Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (22-6-1941 – 9-5-1945) không chỉ cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát – xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục giành thắng lợi, trong đó có Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam năm 1945 mà còn tạo ra những nhân tố thời đại giúp loài người trên thế giới tiến lên nấc thang tiến bộ mới. Đây là bản anh hùng ca chói lọi trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, có tác động sâu xa đến tiến trình phát triển của toàn thế giới.
Sau khi làm chủ châu Âu, Hít-le dự tính, Đức sẽ “đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng - trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng - trước khi kết thúc chiến tranh với Anh”. “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nhân dân Liên Xô đã nhất tề đứng dậy, già trẻ, trai gái, triệu người như một, đồng lòng chiến đấu bảo vệ đất nước. Những trận chiến đấu bảo vệ biên giới đã diễn ra oanh liệt. Quân và dân Xô viết đã giữ từng tấc đất, từng ngôi nhà trong những điều kiện hết sức chênh lệch về quân số và vũ khí. Giữa tháng 7 - 1941, quân đội phát-xít Đức ngày càng tiến sâu vào nội địa Liên Xô.
Tháng 12 - 1941, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của Tướng G.K.Giu-cốp đã chuyển sang phản công và đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra xa Mát-xcơ-va. Kế hoạch đánh chiếm Mát-xcơ-va của Hít-le đã sụp đổ. Với chiến thắng Mát-xcơ-va, lần đầu tiên sau 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của phát xít Đức phải chịu những tồn thất nặng nề nhất. Tướng Đức Vét-phôn thú nhận: “Quân đội Đức, trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay đang bị tiêu diệt”. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận Mát-xcơ-va đã nâng cao vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Ngày 1 - l - 1942, tại Oa-sinh-tơn, đại diện lãnh đạo 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mỹ và Anh đã ký kết bản “Tuyên bố Liên hợp quốc” chống phát - xít trên thế giới.
Mùa hè năm 1942, Hít-le một lần nữa dốc toàn lực lượng vào mặt trận Xô - Đức, nhằm chiếm bằng được Xta-lin-grát (nay là Von-ga-grát). Ngày 21 - 8 - 1942, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xta-lin-grát vào tuyến bên trong. Từ 13 - 9 - 1942, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong thành phố Xta-lin-grát lúc này trở thành “nút sống” của Liên Xô. Quyết không lùi một bước, các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xta-lin-grát đã chiến đấu anh dũng tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Ngày 19 - 11 - 1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xta-lin-grát. Trận Xta-lin-grát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục cuộc chiến tranh. Quân Đức đại bại ở mặt trận Liên Xô, không còn đủ sức chống đỡ nên bị quân Mỹ - Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuy-ni-di và phải hạ khí giới vào ngày 12 - 5 - 1943.
Mùa hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích. Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Nam Tư, An-ba-ni và một phần đáng kể lãnh thổ Tiệp Khắc, Hung-ga-ri và Áo.
Ngày 16 - 4 - 1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béc-lin, sào huyệt cuối cùng của phát - xít Hítle. 5 giờ sáng 16 - 4 - 1945, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Ngày 19 - 4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béc-lin. Ngày 21 - 4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béc-lin. Chiều 30 - 4 - 1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát - xít Hítle. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận chiến đẫm máu.
Trong thế cùng, Hít-le đã tự sát. 15 giờ ngày 30 - 4, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên – Xô đã tung bay trên nóc Tòa nhà Quốc hội. Ngày 2 - 5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béc-lin. Vào lúc 22 giờ 43 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Béc-lin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5 theo giờ Mát-xcơ-va), trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức – Cây-ten đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu - cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, đổ máu nhiều nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. 72 quốc gia đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 triệu người, khoảng 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỷ USD. Tiếp đó, tháng 9 - 1945, quân đội Xô viết đã tiến công tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ, buộc phát - xít Nhật phải ký Hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Chiến thắng phát - xít Đức là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất ở thế kỉ XX, mang tầm vóc, giá trị và ý nghĩa thời đại vô cùng sâu sắc – bản anh hùng ca thời đại. Nhân dân Xô viết anh hùng không chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chịu biết bao hy sinh, tổn thất vô cùng to lớn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện rõ uy tín về chính trị cũng như vị thế quốc tế mới của Liên Xô trên trường quốc tế mà còn tạo cơ sở kinh tế xã hội cần thiết cho một nền hòa bình bền vững. Sau chiến thắng phát - xít, nhân dân các nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp. Đồng thời, chính chiến thắng phát - xít đã tạo dòng thác cách mạng mạnh mẽ. Đó là dòng thác cách mạng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ.
Đặc biệt, chiến thắng phát - xít cũng đã tạo ra thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Được tiếp sức bởi thắng lợi lịch sử này, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành độc lập dân tộc, thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu một chặng đường lịch sử mới đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quốc tế cao cả và sự ủng hộ mọi mặt của các dân tộc Liên Xô đã góp phần quan trọng để nhân dân Việt Nam viết nên bài ca khải hoàn với đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Những thắng lợi của dân tộc Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình nói chung chính là sự tiếp nối và viết tiếp bản anh hùng ca thời đại của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát - xít , bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi này vẫn đang cổ vũ các dân tộc trên thế giới đứng lên chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chiến tranh tôn giáo, đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng hòa bình thế giới.
Đại úy Đỗ Thị Nga
Trường sỹ quan Lục quân 2