Về vấn đề thanh đảng

Từ quan điểm của V.I.Lê-nin về thanh đảng...

V.I.Lê-nin đã đặt vấn đề thanh đảng dứt khoát, rõ ràng là phải loại ra khỏi Đảng những kẻ muốn trục lợi do địa vị của người đảng viên khi Đảng giành được chính quyền. Người lãnh đạo Đảng Cộng sản (b) Nga tiến hành nhiều đợt thanh đảng có hiệu quả. Mở đầu là Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản (b) Nga (3-1919). Từ tháng 5 đến 9-1919, Đảng tiến hành đăng ký lại đảng viên mà thực chất là mở đầu cho cuộc thanh đảng. Cao hơn khi thực hiện Nghị quyết Đại hội X tháng 3-1921, V.I.Lê-nin chính thức tiến hành đợt thanh đảng đầu tiên vào cuối năm 1921 và đưa ra khỏi Đảng 170.000 đảng viên, chiếm 25% số đảng viên của Đảng. Tiếp theo, Đảng Cộng sản Liên Xô thực hiện tư tưởng của V.I.Lê-nin tiến hành hai cuộc thanh đảng lớn vào những năm 1929-1930 và 1933-1934 làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát triển, vượt qua được những khó khăn, thử thách của cách mạng.

Tư tưởng, quan điểm của V.I.Lê-nin về thanh đảng rất kiên quyết, không khoan nhượng, thiết thực, cụ thể, sâu sắc xuất phát từ sứ mệnh lịch sử trọng đại của Đảng mà theo Người, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Những quan điểm ấy thể hiện ở những điểm chính có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, tính chiến lược lâu dài.

Trong bài “Về vấn đề thanh đảng”, Người chỉ rõ: “Những người men-sê-vích” “chui” vào Đảng Cộng sản Nga… là do “khả năng thích ứng” của họ. Bất cứ một người cơ hội chủ nghĩa nào cũng có khả năng như vậy (nhưng không phải bất cứ một thích ứng nào cũng đều là chủ nghĩa cơ hội) và những người men-sê-vích, với tư cách là những người cơ hội chủ nghĩa, thì có thể nói là “về nguyên tắc” họ thích ứng với trào lưu thịnh hành trong phong trào công nhân, họ thay màu đổi sắc để ẩn nấp được dễ dàng hơn, như con thỏ rừng, về mùa đông thay lông thành màu trắng… phải thanh trừ ra khỏi Đảng độ chừng chín mươi chín phần trăm những người men-sê-vích đã tham gia Đảng Cộng sản Nga năm 1918”(1).

Ngoài những đối tượng trên, V.I.Lê-nin thẳng thắn chỉ rõ phải dứt khoát thanh trừ “những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược, và những người men-sê-vích tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vích”(2). Người luôn quan tâm đến chất lượng đảng viên. Người viết: “Đảng độc nhất cầm quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào Đảng” ra khỏi hàng ngũ của mình”(3). Người cũng nhấn mạnh: “Những đảng viên hữu danh vô thực cho không chúng ta cũng không cần”(4) và “chúng ta cần những đảng viên mới không phải để quảng cáo mà là để làm việc thật sự”(5). Theo Người, đảng viên phải thực chất. Không thể ồ ạt đưa vào Đảng những kẻ cơ hội, “hữu danh vô thực”, khiến cho Đảng đông mà không mạnh; thậm chí họ quấy rối, phá Đảng từ bên trong, mà đối với bọn này còn nguy hiểm hơn kẻ thù ở bên ngoài. Người chú trọng thanh trừ ra khỏi Đảng một loạt bọn cơ hội tìm mọi cách chui vào Đảng do sức hút của đảng cầm quyền. Người viết: “Tôi mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi Đảng từ 10 đến 20 vạn người đã len lỏi vào Đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này nữa”(6). Bởi vậy, cần phải thanh trừ đảng đối với những đảng viên đã bị quan liêu hóa, lên mặt là quan cai trị dân. Người chỉ rõ: “Chúng ta cần kiểm tra năng lực của nhân viên công tác; kiểm tra việc chấp hành thực tế. Cuộc thanh đảng tới đây sẽ nhằm vào những người cộng sản lên mặt là quan cai trị”(7). Người khẳng định phải thanh đảng những người kiêu ngạo, không khiêm tốn, thiếu tôn trọng dân, coi thường dân, dùng mọi thủ đoạn cướp tiền của, tài sản, đất đai, khoáng sản của nhân dân, của đất nước. Người viết: “Tính kiêu ngạo cộng sản, có nghĩa là một người ở trong Đảng Cộng sản và chưa bị thanh trừ ra khỏi Đảng, tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả nhiệm vụ của mình”(8). Họ là người lợi dụng quyền lực được Đảng, Nhà nước giao cho để làm bất kỳ việc gì họ muốn để có lợi cho cá nhân, gia đình, người thân.

V.I.Lê-nin yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước phải kiên quyết đấu tranh, thanh trừ những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa. Người yêu cầu Bộ Tư pháp “phải biết trừng phạt và học tập trừng phạt như thế nào đối với những tên vô lại “cộng sản” đang ngự trị, kẻ chỉ biết nói chuyện nhảm và lên mặt quan trọng chứ không biết làm việc”(9). Người yêu cầu phải trừng phạt những người cộng sản mắc sai phạm nặng hơn 3 lần người ngoài Đảng, phải có những phiên tòa mẫu, phải nghiêm khắc giám sát và cần thiết thì phải xử bắn. Người nhấn mạnh các tội nghiêm trọng cần phải thanh đảng khi đảng viên sai phạm. Đó là bệnh kiêu ngạo; bệnh mù chữ; bệnh hối lộ. Theo V.I.Lê-nin, bệnh kiêu ngạo là tự cho mình có quyền muốn làm gì thì làm; bệnh mù chữ là dốt nát không cần phải học ai, học gì; bệnh hối lộ là tự cho mình quyền ăn đút lót, vơ vét của dân. Người viết: “Nếu còn có thể hối lộ được thì cũng không nói gì đến chính trị”(10).

Những quan điểm của V.I.Lê-nin về thanh đảng cho thấy Người rất quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với những đảng viên thoái hóa, biến chất, cơ hội, thực dụng, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng vị trí của mình để trục lợi, mưu cầu lợi ích cá nhân làm suy yếu Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng. Mục đích của việc thanh đảng là làm cho hàng ngũ của mình trong sạch, vững mạnh. Loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn phiêu lưu, bọn khiêu khích ra khỏi Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đó, Đảng thực sự là đội tiên phong được quần chúng tín nhiệm và ủng hộ. Đảng thực sự là đội ngũ thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực sự có sức mạnh.

... Đến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng; lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(11). Điều đó dẫn đến làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

  Nhận rõ những nguy cơ, thấu suốt tư tưởng thanh đảng của V.I.Lê-nin, Đảng ta đã có nhiều cuộc vận động, các nghị quyết cụ thể về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết xác định rõ quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp “xây” và “chống”… Kiên trì, kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn… thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp… tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết thống nhất trong Đảng… giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước. Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, “bất mãn chính trị”(12). Với tinh thần ấy, Nghị quyết đã nhận diện 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tùy theo mức độ mà các cấp ủy đảng, chính quyền kiểm tra, kết luận xử lý nghiêm minh, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn xứng đáng.

Có thể ở người này, người kia, có một hoặc hai biểu hiện hoặc có người mắc phải nhiều biểu hiện; có thể mức độ sai phạm nặng nhẹ khác nhau. Cái quan trọng là từng người tự nhận ra, tự sửa chữa. Đối với những người quá bảo thủ, cơ hội, cố tình giấu giếm khi đã mắc sai lầm quá nặng thì Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, phải thanh đảng đối với họ theo tư tưởng của V.I.Lê-nin. Nhận diện khái quát những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng hiện nay càng thấy tính cấp bách và sự cần thiết, tất yếu của việc thực hiện những biện pháp mạnh, kiên quyết, kiên trì của Đảng.

V.I.Lê-nin đã từng chỉ rõ những kẻ cơ hội, cá nhân, vụ lợi “chui” vào Đảng vì mục đích cá nhân, phá hoại Đảng, chống đối lợi ích của nhân dân với bản chất xấu xa, tồi tệ của họ thì cần phải thanh đảng, tống cổ họ ra khỏi Đảng. Thực hiện Nghị quyết là nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái đang thực sự là những hiểm họa đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ ta.

Đây là cuộc đấu tranh tiêu diệt cái xấu, cái ác, cái trái với đạo lý, trái với lợi ích của nhân dân ở một số người để bảo vệ giá trị, lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của dân tộc. Theo V.I.Lê-nin, trong cuộc đấu tranh ấy, Đảng không thể khoan nhượng, phải có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết lôi cổ những người cơ hội ra ánh sáng và xử lý kỷ luật thật nghiêm minh. Đó cũng là nguyện vọng, là đòi hỏi của toàn Đảng, toàn dân vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng làm cho Đảng thật sự trong sáng như pha lê, mạnh như thác lũ như sinh thời Bác Hồ từng yêu cầu và thực hiện.

PGS, TS. Trần Quang Nhiếp

-----

(1), (2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, H.1978, tập 44, tr.153; tr.154. (3), (4), (5) Sđd, tập 39, tr.225, 226. (6), (7) Sđd, tập 45, tr.19. (8), (10) Sđd, tập 44, tr.217. (9) Sđd, tập 44, tr.485. (11), (12) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.22; tr.35-36.

Phản hồi (1)

Cao Đình Nhân 22/04/2017

Bài viết bổ ích, cần cho các tổ chức cơ sở đảng đưa ra nghiên cứu, thảo luận để nâng cao tính chất trong sinh hoạt, theo yêu cầu hiện nay!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất