Bài 1: “Giữ chủ nghĩa cho vững”, đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng

1. Nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị  

 Từ sau khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) sụp đổ ở nhiều nước, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thừa cơ dấn tới xuyên tạc, chống phá. Chúng cho rằng, để lật đổ XHCN ở Việt Nam cần phải điều chỉnh các biện pháp và phương thức, thay đổi các thủ đoạn tiến hành “diễn biến hòa bình” thích hợp vì tình hình Việt Nam không giống nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Chúng chủ trương phá hoại trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, khoa học, giáo dục… Và khi cần thì dùng cả biện pháp quân sự. Song trọng tâm then chốt là tấn công trên mặt trận tư tưởng - văn hóa - mũi đột phá làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn, tước bỏ vũ khí tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới “tự chuyển hóa” xóa bỏ tư tưởng XHCN với những thủ đoạn tinh vi sau:

Một là, xuyên tạc những nguyên lý cơ bản, khoa học của Chủ nghĩa Mác- Lênin, cho rằng Chủ nghĩa Mác - Lê nin là một lý thuyết tốt, nhưng nội dung tư duy lại phi cách mạng, không tưởng, đã lỗi thời…vì thế cần phải vứt bỏ.

Hai là, phủ nhận những nguyên lý căn bản nhất học thuyết Mác- Lênin, được vận dụng sáng tạo ở nước ta về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của dân tộc ta, lật ngược, bác bỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn tổng kết của Đảng ta qua các kỳ đại hội Đảng. Từ đó bác bỏ hoàn toàn những tư duy lý luận mới về CNXH và con đường đi lên cũng như những thành tựu trong những năm đổi mới mà nhân dân ta đã đạt được.

Ba là, gieo rắc hoài nghi về lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc và CNXH, đòi đổi tên Đảng, đổi tên nước, đa nguyên, đa đảng; khai thác những khó khăn, những khiếm khuyết trong thực thi các quyết sách về kinh tế để cho rằng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là sai lầm, là còn vương vấn bởi cái đuôi của hậu Xô-viết, yêu cầu bỏ điều 4 trong Hiến pháp, Đảng không cần lãnh đạo xã hội…Đây là những thủ đoạn hạ thấp vai trò, vị trí của Đảng, dần tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, một số cán bộ, đảng viên dao động về ý thức hệ, về niềm tin, lý tưởng XHCN, đòi sửa đổi Cương lĩnh của Đảng theo hướng đưa Chủ nghĩa Mác- Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ lại mục tiêu độc lập dân tộc, bỏ mục tiêu XHCN.

Năm là, xúc phạm lòng tôn kính của nhân dân ta đối với Hồ Chí Minh; xuyên tạc Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người. Vu khống, dựng chuyện nói xấu, bôi nhọ cán bộ gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Lợi dụng những phần tử bất mãn xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, bôi đen chế độ, khoét sâu tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, cho rằng đó là cuộc tranh giành phe phái trong Đảng.


2. “Giữ chủ nghĩa cho vững”

Suốt quá trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã qua bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, khảo sát nhiều nước thuộc địa, tìm hiểu cả ba nước tư bản phát triển nhất thời kỳ đó là Pháp, Anh, Mỹ. Nhưng tất cả đều không đem lại lời giải cho cách mạng Việt Nam. Bác Hồ đến với Chủ nghĩa Mác- Lênin như “người đi đường đang khát tìm được nước uống”, như bước ra khỏi đám mây đen dày đặc để thấy được ánh sáng mặt trời. Bác cho rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta không những là “cẩm nang” thần kỳ, kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi. Con đường cách mạng Việt Nam, ngay từ đầu Bác đã xác định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng ấy phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải đi từ cách mạng dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN, độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” Bác khẳng định: Trước hết phải có đảng cách mệnh…Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Vì vậy, khi nói về tư cách người cách mệnh Bác yêu cầu “giữ chủ nghĩa cho vững”. Yêu cầu đó vẫn là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất hiện nay đối với mọi cán bộ, đảng viên. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: Phải giữ vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.


Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại, nhờ đó đã đưa cách mạng nước ta vượt qua mọi thác gềnh, vượt qua những thời điểm hiểm nghèo của cách mạng để liên tiếp giành thắng lợi.              

3. Kiên quyết đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng


Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và đề ra nhiệm vụ phải đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi suy thoái dẫn đến “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái với các giải pháp sau:         


Một là, đổi mới, làm chuyển biến mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhận thức sâu sắc hơn các luận điểm của Các Mác, Lê-nin, khẳng định những luận điểm có giá trị bền vững, những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử đã thay đổi, bị thực tiễn vượt qua không còn phù hợp… Qua nghiên cứu phân tích phải bổ sung và phát triển sáng tạo lên tầm cao mới Chủ nghĩa Mác- Lênin phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến lên. 


Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân theo hướng nâng cao chất lượng, thiết thực bám sát thực tiễn, không hình thức. Coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ trong hệ thống nhà trường, đặc biệt là hệ cao đẳng, đại học. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng cấp, từng đối tượng nhằm tạo sức đề kháng chống lại sự tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch.


Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, những chuyên gia đầu ngành thực sự giỏi, có trình độ cao về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, chủ động, tích cực đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch với Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường đối thoại , tạo sự nhất trí trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu trên hệ thống truyền thông.    


Khi cán bộ đảng viên và nhân dân có sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ tự ý thức “tự bảo vệ”, góp phần bảo vệ Đảng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

(Mời các bạn đón đọc tiếp Bài 2: Bảo vệ nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo của Đảng)

  

     

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất