Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập". Tuyên ngôn độc lập là đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam, là một văn kiện lịch sử thể hiện rất rõ về quyền con người và quyền dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tiếp cận với vấn đề quyền con người - quyền dân tộc và chính bản thân Người đã trải qua vô vàn khó khăn thử thách, suốt đời đấu tranh vì quyền con người - quyền dân tộc. Người cũng là một trong số ít những lãnh tụ luôn đặt quyền lợi của đồng bào, của dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1).
Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Tuyên ngôn độc lập Người đã rất sáng tạo khi phát triển, tiếp cận với quyền dân tộc từ quyền con người, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tất yếu tự nhiên, là quyền mà tạo hóa đã ban cho con người như quyền được sống tự do, quyền mâu cầu hạnh phúc. Mở đầu bản Tuyên ngôn Hồ Chí Minh đã trích dẫn lại những câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(2). Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi (3). Hồ Chí Minh muốn thông qua hai bản Tuyên ngôn này để gửi thông điệp tới cộng đồng thế giới. Sự trích dẫn này không chỉ thể hiện một hiện thực khách quan của nhận thức chân lý, mà còn là tư duy nội tại của nhận thức biện chứng. Để xác lập quyền dân tộc và đấu tranh cho quyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ quyền con người, Người không đi trực tiếp vào quyền dân tộc mà phải thông qua quyền con người. Bởi vì theo Hồ Chí Minh, quyền con người chính là cơ sở nền tảng để thiết lập quyền dân tộc. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do của mỗi dân tộc được sinh ra trên thế giới này là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là “những lẽ phải không ai chối cãi được” đó là “nhân đạo và chính nghĩa”. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là về quyền con người và quyền dân tộc mà ngay cả các phương tiện truyền thông, báo chí phương Tây lúc bấy giờ cũng ít đề cập đến.
Khi đặt quyền con người nằm trong quyền dân tộc và không tách khỏi quyền dân tộc có nghĩa là Hồ Chí Minh đã nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa quyền con người và quyền dân tộc. Quyền dân tộc được phản ánh trên cơ sở truyền thống văn hóa, đạo pháp tự nhiên làm cho con người được thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần, vì vậy mà đối với Hồ Chí Minh việc giải phóng dân tộc không bao giờ tách khỏi việc giải phóng con người và giải phóng con người nhất quyết phải nằm trong giải phóng dân tộc. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”(4).
Người vận dụng quyền tự do của cá nhân trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để nâng nó lên thành quyền tự do cho cộng đồng, bởi theo Hồ Chí Minh thì con người được nhìn nhận từ hai phương diện đó là cá nhân và cộng đồng. Từ giá trị lý luận về quyền con người trong bản tuyên ngôn của hai nước Mỹ, Pháp, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền con người của cộng đồng - dân tộc. Chính sự khẳng định này, Hồ Chí Minh thực sự là một nhà mácxít sáng tạo, đã đưa lý luận xâm nhập vào thực tiễn, soi sáng thực tiễn và thực tiễn hóa lý luận, cụ thể là lý luận về quyền con người trong cách mạng tư sản Mỹ và Pháp xâm nhập vào cách mạng Việt Nam, đã nhanh chóng trở thành một khái niệm mới về quyền dân tộc. Sau này, quyền dân tộc mà Hồ Chí Minh nêu lên trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã đi vào phong trào cách mạng thế giới, trở thành một giá trị phổ biến, được nhiều nước thừa nhận và tôn trọng.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh là một bản thiên anh hùng ca của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng khẳng định giá trị về tư tưởng chính trị, pháp quyền, về quyền con người, quyền dân tộc, là nền tảng tinh thần, vũ khí lý luận dẫn đường cho cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi to lớn. Những tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn độc lập, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam.
69 năm qua, từ khi bản Tuyên ngôn độc lập vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử dân tộc ta đã sang trang mới, từng bước tạo ra thế và lực mới, vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hơn bao giờ hết, để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải nắm vững lý luận về quyền con người và quyền dân tộc, đặc biệt là cách tiếp cận từ quyền con người đến quyền dân tộc, mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nêu trong Tuyên ngôn độc lập. Những tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau.
---------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.161. (2) (3) Sách đã dẫn, t.4, tr.1. (4) Sách đã dẫn, t.4, tr.152.
Ths. Lê Văn Thuật
Trường Đại học Sư phạm Huế
34 Lê Lợi, TP. Huế