Thưa các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương,
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Ngày hôm qua, 24-1, chúng ta đã tổ chức cuộc gặp mặt, giao lưu, tọa đàm và biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc sau ba năm triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010. Sau khi nghe Báo cáo tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010 và Báo cáo sơ kết hai năm chỉ đạo điểm; tham luận của một số ban, ngành, đoàn thể và điển hình tiên tiến, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, tôi xin phát biểu nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
Năm 2009, Cuộc vận động của Ðảng và nhân dân ta hướng trọng tâm vào chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" gắn với các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới đang ở vào giai đoạn khó khăn, tác động không thuận đến nước ta; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây hậu quả nặng nề, việc triển khai nghiêm túc chủ đề, nội dung của Cuộc vận động đã giúp các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị có thêm động lực để thực hiện chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ về triển khai các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những thành tựu đạt được của đất nước trong năm qua, có sự đóng góp quan trọng của Cuộc vận động, của việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, của các phong trào thi đua yêu nước kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại, 55 năm Ngày chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, chào mừng Ðại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động hướng tới Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Hào khí và động lực to lớn đó còn được thể hiện một cách sinh động qua các cuộc gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, biểu dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến của Cuộc vận động. Ðây là hoạt động tiếp nối hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong các năm 2007, 2008 dưới hình thức tự kể chuyện, trao đổi kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng và qua thông tin đại chúng để tuyên truyền, cổ vũ, góp phần nhân rộng các điển hình. Qua các tấm gương điển hình tiên tiến của nhiều tập thể và cá nhân trong cả nước và nhất là qua được nghe, được cảm nhận đầy đủ, sâu sắc suy nghĩ, tâm huyết, nỗ lực và kết quả phấn đấu của các điển hình tiên tiến đã trực tiếp báo cáo trong Hội nghị giao lưu ngày hôm qua, có thể khẳng định: Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở năm thứ ba này, đã thu được những thành quả rất quan trọng. Vấn đề đặt ra cho ban chỉ đạo các cấp của Cuộc vận động là, phải bám sát hơn nữa thực tiễn Cuộc vận động; nắm bắt nhanh, chính xác những vấn đề mới, nhất là những hạn chế, yếu kém để tháo gỡ, khắc phục; bổ sung giải pháp phù hợp; coi trọng việc phát hiện, cổ vũ, tuyên truyền, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến.
Trong năm 2009, chúng ta đã rất coi trọng việc kiểm tra và chỉ đạo triển khai Cuộc vận động, nhất là ở các tỉnh, thành phố, ngành, địa phương, đơn vị được chọn làm điểm. Nội dung kiểm tra, chỉ đạo không chỉ trong khuôn khổ Cuộc vận động, mà còn gắn rất chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có nỗ lực, sáng tạo trong triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các cấp đã được kiện toàn và đã xây dựng được chương trình, kế hoạch, quy chế hoạt động, triển khai chỉ đạo Cuộc vận động cụ thể trong từng tháng, từng quý; tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực; quan tâm khắc phục những yếu kém, hạn chế... Hoạt động giao ban gắn với kiểm tra được đẩy mạnh. Năm 2009, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức giao ban hai lần tại các khu vực. Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, các ngành và địa phương cũng tổ chức các cuộc kiểm tra và giao ban tương đối nghiêm túc. Nhìn chung, cấp ủy các cấp đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Những kinh nghiệm hay được rút ra từ tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động năm 2008 và sơ kết hai năm 2007, 2008 ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã được vận dụng và phát huy trong năm 2009. Việc phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ, nêu gương, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến được coi trọng và trên thực tế, đã thu được kết quả rõ rệt. Cuộc vận động lớn này đã gắn kết chặt chẽ hơn với các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xóa đói, giảm nghèo", "Ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Bên cạnh nỗ lực và thành tích đã đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động năm 2009 nói riêng, ba năm từ 2007 đến 2009 nói chung cũng bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Một số ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Cuộc vận động. Do đó, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động có lúc, có việc còn lúng túng. Sự phối hợp giữa một số ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa thật nhịp nhàng, thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên một số việc chưa sát đúng, kịp thời. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả cán bộ chủ chốt còn thiếu gương mẫu, thậm chí vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống. Sự gắn kết nội dung Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị ở một số nơi còn lúng túng, chưa huy động được các lực lượng trong hệ thống chính trị tham gia. Sự phối hợp giữa các công tác tuyên giáo, công tác tổ chức - cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng... chưa chặt chẽ, liên tục. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa đạt được bề rộng và chiều sâu cần thiết; nội dung, hình thức chưa thật sự phong phú. Nhiều lĩnh vực hoạt động như văn hóa, văn nghệ, khoa học kỹ thuật; đội ngũ các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, trí thức... chưa được huy động đúng mức để sáng tác, quảng bá chủ đề, nội dung của Cuộc vận động.
Thực tiễn sinh động và phong phú ba năm triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho chúng ta những bài học thiết thực.
Trước hết, phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của Cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân tham gia. Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có ý nghĩa, tác dụng to lớn đối với quá trình thực hiện Cuộc vận động. Ðội ngũ cốt cán, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm, có uy tín, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện Cuộc vận động. Lời dặn dò lúc sinh thời của Bác: "Ðảng viên đi trước, làng nước đi sau", "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong" trong Cuộc vận động này là hết sức có ý nghĩa. Mức độ thành công đến đâu của Cuộc vận động trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố, nhân tố quan trọng đó. Phải làm cho Cuộc vận động lan tỏa, thấm dần vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, trở thành lối sống, nếp sống, lẽ sống.
Thứ hai, phải xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn và suốt cả nhiệm kỳ.
Thứ ba, phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực này cần dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh ôm đồm, chung chung, xơ cứng. Phải coi việc thực hiện Cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, tổ chức; không chỉ thuần túy về đạo đức, lối sống mà cao hơn là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác, học tập, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tập thể, cá nhân. Cần cải tiến nội dung, hình thức phiếu lấy ý kiến, cách thức lấy ý kiến của quần chúng góp ý cho cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để quần chúng góp ý nhiều hơn, thẳng thắn, cụ thể, trách nhiệm.
Thứ tư, gắn kết một cách khéo léo, nhuần nhuyễn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào, nhiệm vụ quan trọng khác của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự lồng ghép này vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. Phải hết sức tránh cách làm hành chính hóa, hình thức.
Thứ năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các cấp, các ngành cần coi trọng công tác chỉ đạo điểm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; coi trọng hơn nữa yêu cầu "làm theo"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, sâu rộng, phong phú, sinh động. Kết hợp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác và tuyên truyền, nêu gương, cổ vũ những tập thể, cá nhân qua học tập Bác, làm theo Bác mà trở thành các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, vướng mắc, yếu kém; kịp thời đúc rút bài học kinh nghiệm, bổ cứu giải pháp cho bước đi tiếp theo.
Thứ sáu, trong chỉ đạo và thực hiện, cần tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả Cuộc vận động trong khi cần phải có một thời gian và nỗ lực cần thiết; mặt khác, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, thiếu quyết tâm trong thực hiện Cuộc vận động.
Thứ bảy, từ thực tiễn triển khai Cuộc vận động trong thời gian qua, cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, giải pháp của công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cuộc vận động lớn, được tiến hành liên tục, lâu dài, tác động tích cực, nhiều chiều đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, do đó không nên quy định tiến độ thực hiện quá gấp gáp như giai đoạn đầu. Làm vội thì dễ sa vào hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, của ban chỉ đạo các cấp cần ngắn gọn, thống nhất, kịp thời, sát đúng với tình hình. Tiếp tục huy động các ban, ngành của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực tham gia Cuộc vận động. Tổ chức đảng các cấp cần đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt đảng hằng tháng, vào kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội cũng cần quy định việc thực hiện Cuộc vận động là một tiêu chí bắt buộc với công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hằng tháng, hằng năm. Cần bố trí một nguồn kinh phí hợp lý, chính đáng cho việc thực hiện Cuộc vận động.
Về công tác chỉ đạo điểm, sau hai năm triển khai Cuộc vận động, có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong chỉ đạo, tổ chức triển khai Cuộc vận động, việc chọn đúng, trúng và tập trung xây dựng, phát huy vai trò, tác dụng của các đơn vị làm điểm là quan trọng, có tác dụng thúc đẩy chiều sâu và bề rộng của Cuộc vận động.
Thứ hai, Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng triển khai Cuộc vận động ở các đơn vị làm điểm; kịp thời chỉ đạo, biểu dương và phát huy những mặt tích cực, đồng thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, yếu kém ngay từ lúc mới xuất hiện, từ đó đúc rút bài học cho các bước đi tiếp theo.
Thứ ba, để bảo đảm mục đích, yêu cầu của công tác chỉ đạo điểm, Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo các cấp cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nhiệm vụ, giải pháp, thực sự đi trước một bước để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo các cấp cần bám sát thực tiễn Cuộc vận động, phát hiện kịp thời các vấn đề mới, những sáng tạo từ cơ sở, nhất là ở các điểm chỉ đạo, từ đó tập trung nghiên cứu, đề ra hướng giải quyết phù hợp. Khi đã triển khai có hiệu quả ở điểm thì mạnh dạn đưa ra diện rộng.
Thứ năm, kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; quan tâm xây dựng các điển hình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người công tác ở các cơ quan thường xuyên tiếp xúc, phục vụ nhân dân; cơ quan quản lý về tài chính, đất đai, công sản... Một hay một số tấm gương nơi đó sẽ có sức thuyết phục rất lớn, sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giúp cho quá trình "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác có thêm niềm tin, động lực.
Về thực hiện Cuộc vận động năm 2010, Hướng dẫn số 19-HD/BCÐ T.Ư ngày 13-11-2009 của Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định mục đích, yêu cầu và sáu nội dung cơ bản. Trong năm 2010, nước ta có nhiều ngày lễ lớn, gắn với trang sử vẻ vang của dân tộc, của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Ðại hội XI của Ðảng. Ðây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa đặt ra yêu cầu mới đối với việc tiếp tục triển khai Cuộc vận động. Làm tốt Cuộc vận động là trực tiếp góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Cần tiếp tục thực hiện các chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các năm trước, phát huy kết quả, bài học đã thu được vào các bước đi tiếp theo. Coi trọng công tác tuyên truyền, phát hiện, cổ vũ, nhân rộng, nâng cao chất lượng, tính thuyết phục, tính lan tỏa từ gương sáng của các tập thể và cá nhân tiên tiến. Cần hướng dẫn, làm rõ chủ đề năm 2010 của Cuộc vận động: "Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh"". Xây dựng Ðảng không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh là sự vận dụng lý luận xây dựng Ðảng vào thực tiễn Việt Nam, trong đó vai trò của nhân dân được xác định rất rõ. Cần triển khai học tập chủ đề này sớm, trước khi tiến hành đại hội đảng cấp cơ sở. Trong học tập và cùng với quá trình học tập, các cấp ủy cần xây dựng chương trình hành động, tổ chức thành công đại hội đảng cấp mình và tham gia thảo luận dự thảo các văn kiện đại hội đảng cấp trên và văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc. Cán bộ, đảng viên viết thu hoạch cá nhân, có liên hệ trách nhiệm của mình trong việc góp phần làm nên thành công của đại hội đảng. Cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện cần nghiên cứu kỹ tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác để tham gia chỉ đạo đại hội cấp cơ sở. Ðưa nội dung chủ đề vào sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ đảng.
Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong hoạt động quảng bá, cần chú trọng chỉ đạo quảng bá các tác phẩm về Bác Hồ và về Cuộc vận động trên Internet, các báo điện tử, các trang mạng có nhiều người đọc.
Trên đây là những vấn đề rút ra qua Hội nghị tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010. Tôi đề nghị ban chỉ đạo các cấp quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Nhân dịp những ngày đầu của năm mới 2010 và chuẩn bị đón Tết Canh Dần, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, xin gửi đến các đồng chí, các quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thắng lợi.
Trân trọng cảm ơn.