Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, biết bao người con ưu tú đã hy sinh xương máu, tính mạng cho đất nước và hiện nay vẫn đang nằm lại trên mọi miền đất nước, trên đất bạn Lào, Căm-pu-chia. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều gia đình vẫn đang ngày đêm ngóng trông, lặn lội đi tìm dấu tích của người thân yêu, ruột thịt. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tìm kiếm, cất bốc tất cả hài cốt của cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế còn nằm lại trên chiến trường về yên nghỉ trong các nghĩa trang để hương khói, thờ phụng.
Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với nguyện vọng thiết tha của thân nhân các liệt sĩ. Chấp hành chỉ thị 20/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 626/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 545/QP của Bộ Quốc phòng, thực hiện Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Nước Cộng hoà DCND Lào, sự phân công của Ban công tác đặc biệt Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh tại 2 tỉnh Xa-la-van và Xê-Kông trên đất bạn Lào.
Với nhiệm vụ lớn lao đó, ngày 4-1-1992, Đội 192 - Quy tập mộ liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 436/QĐ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Đội có nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trên 2 hướng chủ yếu: Hướng trong nước làm nhiệm vụ quy tập ở địa bàn tỉnh, tập trung ở sát biên giới Việt - Lào, nơi căn cứ quân sự cũ và hướng tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào (tại 2 tỉnh Xa-la-van và Xê-Kông) về nước.
Địa bàn khảo sát trước đây là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, là căn cứ của Quân khu ủy Trị Thiên, các căn cứ hậu cần của Đoàn 559, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua. Nhiều đơn vị bộ đội, công an của Lào cùng phối hợp hoạt động với lực lượng vũ trang của Việt Nam. Vì vậy, số cán bộ, chiến sĩ, du kích, thanh niên xung phong của cả 2 nước hy sinh ở đây rất lớn, mộ liệt sĩ nằm rải rác khắp nơi trên các chiến trường từ đồng bằng đến vùng rừng núi, cả chiến trường Lào núi non, hiểm trở. Việc tìm kiếm rất khó khăn, phức tạp. Nhiều địa điểm phải băng rừng, lội suối nhiều ngày để đến các chiến trường xưa. Một số đồng chí cựu chiến binh tâm huyết cung cấp nguồn tin phát hiện mộ nhưng việc nhớ lại thường không chính xác bởi địa hình, địa danh đã đổi khác. Một số vị trí mộ ở vào vùng căn cứ cũ còn bom mìn, các loại đạn sót lại hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế kéo dài, địa hình chia cắt phức tạp, mùa mưa kéo dài, lượng mưa lớn; mùa nắng thì nóng như thiêu, như đốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ. Trên đất bạn Lào, hai tỉnh Xa-la-van và Xê-Kông có địa hình rất phức tạp, hệ thống giao thông hạn chế, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều nơi ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác lạ, một số vùng sâu, vùng xa tập tục còn lạc hậu, nặng về nghi lễ; địa hình rừng núi khó khăn, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, việc bảo đảm hậu cần rất khó khăn và thiếu thốn.
Nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trên các địa bàn là nhiệm vụ hết sức gian khổ, nguy hiểm, độc hại. Đối với hướng trong nước, Đội đã tiến hành khảo sát, tìm kiếm, cất bốc tại các địa bàn của 9 huyện, thị, thành phố, tập trung ở vùng rừng núi, địa bàn giáp ranh biên giới Việt - Lào. Không quản nắng, mưa, các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm băng rừng lội suối, trèo đèo vượt dốc, nằm rừng, ở lán quyết tìm đồng đội trên những điểm cao, vùng sâu, vùng xa như Cà Lèng, Hồng Thủy, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Bắc, A So, A Sấu, suối Máu... (huyện A Lưới); Phong Sơn (huyện Phong Điền); núi Bông, núi Nghệ (huyện Phú Lộc); khu căn cứ địa Hòa Mỹ - Dương Hòa - Bình Môn; huyện Nam Đông... Vượt lên trên tất cả những khó khăn đó, Đội đã tiến hành khảo sát trên 100 xã. Tính từ năm 1994 đến 6 tháng đầu năm 2011, Đội đã trực tiếp cất bốc được 1.845 hài cốt liệt sỹ đưa về các nghĩa trang.
Tại Lào, cán bộ, chiến sĩ của đội đã tranh thủ sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, dựa vào quân đội của bạn, tích cực thu thập, tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ, kể cả những thông tin của một số Việt kiều đang sinh sống làm ăn trên đất bạn, thông tin từ những người tìm kiếm phế liệu chiến tranh, những người buôn bán hàng rong,... tất cả đều được thu thập, xử lý, khảo sát cụ thể, tỉ mỉ. Trên đất Lào, phần lớn mộ liệt sĩ thường ở các vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, núi rừng hiểm trở, điều kiện khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, có nơi cách thôn, bản 2 đến 3 ngày đường; nhiều nơi bom, mìn còn sót lại rất nguy hiểm. Nhiều đồng chí đã không ít lần phải mắc võng ở lại giữa rừng cùng hài cốt. Có những lúc mưa rừng chắn lối, đơn vị phải nằm lại hai, ba ngày; có khi mưa lũ đột ngột lên cao cuốn mất tăng, võng, gạo, muối… nhưng đơn vị vẫn luôn quyết tâm bảo vệ bằng được hài cốt. Những lúc bị lạc rừng, vừa đói, vừa mệt, anh em có người bị sốt rét, cả đội phải thay nhau võng cáng cả ngày mới tìm được lối ra. Từ năm 1994 đến năm 2011, với 17 lần tổ chức khảo sát, quy tập, hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ Đội 192 sang đất bạn Lào làm nhiệm vụ quy tập. Mỗi lần từ 4 đến 6 tháng khi thời tiết bên bạn là mùa khô. Đội đã tiến hành tìm kiếm trên 812 bản thuộc 11 huyện, tập trung chủ yếu ở các huyện Xà Muồi, Tà Ổi, Tùm Lan, Va Pi, Lào Ngam, Không Xê Đôn, Na Không Pheng thuộc tỉnh Sa-la-van và 3 huyện: Ca Lừm, Lã Man, Thà Tèng thuộc tỉnh Xê-Kông. Với quãng đường hàng ngàn km, qua nhiều loại địa hình khó khăn, phức tạp, chủ yếu là đi bộ trèo núi, lội sông với hàng ngàn ngày công, cán bộ, chiến sỹ toàn đội đã tiến hành tìm kiếm trên 2 ngàn vị trí, đào khoảng 20.000 mét khối đất đá và trực tiếp cất bốc 601 hài cốt liệt sĩ đưa về nước. Trong số này, 79 hài cốt có địa chỉ (đã bàn giao cho thân nhân, gia đình và địa phương các liệt sĩ. Tiến hành phối hợp cùng các cấp làm lễ truy điệu, cải táng hài cốt các liệt sĩ, bảo đảm chu đáo, trọng thể góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn" cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy tập, cán bộ, chiến sĩ Đội 192 luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương; chấp hành nghiêm túc công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế, làm tốt công tác vận động quần chúng, không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Và hơn hết, ở đó là tình cảm đồng chí, đồng đội, chia sẻ với những mất mát không gì bù đắp được của gia đình thân nhân các liệt sĩ, nhận thức sâu sắc về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", luôn nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tô đẹp hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; tô thắm tình hữu nghị đặc biệt thủy chung hai nước Việt - Lào.
Với những kết quả đã đạt được, Đội 192 - quy tập mộ liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đội được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ CHQS tỉnh tặng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen.
Nguyễn Xuân Hoà
Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế