Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất khi Đảng đã cầm quyền, vì một tấm gương tốt còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu: “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”(2) là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng của công tác xây dựng đảng hiện nay.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã chỉ rõ: Vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc trước hết và phần lớn vào bộ phận đảng viên giữ chức vụ trong cơ quan đảng, chính quyền. Bộ phận đảng viên này vừa ảnh hưởng, chi phối, vừa là tấm gương cho đảng viên khác noi theo, họ có ảnh hưởng và tác dụng rất lớn “một người bằng cả nghìn, vạn người”. Do đó, nói chất lượng đội ngũ đảng viên trước hết phải chú ý đặc biệt tới đội ngũ đảng viên giữ chức vụ, quyền hạn trong tổ chức đảng, chính quyền. Để tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Thành tựu to lớn, quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước ta đã minh chứng nhiều phẩm chất, năng lực ưu tú của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, như: bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, năng động, sáng tạo, phong cách làm việc khoa học, lối sống trong sạch, lành mạnh… Song, bên cạnh những ưu điểm, thì một số đảng viên có chức, có quyền hiện vẫn còn không ít khuyết điểm, một số lợi dụng “chức, quyền” để mưu lợi cá nhân, những kẽ hở của luật pháp luôn được họ khai thác lợi dụng, hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực tiếp tục diễn ra có tổ chức, tinh vi... Trong các yếu kém, khuyết điểm đó, nổi bật lên những điểm chính sau: Một là, tình trạng thoái hoá về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng trầm trọng, trở thành một “căn bệnh mãn tính khó chữa” mặc dù đã có sự nỗ lực, kiên quyết áp dụng nhiều biện pháp mạnh, triển khai nhiều cuộc vận động trong Đảng và toàn xã hội. Hai là, sự bất cập về năng lực tổ chức thực tiễn, khả năng lãnh đạo, quản lý, tính chủ động, sáng tạo còn nhiều hạn chế, sự lúng túng bộc lộ rõ trong các tình huống. Một bộ phận không nhỏ chưa được thử thách trong nền kinh tế thị trường. Ba là, chấp hành kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự sơ hở của luật pháp, cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế hoặc thiếu trách nhiệm trong công vụ, tìm mọi thủ đoạn và cơ hội để vụ lợi, đặc quyền, đặc lợi, ngày càng tinh vi hơn. Bốn là, có tình trạng mất đoàn kết, bè phái, chạy theo quyền lực, danh vọng và lợi ích vật chất, kèn cựa, khá phổ biến. Năm là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ức hiếp, nhũng nhiễu quần chúng, tiếp tay, bao che cho kẻ xấu...
Năm 2013, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và phòng ngừa sai phạm, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4. Qua kiểm tra, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, kết luận và giải quyết khiếu nại kỷ luật của 14 đảng viên, trong đó, giữ nguyên hình thức kỷ luật 11, thay đổi 3 (tăng 1 và xoá kỷ luật 2 trường hợp); Ban Bí thư đã kỷ luật 3 đảng viên với hình thức cách chức.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật 491 tổ chức đảng và 21.225 đảng viên, tăng 30% so với năm 2012, tăng 46% so với năm 2011 (năm chưa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4). Trong số đảng viên phải xử lý kỷ luật có 6.578 cấp ủy viên các cấp, 1.188 đảng viên phải xử lý pháp luật, trong đó có 969 người bị phạt tù và đình chỉ, xoá tên đảng viên. Cùng với việc xử lý kỷ luật, các cơ quan chức năng thu hồi được hàng chục ngàn mét vuông đất và hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, đã góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và làm trong sạch Đảng; có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên.
Kết quả kiẻm tra, giám sát, bước đầu khẳng định: giám sát đảng viên có chức, có quyền chính là giám sát quyền lực, bảo đảm quyền lực được thực thi đúng hướng; ngăn ngừa lạm dụng quyền lực, đặc quyền, đặc lợi; ngăn ngừa sự thoái hoá, biến chất trong Đảng, chính quyền nhà nước. Đây chính là yêu cầu khách quan đối với nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền; là điều kiện cơ bản bảo đảm duy trì ổn định kinh tế - chính trị - xã hội nước ta hiện nay.
Việc tăng cường giám sát đảng viên có chức, có quyền phải có sự kết hợp giữa giám sát trong Đảng và giám sát ngoài Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ: Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Phải đặc biệt coi trọng vai trò giám sát của nhân dân. Tổ chức đảng các cấp phải tích cực thực hiện nhiệm vụ giám sát; đảng viên có chức, có quyền phải tự giác tiếp thu giám sát, nâng cao bản lĩnh và tính tự trọng trong thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm và nỗ lực học tập, công tác; toàn xã hội phải tăng cường giám sát nghiêm túc. Thực tế cho thấy, minh bạch tài sản được xem là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và phát hiện hành vi tham nhũng của đảng viên có chức, có quyền. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của Đảng ta hiện nay.
--------------------------
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 1, tr.263.
(2). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.28.
TS. Trần Duy Hưng
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương