Ngày Nam Bộ kháng chiến- Một dấu son lịch sử

Tình hình nước ta ngay sau ngày độc lập hết sức căng thẳng. Ở phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng lợi dụng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật hòng thôn tính chính quyền cách mạng non trẻ. Ở phía Nam, quân đội Anh cũng dùng chiêu bài đó để hậu thuẫn, trang bị vũ khí cho quân Pháp quay lại Đông Dương. Ngày 6-9-1945, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo gót quân Anh là binh lính Pháp. Chúng câu kết với nhau, vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trật tự, trị an, đòi chúng ta phải giải tán các đội tự vệ và ngăn cấm đồng bào ta biểu tình. Chúng sử dụng tàn binh Nhật và bọn tay sai phản động để khống chế, ngăn cản nhân dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng. Phái bộ của quân Anh đã ra lệnh thả hơn 1.400 lính Pháp bị Nhật bắt hồi đảo chính, trang bị vũ khí và hình thành những đơn vị lê dương rất hung hãn, ngang nhiên khiêu khích, phá phách, cướp bóc rất trắng trợn…

Trong tình thế “lửa cháy hai đầu”, Đảng ta đã tiên lượng trước âm mưu của các thế lực thù địch, có  sách lược hết sức khôn khéo, tạm hòa hoãn với quân Tưởng để tập trung đánh đuổi thực dân Pháp.

Ngày 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ đã tiến phiên hành họp khẩn cấp để bàn về việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Sau khi  phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Ngày Nam Bộ kháng chiến.

Ngay chiều 23-9-1945, cả Sài Gòn đình công, các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm 23-9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng chiến lũy. Nhân dân khắp các địa phương đã dựng chướng ngại vật bằng các vật dụng: bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe để cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp.

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi đồng bào Nam Bộ” khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đưa cuộc kháng chiến giữ nước đến thắng lợi cuối cùng. Đáp lại lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, với gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị vũ khí hiện đại, từng bước làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước. Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành đồng Tổ quốc".

Cùng trong tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội, gửi thư cho đồng bào vận động “Tuần lễ Vàng” quyên góp vàng để xây dựng đất nước, mua sắm vũ khí phục vụ kháng chiến… Đặc biệt, Người viết nhiều bài đăng báo Cứu Quốc phân tích về cách tổ chức Ủy ban Nhân dân các cấp. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người đã nêu phương châm, nguyên tắc hoạt động của mỗi cán bộ khi thực thi công vụ “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”; những tiêu chuẩn để chọn cán bộ đảm đương việc Nhà nước: công tâm, trung thực, sốt sắng vì lợi ích nhân dân, có năng lực làm việc, được nhân dân tín nhiệm, không lợi dụng chức vụ để hà hiếp, sách nhiễu dân… Người cũng nghiêm khắc phê bình khuyết điểm của cán bộ tại một số địa phương làm cho dân phiền lòng, đó là các bệnh “chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “kỷ luật không nghiêm” và “lên mặt làm quan cách mạng”…

Tấm gương sáng ngời vì nước, vì dân của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần kháng chiến dũng cảm, xả thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung những ngày tháng 9-1945 luôn nhắc nhở lương tâm và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ cách mạng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang cần những người tài, đức, vì dân, vì nước … để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc bảo vệ,  xây dựng đất nước, quê hương hôm nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất