Theo thống kê dư nợ trong nước của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay đã lên tới khoảng 145.000 tỷ đồng, những yếu kém của khối DNNN đã và đang làm cho nền kinh tế của đất nước thêm trì trệ. Quyết tâm chính trị của Đảng và Chính phủ nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DNNN là một bước đi căn bản, tích cực. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc phát huy nội lực, xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ là việc làm cần kíp, quan trọng.
Có thể nói, CPH là biện pháp được sử dụng để giảm số DNNN, giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này nhằm mục đích tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc CPH DNNN có ảnh hưởng tới công tác nhân sự, mô hình hoạt động của tổ chức đảng và đoàn thể chính trị - xã hội. Bởi vậy, nếu không kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm từ quá trình CPH DNNN trong thời gian qua, chủ động để có những giải pháp đồng bộ thì CPH có thể sẽ chuyển thành tư nhân hóa, các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp sau khi CPH sẽ hoạt động thiếu hiệu quả, dần mất vai trò, thậm chí tê liệt và phải giải thể là điều khó tránh khỏi.
Đánh giá quá trình CPH trong những năm qua cho thấy kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng, nhưng việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị - xã hội lại giảm, đặc biệt vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội ít được chú trọng, do vậy hoạt động lúng túng và kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là do vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp không còn đầy đủ, tiếng nói của cấp ủy trong doanh nghiệp kể cả cấp ủy cấp trên không còn hiệu lực như trước. Khi CPH, lợi ích của các cổ đông đã được đặt lên trên hết, Nhà nước không còn là "bà đỡ" thì hoạt động của tổ chức đảng và đoàn thể thực chất phụ thuộc vào ý chí của người quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Những nguyên tắc, quy định hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp cùng với áp lực lợi nhuận từ các cổ đông và những khó khăn trong môi trường kinh doanh hiện nay, nhiều doanh nghiệp coi sự tồn tại tổ chức đảng và các đoàn thể là gánh nặng... Thực tế, có nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì tổ chức đảngvà đoàn thể như duy trì mối liên hệ có lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình CPH cần được xem xét và giải quyết : Làm sao để giữ được vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước khi chủ trương CPH cơ bản các DNNN được xác định theo lộ trình đến năm 2020; phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp như thế nào để có hiệu quả sau khi CPH; cơ chế giải quyết những vướng mắc trong các mối quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cấp trên theo quy định của Trung ương. Đó là những vấn đề lớn trong công tác xây dựng đảng trong doanh nghiệp cần sớm có câu trả lời thấu đáo. Đâu là giải pháp để vừa đảm bảo tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, vừa xây dựng và củng cố tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong của đảng viên đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển.
Từ thực trạng đó, để phát huy được vai trò của TCCSĐ trong DNNN sau CPH, các cấp ủy đảng cần tập trung giải quyết tốt các giải pháp:
Thứ nhất, cần kịp thời tổng kết đánh giá công tác xây dựng Đảng trong DNNN. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế cho thấy khu vực DNNN hiện đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ đã khẳng định CPH là giải pháp trọng tâm của Đề án tái cơ cấu DNNN, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ còn 300 doanh nghiệp vào 2020. Như vậy đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp trong khu vực này sẽ giảm gần 1.000, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn tổ chức đảng sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với nhiệm vụ mới. Do vậy, cùng với việc đánh giá kết quả CPH DNNN cũng cần phải tổng kết, đánh giá công tác xây dựng đảng, bởi mô hình hoạt động của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này là mô hình mới. Thời gian qua,Trung ương và các tỉnh, thành ủy chú trọng nhiều đến sự phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng kết quả còn hạn chế. Trong khi đó, chúng ta đã thực hiện lộ trình CPH DNNN trong thời gian dài, với số lượng không nhỏ các DNNN được CPH nhưng chưa có những đánh giá cũng như xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các doanh nghiệp khu vực này. Từ đó, đưa ra những dự báo, tìm ra những mô hình, phương thức hoạt động phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp để nhân rộng; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chỉ đạo có hiệu quả việc sắp xếp lại mô hình hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp song song với tiến trình CPH.
Thứ hai, cần đảm bảo sự đồng bộ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến các loại hình doanh nghiệp. Trước mắt cần tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng phải đạt mục tiêu kép: vừa tạo điều kiện, môi trường cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng để doanh nghiệp phát triển vừa xây dựng được tổ chức đảng và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Muốn vậy, Điều 6 Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ trách nhiệm thành lập tổ chức đảng của doanh nghiệp khi đủ các điều kiện đồng thời có hướng dẫn thực hiện. Trung ương cũng cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp, cấp uỷ trong các loại hình doanh nghiệp tại Quy định 287-QĐ/TW , 288-QĐ/TW , 294-QĐ/TW của Ban Bí thư, nhất là trong công tác quản lý cán bộ, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cần thiết phải thể chế thành các quy định trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Thứ ba, cần có cơ chế giải quyết tốt các mối quan hệ liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp. Sau khi CPH, các mối quan hệ trong doanh nghiệp đều được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp và các quy định cụ thể trong Điều lệ doanh nghiệp, tùy thuộc vào số vốn điều lệ của từng doanh nghiệp. Mối quan hệ của tổ chức đảng với bộ máy quản lý doanh nghiệp, cấp ủy cấp trên, cơ quan quản lý Nhà nước đã có sự khác biệt so với trước khi CPH. Điều đó thể hiện qua các mối quan hệ với hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp, cổ đông, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động trong doanh nghiệp. Ban Bí thư đã có Quy định Số 287-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Tuy nhiên, thực tế khó vận dụng bởi sự ràng buộc giữa quyền lợi của chính các đồng chí là cấp ủy viên, đảng viên (thậm chí là người làm thuê) với nhiệm vụ tổ chức đảng giao. Do vậy bên cạnh việc nghiên cứu điều chỉnh nội dung quy định nêu trên, Trung ương cần bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh, thành phố với cấp uỷ các tập đoàn kinh tế Trung ương (ngành dọc cấp trên của các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố) trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý, đánh giá cán bộ trong các doanh nghiệp.
Thứ tư, cần xem xét thống nhất đầu mối quản lý tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đã thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp nhằm lãnh đạo công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp đi vào nền nếp. Tuy nhiên việc tách TCCSĐ về trực thuộc đảng bộ khối doanh nghiệp chưa có sự thống nhất trong cả nước mà chủ yếu do các tỉnh, thành ủy vận dụng. Chưa kể còn có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn đóng tại địa phương nhưng tổ chức đảng lại trực thuộc ngành dọc cấp trên, nên trong thực tế đa số các chi, đảng bộ này ít tham gia hoạt động do địa phương tổ chức. Do vậy, Trung ương cần có quy định rõ tổ chức đảng trong loại hình doanh nghiệp nào thuộc ngành dọc cấp trên, cấp tỉnh, đảng bộ khối doanh nghiệp, cấp huyện hay cấp xã.
Thứ năm, cần có cơ chế thực hiện nhất thể hóa chủ doanh nghiệp kiêm bí thư cấp ủy trong các doanh nghiệp có cổ phần Nhà nước từ 50% trở xuống. Thời gian qua, chủ trương của Trung ương về việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu doanh nghiệp đồng thời là bí thư cấp ủy đã được các địa phương thực hiện tương đối tốt. Thực tế cho thấy, ở những doanh nghiệp đã thực hiện “nhất thể hóa”, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được phát huy. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng không nhỏ những DNNN đã CPH mà chủ doanh nghiệp không đồng thời là bí thư cấp ủy, thậm chí không là đảng viên, không muốn vào Đảng mặc dù cấp ủy đã vận động, thuyết phục. Ở những doanh nghiệp này tổ chức đảng thường ít được quan tâm, không thống nhất được thoả ước lao động tập thể, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp không được bảo đảm, một số chủ doanh nghiệp gia trưởng, độc đoán, dùng nhiều thủ đoạn chèn ép, bóc lột hoặc sa thải người lao động, thâu tóm cổ phần nhằm “tư nhân hóa” doanh nghiệp nhưng thiếu các chế tài đủ mạnh để các cơ quan chức năng xử lý.
Có thể nói, trong thời điểm hiện nay, DNNN đã CPH thu hút nhiều lao động trẻ, đó là “nguồn” tăng thêm sức mạnh cho Đảng. Nếu chúng ta làm tốt công tác tổng kết, đánh giá công tác xây dựng đảng trong loại hình doanh nghiệp này không những xây dựng và củng cố mô hình tổ chức đảng trong các DNNN đã CPH mà còn thúc đẩy việc mở rộng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó tạo điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu, giúp khối doanh nghiệp phát triển bền vững, có thể cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Khi đó, chắc chắn uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được nâng lên một bước.
Hoàng Đức Công
Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ