Những nhà báo hóa thân cho Tổ quốc
Nhà báo tác nghiệp

Nhà báo tham gia thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam

Đó là nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Hữu Bản. Cụ thân sinh là nhà nho, chuyên dạy học và kê đơn bốc thuốc cho bà con và nhân dân trong vùng. Với người nghèo, cụ không lấy tiền nên được mọi người rất quý trọng.
Là con út trong gia đình, Nguyễn Hữu Bản được bố mẹ chắt chiu cho ăn học đến tiểu học rồi học Thành Chung cũng ở thị xã Thái Bình. Nguyễn Hữu Bản học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp Thành Chung, hè năm 1939, Nguyễn Hữu Bản lên học một trường tư ở Hà Nội. Anh vừa học vừa làm gia sư để có tiền học hết tú tài rồi vào Trường Đại học Luật.
Học đại học, anh vẫn tiếp tục làm gia sư trong một gia đình ở 62 Carreau (nay là 62 Lý Thường Kiệt). Rồi anh vào ở trong Đông Dương học xá, tham gia Hội Sinh viên Việt Nam, hoạt động tích cực trong phong trào "truyền bá quốc ngữ" và từ phong trào này bắt  mối được với Việt Minh. Anh thường đưa tài liệu của Việt Minh cho anh Lê Hồng Giang, bạn học cũ ở trường Thành Chung - Thái Bình, lúc ấy làm viên chức của Công ty Đường sắt Vân Nam - Hà Nội để nhờ anh Giang in rô-nê-ô cho đoàn thể.
Ngày 17-8-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim giao cho Tổng hội viên chức tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn nhằm đề cao thanh thế của Chính phủ bù nhìn, chuẩn bị đón phái đoàn đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Các tổ chức cơ sở của Việt Minh nhận được chỉ thị cấp tốc của cấp trên phải huy động lực lượng quần chúng cách mạng biến cuộc mít-tinh này thành cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh. Cuộc mít-tinh lớn của Tổng hội viên chức biến thành cuộc mít-tinh và biểu tình tuần hành hàng vạn người diễu qua các đường Tràng Tiền, Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng, qua cổng Phủ Toàn quyền (lúc ấy là Tổng hành dinh của quân Nhật). Tiếng hô "đả đảo chính phủ bù nhìn", "ủng hộ Việt Minh" vang lên như sấm. Cả quân Nhật và lính bảo an không dám phản ứng gì. Có thể coi đây như một cuộc tổng diễn tập cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Nguyễn Hữu Bản tham gia cuộc mít-tinh này và rất tự hào khi được đóng góp một phần vào thắng lợi to lớn đó, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa 19-8, hai ngày sau đó.
Sau khi tham gia cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, Nguyễn Hữu Bản được đồng chí Trần Lâm - bạn cùng học mời vào tham gia ban biên tập của đài, gồm những bạn bè là sinh viên và công chức trước đây (đồng chí Trần Lâm lúc đó được đồng chí Xuân Thuỷ thay mặt chính phủ giao nhiệm vụ thành lập Đài Phát thanh - Sau này  là Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam). Nguyễn Hữu Bản, lúc ấy có bí danh là Thịnh. Nguyễn Hữu Bản và đồng chí Trần Lâm bước vào nghề làm báo từ ngày ấy. Ban biên tập có rất ít người, đều là tình nguyện làm không có thù lao. Mỗi người phải kiêm nhiều việc. Nguyễn Hữu Bản vừa làm phóng viên, vừa làm biên tập tin và viết bình luận. Anh viết nhiều bài đầy nhiệt huyết cổ vũ phong trào chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Với kinh nghiệm lăn lộn trong phong trào truyền bá quốc ngữ trước đây, anh có nhiều sáng kiến trong phong trào chống giặc dốt.
Vốn xuất thân ở Thái Bình, tỉnh có số người chết đói nhiều nhất do Phát-xít Nhật vơ vét lương thực, vào cuối năm 1944 đầu năm 1945 gây ra, anh Bản viết tin, bài cổ vũ phong trào "tấc đất, tấc vàng" truyền đến mọi người niềm tin nhất định thắng được giặc đói. Với nhiệt huyết của người thanh niên tri thức đã tham gia cách mạng, Nguyễn Hữu Bản đã viết nhiều bài hừng hực chí căm thù, lên án thực dân Pháp lại gây chiến tranh tái chiến Nam Bộ từ đêm 23-9-1945. Vốn có tính châm biếm từ khi còn là học sinh, anh viết nhiều bài đập lại luận điệu xuyên tạc, vu khống và huyênh hoang của địch. Những bài ấy thường được kết thúc bằng hai câu văn vần dí dỏm, theo cách nói dân gian. Sau khi Hoàng Tuấn và Nguyễn Văn Nhất, hai phóng viên chủ lực của Đài Tiếng nói Việt Nam xung phong Nam tiến, công việc của Nguyễn Hữu Bản càng nặng nề hơn nhưng anh vẫn hoàn thành tốt cả công việc của người ra đi.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946, Quốc hội đầu tiên họp, bầu ra Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Tuyên truyền không còn nữa, thành lập Nha Thông tin. Nguyễn Hữu Bản cùng một số cán bộ khác của Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển sang Nha Thông tin. Đêm 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh đi sơ tán với Nha Thông tin và vẫn làm công tác biên tập gửi tin và bình luận cho Đài bằng cách khai thác các báo cáo của các ty thông tin các tỉnh gửi về. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, mùa thu năm 1947, Nha Thông tin đóng ở cây số 6 đường Bắc Cạn - Chợ Đồn.
Sáng sớm ngày 7- 10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Trước tình hình đó, Nha Thông tin chuyển đến khu rừng ở cây số 8 đường Bắc Cạn - Chợ Đồn rẽ vào. Đêm hôm đó, Nguyễn Hữu Bản dẫn một nhóm 5 người trở lại địa điểm cũ xem còn tài liệu chuyển đi nốt. Đến gần tới nơi, Nguyễn Hữu Bản đề nghị mọi người ở lại để một mình anh đi trước xem xét tình hình. Đi được 50 mét thì chạm địch. Một tiếng quát: “Qui vive” cùng với tràng đạn tiểu liên nổ dòn. Cả nhóm chạy về nơi tập kết, chỉ thiếu Nguyễn Hữu Bản. Ngày hôm sau anh em trở lại tìm thì được dân bản cho biết: Đêm trước quân Pháp đã đến đóng ở cây số 6. Cách đấy 50 mét có một người chết. Người đó dáng cao, sống mũi cao, da trắng… Dân bản đã chôn cất tử tế ở trong rừng. Và sau đó qua điều tra, tìm hiểu thêm,  người hy sinh đêm đó chính là Nhà báo Nguyễn Hữu Bản.
Nhà báo Nguyễn Hữu Bản được truy tặng danh hiệu liệt sỹ và Bằng Tổ quốc ghi công ngày 14-11-1947. Tháng 6-1995, liệt sỹ Nguyễn Hữu Bản được Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.

Nhà báo, Nghệ sĩ quay phim đến giây phút cuối cùng

Liệt sĩ, nhà báo Lê Văn Bằng, quê gốc thị trấn Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình nhưng tuổi ấu thơ lại gắn bó nhiều với mảnh đất Cao Bằng. Mười sáu tuổi, Lê Văn Bằng từ giã cuộc đời ở đợ cho địa chủ đến với Việt Minh và trở thành người cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 5-1959, khi Tổng cục Chính trị xây dựng bộ phim tài liệu lịch sử về truyền thống vẻ vang của quân đội, Lê Văn Bằng lúc này đang là cán bộ tuyên huấn của Tổng cục Hậu cần được chuyển về tham gia làm phim. Ngày đầu vào nghề, Lê Văn Bằng  được phân công phụ máy, đánh đèn, phụ tá chủ nhiệm - kịch vụ. Bộ phim mang tên “Dưới lá cờ quyết thắng” được giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất. Sau đó, Lê Văn Bằng được cử đi học lớp quay phim và trở thành quay phim chính trong các bộ phim tài liệu: “Lớn lên trong hoà bình”, “Võ tay không”, “Đánh địch trong thành phố”…Và bộ phim “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh” do anh cùng một nhà quay phim nữa đoạt giải Bông sen Vàng liên hoan phim Việt Nam.
Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Lê Văn Bằng vừa lãnh đạo đội quay phim, vừa trực tiếp cầm máy quay nhiều bộ phim tài liệu, thời sự về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân miền Bắc. Nét đặc biệt trong con người nghệ sỹ - chiến sỹ của anh là sự cần cù, chịu khó, sâu sát, tỉ mỉ, khiêm tốn. Bởi thế trong các khuôn hình của anh, tất cả đều dung dị, sáng sủa, tự nhiên và chân thực. 
Năm 1965, Lê Văn Bằng cùng tổ làm phim Điện ảnh Quân đội làm phim về cuộc chiến đấu của quân dân ta trong khu vực cầu Hàm Rồng - một yết hầu, trọng điểm trên con đường huyết mạch chi viện của miền Bắc với miền Nam. Lê Văn Bằng lia ống kính để có được toàn cảnh từ những đổ nát ở bên này cầu trước khi dừng lại ở thân cầu. Một cảnh có cả hôm qua và hôm nay. Anh lợi dụng sương sớm làm lấp loá những chỗ cầu bị bom đánh hỏng. Người xem thấy dấu vết ác liệt của chiến tranh nhưng vẫn thấy một sự bình yên, sáng rõ, ung dung của cuộc chiến đấu; vẻ đẹp hiên ngang kiêu hãnh của dòng sông và chiếc cầu. Nhưng nổi bật là tinh thần quyết chiến, nhằm thẳng quân thù mà bắn để bảo vệ cây cầu chiến lược của quân và dân Hàm Rồng. Đó là hình ảnh của Đại đội 2 pháo binh trên đỉnh núi Ngọc đọ pháo với phản lực Mỹ với hình ảnh đại đội trưởng Nguyễn Gia Nhuệ chỉ huy đơn vị chiến đấu; đó là khung cảnh làng xóm bên bờ Nam Ngạn bị tàn phá, một chiếc nôi trẻ bị địch bắn nát; những người đảng viên, đoàn viên tuyên thệ trước khi vào trận sống mái với máy bay giặc Mỹ. Và cả hình ảnh tên giặc lái Mỹ với bộ mặt  thảm thương bị giải qua đầu cầu. Tất cả xâu chuỗi hình ảnh ấy, Lê Văn Bằng, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn cộng với tư duy tâm huyết dồn vào máy quay đã đưa bộ phim “Người Hàm Rồng” giành Bông sen Vàng trong liên hoan phim Việt Nam, Giải đặc biệt Jôrit (Giải thưởng mang tên nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Hà Lan) tại Liên hoan phim quốc tế Lai-xích (Cộng hoà dân chủ Đức).
Mùa Xuân 1972, nhận chỉ thị của Tổng cục Chính trị, tổ làm phim của Lê Văn Bằng được giao nhiệm vụ bám theo các đơn vị quân giải phóng chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy của quân dân Trị - Thiên - Huế. Dừng lại ở bãi Hà-Quảng Trị, Lê Văn Bằng đã ghi lại hình ảnh ý nghĩa lịch sử về cuộc bàn kế hoạch tác chiến của chỉ huy mặt trận. Có ý kiến đề nghị anh nên đi cùng với chỉ huy, song anh đề nghị xin được đi theo các chiến sĩ ở đơn vị xung kích. Vào lúc dừng lại bên này sông Cam Lộ, một mũi tiến công của quân giải phóng đã tràn vào thị xã Đông Hà. Chiến sự diễn ra ác liệt. Lê Văn Bằng quay được trọn vẹn hình ảnh chiếc máy bay trực thăng của địch từ sân bay Ái Tử tới chi viện cho đồng bọn bị ta bắn cháy, loạng choạng lao đầu về phía Cửa Việt. Tiếp đó, pháo của địch bắn tới dữ dội. Lệnh của cấp trên gọi Lê Văn Bằng trở về. Nhưng anh vẫn muốn quay tiếp những gì đang sắp xảy ra. Và chiếc máy quay trong tay anh tiếp tục ghi hình. Giữa hai đợt máy bay địch tới, trong tiếng đạn pháo ầm ầm, Lê Văn Bằng lại lên giây cót máy quay, mắt dõi nhìn về thị xã Đông Hà. Chợt có tiếng hô thất thanh. Một chiến sỹ - người phụ quay phim nhào tới nhưng chưa kịp kéo Lê Văn Bằng nằm xuống  thì bom tọa độ của địch đã nổ, hất anh và người chiến sỹ phụ quay ra xa. Người chiến sỹ phụ quay bị thương nặng còn Lê Văn Bằng thì đã hy sinh, hiến dâng bầu nhiệt huyết của một nhà báo chiến sĩ cho độc lập,  tự do của Tổ quốc thân yêu .
Các anh đã về cõi vĩnh hằng nhưng các anh mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho mỗi nhà báo Việt Nam hôm nay và mai sau. 
                 ---------------------
Bài có sử dụng tài liệu trong: “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” - Hội Nhà báo Việt Nam - 1996.                                           

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất