55 năm Học viện Báo chí -Tuyên truyền xây dựng và phát triển
Khi mới thành lập, Học viện là cơ sở đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, tuyên truyền, huấn học. Ngày 25-6-2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xây dựng Học viện Báo chí và Tuyên truyền trở thành cơ sở trọng điểm quốc gia đào tạo giảng viên lý luận chính trị và báo chí truyền thông.

Nhận thức rõ trách nhiệm trong giai đoạn mới, Học viện không ngừng mở rộng và phát triển các chuyên ngành, loại hình và quy mô đào tạo. Hiện nay, Học viện đào tạo 28 chuyên ngành đại học, 19 chuyên ngành thạc sĩ và sáu ngành tiến sĩ. Trong đó có những ngành được đào tạo duy nhất hoặc đầu tiên tại Việt Nam như: công tác tư tưởng, quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, xuất bản, báo mạng điện tử, quan hệ công chúng, thông tin đối ngoại, chính sách công... Ðây cũng là những chuyên ngành thu hút đông đảo thí sinh có chất lượng cao dự thi hằng năm.

Vừa mở rộng quy mô, Học viện vừa chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động với những giải pháp đồng bộ. Nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng hiện đại; triển khai mạnh mẽ công tác khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo, công khai trách nhiệm giải trình các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo với xã hội; thực hiện đồng bộ phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất, các phòng học, thư viện, phòng thực hành với trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ giảng dạy. Những giải pháp đó góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, đáp ứng yêu cầu việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, học viên. Ðội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo có nhiều cống hiến cho đất nước. Nhiều người trở thành nhà khoa học đầu ngành, nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi; không ít người là cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước.

Nhiều năm qua, Học viện đào tạo hàng trăm sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh và nghiên cứu sinh đến từ các nước: Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Gắn liền với công tác đào tạo, 55 năm qua, Học viện nghiên cứu gần 2.000 đề tài các cấp, góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Ðảng, chính sách của Nhà nước. Qua đó, phát triển tư duy khoa học và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên. Các nhà khoa học của Học viện chủ trì, tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, như các đề tài khoa học cấp quốc gia: "Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị ở Việt Nam" (năm 2006); "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng trong thời kỳ mới" (năm 2011); đang triển khai đề tài "Nội dung, phương thức cầm quyền của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới", chuẩn bị luận cứ phục vụ Ðại hội XIII của Ðảng,...

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Học viện phục vụ đắc lực công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Học viện và mang lại hiệu quả xã hội thiết thực. Nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo của Học viện được sử dụng ở các cơ sở đào tạo khác như những tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập chuẩn mực, trong đó phải kể đến giáo trình của các khoa: Báo chí, Quan hệ công chúng, Tuyên truyền, Chính trị học. Thông qua hoạt động khoa học, Học viện đã xây dựng, hình thành các nhóm nghiên cứu giàu sức sáng tạo, năng động, chủ động tham gia các hướng nghiên cứu trong nước và hợp tác quốc tế.

Nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Học viện hướng tới mục tiêu hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế, thực hiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học với những ngành phù hợp. Từ những năm trước, Học viện tiến hành nhiều dự án liên kết đào tạo quốc tế, như với Ðại học Truyền thông Trung Quốc, có gần 20 sinh viên Trung Quốc học tập dưới hình thức hai năm đầu học ở Ðại học Truyền thông Trung Quốc, hai năm cuối học và nhận bằng tốt nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Việt Nam. Từ năm 2012, Học viện chủ động chuẩn bị về đội ngũ, đổi mới quản trị giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, triển khai chương trình đào tạo quốc tế ngành quảng cáo, quan hệ công chúng và truyền thông với Ðại học Middlesex (Vương quốc Anh); từ năm 2016, mở chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, học bằng tiếng Anh các ngành: Quan hệ quốc tế toàn cầu; Kinh tế và Quản lý; Truyền thông maketing. Hiện nay, Học viện đang triển khai hai dự án quốc tế nâng cao năng lực báo chí - truyền thông với Ðại học tổng hợp Viên, tổ chức Koica và một số trường đại học, cơ quan truyền thông của Hàn Quốc. Học viện cử cán bộ trẻ đi đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài, đồng thời có chính sách thu hút nhiều nhà khoa học có tên tuổi của các trường đại học lớn trên thế giới tới Học viện giảng dạy, trao đổi học thuật. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đủ năng lực hợp tác quốc tế, hàng chục giảng viên, cán bộ có khả năng tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học trên thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về dạy và học, Học viện chú trọng xây dựng cơ sở vật chất với hệ thống giảng đường về cơ bản đạt chuẩn quốc gia, hơn 80% số lớp học được trang bị máy tính, máy chiếu đa năng, phục vụ 180 lượt lớp/ngày. Thư viện gồm nhiều phòng chức năng, với các chủng loại sách đa dạng, phong phú; tài liệu được số hóa, kết nối mạng thư viện quốc gia và quốc tế, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên, học viên, sinh viên. Hệ thống phòng thực hành tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ giảng dạy, tuyên truyền hiện đại; các studio phát thanh, truyền hình, phòng thực hành chụp ảnh, kỹ năng xử lý báo chí, truyền thông đa phương tiện liên tục được nâng cấp về thiết bị chuyên dụng để theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Ðộc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

PGS, TS TRƯƠNG NGỌC NAM

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất