Có một nền văn minh Xô-viết

Có một sự thật hiển nhiên là Liên Xô xuất hiện làm rung chuyển thế giới.  Sau 74 năm tồn tại, Liên Xô biến mất làm cả thế giới bất ngờ, kinh ngạc. Sự tan rã của một cường quốc hùng cường vào bậc nhất thế giới đương đại vẫn đang là vấn đề làm chúng ta suy tư, trăn trở.

Nền văn minh Xô-viết đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào?

Chế độ quân chủ chuyên chế nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười 1917 đã duy trì những tàn tích của thời trung cổ, chúng kìm hãm sức sản xuất làm cho nước Nga vẫn ở trong vùng thấp nhất, ngoại vi của các nước tư bản phát triển châu Âu. Nước Nga Sa hoàng cùng với giai cấp thượng lưu bóc lột dân chúng, ăn chơi sa đọa và theo đuổi một cuộc chiến tranh tàn khốc với các nước đế quốc để tranh giành thuộc địa. Mâu thuẫn trong xã hội Nga đã tới mức tột đỉnh, quần chúng lao động không chịu nổi, đòi hỏi phải được giải quyết. V.I.Lê-nin chỉ rõ: Cuộc cách mạng đó tất yếu sẽ nổ ra, trước mắt nó “làm một nhiệm vụ dân chủ tư sản: xóa bỏ những tàn dư của thời trung cổ, vĩnh viễn tiêu diệt những tàn dư ấy, quét sạch khỏi nước Nga cái hiện tượng dã man, cái ô nhục ấy, cái đã hết sức kìm hãm mọi văn hóa, mọi tiến bộ trong đất nước ta”(1). Khi giải quyết những nhiệm vụ lịch sử ấy, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga xuất hiện như một bước tiến mới của nền văn minh nhân loại. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga hơn một thế kỷ, cuộc cách mạng tư sản Pháp nổ ra mở đường cho những nước văn minh Đức, Anh, Mỹ… ra đời, được coi là một cuộc đại cách mạng trong lịch sử văn minh nhân loại; nhưng cái “chuồng ngựa áp-phi” (từ V.I.Lê-nin dùng theo một thành ngữ để chỉ tình trạng hỗn loạn, lộn xộn và bẩn thỉu) trong các nước đó thì cho tới thời điểm nổ ra Cách mạng Tháng Mười Nga họ cũng chưa thủ tiêu được một cách triệt để. Nước Nga có quyền tự hào là “đứng về mặt ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân, đối với đông đảo quần chúng nhân dân mà xét, thì so với đại cách mạng Pháp… chúng ta đã làm cuộc tẩy rửa đó một cách kiên quyết, nhanh chóng và mạnh dạn hơn nhiều, có kết quả và sâu rộng hơn nhiều”(2).

Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc Đại cách mạng ở thế kỷ XX, nó đã xuất hiện với tư cách là một nền văn minh mới, ở mức phát triển cao hơn. Chỉ lấy riêng một tiêu chí của nền văn minh để so sánh: giải phóng phụ nữ. Đây là vấn đề lớn vì nó là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Nhờ có cuộc Cách mạng Tháng Mười mà “ở nước Nga… không còn cái hiện tượng hèn hạ, ô nhục và bỉ ổi là: phụ nữ không có quyền và không được bình đẳng - cái tàn dư đáng ghét của chế độ nông nô và của thời trung cổ”(3).

Bà J.Sten-sơn, nhà sử học Mỹ kể rằng: Quê hương tôi có tượng nữ thần Tự do của nước Pháp tặng. Nguyễn Tất Thành đến Niu-oóc cũng đã đến đây, và mọi chính khách, sau khi đến tham quan tượng thần Tự do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do… Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành khi đến xem thần Tự do nhưng nhìn xuống chân tượng và ghi: ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ phụ nữ được bình đẳng với nam giới? Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã trả lời những câu hỏi của Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), hình thành một chính thể mới: Cộng hòa XHCN Xô-viết, với tư cách là một nền văn minh mới - nền văn minh Xô-viết, trong đó mọi người được bình đẳng với một hình thức cấu trúc là Nhà nước liên bang trên một lãnh thổ rộng và tồn tại trong gần suốt thế kỷ XX.

Nền văn minh Xô-viết đã trải qua những giai đoạn lịch sử nào?

Trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người lao động, cơ bản là công nhân và nông dân, biết liên minh chặt chẽ với nhau, do một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân lãnh đạo, dùng sức mạnh quần chúng đập tan nhà nước của giai cấp tư sản. Nhãn hiệu nhà nước của dân, do dân, vì dân mà giai cấp tư sản ghi trên ngọn cờ của nó chỉ là nhà nước của một thiểu số dân cư - những người hữu sản giàu có - dùng để mị dân, bảo vệ lợi ích cơ bản của họ. Nhà nước Xô-viết hiện thực hoá những điều tốt đẹp mà giai cấp tư sản nói nhưng chưa thật tâm làm. V.I.Lê-nin đã gọi nhà nước Xô-viết là Nhà nước của số đông, do số đông và vì số đông. Nhà nước ấy công khai tuyên bố và thực hiện quyền làm chủ trên thực tế của tất cả mọi người lao động, quyền bình đẳng, tự quyết dân tộc và bình đẳng nam nữ…

Nhưng không phải cách mạng thành công thì từ một cơ đồ đổ nát và tàn phế do chế độ cũ để lại bỗng chốc đã hóa thiên đường. Thù trong, giặc ngoài đe dọa bóp chết nước Nga Xô-viết trẻ tuổi. Trước tình hình đó, V.I.Lê-nin kêu gọi: Chúng ta đã giành được chính quyền, nay càng phải quyết tâm bảo vệ thành quả ấy… Chính sách cộng sản thời chiến được ban bố như là một giải pháp tình thế bắt buộc tất cả những người lao động phải hy sinh, chịu đựng kham khổ để dồn sức người, sức của cho trận quyết chiến sinh tử bảo vệ chính quyền. Người dân đã ủng hộ, đồng thuận cùng Đảng trong cuộc đấu tranh anh dũng, ngoan cường và không cân sức đó để giành thắng lợi. Chính sách cộng sản thời chiến được kéo dài và áp dụng cả trong thời bình với mong mỏi chủ quan là chuyển ngay và trực tiếp lên giai đoạn xây dựng chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lê-nin thừa nhận Đảng Cộng sản đã mắc sai lầm và thất bại đau đớn. “Thất bại đó đã biểu hiện ở chỗ là chính sách kinh tế của ta lâm vào tình trạng ở thượng tầng của nó, bị tách rời cơ sở và không dẫn đến việc phát triển lực lượng sản xuất. Chế độ trưng thu lương thực thừa ở nông thôn, cách giải quyết những nhiệm vụ xây dựng ở thành thị, một cách trực tiếp theo chủ nghĩa cộng sản như thế, đã làm trở ngại cho việc phát triển lực lượng sản xuất và đã là nguyên nhân chủ yếu gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc mà chúng ta vấp phải hồi mùa xuân 1921. Cho nên đứng về mặt đường lối và chính sách của chúng ta mà xét… không thể gọi một cách nào khác hơn là sự thất bại nặng nề”(4). Sự thông minh của một Đảng cách mạng chân chính là biết nhận ra sai lầm và có kế hoạch để mau chóng khắc phục. Chính sách kinh tế mới (NEP) đã được đề ra đồng thời với các nhiệm vụ cấp bách là thanh đảng. “Cần phải đuổi ngay ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vích tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vích”(5). Đồng thời, chấn chỉnh bộ máy nhà nước, tinh gọn các đầu mối, giảm bớt các thủ tục hành chính… Năm 1924, trước khi qua đời, V.I.Lê-nin đã nhận định tình hình thế giới đang đứng trước một thảm họa của cuộc chiến tranh thế giới mới, có thể tàn khốc hơn thế chiến I (1914-1918). Dự đoán của Người đã đúng. Chủ nghĩa phát-xít đe dọa nền hòa bình dân chủ trên thế giới, chế độ Xô-viết lại đứng trước nguy cơ của sự sống còn. Đảng Cộng sản Liên Xô đã phát động được tinh thần yêu nước của toàn dân với quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy, Liên Xô đã mau chóng trở thành một cường quốc. Khi đại chiến thế giới thứ II nổ ra. Liên Xô đã là một lực lượng quan trọng, góp phần quyết định, cùng đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát-xít, bảo vệ vững chắc nền độc lập của mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra đời hàng loạt các nước dân chủ nhân dân trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít là cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử của nền văn minh nhân loại chống bạo tàn. Liên Xô là nước góp phần quyết định làm nên chiến thắng. Với sức mạnh lòng yêu nước của nhân dân cùng sự dũng cảm vô song của Hồng quân Liên Xô, sự sáng suốt và gương mẫu của những người cộng sản, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Liên Xô đã thể hiện tư thế của một quốc gia hùng mạnh, của một chế độ có văn hóa, văn minh vào bậc nhất thế giới đương đại. Đó là một sự thật không thể phủ nhận.

Là một nước chủ yếu trong phe đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát-xít, nhưng cũng là nước bị tổn thất nặng nề nhất. Mặc dầu bị kiệt quệ trong cuộc chiến tranh, Liên Xô đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh sang xây dựng thời bình. Đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước là giai đoạn Liên Xô đạt mức phát triển cao nhất và có vị thế chưa từng có trong lịch sử, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần, thu nhập quốc dân tăng 112 lần. Năm 1975, chỉ cần 2 ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1917 (năm cao nhất của đế quốc Nga cũ), sản lượng công nghiệp chiếm 20% thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 1953, Liên Xô đã chế tạo được quả bom khinh khí dễ vận chuyển đầu tiên trên thế giới. Bốn năm sau, vệ tinh nhân tạo của trái đất mang hình quốc huy Liên Xô phóng thành công vào vũ trụ. Liên Xô là nước dẫn đầu thế giới về trình độ học vấn tại thập niên 70 của thế kỷ trước với gần 3/4 công dân có trình độ đại học và trung học. Liên Xô đã có được vị trí dẫn đầu thế giới về khoa học vũ trụ, điện hạt nhân, luyện kim, công nghệ quốc phòng... Liên Xô trở thành đối trọng cân bằng với khối tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và là nguồn viện trợ chính cho các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thời kỳ trì trệ dẫn đến khủng hoảng rõ nhất là từ 1975-1985. Đây là thời kỳ mà những mâu thuẫn của xã hội Liên Xô có mầm mống từ sau khi Sta-lin qua đời (1953) đã chín muồi và phát tác gây ra những hệ quả xấu cho nền kinh tế và đời sống tâm lý, chính trị, xã hội của nhân dân. Vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc xây dựng đảng, sai lầm trong công tác cán bộ. Kinh tế kém phát triển, tập trung quan liêu và tệ lạm dụng chức quyền  để tham nhũng không được chấn chỉnh đã làm suy thoái đạo đức xã hội. Cán bộ trong các cơ quan đảng và nhà nước từ trên xuống dưới không có sự giám sát của nhân dân. Đảng mất dần uy tín trong nhân dân…

Tâm lý dân chúng chán nản, bất mãn trở nên thờ ơ đối với các chính sách của Đảng và Chính phủ. Đảng và nhân dân, nhất là trí thức, sinh viên, thanh niên, công nhân, nông dân xa rời nhau. Đảng đã biến thành đối tượng bị phê phán, oán trách… Các mâu thuẫn dân tộc càng ngày càng sâu sắc, xuất hiện nhiều căng hẳng giữa các dân tộc, giữa các nước cộng hòa và trong nội bộ từng nước.

Năm 1985, Liên Xô bắt đầu tiến hành chính sách cải tổ và công khai hóa. Nhưng những nỗ lực cải cách đã không thu được kết quả như mong đợi. Khủng hoảng xuất hiện và trở nên sâu sắc: Các tổ chức và trào lưu dân tộc chủ nghĩa xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng ly khai, chống lại Nhà nước liên bang, đòi độc lập. Ngày 25-12-1991, Liên Xô chính thức chấm dứt sự tồn tại. Trên bình diện thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô khiến phương Tây không còn một đối trọng đủ mạnh, thế giới ngày nay vẫn còn xa mới có thể gọi là an toàn. Liên Xô không còn nữa. Nhưng những bài học rút ra từ thành công cũng như thất bại của nó vẫn còn là những giá trị lâu dài.

Những bài học lịch sử

Bài học to lớn nhất mà các đảng cộng sản cầm quyền cần phải khắc ghi là phải thường xuyên và liên tục khắc phục những sai lầm về lý luận; sai lầm về đường lối cải tổ, đổi mới; sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác nhân sự, nhất là việc bố trí nhân sự cấp cao, cấp chiến lược; là không bao giờ được để mất cái chìa khóa vạn năng của thành công là dân chủ, không được vi phạm quyền làm chủ của nhân dân dẫn đến mất dần quần chúng. Bài học rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô một lần nữa nhắc nhở Đảng ta ghi nhớ những tư tưởng bất hủ của hai lãnh tụ kiệt xuất:

Cái làm tiêu vong sự nghiệp của những người cộng sản chính là tệ quan liêu, ăn hối lộ, xa dân và mất lòng tin của nhân dân (V.I.Lê-nin).

Dân chủ là chìa khóa vạn năng, là gốc rễ của thắng lợi. “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (Hồ Chí Minh).

PGS. Trần Đình Huỳnh, ThS. Lê Thủy

-----

(1), (2), (3), (4), (5) V.I. Lê-nin, toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 44. tr.179; tr.179; tr.182; tr.199; tr.154.

Phản hồi (1)

Đặng Vũ 08/11/2014

Bài hay.Viết không giáo điều.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất