Phong cách lãnh đạo là mẫu hành vi thể hiện bản sắc nhân
cách người lãnh đạo trong mối quan hệ biện chứng với môi trường. Lý luận khoa
học và thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình lãnh đạo, quản lý,
người lãnh đạo có thể sử dụng phối hợp, linh hoạt, sáng tạo nhiều phong cách lãnh
đạo (độc đoán, dân chủ, tự do), trong đó phong cách dân chủ là phong cách có
nhiều thành công nhất.
V.I Lênin đã đề xuất phong cách lãnh đạo xã hội chủ nghĩa
(được gọi là phong cách Lê-nin-nít), trong đó nhấn mạnh tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, tính nguyên tắc đảng, giữ mối
liên hệ mật thiết với quần chúng; có lý tưởng cộng sản, ý thức trách nhiệm
trong nhân cách; làm việc theo quan điểm khoa học và văn hóa, đảm bảo tính
chuyên nghiệp và thông thạo… Như vậy, V.I.Lênin đã nhấn mạnh tính chất
cộng sản của phong cách lãnh đạo dân chủ. Phong cách Lê-nin-nít là phong cách
dân chủ kiểu mới - dân chủ cộng sản - dân chủ thực sự của đông đảo quần chúng
nhân dân mà nòng cốt là giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo phong
cách Lê-nin-nít vào thực tiễn cách mạng Việt Nam,
mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đó là phong cách dân chủ Việt Nam
- dân chủ Hồ Chí Minh.
Hiện nay, một số người cho rằng Hồ Chí Minh có nhiều phong cách lãnh đạo như
quần chúng, dân chủ, thiết thực, giản dị, khoa học… Theo chúng tôi, Hồ Chí
Minh luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phong cách dân chủ cộng sản
của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo nên đặc trưng, những nét độc đáo, đặc sắc trong phong cách dân chủ của
Người.
Dân chủ Hồ Chí Minh là
dân chủ quần chúng.
Quần chúng là nguồn gốc, là mục đích của phong cách dân chủ Hồ Chí Minh. Hồ Chí
Minh luôn sâu sát, quan hệ mật thiết với quần chúng, nắm bắt sâu sắc tình hình
thực tế, nhất là thực tế đời sống, thực tế tâm lý, văn hóa của họ để quan tâm,
chăm lo lợi ích chính đáng và thiết thực của họ. Người luôn tâm niệm: “Làm sao
cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, “Việc gì có lợi
cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, “ Bao nhiêu
cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ
chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì phải bỏ đi hoặc sửa
lại,…”.
Bản chất dân chủ Hồ Chí
Minh, trước hết là tình thương yêu bao la và niềm
tin tưởng vô tận đối với quần chúng. Hồ Chí Minh đến với quần chúng một
cách tự nhiên, bình dị với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng
mở thể hiện lòng nhân ái bao la, sự quan tâm, tôn trọng, đồng cảm đến mức thấu
cảm - hòa đồng với họ. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Quần
chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; Hồ
Chí Minh có lòng tin vô tận đối với quần chúng, luôn chăm lo tăng cường mối
liên hệ mật thiết với quần chúng và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng
lợi của cách mạng. Theo Người, chúng ta phải biết rằng: lực
lượng của dân chúng nhiều vô kể. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng
ta biết, có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được.
Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn
đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn
thể to lớn, nghĩ mãi không ra; “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần
dân liệu cũng xong”(1).
Dựa vào quần
chúng để lãnh đạo, quản lý, nhằm phục vụ lợi ích quần chúng là đặc trưng cơ
bản, thể hiện đặc trưng bản chất của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Lòng
thương yêu bao la, niềm tin tưởng vô tận đối với quần chúng, lý tưởng cộng sản -
tất cả vì lợi ích chính đáng và thiết thực của quần chúng ở Hồ Chí Minh đã làm
cho tác phong, phương pháp Hồ Chí Minh trở thành phong cách dân chủ Hồ Chí
Minh, thể hiện bản sắc nhân cách hết sức cao đẹp của Người.
Dân chủ Hồ Chí Minh là
dân chủ có sự lãnh đạo của Đảng. Khi đề ra đường lối, chính sách, giải quyết
nhiệm vụ chính trị, theo Hồ Chí Minh, cần phải học dân chúng, phải hỏi dân
chúng, phải hiểu dân chúng, phải dùng kinh nghiệm dân chúng để thêm cho kinh
nghiệm của mình. Người nhấn mạnh, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một
chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải
nghe theo nguyện vọng của dân chúng. “1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc
với dân chúng, giải thích cho dân chúng. 2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề
cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì
thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không
hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ
và tổ chức của ta”(2).
Tuy nhiên, dân chủ của quần chúng nhân dân, theo Người,
phải có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, thống nhất của Đảng theo nguyên tắc
dân chủ tập trung. Trong Di chúc để lại, Người dạy: “Đảng ta là Đảng cầm
quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo,
là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Người lý giải: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ
trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung.
Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”(3). Tập
trung trong lãnh đạo, theo Người là thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới
phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương, tất cả mọi đảng viên phải
chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của tổ chức đảng; là cá nhân phụ trách (phát
huy tinh thần trách nhiệm, lý tưởng cộng sản, tính quyết đoán và năng lực tư
duy của người lãnh đạo). Dân chủ trong lãnh đạo phải mở rộng và thực hành dân
chủ trong Đảng, làm cơ sở mở rộng, phát huy dân chủ ngoài xã hội; là tập thể
lãnh đạo (phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của tập thể). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
rằng, một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu,
cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc một số mặt của một vấn đề. Vì
vậy phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm, người thì thấy rõ
mặt này, người thì trông thấy mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem
xét của nhiều người thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp
mọi mặt thì vấn đề mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Do vậy, nếu
lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết
quả là hỏng việc.
Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo phải luôn đi đôi với cá nhân phụ
trách - tập trung, bởi như Người dạy: Việc gì đã được đông người bàn bạc
kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi thì cần phải giao cho một người hoặc
nhóm ít người phụ trách (cấp ủy, thường vụ và người đứng đầu cấp ủy cấp trên)
theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy.
Dân chủ dẫn tới tập
trung là đảm bảo tính kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo. V.I Lênin
từng dạy: Phải làm cho ý chí hàng ngàn người phục tùng ý chí một người. Phát
huy dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng là
đặc trưng cơ bản, thể hiện nội dung phong cách dân chủ Hồ Chí Minh. Bằng
cách phát huy dân chủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo và tổ
chức thành công 12 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện tốt công tác đánh
giá, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, làm cho hệ thống chính trị ngày càng trong
sạch, vững mạnh, chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
ngày càng được nâng cao, những người thực sự có tài, có đức luôn được trọng
dụng và tôn vinh.
Dân chủ Hồ Chí Minh là
dân chủ có tư duy, có trí tuệ. Khi đề ra đường lối, chính sách, chỉ thị, giải
quyết mọi công việc, nhiệm vụ, Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ tình hình thực tế,
nhất là thực tế tâm lý của quần chúng; lắng nghe mọi ý kiến (tư duy, trí tuệ)
của quần chúng; kế thừa, vận dụng tinh hoa văn hóa nhân loại như nho học, phật giáo, lão giáo, chủ nghĩa tam dân (Trung Quốc), thuyết bất
bạo động của Găng-đi (Ấn Độ), chủ nghĩa nhân văn Pháp, đặc biệt là học thuyết Mác-Lênin để tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Người căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta
phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này ? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao
? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao
làm vậy”(4). Dân chủ có tư duy, trí tuệ là
nét đặc sắc, độc đáo của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.
Bằng cách tư duy
độc lập, tự chủ, sáng tạo trong phát huy dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng
Đảng ta sáng tạo ra nhiều phương pháp và nghệ thuật quân sự chưa hề có trong
từ điển cũng như lịch sử quân sự thế giới để đánh bại kẻ thù xâm lược, hoàn
thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất nước nhà. Cũng chính bằng cách
lãnh đạo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã sáng tạo ra con đường phát
triển đất nước: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đi lên chủ nghĩa
xã hội từ một nước kinh tế kém phát triển, không kinh qua chủ nghĩa tư bản,
bằng cách dựa vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bản sắc văn hóa dân
tộc, kinh nghiệm và trí tuệ quần chúng, thành tựu khoa học công nghệ hiện đại,
mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, tăng cường an ninh-quốc phòng, giữ vững sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước hiện nay, phong cách lãnh đạo dân chủ Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị,
luôn định hướng, dẫn đường cho việc tìm tòi, sáng tạo các giải pháp lãnh đạo,
quản lý có hiệu quả, bền vững trên mọi lĩnh vực. Học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là nội dung cơ bản
trong đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý hiện nay. Quán triệt và vận dụng sáng tạo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh, đã
được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Đó là dựa vào nhân dân để phát huy quyền làm chủ, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng
tạo trên cơ sở tri thức khoa học công nghệ hiện đại, lý tưởng cộng sản,
tinh thần trách nhiệm, tính quyết đoán của người lãnh đạo, của
cấp ủy và thường vụ các cấp, nhằm thực hiện
thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh.
--------------------------
(1), (2), (3), (4).
Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H. 2002, Tập 5, tr 293; 297 – 298; 505; 239.
TS. Nguyễn Liên Châu. Số nhà 15, ngõ 24, đường Xuân Diệu, TP. Hà Tĩnh