Bác Hồ và những năm Dần

Năm Canh Dần (1890), tại Nam Đàn tỉnh Nghệ An, một gia đình nhà nho trí thức yêu nước nghèo đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Nguyễn ái Quốc-Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra nền dân chủ cộng hoà Việt Nam. Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung sớm bộc lộ tư chất thông minh và ham học, lại được thụ giáo các bậc túc nho, giàu lòng yêu nước. Năm 11 tuổi thân phụ-ông Nguyễn Sinh Sắc-đã đặt tên mới cho Cung là Nguyễn Tất Thành.

Năm Nhâm Dần (1902), Thành tiếp tục học chữ nho. Tính đến năm 1905 (15 tuổi) Thành đã có khoảng 10 năm được giáo dục và rèn luyện Hán học mà chủ yếu là nền nho giáo thấm nhuần tinh thần yêu nước của Việt Nam. Tiếp đó Thành theo học tiếng Pháp tại trường tiểu học Pháp-Việt ở thành phố Vinh. Sau đó Thành theo học trường Quốc học Huế, rồi theo cha đến Quy Nhơn (1909), được cha cho học thêm tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này).

Như vậy là đến năm 1911, khi xuất dương tìm đường cứu nước, Bác Hồ của chúng ta không phải chỉ với hai bàn tay trắng mà Người đã có một vốn học vấn cơ bản khá quan trọng. Đó là lòng yêu nước và tinh hoa văn hoá dân tộc, Hán học thông thạo và tiếng Pháp đủ để giao tiếp công việc.

Năm Giáp Dần (1914), sau khi qua Pháp, Mỹ và một số nước Châu Phi, Nguyễn Tất Thành đã đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh làm các việc lao động phổ thông rất cực nhọc (quét tuyết, làm phụ bếp…) để kiếm sống và lấy tiền thuê giáo viên dạy tiếng Anh. Thành đã dồn sức cho việc học ngoại ngữ, dùng nó làm chìa khoá mở kho tàng kiến thức của nền văn hoá phương Tây-nơi khai sinh ra các tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ, nơi phát minh ra nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến và cũng là quê hương của các cường quốc đế quốc, thực dân, đồng thời cũng là nơi khởi phát các tư tưởng XHCN và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhờ vậy, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thụ, trưởng thành về nhiều mặt chính trị, tư tưởng, văn hoá, đặc biệt Nguyễn Tất Thành có một nhãn quan chính trị khá sắc sảo. Ngay thời điểm đó, anh đã viết thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp, đưa ra những nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra và dự đoán những biến đổi của tình hình trong thời gian tới.

Và cũng chính ở nơi đây, năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp và lấy tên mới là Nguyễn ái Quốc.

Năm Bính Dần 1926, Nguyễn ái Quốc hoạt động ở Trung Quốc với bí danh là Vương Đạt Nhân. Người được mời dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Quốc dân đảng (Trung Hoa). Trong phát biểu tại đại hội, Người đã kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức thì phải cùng nhau liên hiệp lại… Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta”(1). Cũng năm này, Người đã viết bài “Lê-nin và phương Đông” đăng trên báo Gudok (Tiếng còi) ở Mát-xcơ-va, nhân kỷ niệm ngày mất của V.I.Lê-nin. Trong bài viết Người khẳng định: “V.I.Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các thuộc địa…”(2). Nhận thấy cần phải đào tạo ngay từ bấy giờ một lớp cán bộ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng lâu dài, Nguyễn ái Quốc đã đề nghị Uỷ ban Thiếu nhi Liên Xô giúp đỡ nhận một nhóm thiếu nhi Việt Nam sang học tập ở Mát-xcơ-va, sau đó, đưa họ về nước tổ chức giác ngộ quần chúng gây dựng phong trào cách mạng. Theo đó lại tiếp tục tuyển chọn đưa thanh niên trong nước ra ngoài nước học tập để đào tạo gấp cán bộ cho phong trào. Cũng thời gian này (1921-1926), Nguyễn ái Quốc đã viết và cho in một loạt bài bằng tiếng Pháp trên các báo ở Pa-ri và Mát-xcơ-va (sau này Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội tập hợp và in thành sách lấy tên là “Đây công lý của thực dân Pháp” không những lên án tội ác dã man đáng ghê tởm và căm ghét của thực dân Pháp trước công luận toàn thế giới mà còn phản ánh tinh thần đấu tranh quật cường, bất khuất, vô cùng anh dũng của nhân dân Đông Dương. Tác phẩm này thực sự là một di sản văn hoá có sức sống trường tồn cùng lịch sử.

Năm Mậu Dần (1938), một trong những năm cam go nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Nhưng cùng với thời gian và qua diễn biến của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng như thực tiễn cách mạng nước ta từ khi Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930) cho đến năm 1940 khi Người chuẩn bị về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thì lại càng chứng tỏ sự vượt trội về lý luận cách mạng và tầm nhìn xa của Người so với các đồng chí trong nước cũng như quốc tế cùng thời. Thời gian này cách ứng xử của Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế mẫu mực về tinh thần hy sinh cá nhân để giữ gìn đoàn kết trong Đảng vì lợi ích tối cao của dân tộc. Đồng thời cũng bộc lộ một nhân cách lớn-nhân cách Hồ Chí Minh và cũng chính trong khó khăn, thử thách ấy Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một chuẩn mực văn hoá-chính trị kiệt xuất.

Năm Canh Dần (1950), năm Canh Dần này, Hồ Chí Minh đã là tác giả của hai sự kiện có tính phát triển đột biến đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam:

Một là, giành thắng lợi ngoại giao to lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử dân tộc, hai nước lớn bậc nhất thế giới là Liên Xô và Trung Hoa, rồi tiếp theo là hàng loạt nước ở Đông Âu, công nhận và kiến lập ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhân dịp này, Người đã ra lời tuyên bố gửi chính phủ tất cả các nước: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”(3).

Hai là, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo giành thắng lợi, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự. Ta đánh bại mọi ý đồ bao vây, tiêu diệt đầu não cuộc kháng chiến của thực dân Pháp, biên giới phía bắc Việt Nam được giải phóng, nối liền nước ta với Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu.

Trước những thắng lợi to lớn, Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, Người khuyên thắng không được kiêu ngạo, chủ quan mà phải tỉnh táo, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, thấy rõ những hạn chế và khuyết điểm của mình mà khắc phục, đặc biệt là phải chỉnh đốn đoàn thể (Đảng), chính quyền và quân đội...

Cũng chính dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định và một dự báo chính xác về thời cuộc khi trả lời nhà báo Lê-ô Phi-ghe (Léo Figuères) về việc đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam: “Việc can thiệp đó có tính chất xâm lược, phản dân chủ và không Mỹ chút nào. Nhất định đế quốc Mỹ sẽ thất bại như ở Trung Hoa trước đây”(4).

Năm Canh Dần này còn có một sự kiện đặc biệt in đậm dấu ấn thiên tài của Hồ Chí Minh-người sáng lập và xây dựng một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam khi Người cùng Trung ương chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Lao động Việt Nam. Phát biểu về việc đổi tên Đảng, Người đã nhấn mạnh “Đó là điều cần thiết..., bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử tiên tiến trong công nông, trí thức vào Đảng... dễ kêu gọi dân tộc hơn, vì ta đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp”(5). Ngày nay đọc lại các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 cùng với sự trải nghiệm của lịch sử, chúng ta lại càng thêm tự hào vì Đảng ta đã có được một người đứng đầu sáng suốt, người có khả năng đưa ra được những quyết định lịch sử và có tầm chiến lược dài lâu đến thế.

Năm Nhâm Dần (1962), năm này Bác đã 72 tuổi, không ai có thể ngờ rằng đây lại là năm Dần cuối cùng của cuộc đời Bác. Người xưa vẫn thường nói, tạo hoá cho người ta tuổi già để được an nhàn nhưng với Bác Hồ-một người lính già vâng mệnh lệnh quốc dân-tuổi đã cao, sức khoẻ có giảm, song lòng già Hồ lại đang nhiều nỗi ưu lo về vận mệnh tương lai của nước nhà. Người lo nhất là tình trạng mất dân chủ và tệ quan liêu, lãng phí, tham ô vì những cái đó làm hại dân, hại nước, là những hành vi có tội với nhân dân. Người yêu cầu “Ai cũng phải chống. Giáo dục không đủ, phải có kỷ luật, có thưởng, có phạt... phải làm từ trên xuống, dưới lên dân chủ và phải trường kỳ... Đối tượng này là con người, mà con người có tổ chức cao nhất là đảng viên. Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải làm cho chi bộ vững. Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do mình không cương quyết. Phải có quyết tâm làm cho tốt”(6). Người lo nhiều đến chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Người yêu cầu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải làm sao đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết tốt được các đảng phái, các đoàn thể nhân dân và nhân sĩ, đoàn kết các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, nhằm huy động mọi lực lượng của nhân dân cùng nhau xây dựng Tổ quốc”(7). Người nhấn mạnh Đảng và Nhà nước phải tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân vì nhân dân ta rất tốt, rất trung thành với Đảng nhưng bản thân Đảng và Nhà nước phải biết cách lãnh đạo và đảng viên, cán bộ phải gương mẫu. Chính vì vậy mà Người lo lắng nhiều đến công tác tổ chức và cán bộ. Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 23-10-1962, Người đã phát biểu, nhấn mạnh rằng: Tổ chức trước hết là con người. Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được... Đâu cần thì cán bộ có, đâu khó thì cán bộ đến(8). Người còn nói với cán bộ cao cấp về tầm quan trọng phải thực hiện cho nghiêm chỉnh và có kết quả thiết thực Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu vì: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”(9).

Những điều Người lo lắng và căn dặn ngày ấy vẫn đang có ý nghĩa thời sự sâu sắc với hôm nay.

Mùa xuân mới đã về, ôn lại những việc Bác làm, những lời Bác dạy, chúng con càng thêm nhớ Bác, nhủ mình nhắc bạn gắng làm theo lời Bác.

_____

(1, 2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, NXBCTQG, H.2000, tr.217, 219. (3, 5) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4, tr.394, 425. (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXBCTQG, H.2000, tr.92. (6, 7, 8, 9) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 8, tr.197, 290, 309, 268.

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất