Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - minh chứng sinh động dự báo thiên tài của C.Mác


Từ quan điểm của C.Mác về vai trò của khoa học, công nghệ (KHCN) trong nền sản xuất xã hội…

Công lao vĩ đại của C.Mác là áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và đã chỉ ra tính quy luật của các biến đổi xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Theo C.Mác, con người muốn tồn tại, trước hết phải lao động sản xuất để tạo ra những vật phẩm nuôi sống mình, sau đó mới đến vấn đề tinh thần, tư tưởng. Trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất, con người đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống tinh thần. Các quan hệ chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo… đều hình thành, biến đổi trên cơ sở sản xuất vật chất. Đi sâu nghiên cứu nền sản xuất xã hội, C.Mác phát hiện ra quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất. Trong lực lượng sản xuất, vai trò của KHCN được thể hiện ở trình độ của người lao động và trình độ của công cụ lao động, là “sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa”. Khi hàm lượng khoa học ngày càng gia tăng trong hai yếu tố này sẽ tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất và do đó thúc đẩy quan hệ sản xuất phát triển phù hợp. Những quan hệ sản xuất hợp thành cơ sở hạ tầng xã hội và đóng vai trò quyết định sự tồn tại, biến đổi của kiến trúc thượng tầng xã hội. Trong Phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, C.Mác viết: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp…”(1). Theo C.Mác, tri thức (khoa học) đã làm cho tư bản cố định (nhà máy, máy móc, công cụ… được dùng trong sản xuất) chuyển hoá đến mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mức độ đó là khi tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành tư bản cố định và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. C.Mác nhận định: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định”(2). C.Mác dự báo: “Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất”(3). Quan niệm của C.Mác về vai trò của KHCN hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức và có ý nghĩa phương pháp luận khi nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

… Đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Hannover ở Cộng hòa Liên bang Đức, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra. Từ đó, đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là sự tích hợp về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị; làm thay đổi mạnh mẽ, toàn diện nền kinh tế mỗi quốc gia về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Có thể khái quát một số đặc điểm và tác động chủ yếu:

 Một là, sự kết nối tự động trong các khâu của quá trình sản xuất, ra các quyết định tối ưu tự động, có khả năng chỉ huy, điều hành thông minh, tái tạo các nguồn tài nguyên, quản trị rủi ro tối ưu. Đặc trưng phổ biến của cách mạng công nghiệp 4.0 là: (1) Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối in-tơ-nét vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. (3) Công nghệ na-nô và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi. (4) Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn.

Hai là, những công nghệ mới sẽ ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, đồng thời cũng thách thức về vai trò thực sự của con người. Những gì đúng ngày hôm nay, ngày mai sẽ không còn tồn tại nữa. Tất cả các mô hình kinh doanh nằm ngoài cuộc cách mạng này sẽ thất bại. Các chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. Công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh nếu không được kiểm soát tốt. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân. Tuy nhiên, sẽ chỉ có lợi cho những người có khả năng thích nghi với sự đổi mới. Nguy cơ cũng có thể gây ra do công nghệ kỹ thuật số thâm nhập vào việc chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội. Sự tương tác này sẽ là cơ hội cho sự hiểu biết liên văn hóa và liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra và tuyên truyền cho những kỳ vọng không thực tế, tạo cơ hội cho những ý tưởng cực đoan và tội lỗi lây lan.

Ba là, tạo ra những bất bình đẳng xã hội mới, nhất là những bất lợi cho người nghèo, lao động có trình độ thấp. Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 xảy ra với bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế, khoảng cách giàu - nghèo nếu không thay đổi cách quản trị xã hội. Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người cùng lúc đứng trước nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Để phát triển, nhà lãnh đạo chính trị, tổ chức xã hội, kinh doanh sẽ phải chủ động thoát khỏi lối mòn với những tư duy và cách làm truyền thống. Họ sẽ phải luôn đặt câu hỏi về mọi thứ, từ ra các quyết định chính trị, xây dựng các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư vào đào tạo nhân lực hay nghiên cứu phát triển. Cuộc cách mạng 4.0 có thể mang lại tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Tài năng, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Thị trường việc làm ngày càng tách biệt, phân đoạn thành “kỹ năng thấp - lương thấp” và “kỹ năng cao - lương cao”, dẫn đến gia tăng căng thẳng về việc làm và thu nhập trong xã hội, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ không chuẩn bị tốt.

Bốn là, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các công việc nhà nước, nói lên chính kiến của mình. Chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Nhưng các chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực phải thay đổi để hoạch định và thực hiện chính sách. Tốc độ ra quyết định, phản ứng với các sự kiện cũng cần phải nhanh chóng hơn. Người dân có điều kiện nắm bắt nhiều thông tin đa chiều, được bày tỏ ý kiến và tham gia vào quá trình ra quyết định và xây dựng các luật lệ. Xã hội sẽ ngày càng công khai, minh bạch và dân chủ hơn khi vai trò của người dân ngày càng được nâng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột. Lỗ hổng mới này sẽ dẫn đến những lo ngại mới, thực sự là một nguy cơ đối với nhân loại.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam

Khẳng định vai trò to lớn của KHCN, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “KHCN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển KHCN nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”(4). Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ KHCN, làm cho KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”(5).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho mọi dân tộc, nhất là các dân tộc đi sau có thể phát triển nhanh bằng đi tắt, đón đầu. Cũng như ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, dân tộc nào nắm bắt được cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp đem lại thì phát triển, giàu có; ngược lại, dân tộc nào không nắm bắt được sẽ bị gạt ra ngoài sự phát triển. Nhờ có chủ trương đúng về phát triển KHCN, mặc dù nước ta còn ở trình độ của nước đang phát triển, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và 54% nối mạng in-tơ-nét, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, ở mức độ nhất định, chúng ta đã bước đầu được thụ hưởng những thành tựu KHCN hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động KHCN của Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KHCN chưa được chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KHCN tuy đã có nhiều đổi mới nhưng còn không ít bất cập, hạn chế; cơ chế quản lý hoạt động KHCN chậm được hoàn thiện, chỉ khoảng 30% số nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng hoặc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; số doanh nghiệp dám “mạo hiểm” đầu tư cho các nghiên cứu khoa học còn rất ít... Khi đất nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần này đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, là cơ hội để Việt Nam tiến thẳng vào lĩnh vực công nghệ mới, tranh thủ các thành tựu KHCN tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình CNH, HĐH đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Có nhiều chủ trương, quyết sách cần phải thực hiện, trong đó, nổi lên một số vấn đề sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển KHCN và nắm bắt ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp đương đại. Hiện nay, nhiều cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ vai trò và sự cần thiết phát triển KHCN; sự nắm bắt và ứng dụng các thành tựu KHCN như là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31-10-2012 về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần nắm vững định hướng phát triển KHCN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để vận dụng vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đổi mới chiến lược công nghiệp Việt Nam, ưu tiên thúc đẩy phát triển KHCN mũi nhọn, như: công nghệ na-nô, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với những đặc trưng của nó, hình thành các chính sách KHCN phù hợp.

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng. Sử dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi cho KHCN phát triển. Đổi mới cơ chế quản lý đối với các tổ chức KHCN trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005 quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập. Đổi mới về chính sách quản lý tài chính đối với kinh phí hoạt động KHCN theo cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho quá trình thích ứng và hội nhập quốc tế. Đào tạo nhân lực về mặt công nghệ và tri thức mới cũng như xây dựng một môi trường hỗ trợ sáng tạo có ý nghĩa sống còn để thích nghi cuộc cách mạng này. Cần đầu tư có chiều sâu và hiệu quả để các trường đại học trọng điểm đi đầu trong nghiên cứu KHCN mới nhằm tiệm cận với các nước tiên tiến. Có chính sách phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học. Các trường đại học trọng điểm thu hút nhân tài trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời, tiên phong trong khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ và tri thức, là nơi ươm mầm tài năng của đất nước trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS, TS. NGUYỄN VĂN GIANG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-----

(1), (2), (3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, t.46, phần II, NXB CTQG, H.2000, tr.372; tr.367, tr. 368. (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H.2011, tr.78. (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG, H.2016, tr27, 28.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất