Từ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành suy nghĩ về lý tưởng của thanh niên

Hồ Chí Minh là kết tinh vẻ đẹp của con người Việt Nam. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Người đã nuôi ước mơ, hoài bão lớn là giúp cho dân tộc thoát khỏi ách xiềng xích, nô lệ, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh vẫn sắt son với niềm mong ước ấy: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành(1).

Trong hoàn cảnh dân tộc Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước, thì Người nuôi ước mơ tìm ra con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc. Và chính điều đó đã thôi thúc Người phải xuất dương. Sau này, khi trả lời một nhà văn Mỹ, Người tâm sự: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi(2). Chỉ có lý tưởng cao đẹp thôi chưa đủ. Sức mạnh của lý tưởng chính là ở chỗ nó khơi dậy sự nỗ lực nhận thức, sự nồng nhiệt của tình cảm, sự mãnh liệt của ý chí và quyết tâm trong hành động giúp con người vươn tới mục tiêu cao cả, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Nói cách khác lý tưởng cao đẹp truyền sức mạnh cho con người hoạt động để hiện thực hóa lý tưởng đó, giúp họ không nản chí, sờn lòng khi gặp khó khăn, thất bại. Chúng ta cảm nhận rất rõ điều này khi theo dõi hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Khi nhiều thanh niên Việt Nam lúc đó còn đang bận tâm với những lo toan nhỏ nhặt thường ngày của bản thân như lời thơ của Chế Lan Viên đã viết: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp / Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, thì hoài bão lớn nung nấu trong trái tim đã giúp Người có đủ dũng cảm để đến với những chân trời xa lạ. Với một chàng thanh niên trẻ tuổi, hành trang không có gì ngoài đôi bàn tay và niềm khao khát tìm lối thoát cho dân tộc thì việc quyết định ra nước ngoài quả là cực kỳ dũng cảm. Quan trọng hơn nữa là chính lý tưởng cao đẹp ấy đã truyền sức mạnh cho Người vượt qua bao gian nan, thử thách trong những năm tháng bôn ba nơi xứ người để đạt được mục tiêu.

Trên hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã không quản ngại làm những công việc lao động chân tay lam lũ, vất vả từ dọn tuyết, đốt lò, làm bánh, bồi bàn, phụ bếp trong quán ăn… để có tiền sinh sống. Mặc dù lao động cực nhọc nhưng hễ có thời gian rỗi là Hồ Chí Minh say sưa học tập, nghiên cứu. Người thanh niên trẻ tuổi không chỉ miệt mài học tiếng nước ngoài, nghiên cứu sách báo nước ngoài mà còn tích cực đi tìm hiểu thực tế cuộc sống những nơi mình đã đi qua, tham gia các hoạt động, phong trào ở đó. Chính lý tưởng muốn giúp đồng bào, đất nước mình đã mài sắc ý chí, nghị lực phi thường để Người vượt qua khó khăn. Có lẽ hình ảnh “một viên gạch hồng Bác chống chọi cả mùa đông giá rét” đã phần nào nói lên những khó khăn mà Người phải trải qua trong hành trình hiện thực hóa lý tưởng. Bằng những trải nghiệm cuộc sống qua những điều mắt thấy, tai nghe và nghiên cứu sách vở trong suốt 9 năm ở khắp các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ La tinh, cuối cùng Người đã tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản.

Như vậy, với lý tưởng cao đẹp và quyết tâm hành động để hiện thực hóa lý tưởng ấy, sau 9 năm kiên trì phấn đấu, cuối cùng Hồ Chí Minh đã thành công, đã làm được một điều vĩ đại “vạch đường đi cho dân tộc đi theo”. Những năm tháng tiếp theo là quá trình Hồ Chí Minh cùng cả dân tộc thực hiện đường lối đó trong thực tế.

Chính cuộc đời hoạt động không mệt mỏi cho lý tưởng vì dân, vì nước của Hồ Chí Minh và cụ thể hơn là quá trình đi tìm đường cứu nước của Người giúp chúng ta thấm thía sâu sắc hơn câu nói của nhà văn Pháp Đi-đơ-rô: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Người ta chỉ làm được những điều vĩ đại khi có lý tưởng cao đẹp.

Chính vì lẽ đó, việc xây dựng và bồi đắp lý tưởng cách mạng cho người Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng là một việc rất cần thiết, quan trọng và cấp bách. Đảng ta luôn chú ý đến việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ “khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại(3).

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đưa ra mẫu hình thanh niên thời đại mới cần xây dựng là “giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp và lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa của con người Việt Nam, giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện”. Như vậy là thanh niên thời đại mới cũng rất cần có lý tưởng cách mạng. Nhưng nếu lý tưởng cách mạng của thanh niên trước kia là sẵn sàng xả thân vì độc lập của đất nước, tự do của nhân dân thì lý tưởng cách mạng của thanh niên ngày nay là ra sức rèn đức, luyện tài, xung kích trên mọi mặt trận nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tuy nhiên, khẳng định mỗi con người luôn cần được soi rọi bởi lý tưởng cao đẹp, song nếu chỉ có lý tưởng thôi chưa đủ. Người Trung Quốc cho rằng thanh niên cần ra sức học hỏi kinh nghiệm, tri thức khoa học, những tinh hoa văn hóa, những yêu cầu hiện đại của thời đại để phục vụ cho đất nước mình, vì vậy khẩu hiệu của thanh niên Trung Quốc thời mở cửa là “mắt nhìn ra thế giới, trái tim gửi quê hương”. Ở Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần gửi lời chúc Tết đã nhắc nhở thanh niên ta: Thanh niên phải sống có lý tưởng và trí tuệ. Trí tuệ chính là động lực phát triển, là phương tiện hữu hiệu để mỗi thanh niên thực hiện lý tưởng của mình.

Để trả lời câu hỏi thanh niên Việt Nam hiện nay sống có lý tưởng cách mạng hay không thì có rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí ngược nhau. Có người bi quan cho rằng thanh niên hiện nay không hừng hực nhiệt huyết sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc như trước đây, thanh niên hiện nay có thiên hướng nghĩ nhiều đến hưởng thụ hơn là cống hiến. Có người cho rằng một bộ phận thanh niên hiện nay sống thiếu lý tưởng, thiếu chứ không phải là không có, mà là có nhưng mức độ đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó, một số người tin tưởng rằng thanh niên Việt Nam ngày nay vẫn đang tiếp tục kế tiếp truyền thống tốt đẹp của các thế hệ thanh niên thời trước.

Để đánh giá đúng vấn đề này, chúng ta cần phải nhận thức được một thực tế rằng lý tưởng của thanh niên ngày nay đang chịu tác động của rất nhiều yếu tố bên ngoài. Khi nước ta bước vào thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những mặt tích cực là chính, thì những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, của toàn cầu hoá cũng đang tác động vào thanh niên - với tư cách là bộ phận nhạy cảm nhất trong cộng đồng dân tộc một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Kinh tế thị trường dễ kích thích tư tưởng “vì lợi”, vì vậy nó nảy sinh xu hướng coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, giá trị cá nhân hơn giá trị xã hội.

Toàn cầu hóa và việc lợi dụng toàn cầu hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm, thái độ của thanh niên. Chúng đang ra sức tuyên truyền lối sống thực dụng, hưởng thụ, reo rắc những tư tưởng hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thanh niên. Ngoài ra, một số người cho rằng trước đây trong thời kỳ chiến tranh, khi phải đứng giữa hai bờ sống chết, trong giờ phút tồn vong của dân tộc, người ta dễ dàng tạm gác được mất của cá nhân. Nhưng sau chiến tranh, thì những vấn đề của cá nhân lại được đặt ra. trong bối cảnh hiện nay, có cả những yếu tố tích cực nhưng cũng có không ít những yếu tố tiêu cực đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến lý tưởng của thanh niên. Chính vì vậy mà bức tranh về lý tưởng của thanh niên hiện nay có cả gam màu sáng và gam màu tối.

Trước hết, có một bộ phận thanh niên hiện nay sống không có lý tưởng, không có mục đích, sống ngày nào hay ngày đó, chưa chuyên tâm vào việc học tập, rèn luyện, tự lực vươn lên và cống hiến cho đất nước, còn bị chi phối bởi lối sống hưởng thụ, đua đòi, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các loại tệ nạn xã hội, sống buông thả, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn nhiều thanh niên theo đuổi mục đích sống tầm thường, đó là chạy theo lợi ích vị kỷ của cá nhân. Họ có thể tích cực trau dồi tri thức, kinh nghiệm nhưng chỉ là vì hạnh phúc, thành đạt của bản thân mà không nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là những người có tài năng, trí tuệ nhưng luôn đề cao lợi ích cá nhân, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lên lợi ích của những người xung quanh.

Tuy nhiên, nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn nuôi hoài bão, ước mơ lớn là đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước, ra sức rèn đức, luyện tài, sẵn sàng xung kích đảm đương những việc khó, đến những nơi khó, chấp nhận mọi gian nan, thử thách, chủ động, sáng tạo cống hiến trên nhiều lĩnh vực trong lao động sản xuất, trong hoạt động văn hóa - xã hội, khoa học, kỹ thuật cũng như  giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Ở họ tràn đầy tinh thần, nhiệt huyết vì cộng đồng và khi lợi ích cá nhân có xung đột với lợi ích chung của cộng đồng, Tổ quốc thì họ biết chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân.

Một người có lý tưởng cao đẹp là người luôn sục sôi khát khao được cống hiến vì lợi ích chung của những người khác, của đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như hiện nay, không thể chỉ kêu gọi một chiều rằng thanh niên hãy hy sinh lợi ích của bản thân vì sự phát triển chung của xã hội. Điều đó có thể khiến thanh niên thấy lý tưởng cao đẹp là một điều xa vời, rất khó thực hiện. Để lý tưởng trở thành điều gần gũi, thiết thực và thành động lực thôi thúc hành động của thanh niên, chúng ta cần khuyến khích, cổ vũ thanh niên tích cực, say mê rèn luyện, học tập và lao động vì sự thành đạt, hạnh phúc của bản thân, gia đình và đất nước, giúp họ biết xử lý, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Việc xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh niên không phải là công việc riêng của một ngành nào, cơ quan nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của gia đình, nhà trường và cả sự nỗ lực rèn luyện của chính bản thân thanh niên. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giáo dục, tuyên truyền thanh niên phải sống có lý tưởng cao đẹp mà không tạo nên những môi trường hoạt động phong phú, tập hợp họ lại trong một tổ chức chặt chẽ, đặt mỗi người vào một vị trí nhất định trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn xã hội, tạo những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để họ có thể rèn luyện và tự khẳng định vì sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của thanh niên thì thanh niên khó có thể thực hiện được lý tưởng của họ. Thậm chí điều đó có thể làm cho thanh niên từ chỗ sục sôi nhiệt huyết đến chỗ đánh mất lý tưởng. Tóm lại, việc xây dựng, bồi đắp lý tưởng cho thanh niên Việt Nam hiện nay là một công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi một tổng thể các giải pháp cũng như sự tham gia của toàn xã hội.

Cuộc đời cũng như quá trình ra đì tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời cho thanh niên Việt Nam ngày nay thấy rằng thanh niên phải sống có lý tưởng, phải biết vượt qua gian khổ, bền lòng thực hiện lý tưởng và nếu làm được như vậy, nhất định sẽ thành công. Cả xã hội cũng như chính bản thân thanh niên thấm thía bài học này và thực sự noi theo tấm gương Người thì Việt Nam sẽ có thể phát triển, sánh vai các cường quốc năm châu.

----------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, tập 4, tr.161.

(2) Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tr.243.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất