Sau khi nước nhà giành được độc lập 1945, giữa bộn bề công việc của chính quyền non trẻ, ngày 10-01-1946, Bác đã tranh thủ về thăm hỏi cán bộ và nhân dân. Mười tháng sau, tức ngày 21-10-1946, kết thúc chuyến thăm nước Pháp, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, Bác nói chuyện với nhân dân huyện Văn Lâm tại ga Đình Dù. Những năm tỉnh Hưng Yên ra sức đẩy mạnh phong trào cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Bác đã tám lần về thăm, vào các ngày 05-01-1958; 03-7-1958; 20-9-1958; 16-10-1958; 25-10-1958; 20-02-1959; 15-9-1961 và ngày 05-02-1966. Người luôn quan tâm, nhắc nhở cán bộ và nhân dân Hưng Yên cần phải giữ vững đoàn kết, phát huy đoàn kết để thi đua, dựng xây quê hương, đất nước. Bác đề nghị “Cán bộ các ngành, các cấp phải thi đua làm tròn mọi nhiệm vụ”(1), đồng thời “động viên mọi người thi đua thực hiện đầy đủ kế hoạch”(2).
Trong những thư gửi đồng bào Hưng Yên và các tỉnh có đê, Người nhấn mạnh: “Đồng bào hãy xung phong thi đua góp công, góp của, đắp đê, giữ đê”(3); “mọi người đều phải thi đua lập công”(4). Trong một buổi nói chuyện với cán bộ Hưng Yên, trong “những việc cần làm để tranh thủ vụ mùa thắng lợi”, theo Bác, ngoài việc chuẩn bị tốt về nước, phân, cày sâu, cấy dày, chọn giống tốt, kỹ thuật, chống hạn, phòng lụt, phát triển và củng cố lực lượng thì điều quan trọng là “đoàn kết và thi đua”. Vì thế, Bác yêu cầu: “Đồng bào và cán bộ Hưng Yên đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, thi đua giúp đỡ lẫn nhau giữa tổ này với tổ khác, giữa xã và huyện này với xã và huyện khác... Đồng bào và cán bộ toàn tỉnh quyết tâm làm, thì sẽ làm được”(5). Chỉ có đoàn kết và thi đua mới có thể thắng lợi “Toàn dân đoàn kết một lòng/Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”(6). Tại công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, khi “chiến sĩ thuỷ lợi” đang hăng say lao động, Bác tới động viên và nói: “Để được hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm thì “cán bộ và đồng bào phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt”(7); muốn vậy, mọi người phải đoàn kết, “Đoàn kết là lực lượng. Mọi ngành, mọi người, mọi tổ chức phải ra sức thi đua, phải thực hiện khẩu hiệu: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”(8).
Tại Sông Đình Dù-Văn Lâm, hơn một vạn dân công các huyện Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, thị xã Hưng Yên (Hưng Yên) cùng cán bộ công trường đang hồ hởi thi đua nạo vét sông thì được Bác tới tận nơi thăm hỏi. Bác thân mật nói chuyện, khen ngợi đồng bào và cán bộ: “Bác thấy chị em dân công và cán bộ khỏe mạnh, làm việc cố gắng như thế là tốt”. Mọi người vui mừng, phấn khởi và cảm động trước lời động viên và huấn thị của Người: “Phải thi đua giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ra về, thay bằng lời chào, “Bác chúc các cô, các chú đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, thi đua giúp đỡ lẫn nhau, làm nhanh, tốt, có nước cho vụ chiêm sắp tới, giành được thắng lợi”(9). Cảm nhận về sự khích lệ tinh thần có ý nghĩa to lớn đó, ngày 10-9-1969, trong buổi Lễ thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên một lần nữa khẳng định: “Bác thường xuyên quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Mỗi lần về thăm Hưng Yên, Bác luôn căn dặn chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa lãnh đạo với lãnh đạo, giữa lãnh đạo với đảng viên, giữa đảng viên với quần chúng”(10). Lời nói của Người “đem đến cho Đảng bộ và nhân dân ta một sự sống, một lòng thương, một niềm tin vô hạn, đem đến cho chúng ta một nghị lực, một sức mạnh kiên cường và dũng cảm. Người là bó đuốc soi đường cho mỗi ý chí và hành động của chúng ta”(11) trong kháng chiến chống xâm lăng, làm nên bao chiến công hiển hách và trong phong trào xây dựng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu trở thành tỉnh xã hội chủ nghĩa gương mẫu của miền Bắc.
Thấm nhuần quan điểm của Bác, Tỉnh ủy Hưng Yên viết quyết tâm thư - lời hứa của Đảng bộ, nhân dân với Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch quyết tâm thực hiện nhiệm vụ và cũng là tiếng nói để giao ước thi đua với các tỉnh bạn. Để thực hiện lời hứa, Tỉnh ủy yêu cầu: “Các huyện phải phát động phong trào thi đua thật sôi nổi, thật rộng rãi... Tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên phải mang hết khả năng, sức lực thi đua vượt mọi khó khăn để hoàn thành chiến dịch chống hạn sản xuất”(12). Từ đó, trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua với không khí thi đua giành cờ luân chuyển của Bác ngày một sôi nổi, rộng khắp, cứ sau mỗi tháng bình cờ luân lưu, cờ liên tục được chuyển từ đơn vị này tới đơn vị khác, nơi được giữ cờ muốn giữ mãi, nơi chưa được giữ quyết tâm giành cờ.
Năm 1969, Người ra đi, vượt lên nỗi mất mát lớn lao này, với tinh thần “dũng cảm tiến lên, đạp bằng trở ngại, nguyện triệt để thực hiện đầy đủ Di chúc của Người”(13), Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng (lúc này sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương) xiết chặt hàng ngũ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị, lập thành tích tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc Hồ Chủ tịch: “Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Hưng phải quyết tâm vươn lên, quyết tâm xây dựng tỉnh Hải Hưng giầu đẹp và vững mạnh về mọi mặt”(14). Nhân dân không phân biệt giai tầng, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ, chức vụ thống nhất thành một khối theo nguyện vọng của Người: “Mọi người phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với nhân công, giữa dân công với dân công, giữa cán bộ và dân công với đồng bào địa phương”(15). Đồng bào và cán bộ đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, thi đua giúp đỡ lẫn nhau giữa tổ này với tổ khác, giữa xã và huyện này với xã và huyện khác trong tăng gia sản xuất và tiết kiệm để giúp khôi phục lại kinh tế, làm cho dân mạnh, nước giàu. Anh chị em công nhân nêu cao truyền thống anh dũng, kiên cường, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, bằng tài năng, nghị lực và và trí sáng tạo của mình, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất. Anh chị em nông dân tập thể tích cực đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện. Anh chị em lao động trí óc đem hết tài năng và trí tuệ, ra sức đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, tích cực phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, phục vụ chiến đấu và đời sống nhân dân. Lực lượng vũ trang luôn mài sắc tinh thần cảnh giác, làm tốt công tác bảo vệ trị an và quốc phòng. Các cụ phụ lão mang những kinh nghiệm tích cực tham gia xây dựng và động viên con cháu hoàn thành nhiệm vụ trong sản xuất và cuộc sống. Anh chị em thanh niên làm đầu tầu, xung kích thực hiện với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Chị em phụ nữ thi đua lao động phát huy vai trò “Ba đảm đang”. Các cháu thiếu nhi, nhi đồng ra sức thực hiện tốt 5 điều Bác dạy.
Từ các phong trào thi đua, người Hưng Yên không chỉ biết biến vùng lau sậy thành biển lúa vàng trĩu hạt mà còn phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng “Hưng Yên anh dũng tuyệt vời/Đánh giặc giặc bại, chống trời trời thua” (Ca dao). Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Yên chung sức, chung lòng, nhất tề nổi dậy “diệt bốt phá tề, luồn sâu đánh hiểm” để giành tự do. Hưng Yên trở thành tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều chiến công được lập, đặc biệt là chiến thắng Sấm đường 5 bất khuất, kiên trung, được Bác khen và tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”: “Trong việc phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, du kích đường số 5 đã đánh phá hơn 20 vị trí địch, lật đổ hơn 10 chuyến xe lửa, tiêu diệt địch hơn 1.000 tên. Đường số 5 hơn trăm bốt địch,/Dân đường 5 có một lòng son/Dù cho sông cạn đá mòn/Quyết tâm gìn giữ nước non Lạc – Hồng”(16).
Thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ở miền Nam, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giành được nhiều kết quả to lớn: xây dựng công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải “Nước đại thủy nông là rồng phun bạc” (Tục ngữ); phong trào tứ hóa “Hoàn thành tứ hóa là được ấm no”; phong trào thi đua “Tiến quân làm thủy lợi”; thi đua chống hạn “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”; thi đua chống úng “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”, được Bác 4 lần tặng Cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc; phong trào sản xuất “Cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho” (Tục ngữ) ... Hưng Yên cũng là tỉnh đi đầu trong phong trào bổ túc văn hóa, “Sống ở Phù Cừ, người mù cũng sáng” với phương châm “Đọc được cho qua, nếp lòa quay lại”, “Cổng sáng không phải lội, cổng tối vòng chỗ lội mà qua” (Tục ngữ), đã dần thanh toán nạn mù chữ, được Bác gửi thư khen: “Tôi rất vui mừng thay mặt Chính phủ khen ngợi huyện Phù Cừ đã thanh toán xong nạn mù chứ tức là đã tiêu diệt hết giặc dốt... Nhưng đó mới là thắng lợi bước đầu.Vậy tôi khuyên đồng bào cố gắng tiếp tục học thêm cho tiến bộ hơn nữa, đồng thời mỗi người xung phong thi đua ái quốc làm cho huyện Phù Cừ trở nên một huyện kiểu mẫu trong công cuộc diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm”(17); tỉnh được Trung ương Đảng thưởng Cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, Bác ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và sau đó là Huân chương Lao động hạng Nhì về bổ túc văn hóa, cờ “Tỉnh làm công tác giao thông nông thôn khá nhất miền Bắc”. Giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hai lần thưởng Cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh Hưng Yên (1997) đến nay, Tỉnh ủy Hưng Yên tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực với các hình thức thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tham gia và thu được nhiều kết quả, tạo động lực giúp cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt phần việc của mình. Cụ thể: Giáo dục với phong trào “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Y tế phát động phong trào “Lương y như từ mẫu”; Văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nông nghiệp với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới; kinh tế thi đua thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp “An toàn lao động và phục vụ”. Công an với phong trào “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Người cao tuổi với phong trào “Tuổi cao – gương sáng”. Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Hưng Yên học tập và làm theo Bác”. Thiếu nhi với phong trào “Thiếu nhi Hưng Yên thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Nghìn việc tốt”, “Hoa điểm 10”…
Sau 17 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 12%; so với khi mới tái lập tỉnh, đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 50 lần, thu ngân sách tăng gấp 40 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 25 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần. Văn hóa - xã hội phát triển với nhiều mặt tiến bộ. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đoàn kết toàn dân được phát huy, dân chủ được mở rộng. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có chuyển biến tích cực. Vị thế Hưng Yên dần được khẳng định và nâng cao.
Từ kết quả các phong trào thi đua, hằng năm, tỉnh đều vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tặng thưởng huân, huy chương các loại, cờ thi đua và các danh hiệu thi đua cao quý cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những kết quả to lớn thu được từ những phong trào thi đua ấy, một lần nữa có thể khẳng định sức lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ của phong trào thi đua yêu nước trong 17 năm qua luôn là động lực của cách mạng, động lực của phát triển và đổi mới đúng theo lời Bác dặn thi yêu nước là biểu hiện lòng yêu nước, là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước.
Hôm nay, học tập và vận dụng hiệu quả lời dạy của Bác về đoàn kết và thi đua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên luôn đồng tâm, hiệp lực, chung tay vun đắp, phát huy truyền thống thi đua yêu nước vẻ vang của quê hương văn hiến, vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng tốt thời cơ, tiếp tục đẩy mạng toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, ra sức thi đua với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII đề ra; phấn đấu, xây dựng Hưng Yên hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
-------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 9, tr.5-6.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 6, tr.482-483.
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 5, tr.600.
(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 6, tr.199.
(5) (6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 9, tr.126-196.
(7) (8) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 9, tr.223-225.
(9) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng, “Bác Hồ với Hải Hưng”, 1995, tr.77.
(10) (11) (12) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”, Nxb CTGQ, 2005, tr.180.
(13) Nghị quyết 01-NG/TU ngày 06-01-1958 của cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng.
(14) Nghị quyết 84-NQ/TU ngày 14-10-1969 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về kế hoạch thực hiện đợt sinh hoạt chính trị.
(15) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Sách đã dẫn (Sđd), tr.77-78.
(16) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Sđd, tr.64.
(17) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 5, tr.456-457.
Hữu Chất
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên