Bàn thêm về vấn đề "tự phê bình và phê bình" hiện nay
Từ thực trạng…

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về tự phê bình và phê bình, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII nhấn mạnh: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.”(1). Tuy nhiên “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm…”(2). Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII cũng chỉ rõ, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng đảng thời gian qua đã “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”(3).

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc sinh hoạt quan trọng của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nó giúp cho mỗi cá nhân và tổ chức thấy được những ưu điểm và hạn chế của mình. Trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tự phê bình là điều chỉnh mình, phê bình là điều chỉnh người. Tự phê bình và phê bình chỉ phát huy hiệu quả trên tinh thần thẳng thắn, công tâm, khách quan và với tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp (Hồ Chí Minh). Còn nếu với động cơ không trong sáng thì tự phê bình và phê bình là cách để người ta “vu khống, bôi nhọ” người khác hoặc để “nịnh bợ, lấy lòng nhau”(4). Đây là một trong 9 nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã nêu ra. Trong giới hạn phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin bàn đến một trong những kiểu phê bình hiện nay đó là “phê bình nịnh” - phê bình để lấy lòng nhau.

Trải qua 87 năm xây dựng và trưởng thành, từ thực tiễn phong phú của cách mạng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã rút ra 5 bài học lớn mà một trong những bài học quan trọng đó là: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để có được sự lãnh đạo đúng đắn, Đảng ta luôn phát huy dân chủ, mở rộng tự phê bình và phê bình, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Do đó trong các giai đoạn cách mạng, Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.

… Đến giải pháp

Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân”(5). Thế nhưng, hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Bởi thế, theo Hồ Chí Minh: “...việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Đầu tiên là công việc đối với con người”(6).

Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo Nghị quyết trung ương 4 khoá XII, theo chúng tôi, cần tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị phải là những người không “ưa nịnh”, biết tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn mà không mất lòng. Có như vậy phê bình mới trở về với đúng nghĩa của nó mà không bị biến tướng thành “phê bình nịnh”.

Hai là, nêu cao ý thức tự giác của người cán bộ, đảng viên.Người cán bộ, đảng viên có ý thức tự giác cao mới có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, không ngại khó, không ngại hy sinh; dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như vậy mới có thể thẳng thắn, công tâm, khách quan trong tự phê bình và phê bình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, đổi mới công tác thi đua khen thưởng nhằm ghi nhận những thành tích của cá nhân hay tập thể, động viên, khích lệ mọi người hăng hái phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm để lập thành tích cao trong cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập. Trong đánh giá công tác thi đua khen thưởng cần dựa vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ thực tế của cán bộ, đảng viên, là tiêu chuẩn có ý nghĩa quyết định danh hiệu thi đua.

Bốn là, cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm túc về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

-----------------------
(1). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW Đảng khoá XII, HN 2016, tr. 20-21(2). Sđd, tr. 22(3). Sđd, tr. 23 (4). Sđd, tr. 29 (5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2002, t.10, tr.337 (6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2002, t.12, tr.503.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất