Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) từ các nước tư bản đã lan nhanh sang các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vốn hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Pháp, càng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng: nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp suy sụp, xuất, nhập khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ, đời sống nhân dân khó khăn, chính trị ngột ngạt, kinh tế điêu đứng… Ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng cùng với chính sách cai trị đàn áp khủng bố khốc liệt của đế quốc Pháp không làm nhụt tinh thần ý chí cách mạng của nhân dân ta, trái lại càng làm cho nhân dân ta thêm căm thù và quyết tâm tranh đấu giành quyền sống của mình. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Sự áp bức bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh”[1]. Ngày 3 - 2 - 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo giai nhân dân vùng lên trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống đế quốc xâm lược và phong kiến tay sai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc Trung Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ tháng Ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ - Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.
Ngày 1- 8 -1930, bùng nổ cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh, đánh dấu“một thời kì mới, thời kì đấu tranh kịch liệt đã đến”[2]. Ở nông thôn, nhiều cuộc đấu tranh quy mô lớn của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ đã nổ ra. Từ Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đã lan rộng ra hầu khắp các huyện trong hai tỉnh.
Tháng 9-1930, phong trào công nông phát triển tới đỉnh cao. Các khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu đấu tranh về kinh tế. Hình thức đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12 - 9 -1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai. Đế quốc Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương. Như đổ thêm dầu vào lửa, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như vũ bão, bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Trước tình hình đó, các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, mặc nhiên làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức xô viết.
Chính quyền xô viết đã ban bố và thi hành nhiều chủ trương, chính sách đem lại nhiều lợi ích chính đáng cho nhân dân: ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, tự do bàn bạc, góp ý kiến giải quyết các vấn đề xã hội, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý; tổ chức cứu đói; phát động phong trào thực hiện đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, tổ chức học chữ quốc ngữ, đọc sách báo cách mạng… Vì vậy, trật tự trị an được giữ vững, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cả trong sinh hoạt, sản xuất và đấu tranh ngày càng lên cao. Chính quyền xô viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. So với các hình thức xô viết trong lịch sử thế giới: Công xã Pa-ri năm 1871(chỉ tồn tại trong 72 ngày), Công xã Quảng Châu năm 1927, Xô-viết Nga năm 1905, Xô viết Ba-vi-e, Đức năm 1919 … Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tồn tại trong bảy tháng và dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ. Báo Vô sản Pháp số ra tháng 10 - 1931 đã đánh giá: “Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương”.
Hơn thế, thành quả lớn nhất của Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. “Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam là có một Đảng mácxít Lêninnit già dặn, rắn chắc trong thử lửa, một Đảng tuyệt đối trung thành với quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, một Đảng luôn thống nhất vững chắc như một khối thép. Chính Xô viết Nghệ - Tĩnh lại là một trận thử lửa đầu tiên - một trận thử lửa đăc biệt gay go đã làm cho Đảng trưởng thành nhanh chóng... Chính trận thử lửa này, Đảng ta cũng bộc lộ rõ rệt những phẩm chất của mình: kiên quyết, gan dạ, dũng cảm, linh hoạt và rắn chắc trong đấu tranh cách mạng. Đấy là vị trí của Xô viết Nghệ - Tĩnh trong lịch sử Đảng ta, đấy cũng là ý nghĩa của việc nghiên cứu Xô viết Nghệ - Tĩnh trong quá trình nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”[3]. Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế, lực, thời để dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đánh giá về ý nghĩ nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 -1931, Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”[4]. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Nếu không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó công nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình, thì không thể có cao trào những năm 1936 - 1939”[5]. Tại phiên họp ngày 14 - 4 - 1931, Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của Đảng ta trên con đường lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Kết quả này đã minh chứng, cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh thực sự là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
84 năm đã trôi qua, âm hưởng của Xô viết Nghệ - Tĩnh những năm 30 vẫn hừng hực nhuệ khí, vang mãi trong bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam. Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ tạo đà để dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng giành chính quyền về tay nhân dân vào mùa Thu năm 1945 mà luôn song hành cùng nhân dân ta hôm nay vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.8
[2]. Báo Người lao khổ, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, số 13, ngày 18-9-1930
[3]. Hồng Quang, Mấy ý nghĩ về vấn đề nghiên cứu ý nghĩa và tác dụng lịch sử của Xô viết Nghệ Tĩnh, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 35, tháng 2 - 1962.
[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H.1996, tr.9
[5]. Lê Duẩn, Dưới là cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H.1975, tr.38-39
Đại uý, Ths Vũ Hải Thanh
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng