Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công việc này góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Những con số “biết nói”
Hoạt động GS, PBXH của MTTQ được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, đồng thời được cụ thể hóa bằng Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác GS, PBXH và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch số 43/2017 ngày 15-6-2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực hiện các hình thức giám sát của MTTQ, trong 5 năm (2017-2022), MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức giám sát độc lập 6.339 cuộc, trong đó cấp tỉnh giám sát 124 cuộc, cấp huyện 625 cuộc, cấp xã 5.590 cuộc bằng các hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động ban thanh tra nhân dân (TTND), ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ); phối hợp tham gia giám sát với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội... Nội dung giám sát được tập trung vào nhiều lĩnh vực, trọng tâm là công tác quản lý tài nguyên đất đai; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống COVID-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp...
Cùng với đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua ban TTND, ban GSĐTCCĐ. Trong 5 năm qua, ban TTND đã giám sát 2.236 vụ, xác minh 121 vụ việc; qua giám sát, đã kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1.728 vụ việc. Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 4.132 công trình, dự án; qua đó, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 1.641 công trình có vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cộng đồng dân cư.
Về công tác phản biện, trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức PBXH đối với 1.545 dự thảo các văn bản của cấp ủy, các chương trình, đề án, các cơ chế chính sách của chính quyền các cấp thông qua các hình thức: tổ chức 743 hội nghị, gửi dự thảo văn bản lấy ý kiến Nhân dân 802 cuộc, tổ chức đối thoại trực tiếp 5 cuộc.
Những con số “biết nói” nêu trên trong công tác GS, PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được các cấp ủy, chính quyền coi trọng, ghi nhận, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Từ đó, vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GS, PBXH vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Đó là qua thực tiễn cho thấy, càng xuống cấp dưới, công tác GS, PBXH càng khó khăn, lúng túng; chưa có nhiều phát hiện sau giám sát mà chỉ mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Trong đó, nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực
Để công tác GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Huyền cho rằng, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng... Đồng thời, cần tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân; giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Từ những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện công tác GS, PBXH, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Như Xuân Lê Đình Chương nhấn mạnh: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải lựa chọn đa dạng các hình thức GS, PBXH phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong quá trình GS, PBXH, nhằm phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, Nhân dân trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, cần xem xét, quy định hoạt động PBXH là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị PBXH và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.
Theo ông Lê Văn Cuông, thành viên Hội đồng Tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cần xây dựng kế hoạch GS, PBXH theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Cần kiện toàn các hội đồng tư vấn, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với hội đồng tư vấn. Các kết luận GS, PBXH của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phải có sự phản hồi cụ thể bằng văn bản của các đơn vị được giám sát và của cơ quan soạn thảo dự thảo văn bản. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát đến cùng, phản biện đến cùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác GS, PBXH của mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.
Phan Nga