Chăm lo phần "gốc" hơn là giải quyết phần "ngọn"
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với bà con xã Đồng Tâm.

Vụ việc người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội giữ một số cán bộ huyện và chiến sĩ cảnh sát cơ động Trung đoàn cơ động Thủ đô được giải quyết êm thấm và có phần hồ hởi của các bên liên quan sau mấy tiếng đồng hồ đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ là sự kiện như một ví dụ điển hình khi người ta nói về việc giải quyết “điểm nóng”. Qua vụ việc ở Đồng Tâm, nhìn dưới góc độ công tác xây dựng đảng, thì thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác này thì có lẽ Đồng Tâm không phải là địa danh được cả nước biết đến như ngày nay. Từ “điểm nóng” ở tỉnh Thái Bình cách đây vừa đúng 20 năm về trước và nhiều “điểm nóng” nhỏ lẻ ở không ít nơi xảy ra trong những năm qua, trong đó có Đồng Tâm cho thấycái “gốc” của vấn đề vẫn là công tác xây dựng đảng ở những nơi đó yếu kém. Điều này được thể ở một số nhân tố cơ bản sau:

Trước hết, cần trả lời cho được câu hỏi, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, sự phối hợp tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội như thế nào mà lại để xảy ra “điểm nóng” người dân có những hành động sai trái pháp luật như ở Đồng Tâm? “Đảng ta là Đảng cầm quyền” do đó, tổ chức, cấp ủy đảng ở cơ sở phải chịu trách nhiệm trước hết về sự lãnh đạo của mình đối với chính quyền cùng cấp và các đoàn thể trong hệ thống chính trị ở xã. Sự thiếu sót của tổ chức, cũng như cán bộ chính quyền thì trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy đảng ở xã. Trước, trong quá trình xảy ra những vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân thì cấp ủy đảng và bí thư cấp uỷ phải thường xuyên gắn bó với dân, trực tiếp nắm bắt thông tin, nghe ngóng tình hình, tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đối thoại trực tiếp, thuyết phục, vận động  dân, đồng thời chấn chỉnh đội ngũ cán bộ của mình thì nhất định người dân sẽ nghe ra và không có những hành động quá khích. Hiện nay, ở nhiều địa phương, cơ sở, bên cạnh thủ tục hành chính còn rườm rà, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn yếu kém, thậm chí tiêu cực nên nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, quyền làm chủ của người dân cần được giải quyết nhưng lại chưa được đáp ứng, giải quyết kịp thời, đặc biệt là vấn đề tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, thường xuyên, trực tiếp xuống dân, lắng nghe, đối thoại trực tiếp với nhân dân chẳng những giúp cấp ủy đảng ta trực tiếp kiểm nghiệm được uy tín, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đứng đầu địa phương, đơn vị, đồng thời đây cũng là dịp để cán bộ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Bởi vì không phải người dân nào cũng hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật, cho nên nhiều khi họ bị lôi, kéo, kích động, vô ý vi phạm mà không biết. Nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ với quần chúng, nhân dân, ngoài việc trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình, người dân muốn trực tiếp kiểm nghiệm, “mắt thấy, tai nghe” cán bộ lãnh đạo trả lời, xử lý những vấn đề mà nhân dân nêu ra như thế nào, qua đó xem lãnh đạo có “nói đi đôi với làm” không, có xứng đáng là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân không. Trường hợp người dân Đồng Tâm yêu cầu, mong đợi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với dân vừa là người có thẩm quyền giải quyết nhiều việc, vừa thể hiện chính cấp ủy, chính quyền cấp dưới đã không làm tròn trách nhiệm, đã mất lòng tin của người dân.

Thứ hai, nhân tố cán bộ bao giờ cũng là “gốc” trong việc để phát sinh và giải quyết “điểm nóng” ở địa phương, cơ sở. Qua thực tế càng chứng minh luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi việc”. Ở địa phương, nhất là ở cơ sở, người dân biết rất rõ cán bộ của mình. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào vì dân, cán bộ nào xấu, dính vào tiêu cực. Chỉ có điều người dân có dám nói ra và có được nói ra hay không mà thôi. Do đó, khi cán bộ không đủ phẩm chất, tư cách, tín nhiệm với dân, không bênh vực, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân thì họ rất khó có thể tiếp xúc nghe được tiếng nói thật của dân. Trong trường hợp cán bộ chủ chốt ở cơ sở bị ký luật, cách chức thì cán bộ cấp trên trực tiếp (quận, huyện) phải là những người “đứng mũi chịu sào”, “cầm cân, nảy mực”, chấn chỉnh, lãnh đạo phong trào ở cơ sở đó, không để tình hình xấu thêm. Nhưng khi lãnh đạo ở quận, huyện không đủ năng lực, uy tín để dân tin tưởng giao phó, đặt niềm tin, thậm chí kéo bè kéo cánh, bao che cho cấp dưới, thì người dân ắt lại phải chạy lên trên. Chính vì thế, không phải cán bộ nào cũng dễ dàng tiếp xúc, đối thoại với dân. Việc người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp không trực tiếp tiếp công dân mà sợ dân, né tránh, giao phó cho những người không đủ trách nhiệm, thẩm quyền đã góp phần làm cho tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương khá phổ biến. Nguyên nhân cốt yếu là vì người dân không còn tin vào cán bộ cơ sở, địa phương của mình nữa. Ngoài uy tín, năng lực giải quyết những bức xúc của dân khi xảy ra “điểm nóng” thì người tiếp xúc, đối thoại với dân đồng thời cũng là người có đủ thẩm quyền để giải quyết và hứa giải quyết những yêu cầu của người dân. Ở vụ việc Đồng Tâm, nếu cán bộ xã, huyện Mỹ Đức làm tròn trách nhiệm, liệu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có phảit xuống tận nơi?

Thứ ba, công khai, minh bạch sự thật, bản chất của các vụ việc, hiện tượng chưa được làm rõ, sớm sửa đổi, bổ sung những quy định về đất đai phù hợp với tình hình thực tế là một nguyên nhân của vụ việc. Tại sao cho đến nay, qua hàng chục năm quản lý, sử dụng mà câu hỏi đâu là đất quốc phòng, đâu là đất canh tác, cư trú của người dân vẫn chưa được làm rõ. Quy chế, quy định, pháp luật về vấn đề quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào những mục đích gì, như thế nào, các cơ quan nào có quyền thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất ở dạng này có lẽ nhiều người cũng chưa biết. Trong thực tế, hiện tượng sử dụng, quản lý lỏng lẻo, lãng phí, thậm chí tiêu cực, đất giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có đất cho lực lượng vũ trang, là tương đối phổ biến. Chính vì thế, khi có vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra, các cơ quan chức năng mới cho thanh tra, kiểm tra quyền sử dụng đất, như ở Đồng Tâm là việc làm cần thiết nhưng là khi việc đã rồi. Trong khi đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được cụ thể hóa trong Pháp lệnh của Ủy Ban thường vụ Quốc hội “Về thực hiện dân chủ ở xã”, trong đó việc xây dựng, thực hiện Pháp lệnh này là trách nhiệm của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Trong những năm qua, có đến 80% các vụ khiếu kiện vượt cấp kéo dài của người dân liên quan đến đất đai. Qua vụ việc ở Đồng Tâm, việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc giao quyền sử dụng đất trong cả nước là rất cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn sự tranh chấp đất đai sẽ có thể xảy ra ở chỗ này, chỗ khác.

Cuối cùng, cái gốc để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những bức xúc của người dân dẫn đến các “điểm nóng” chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và tất cả đảng viên trong tổ chức ấy. Đó không là gì khác ngoài việc thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc nhiệm vụ không bao giờ cũ của người đảng viên là: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bào vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân ...”. Làm được như thế thì mọi manh nha, mầm mống của sự phức tạp, nổi cộm, bức xúc dẫn đến “điểm nóng” sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở, không để bùng phát, lây lan theo phương châm “vụ việc nhỏ làm cho nó không có; vụ việc to làm cho nó nhỏ đi”. Đồng thời, một điều rất cần được nhận thức, quán triệt một cách  sâu sắc, thấu đáo trong quá trình giải quyết “điểm nóng” là luôn luôn coi người dân là đồng bào, người thân, là lực lượng có tính quyết định làm nên sức mạnh của Đảng. Nếu người dân có sai trái thì cũng tự đặt câu hỏi: tại sao mình lãnh đạo nhân dân lại để người dân sai phạm như thế? Đó chính là cách để chúng ta chăm lo phần “gốc” hơn là giải quyết phần “ngọn” khi vụ việc đã xảy ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất