Đà Nẵng: Ba trọng tâm công tác
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc tết lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng đảng, bởi đây là năm trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nói cách khác, mỗi công việc liên quan tới tổ chức xây dựng đảng tiến hành trong năm 2014 vừa được xem là hoạt động thường xuyên, vừa là sự chuẩn bị tích cực và kịp thời cho công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nói riêng và cho công tác cán bộ của cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 nói chung.

Năm 2014, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng Đà Nẵng được Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy giao ba nhiệm vụ trọng tâm - tức ba đầu việc được xem là quan trọng cần tập trung thực hiện có hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, dễ phân tán nội lực. Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là tham mưu cho BTV Thành ủy rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, BTV Thành ủy, các chức danh cán bộ chủ chốt của thành phố (nhiệm kỳ 2015 - 2020); luân chuyển, bố trí, sắp xếp một bước nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Do đặc điểm cán bộ của Đà Nẵng (và chắc không chỉ Đà Nẵng), trước thềm đại hội đảng bộ các cấp nhiều ủy viên BTV cấp ủy (Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chỉ huy trưởng Quân sự thành phố) và cấp ủy viên (Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố) đến tuổi nghỉ hưu trong năm 2014 hoặc chuẩn bị nghỉ hưu trong năm 2015 (Chủ tịch UBND thành phố, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố), chưa kể một số đồng chí khác không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới.

Chính vì thế việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là hết sức cấp bách trong công tác tổ chức xây dựng đảng của Đà Nẵng năm qua. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho BTV Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện quy trình bầu bổ sung chức danh Phó Bí thư Thành ủy tăng thêm từ nguồn nhân sự tại chỗ; bầu bổ sung 7 ủy viên BTV Thành ủy; đề nghị Trung ương chỉ định 7 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010 - 2015; điều động, phân công cấp ủy đối với 4 đồng chí thành ủy viên; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự để HĐND thành phố bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố và chức danh Chủ tịch UBND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Đà Nẵng đã có ủy viên BTV là nữ, có Phó Bí thư Thành ủy dưới 40 tuổi... 

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tiếp tục tham mưu cho BTV Thành ủy triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 5 hướng đột phá mà Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Vì vậy, năm 2014 Đà Nẵng đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có những điều chỉnh cần thiết cho lĩnh vực này trong nhiệm kỳ đến theo hướng chú trọng nhiều hơn mối quan hệ giữa “trải thảm đỏ” thu hút người giỏi và tự đưa người đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo danh giá trong nước và nước ngoài, giữa nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn có tại chỗ với nguồn nhân lực chất lượng cao có được do mới thu hút và đào tạo... Ngoài ra, Ban Tổ chức Thành ủy còn phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 165 - Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp nhà nước với đề tài “Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài - những vấn đề đặt ra đối với Đảng và Nhà nước hiện nay” tại Đà Nẵng. Đối với Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố triển khai từ cuối thập niên trước, tính đến nay đã có 59 cán bộ được bố trí vào chức danh theo mục tiêu đào tạo - chủ yếu là các chức danh phó bí thư đảng ủy phường, xã; chủ tịch và phó chủ tịch HĐND, UBND phường, xã.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là triển khai Đề án của Thành ủy về thực hiện Kết luận số 64-KL/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Căn cứ thực tế tình hình của Đà Nẵng - một trong những đô thị có số lượng lớn trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với hàng chục vạn sinh viên, Ban Tổ chức Thành ủy đã thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ Khối Các trường đại học - cao đẳng thành phố trực thuộc Thành ủy; tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác xây dựng đảng về mô hình tổ chức đảng trong các trường cao đẳng - đại học trực thuộc Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; hoàn thành đề án trình Ban Tổ chức Trung ương cho chủ trương trong tháng 7 vừa qua. Đặc biệt trong khi triển khai chủ trương của Bộ Chính trị cho phép Đà Nẵng cùng với TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, BTV Thành ủy cũng đã đề nghị Trung ương cho tách huyện Hòa Vang thành hai quận ngay trước thời gian đại hội đảng bộ cấp cơ sở sắp đến. Nếu được Trung ương đồng ý thì từ năm 2015, Đà Nẵng sẽ có 8 quận nội thành và huyện đảo Hoàng Sa thân yêu. 

Công tác tổ chức xây dựng đảng của Đà Nẵng trong năm 2014 còn nổi lên một số cách làm mới. Nhìn từ góc độ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, năm 2014 BTV Thành ủy đã quyết định bổ nhiệm mới chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa để thay thế Chủ tịch UBND huyện này được bổ nhiệm từ năm 2009 đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng thành phố ban hành Hướng dẫn số 14-HD/BTCTU ngày 23-7-2014 về việc thí điểm giới thiệu đảng viên Bộ đội Biên phòng về giữ mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy chi bộ khu dân cư ven biển trên địa bàn thành phố; tham mưu cho BTV Thành ủy chọn và giới thiệu 17 đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ, đảng bộ Đồn Biên phòng Hải Vân (số 244) và Đồn Biên phòng Non Nước (số 256) về sinh hoạt tại 17 chi bộ khu dân cư ven biển. Đây là sự vận dụng Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” vào tình hình cụ thể của các địa phương ven biển, trong đó có các phường ven biển của Đà Nẵng trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng chính trị của đội ngũ đảng viên đương chức, năm 2014 Ngành Tổ chức xây dựng Đảng Đà Nẵng còn tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới” của BTV Thành ủy mới ban hành vào cuối năm 2013, với nội dung cốt lõi là “5 xây, 3 chống” - cốt lõi thôi chứ không phải là toàn bộ nội dung của đạo đức công vụ. Nội dung “5 xây” là xây dựng tinh thần trách nhiệm, xây dựng tính chuyên nghiệp, xây dựng lòng trung thực, xây dựng ý thức kỷ cương, xây dựng tác phong gương mẫu và nội dung “3 chống” bao gồm chống quan liêu, chống tiêu cực và chống bệnh hình thức. Cần chú ý là, ở đây Đà Nẵng chỉ chống bệnh hình thức chứ không chống hình thức. Trong công vụ, hình thức vẫn cực kỳ quan trọng. Bộ đồng phục công sở hay bộ quân phục chính là hình thức không thể thiếu để giáo dục ý thức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong một số ngành nghề cũng như cho cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang. Bệnh hình thức là thứ hình thức không tương thích với nội dung cũng như bệnh thành tích là thứ thành tích không tương thích với công lao cống hiến. Có thể nói, sau một năm phát động đã thấy có chuyển biến rõ về chất lượng chính trị và đạo đức công vụ trong đội ngũ đảng viên đương chức của Đà Nẵng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất