|
Học tập Bác điều quan trọng nhất là làm theo gương Bác (Ảnh: Tư liệu).
|
Nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, ai trong chúng ta cũng thấy thân thương, trìu mến. Sinh thời, Người hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết thống nhất, vững mạnh và trong sạch. Người luôn chăm lo giáo dục, đào tạo, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cả cuộc đời Người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tương lai, vận mệnh của đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dù là lãnh tụ đứng đầu một đất nước nhưng Bác vẫn sống đạm bạc, giản dị, luôn vì dân, vì nước, không một chút tư riêng. Điều đó đã tạo nên một tấm gương bình dị mà cao quý, khiến mọi người muốn noi theo. Khi xuống cơ sở, đến với dân, Bác không bao giờ báo trước, để không bố trí đón rước linh đình. Bác đến thẳng nơi ăn nơi ở, trong bếp núc, nơi làm việc, nhà trẻ, chỗ vệ sinh, quan tâm thiết thực đến đời sống hằng ngày của mọi người. Các buổi lễ lớn, Người thường xuất hiện ở phía sau hội trường, thường không chỉ nghe báo cáo viết sẵn, trình bày một chiều mà bằng nhiều cách khác nhau. Người quan sát thực tiễn, hiểu rõ những điều cơ bản nhất, chân thật nhất của tình hình rồi mới đọc và nghe báo cáo. Bác tiết kiệm từng thứ nhỏ nhất trong nếp sống, công việc hằng ngày. Bác thường xuyên nhắc nhở mọi người quý trọng sức lao động, sử dụng tiết kiệm từ những vật dụng bé nhỏ như que diêm, sợi chỉ, mẩu bút chì… Bởi không chỉ vì nghèo mới tiết kiệm, mà tiết kiệm là đức tính truyền thống của dân tộc ta.
Bước vào Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi chúng ta đều thấy bản thân tiến bộ thêm, gắng sức sản xuất, công tác và làm việc tốt hơn để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương nơi mình cư trú, sống với nhau chân thành, học tập lẫn nhau, khắc phục những mặt còn yếu kém trong cuộc sống thường nhật.
Nghiêm túc học tập theo tấm gương Bác là điều không dễ và làm theo Bác lại càng khó hơn. Nhưng nếu có tấm lòng trong sáng và có sự quyết tâm thì ai ai cũng đều có thể học và làm theo Bác. Cũng có người cho rằng bận công việc, ít có thời gian, điều kiện để làm được như Bác. Nói như vậy là chưa đúng. Dù bận việc nước, việc dân, Bác vẫn có thời gian chăm lo đến những việc nhỏ nhất, chan hòa tình thương đến mọi người, không sót một ai, từ cụ già đến các cháu thiếu nhi… Mọi người đều có thể học tập và làm theo Bác từ những việc hằng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, rất đỗi bình thường, giản dị. Chính sự bình thường giản dị ấy càng tôn thêm tầm vĩ đại của Bác. Đợt sơ kết đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Thành phố đã mang lại nhiều kết quả: nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn chặn các tệ nạn xã hội… Thông qua Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình trong lao động sản xuất và học tập… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là việc gắn kết giữa “học tập” và “làm theo” chưa được chặt chẽ, nhiều nơi chỉ chú trọng việc nghiên cứu, học tập các chuyên đề của Cuộc vận động còn công việc triển khai làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đúng mức. Do đó chuyển biến tuy có nhưng còn hạn chế: tập thể, cá nhân điển hình chưa nhiều, chưa sâu rộng trong quần chúng. Vẫn còn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật… Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thành viên ban chỉ đạo Cuộc vận động và các cấp ủy đảng trước hết phải là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong sinh hoạt, trong công việc, để các tầng lớp quần chúng noi theo. Qua đó, kịp thời ngăn chặn những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, coi đó là giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Công cuộc đổi mới của đất nước đã đi chặng đường trên 35 năm đã làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mang về cho đất nước những mùa hoa thơm, trái ngọt, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đã và đang đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, vị thế uy tín của nước ta được nâng lên trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nguy cơ và thách thức còn lớn, nguy cơ tham nhũng, quan liêu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu thoái hóa về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Đất nước ta còn nghèo, rất cần phải tiết kiệm của cải vật chất để kiến thiết, xây dựng đất nước. Kẻ thù của tiết kiệm là lãng phí. Trong khi nhân dân đang nghiêm túc thực hành tiết kiệm chống lãng phí thời gian, tiền của thì hằng ngày vẫn xảy ra hiện tượng tiêu cực, lãng phí. Không ít cán bộ, quan chức ở nước ta đang hình thành thói quen “vung tay quá trán”, “xài tiền chùa”, biểu hiện rõ nhất là ở các dịp hội họp, đón nhận danh hiệu thi đua, khánh thành, khai trương, động thổ... Đáng quan tâm là lớp trẻ chưa có ý thức tiết kiệm. Việc giáo dục đức tính này cho lớp trẻ cần thực hiện kiên trì, thường xuyên. Cha mẹ hãy nêu gương và khuyên răn con cái tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày. Về phía nhà trường nên tăng cường bộ môn giáo dục công dân, trong đó coi trọng rèn rũa ý thức cần kiệm đối với học sinh. Cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận cán bộ trẻ nên kiểm tra sát hạch về năng lực trình độ, đồng thời xem xét đến kiến thức thực hành tiết kiệm…
Hơn nửa thế kỷ qua, Di chúc của Người để lại, còn nhiều điều Người ủy thác, mong muốn cho đất nước, nhân dân, chúng ta chưa làm được, chưa làm tròn. Bản Di chúc của Người vẫn còn mang tính thời sự cho hôm nay. Để thực hiện trọn vẹn những điều mong muốn của Bác Hồ. Thiết nghĩ: Các tổ chức đảng, đoàn thể và mỗi người phải thường xuyên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tăng cường xây dựng củng cố, chấp hành nghiêm các nguyên tắc chế độ sinh hoạt của Đảng, mỗi người chúng ta nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng thường xuyên học tập và làm theo tấm gương của Bác, trước mắt cũng như lâu dài, bền chí vững tâm đinh ninh lời hứa với Bác, để xứng đáng với niềm tin cậy và “muôn vàn tình thân yêu” của Bác Hồ.
Giờ đây, Bác đã đi xa, nhưng với dân tộc Việt Nam không lúc nào và không ở đâu thiếu vắng hình ảnh Bác. Người để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho toàn dân. Người suốt đời “chỉ có ham muốn, ham muốn đến tột bậc là Tổ quốc ta được độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chỉ bấy nhiêu điều, đơn giản vậy thôi, ba chữ “độc lập - tự do - hạnh phúc” chứa đựng chung cả dân tộc và riêng cho mỗi người. Tuy nhiên, nhiều điều trong Di chúc của Bác, chúng ta đã thực hiện được, song cũng có những điều chúng ta chưa làm được, chưa phát triển được ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên chưa làm được như căn dặn và mong muốn của Người.
Mỗi khi chúng ta nhớ đến Bác, mỗi người chúng ta nhớ về Người, hãy làm theo những lời Người căn dặn trong Di chúc chính là chúng ta thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thi đua yêu nước một cách sinh động và hiệu quả nhất. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn,
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn …”
(Tố Hữu)
Xuân Thông