Đại tướng Lê Trọng Tấn sinh ra và lớn lên tại vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), vùng quê Hoài Đức đã trở thành một địa bàn quan trọng, là An toàn khu của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, với các cơ sở bí mật nuôi giấu các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh, được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai. Tháng 3-1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông).
Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông – một cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Tại Hà Đông, ông đã chỉ huy đội tự vệ chiếm bốt Đồng Quan chỉ trong vài phút với 1 khẩu súng ngắn và không mất một viên đạn. Trận đánh mở màn thắng lợi vang dội đã báo hiệu một tài năng quân sự xuất chúng mà sau này đã gắn liền với cuộc đời binh nghiệp của ông.
Tháng 10-1947, ông giữ chức Khu trưởng Khu 14. Năm 1948 là Khu phó Liên khu 10, Ủy viên hành chính kháng chiến Liên khu. Năm 1949, ông giữ chức Trung đoàn Trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209.
Tháng 11-1949, để mở thông đường liên lạc, vận chuyển từ Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 đồng thời thu hút lực lượng địch đang tập trung càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường tỉnh Hòa Bình. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch, đảm nhiệm từ chợ Bờ lên Suối Rút. Kết quả, phòng tuyến quân Pháp ngăn chặn giữa Việt Bắc và Liên khu 3, 4 bị đập tan, toàn huyện Mai Châu được giải phóng. Âm mưu lập xứ Mường tự trị của thực dân Pháp bị phá sản.
Năm 1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên. Từ đây, ông tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tháng 9-1950, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa Việt Nam với hệ thống XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch. Ông trực tiếp chỉ huy trận đánh tiêu diệt Binh đoàn cơ động Sác Tông của Pháp.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngày 13-3-1954, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312, đánh trận mở đầu vào cứ điểm Him Lam (Béatrice) thắng lợi. Ngày 7-5-1954, trong đợt tiến công cuối cùng, một đơn vị của Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 cùng với một đơn vị thuộc Trung đoàn 174 đã bắt sống tướng Đờ Cát và Ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm, phất cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát, báo tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Trọng Tấn luôn được Đảng, Quân đội tin cậy trao trọng trách lớn, là tư lệnh ở hầu hết các chiến dịch then chốt, quyết định.
Năm 1964, ông được Trung ương cử vào Nam, giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam, ông tham gia chỉ đạo chiến dịch Bình Giã (2-12-1964), trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài (10-5 đến 22-7-1965). Thắng lợi hai chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài, cùng với chiến dịch Ba Gia của Quân khu 5... góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Từ đó, phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bám thắt lưng địch mà đánh” lan rộng khắp các chiến trường.
Ngày 30-1-1971, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra Đường 9 và Nam Lào, nhằm đánh chiếm Sê Pôn và chặn phá đường mòn Hồ Chí Minh. Mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn muốn thể nghiệm công thức chiến lược của "Việt Nam hóa chiến tranh", bộ binh Sài Gòn cùng với hỏa lực và hậu cần Mỹ, nhằm thông qua đó để thử thách, và nếu thành công, sẽ chứng tỏ quân đội Sài Gòn đủ khả năng thay thế vai trò của quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chủ động mở Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (Mật danh 720), cử đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Với sự nhạy cảm đặc biệt của một vị tướng trận, ông đã cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng sức mạnh tổng hợp của bộ binh, xe tăng kết hợp với pháo binh chọc thủng tuyến phòng ngự của địch, tiến công liên tục, khiến địch từ thế chủ động sang thế bị động. Khi biết địch sắp rút lui, ông đã chỉ huy quân ta từ các mũi, các hướng dồn dập tiến công truy kích. Đến ngày 18-3-1971, địch phải bỏ Bản Đông tháo chạy, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch bị thất bại hoàn toàn.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ông đã chỉ huy quân tiến đánh và làm chủ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, đánh tan Quân đoàn 1, Quân khu 1 Việt Nam cộng hòa với 10 vạn quân và trang bị vũ khí hiện đại chỉ trong 3 ngày (1). Sau khi giải phóng Đà Nẵng, với tầm nhìn chiến lược, sự nhạy cảm tình hình, ông đã chủ động bàn với Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5, Thường vụ và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, đề nghị Thường trực Quân ủy Trung ương thành lập cánh quân phía Đông. Thực tiễn đã chứng minh đề nghị đó là chuẩn xác, có tầm chiến lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Trong Hội nghị Tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương: "Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam"(2).
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tướng Lê Trọng Tấn là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp phụ trách cánh quân phía Đông và Đông Nam gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hai cánh quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, rồi hành quân thần tốc tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, ông chỉ huy các lực lượng vũ trang, tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Căm-pu-chia tiêu diệt quân Khơ-me Đỏ.
Đại tướng Lê Trọng Tấn có vinh dự lớn, với kỳ tích mà ít vị tướng có được: đó là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chỉ huy Đại đoàn 312, từ phía Đông đánh vào trung tâm sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ; 21 năm sau, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng từ phía Đông, ông là Tư lệnh hướng quan trọng này, bắt sống hai tướng ngụy, sau đó đánh chiếm Dinh Độc Lập, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ một chỉ huy phân đội, trung đoàn, trưởng thành lên Đại đoàn trưởng, rồi Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông là vị tướng trận mạc, đã có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn do ông chỉ huy đều đoàn kết một lòng tin tưởng, vững tâm vào tài năng, trí thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán cho từng trận đánh.
Đại tướng Lê Trọng Tấn từ trần ngày 5-12-1986. Đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế thương tiếc một vị tướng tài ba, đức độ. Báo Granma của Đảng cộng sản Cu-ba đăng trên trang nhất tin buồn: “Việt Nam mất một người anh hùng”. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người anh cả của Quân đội ta luôn tin cậy giao trong trách cho: “Đại tướng Lê Trọng Tấn - người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”.
Đại tướng Lê Trọng Tấn là tấm gương trong sáng và cao đẹp của người đảng viên trung thành, một vị tướng có đức, có tài, xông pha trận mạc với những chiến công to lớn, là niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng (truy tặng năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Để tưởng nhớ và ghi công của ông, tên của ông được đặt cho một số tuyến đường ở Hà Nội và các thành phố, thị xã.
------------------------------------
(1). Tướng Lê Trọng Tấn là người lên kế hoạch và chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng. Ban đầu ông dự định đánh trong 5 ngày nhưng tướng Giáp không đồng ý yêu cầu chỉ được chuẩn bị trong 3 ngày. Mặc dù lúc đó tướng Tấn lo lắng 3 ngày khó hoàn thành nhưng ông đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.
(2). Đại tướng Lê Trọng Tấn người của những chiến trường nóng bỏng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 337.
Ths. Trần Tuấn Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Nguyễn Duy Điệp (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)