Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông đến đại học và các trường chính trị, hành chính, đoàn thể. Học tập, bồi dưỡng kiến thức QP-AN là quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức và của toàn dân, nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quân sự QP-AN địa phương, góp phần trực tiếp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố tăng cường thế trận QP-AN ở địa phương, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra.
Công tác giáo dục QP-AN ở các tỉnh, thành trong thời gian qua đã tạo được sự thống nhất nhận thức, chuyển biến về trách nhiệm, từng bước nâng cao năng lực của chủ thể và lực lượng tham gia bồi dưỡng kiên thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn đã vận dụng sát vào công tác quân sự QP-AN địa phương. Kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự QP-AN địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng địa phương vững chắc. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: Nhận thức về quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của một số cán bộ, đảng viên trong các ngành, các cấp chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu cảnh giác trước âm mưu “diễn biên hoà bình” của các thế lực thù địch.... Nhận thức, trách nhiệm và năng lực của một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng đối với bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn còn hạn chế, phát huy hiệu lực chưa cao; thực hiện chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn tỉnh, thành có lúc chưa triệt để và việc đổi mới chưa mạnh mẽ... Do vậy, để làm tốt công tác bồi dưỡng giáo dục QP-AN cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và tính chủ động, sáng tạo của cán bộ xã, phường, thị trấn đối với công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN
Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn ở tỉnh, thành hiện nay. Nhận thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, nhận thức không chỉ định hướng mà còn chỉ đạo mọi hoạt động của con người. Có nhận thức đúng mới tìm ra cách tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề đúng đắn, đạt hiệu quả thiết thực. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn là hoạt động khó khăn, bởi tính phức tạp của thành phần dân cư, ý thức đa dạng của vùng miền, đồng thời cũng chịu tác động mạnh mẽ của các phần tử xấu lợi dụng chống phá...Do đó, đòi hỏi phải được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đồng Giáo dục QP-AN, đảng ủy, chỉ huy cơ quan quân sự địa phương các cấp, của lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, của Trường Quân sự tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên và chính bản thân mỗi cán bộ xã, phường, thị trấn.
2. Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp, phương tiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN
Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng Kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn ở tỉnh, thành hiện nay. Trong xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng này cần bám sát giáo trình, tài liệu, hướng dẫn của cấp trên, vận dụng phương pháp, phương tiện phù hợp với từng đối tượng cán bộ, sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của từng cơ sở. Để gắn lý luận với thực tiễn, cần phải chuẩn bị các nội dung nghiên cứu thực tế, tổ chức tham quan nhất là đến các đơn vị chủ lực để học tập rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần chú ý sử dụng hệ thống các phương tiện vũ khí, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Thực tếở các đơn vị xã, phường, thị trấn việc đảm bảo vũ khí trang bị còn nhiều hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào các đơn vị trực tiếp quản lý như cấp huyện, thị...nên các đối tượng được tham gia huấn luyện không được thường xuyên sử dụng các loại vũ khí cũng như thiếu sự thành thạo các loại vũ khí, nhất là vũ khí mới.
3. Nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên, báo cáo viên
Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên là chủ thể trực tiếp bồi dưỡng, truyền thụ những nội dung kiến thức QP-AN cho người học, là lực lượng trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động này. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ này cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Theo đó, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên bồi dưỡng đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Thực tế cho thấy, một số đơn vị xã, phường, thị trấn hiện nay trên cả nước, kiến thức, trình độ, năng lực của những người tổ chức tiến hành hoạt động giáo dục quốc phòng hạn chế. Đặc biệt là thiếu kiến thức về thực tiễn hoạt động quân sự, ít gắn chặt với các hoạt động quân sự diễn ra sát với điều kiện thực tế. Không theo kịp sự phát triển của các phương tiện, vũ khí hiện đại dẫn đến lạc hậu, thiếu cập nhật.
4. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng ở địa phương
Đây là một trong những giải pháp quan trọng, phản ánh việc quán triệt quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn ở tỉnh, thành. Thực tế cho thấy, kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn ở tỉnh, thành đã đạt được là do có sự nỗ lực rất lớn của các tổ chức, các lực lượng trên mọi phương diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện và công tác bảo đảm. Bên cạnh đó là điều kiện môi trường công tác và cơ chế chính sách phù hợp cũng góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Những kiến thức cơ bản về QP-AN của cán bộ xã, phường, thị trấn không tự nhiên mà có, mà là sản phẩm của quá trình bồi dưỡng, rèn luyện tích lũy của cả từ hai phía tổ chức và cá nhân.
5. Thường xuyên làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm
Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm là công việc không thể thiếu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức giáo dục QP-AN nói chung, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn nói riêng, là việc làm thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng. Mặt khác, nội dung sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm phải toàn diện bao gồm mọi hoạt động, mọi khâu từ xây dựng kế hoạch đến triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch, vấn đề xử trí các tình huống diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng. Phải tiến hành ở tất cả các cấp, đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm cần lựa chọn, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cơ bản nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ xã, phường, thị trấn hoặc đi sâu làm rõ những vướng mắc, những yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục để tìm ra giải pháp có hiệu quả. Cần coi trọng đánh giá về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương; đảng ủy, chỉ huy cơ quan quân sự các cấp, trường quân sự tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố thuộc tỉnh đối với nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ và cả sự quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách cho các lực lượng tham gia cũng như chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng kiến thức QP-AN đạt hiệu quả.
ThS Nguyễn Văn Lành, Ths Nguyễn Đức Vinh,
Nguyễn Ngọc Dưỡng
Hòm thư: 3Cb-36 Tam Phước, Biên Hoà, Đồng Nai