thông giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025... Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An đạt 65%; khoảng 90% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định; xuất khẩu lao động đạt 10.718 người/năm, đứng tốp đầu cả nước. 

Trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, các cấp bộ đoàn tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Đoàn Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới”. Toàn tỉnh đã thực hiện 25 công trình thanh niên cấp tỉnh, 400 công trình thanh niên cấp huyện, 6.936 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở. Tham gia làm mới được 400km, sửa chữa được 610km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; xây dựng mới 18 cầu nông thôn; nạo vét 635km kênh mương thủy lợi; xây dựng mới 15 nhà văn hóa, tu sửa được 276 nhà văn hóa, 405km tuyến đường “Thắp sáng đường quê”,… thành lập hơn 547 đội tham gia xây dựng, giữ gìn trật tự đô thị; tổ chức được hơn 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ được hơn 15 mô hình Thanh niên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Phong trào thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp được đẩy mạnh thông qua nhiều chương trình, mô hình, cách làm hiệu quả như: Thành lập tổ hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên; thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ, chia sẻ với các mô hình kinh tế của thanh niên, là diễn đàn kết nối và hỗ trợ thanh niên trong con đường lập thân, lập nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng hơn 1.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hơn 4.200 lao động; đã phát triển 21 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện với hơn 300 thành viên, 13 mô hình hợp tác xã, 75 mô hình tổ hợp tác thanh niên. Hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu được tổ chức đoàn toàn tình chú trọng triển khai thực hiện. BTV Tỉnh đoàn thành lập Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên các lĩnh vực chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản, bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, đội đã tổ chức được 17 lớp, hướng dẫn cho hơn 1.400 đoàn viên, thanh niên, bà con nhân dân tại các huyện. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường được tổ chức thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường” với các hoạt động như xây nhà bán trú dân nuôi, xây dựng “ngôi nhà khăn quàng đỏ”, xây dựng các điểm trường, trường học cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ sinh viên vay vốn tín dụng học tập, trao tặng sách vở, đồ dùng học tập, trao tặng các “đàn gà khăn quàng đỏ” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh đã bỏ học và có nguy cơ bỏ học đến trường. Toàn tỉnh đã tổ chức trao tặng hơn 9.000 đàn gà, khăn quàng đỏ cho 9.000 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng 44 ngôi nhà khăn quàng đỏ, ngôi nhà nhân ái cho các đội viên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Cấp tỉnh nhận hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên 200 em học sinh khó khăn giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh hỗ trợ 45.754 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã trao hơn 130.000 suất quà, suất học bổng cho học sinh khó khăn vươn lên học tốt.

Các cấp uỷ đảng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt cuộc vận động ''Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'” trong toàn bộ hệ thống chính trị; Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Xác định những chuẩn mực đạo đức, định hướng những giá trị tốt đẹp cho thanh niên học tập, rèn luyện. Tập trung quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thanh niên. Các phong trào rèn luyện thể thao, văn hóa - văn nghệ được các cấp bộ đoàn tổ chức thường xuyên thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia, nhất là phát triển phong trào hát dân ca trong trường học và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao nhận thức, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc.

Công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ trẻ trong thời gian qua đã được chú trọng, từ năm 2008 đến nay có 452 cán bộ Đoàn được cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hệ tập trung. Số lượng cán bộ trẻ có triển vọng nằm trong diện quy hoạch ngày càng được nâng lên. Thực hiện Đề án 165, nhằm tập trung đào tạo chuyên sâu, nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý của đội ngũ cán bộ, tỉnh đã cử 4 đồng chí đi đào tạo tiến sỹ, 18 thạc sỹ, 29 đồng chí bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ đều trong độ tuổi đoàn. Chú trọng hơn công tác tuyển dụng, tiếp nhận thanh niên sau khi tốt nghiệp trở về địa phương công tác theo ngành nghề được đào tạo.

Các cơ sở đoàn trong tỉnh đã chủ động cụ thể hóa chủ trương của Đoàn cấp trên bằng các hình thức, biện pháp, như: Định hướng sinh hoạt chi đoàn hằng tháng, tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu chi đoàn, đoàn cơ sở; làm việc với tập thể BTV đoàn cơ sở, phân công cán bộ về chỉ đạo củng cố cơ sở yếu kém. Đặc biệt, trên cơ sở Điều lệ Đoàn khóa mới, để nâng cao chất lượng chi đoàn khối nông thôn, các cơ sở đoàn đã chủ động ban hành hướng dẫn sinh hoạt chi đoàn 2 chiều đưa học sinh khối trường học về tham gia sinh hoạt tại địa bàn cư trú. Đối với các trường đào tạo theo tín chỉ, ban thường vụ đoàn các trường định kỳ hằng tháng tổ chức Hội nghị công tác Đoàn toàn trường để các chi đoàn, chi hội nắm, khai thác thông tin triển khai cho đoàn viên thanh niên. Vai trò nòng cốt của Đoàn trong việc xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được phát huy. Toàn tỉnh có 3 tổ chức Hội thành viên (Hội Sinh viên, Hội Doanh nhân trẻ, CLB Thầy thuốc trẻ), 21 Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, 460 ủy ban Hội cấp xã, 3815 chi hội, 175 CLB, tổ, đội, nhóm, 531.644 hội viên. Tỷ lệ tập hợp thanh niên trong tổ chức đạt 74,2%. Toàn tỉnh đã bồi dưỡng giới thiệu 214.362 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã kết nạp được 55.921 đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở Nghệ An thường xuyên xây dựng chương trình và quy chế phối hợp với tổ chức đoàn trong công tác thanh niên, chăm lo bồi dưỡng đạo đức, xây dựng ước mơ, hoài bão, phát huy thanh niên, đồng thời phân công cán bộ phụ trách công tác thanh niên; vận động đoàn viên, hội viên thuộc đoàn thể mình tham gia tập hợp, giáo dục thanh thiếu nhi; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến thanh niên.

Các cấp bộ đoàn tích cực triển khai 3 phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với  thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. với những hoạt động phong phú, hiệu quả: tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, giúp đỡ, đảm nhận chăm sóc thiếu nhim, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, xung kích học tập, đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, khởi nghiệp, thích ứng xung kích trong phong trào phòng, chống dịch bệnh COVID-19... Toàn tỉnh có 65 trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn miền núi. Thành lập và duy trì 120 đội thanh niên tình nguyện tại chỗ, 250 đội thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ các xã nghèo miền núi. Tổ chức 400 đoàn y, bác sỹ trẻ thực hiện khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 120.000 lượt người. Toàn tỉnh duy trì hoạt động của hơn 600 điểm tập thể dục thể thao, 1 trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu niên, 1 nhà thiếu nhi cấp tỉnh, 2 nhà thiếu nhi cấp huyện và nhiều điểm vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, thanh niên đã tích cực tham gia với 123.671 ý tưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên Cổng thông tin Ngân hàng Ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam; 37 đề tài, sáng kiến dự thi các cuộc thi cấp trung ương. Trên mặt trận bảo vệ an ninh tổ quốc, toàn tỉnh có 619 đội Thanh niên tự quản với 6015 đoàn viên thanh niên tham gia; phối hợp tuyên truyền, vận động 6.503 đoàn viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu giao quân hằng năm.

Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An luôn đặt niềm tin sâu sắc, kỳ vọng to lớn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ. Nghệ An là quê hương giàu truyền thống cách mạng, đại đa số thanh niên Nghệ An yêu nước, cần cù, chịu khó, hiếu học và ngày càng có điều kiện, cơ hội học tập, trình độ sẽ tiếp tục được nâng lên, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, các thiết bị kết nối di động, mạng xã hội... góp phần sớm “làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc như mong muốn của Bác Hồ.
-----

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 5, tr.216. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 4, tr.194. (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 11, tr.528. (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 12, tr.498.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất