Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) lần thứ VIII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25-9 đến ngày 27-9-2014. Đây là sự kiện chính trị quan trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm. Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa VII (2009-2014) trình Đại hội đã tổng kết khá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những kết quả thực hiện các chương trình hành động nhiệm kỳ qua, rút ra bài học kinh nghiệm đồng thời đề ra mục tiêu, chương trình hành động của nhiệm kỳ 2014-2019. Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, MTTQVN đã tiếp tục phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Đại hội VIII MTTQVN sẽ thông qua các mục tiêu, chương trình hành động và giải pháp thực hiện. Đại hội lần này vẫn phải tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề, nhiệm vụ cũ thuộc vai trò, chức năng của MTTQVN, nhưng nội dung mới bởi tình hình thực tế có nhiều thay đổi đặt ra yêu cầu cao hơn. Xin điểm qua một số nhiệm vụ.
1. Đoàn kết. Với truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất, ngày nay, MTTQVN là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiệm vụ đoàn kết hiện nay cần được nhìn nhận và giải quyết trên hai bình diện. Đoàn kết trên bình diện toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, được tiếp nối, phát triển qua các thế hệ người Việt Nam. Tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, tương thân, tương ái tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ các thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta là “liều thuốc thử” tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đoàn kết ở phạm vi từng tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị, giữa những cá nhân với nhau ở nhiều nơi đang là một trong những băn khoăn, lo lắng của nhân dân. Suy cho cùng, sự đoàn kết thống nhất phải dựa trên lợi ích và các điểm tương đồng. Những người có cùng lợi ích sẽ dễ dàng đoàn kết, đồng cảm và chia sẻ với nhau hơn. Vấn đề lợi ích giữa các giai tầng, dân tộc, tôn giáo, giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ sở, nhất là lợi ích nhóm đang đe dọa, làm tổn thương sự đoàn kết, thống nhất ở nhiều nơi. Trong khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong khi nhiều người dân mỗi ngày khó khăn lắm mới kiếm được tiền để vượt qua cái ngưỡng của sự nghèo đói và nhiều người rất dễ “rơi” từ mức thoát nghèo xuống mức nghèo thì có những cán bộ lãnh đạo, đảng viên có tài sản hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà không phải do mồ hôi, công sức, trí tuệ của mình bỏ ra mà bằng những hành động vi phạm pháp luật, đạo đức, nhân phẩm. Hiện tượng dẫm đạp lên đạo đức, nhân phẩm mà “vơ vét cho đầy túi tham”, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt trong một số cán bộ, nhân viên nhà nước là tương đối phổ biến, nhưng vẫn chưa xử lý, dẹp yên được. Tình trạng mâu thuẫn nội bộ địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ vì lợi ích cá nhân, cục bộ địa phương là không ít. Với vai trò, chức năng là tổ chức tập hợp, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ mới của MTTQVN đã và sẽ làm gì, có bước đột phá nào để tăng cường sự đoàn kết ở các địa phương, cơ sở? Rút kinh nghiệm từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, MTTQVN cần tạo ra bước đột phá trong xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Ngay trong Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng phải huy động, đoàn kết tất cả các tổ thành viên, các lực lượng mới có thể làm tốt vai trò, chức năng của mình. Một trong những giải pháp rất quan trọng là công khai hóa, minh bạch tiền lương, thu nhập, xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, độc quyền trong tất cả các lĩnh vực, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... MTTQVN cần giám sát cho được việc thực hiện sự tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển, trong các thành phần kinh tế, trong từng chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
2.Giám sát, phản biện xã hội. Từ Đại hội X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN. Tuy nhiên, gần đây, Bộ Chính trị khóa XI mới ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn, sâu sắc. Đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung phản biện xã hội sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bảo dự thảo. Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc ban hành quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị xã - hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Đảng giao cho MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Trong những năm qua, MTTQVN các cấp đã thực hiện hoạt động giám sát đối với hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên; tham gia góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, thậm chí vẫn còn hình thức, ở nhiều nơi, MTTQ và cán bộ mặt trận không đủ năng lực, trình độ chuyên môn đề giám sát, phản biện, chưa nói đến việc e ngại, nể nang, né tránh. Vấn đề đặt ra hiện nay là MTTQVN và các tổ chức thành viên có đủ dũng cảm, năng lực, trình độ, bản lĩnh để giám sát, phản biện và có dám giám sát và phản biện, góp ý hay không? Người dân rất quan tâm, chờ đợi tổ chức, cán bộ MTTQ các cấp, nhất là ở cơ sở phải sát cánh, chia sẻ những bức xúc, khó khăn, oan trái của người dân, đi đến cùng với người dân trong việc chống lại thói mệnh lệnh, cửa quyền, mất dân chủ, có tiếng nói phản biện mạnh mẽ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên, thành viên các tổ chức thành viên và những người yếu thế trong xã hội. Trước mắt, cần có cơ chế thuận lợi để MTTQVN các cấp tổ chức cho các tổ chức thành viên và đông đảo nhân dân giám sát, phản biện những việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp thời gian qua, dự thảo nghị quyết đại hội tổ chức đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Một trong những nội dung rất cần có sự giám sát của MTTQ và hỏi ý kiến người dân là công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cấp ủy đảng. Bởi vì, như Bác Hồ đã nói “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do so sánh, mà họ biết rõ ràng”.
3. Đổi mới công tác cán bộ trong hệ thống MTTQVN. Một trong những vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí đề cập trong các cuộc hội thảo, đề tài khoa học, là tình trạng hành chính hóa trong hoạt động và cán bộ mặt trận. Công tác mặt trận thời gian gần đây đã có những bước đổi mới, chuyển biến tích cực, nhưng nhìn nhận một cách cụ thể, hoạt động của mặt trận và vai trò, hình ảnh cán bộ mặt trận ở nhiều nơi còn mờ nhạt, bị động, vẫn nặng về hành chính như cơ quan nhà nước. Vẫn còn tình trạng cấp ủy đảng phân công những cán bộ dôi dư, cán bộ sắp về hưu, cán bộ “có vấn đề” hoặc năng lực, trình độ hạn chế, không am hiểu công tác mặt trận, uy tín kém sang làm công tác mặt trận. Dưới con mắt người dân, hiện nay, tác phong, uy tín trong dân, trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác mặt trận cũng không có gì khác cán bộ công tác đảng, công tác chính quyền. Do đó, cần mạnh dạn đổi mới cơ chế công tác của cán bộ mặt trận, cương quyết xóa bỏ tình trạng hành chính hóa công tác mặt trận và cán bộ làm công tác này. Nếu cán bộ mặt trận vẫn cứ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” làm việc trong 8 giờ hành chính thì không thể gần được dân, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ mặt trận phải sát cơ sở hơn nữa, phải dũng cảm hơn trước những ngang trái của cuộc sống người dân, phải kiên trì theo đuổi, tạo sức ép các cấp, các ngành giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân, đi vào từng tầng lớp nhân dân, thu nhận những suy nghĩ của mỗi số phận con người để có thể có cách giải quyết thỏa đáng lợi ích và yêu cầu chính đáng của người dân. Những cán bộ mặt trận còn phải có những niềm cảm thông, gần dân và biết chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của công dân nơi cư trú, là nơi mà người dân có thể tìm đến để giãi bày, tâm sự. Làm công tác mặt trận mà không có lòng nhiệt tình thì không làm nổi. Cán bộ làm công tác mặt trận cần quán triệt và có bản lĩnh để yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước thực hiện tốt quan điểm của Bác Hồ “việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm; việc gì có hại đến dân phải cương quyết tránh”. Thực hiện đúng quan điểm làm sao tiếng nói của mặt trận không phải là mệnh lệnh, là sự sẻ chia, thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Cùng với các cấp ủy, tổ chức đảng nên xúc tiến xây dựng một chương trình quy hoạch công tác cán bộ mặt trận có những tiêu chuẩn nổi trội về phẩm chất, năng lực, thật sự là những người “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; trọng dân, học dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” như Đảng ta đã đề ra.
Vũ Ngọc Lân