Ngôi trường Quốc học Huế.
Chứng nhân lịch sử tròn 125 năm tuổi
Quốc học Huế được thành lập năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái nhà Nguyễn. Trường được xây dựng trên nền Dinh Thủy Sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn) theo kiểu nhà tranh, vách đất. Đến những năm đầu thế kỷ XX, trường được xây dựng lại kiên cố theo lối kiến trúc Pháp cổ nhưng vẫn giữ được nét Á Đông với màu gạch đỏ sậm đặc trưng. Người ta nói, Quốc học Huế mang nét uy nghi trầm mặc nhưng vẫn lãng mạn, nên thơ như chính con người của vùng đất Cố đô.
Trải qua hơn 125 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, mái trường “hồng” bên bờ sông Hương thơ mộng đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Lúc mới thành lập, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường và thường được gọi là Trường Quốc học với mục đích giảng dạy tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, chữ Nho bậc tiểu học. Đây là trường Pháp - Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương. Sau đó, Trường đổi tên thành Trung học Khải Định, Trung học Ngô Đình Diệm… Đến năm 1956, tên gọi Quốc học quay trở lại với mái trường này.
Quốc học Huế là ngôi trường mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ thời nhỏ) theo học trong những năm tháng niên thiếu đầu thế kỷ XX. Kỳ thi Primaire 1908 (tốt nghiệp tiểu học), Nguyễn Sinh Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của Trường Quốc học niên khóa 1908-1909. Tại đây, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành học tập, tiếp xúc với nhiều thầy giáo giỏi có tư tưởng tiến bộ và tinh thần yêu nước đã khơi dậy khát khao muốn tìm hiểu sự thật của “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, để từ đó Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Nhà Rồng. Chính vì vậy, các thế hệ thầy và trò Trường Quốc học luôn tự hào vì đây là ngôi trường đã góp phần hình thành, bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Không chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều tên tuổi các chiến sĩ cách mạng ưu tú, các nhà hoạt động văn hóa xuất sắc đã trưởng thành từ mái trường Quốc học Huế như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận…
Mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng ngôi trường vẫn lưu giữ được nhiều tư liệu gắn với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học tập tại Nhà lưu niệm về Bác Hồ và Phòng truyền thống của Trường. Ngay chính giữa ngôi trường, bức tượng người học trò Nguyễn Tất Thành cũng được dựng ở nơi trang trọng nhất như lời nhắc nhở các thế hệ học sinh của mái trường Quốc học luôn nêu cao tinh thần hiếu học, nỗ lực học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tháng 3-1990, Trường được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2021, Trường được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hơn một thế kỷ qua, Quốc học Huế không chỉ nổi tiếng với bề dày truyền thống lịch sử mà còn trở thành cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Đến nay, Quốc học Huế vẫn luôn là niềm mơ ước của bao học sinh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung bởi chất lượng học tập và giảng dạy.
“Địa chỉ đỏ” về đào tạo
Trường THPT Chuyên Quốc học Huế luôn nổi tiếng bởi kết quả học tập xuất sắc của học sinh và trình độ chuyên môn của giáo viên. Hiện nay, Trường được Nhà nước chọn để xây dựng thành một trong ba trường THPT chất lượng cao của Việt Nam.
Ngôi trường Anh hùng được mệnh danh là “lò luyện nhân tài”, cái nôi ươm mầm tri thức, tài năng cách mạng không chỉ cho miền Trung mà còn của cả nước. Từ ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, học sinh của trường đã giành được hơn 20 Huy chương Ô-lim-pic quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chỉ tính riêng 5 năm (2016-2021), nhà trường đạt kết quả toàn diện về chất lượng giáo dục khi 100% học sinh đỗ kỳ thi THPT Quốc gia và 99% học sinh đỗ đại học. Đặc biệt, đối với khối học sinh chất lượng mũi nhọn, nhà trường có tới 1.298 học sinh giỏi cấp tỉnh; 307 học sinh giỏi cấp quốc gia; 38 lượt người đoạt giải sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, 7 lượt đoạt giải sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia... Nổi bật nhất là thành tích học sinh giỏi quốc tế, nhà trường có 5 học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Ô-lim-pic cấp châu lục và quốc tế. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021 Nhà trường có 7 em trong đội tuyển dự thi Ô-lim-pic quốc tế và giành được Huy chương Bạc Ô-lim-pic châu Á và quốc tế môn Tin học. Trong năm học này, Nhà trường cũng có 4 học sinh đoạt giải Nhất, 21 học sinh đoạt giải Nhì tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm có khoảng 30% học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học Huế được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra nhiều học sinh lọt vào Vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhất tới thời điểm hiện tại và đã giành được 2 Giải Nhất Chung kết năm 2009 và 2016.
Thầy Nguyễn Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phương châm dạy và học của Trường Quốc học Huế đúng như khẩu hiệu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được đặt tại vị trí trung tâm của Trường. Nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và cả nước. Bởi vậy, Nhà trường đề ra nhiều mục tiêu như bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh tham gia các đội tuyển thi quốc gia và quốc tế. Đồng thời, ngoài kiến thức cơ bản, trong giáo dục đại trà Nhà trường còn trang bị cho học sinh các kỹ năng sống để các em có thể thích ứng với xã hội sau khi ra trường”.
Nhằm phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt, 5 năm qua Đảng bộ Trường THPT Chuyên Quốc học Huế đã có nhiều chủ trương và giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đổi mới công tác quản lý… nhất là đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất. Tuy là ngôi trường in dấu ấn qua ba thế kỷ nhưng hiện nay, Trường lại có khu thi đấu thể thao đa năng, hồ bơi hiện đại... dành cho học sinh. Với đội ngũ 140 giáo viên (82 thạc sỹ) nhiệt huyết, năng động, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế luôn có nhiều cải tiến nhằm đưa chất lượng giảng dạy của Nhà trường thuộc tốp đầu của cả nước và trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Học Bác là kim chỉ nam cho mọi hành động
Đảng bộ Trường Quốc học Huế luôn chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đây được coi như kim chỉ nam cho mọi hành động của nhà trường. Theo đó, từng năm, mỗi thầy, cô giáo đều đăng ký một việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng bộ nhà trường còn chú trọng nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất chính trị và nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, xem việc giữ gìn phẩm chất cách mạng, đạo đức nhà giáo là một trong những giải pháp hữu hiệu để giáo dục học sinh.
Đồng chí Nguyễn Phú Thọ nhấn mạnh: “Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, chúng tôi đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền tới toàn bộ đảng viên, cán bộ, giáo viên, học sinh của Nhà trường về học tập và noi theo tấm gương của Bác với những đức tính quý báu của Người như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống giản dị… áp dụng vào những việc làm hằng ngày. Trong thời gian tới, thầy và trò nhà trường tiếp tục thi đua đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Bác gắn với nhiệm vụ dạy tốt, học tốt, phát huy ý chí tự lực, tự cường, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi thế hệ học sinh”.
Làm theo lời dạy của Bác “học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”, các thế hệ Trường Quốc học Huế đã nỗ lực không ngừng duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được. Những năm qua, Nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt chú trọng phát động các phong trào giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác trong học sinh và các thầy, cô giáo.
Hằng tuần, các giờ chào cờ, Trường đều tổ chức cho học sinh sinh hoạt theo chủ đề của tháng bằng cách giao cho lớp trực ban xây dựng kịch bản kết hợp tham luận cùng những tiết mục nghệ thuật mang tính giáo dục đạo đức, tư tưởng, tác phong, nhân cách cho thế hệ trẻ. Thông qua nhiều hình thức hoạt động như Câu lạc bộ Văn học, hoạt động trải nghiệm về nguồn, tổ chức thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng…, trường đã giáo dục cho học sinh lòng biết ơn, những đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhà trường còn tổ chức nhiều giờ giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoại khóa, mời chuyên gia đến nói chuyện giúp các em học sinh xây dựng đạo đức, lối sống đúng đắn và vun đắp tình yêu quê hương, đất nước như “Cổng trường an toàn giao thông”, “Lăng kính” (dạy học cho các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS); xem nhạc kịch “Thiên Quang Hậu Mạc” (truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống Huế); Ô-lim-pic tiếng Anh về văn hóa Huế… Năm 2019, Nhà trường đã đoạt giải Nhất toàn quốc Cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” và giải Nhì Cuộc thi tìm hiểu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp tỉnh.
Đảng bộ nhà trường rất chú trọng tới công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, coi trọng sinh hoạt chi bộ định kỳ nhằm thông qua đó đề ra các chủ trương và giải pháp khả thi để thực hiện tốt các kế hoạch của Nhà trường. Trong năm qua, Đảng bộ Trường THPT Chuyên Quốc học đã kết nạp được 10 đảng viên là đoàn viên học sinh ưu tú.
Với những thành tích và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như của cả nước, Trường Quốc học Huế đã nhiều lần được Nhà nước, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thưởng nhiều Huân chương, phần thưởng cao quý. Nhiều năm liền, Đảng bộ Trường THPT Chuyên Quốc học Huế được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Năm 2021, Nhà trường tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích tiêu biểu trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.
Ngọc Anh