Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam- Mốc son bảo vệ chủ quyền biển đảo

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công đánh thắng trận đầu đã trôi qua 50 năm nhưng bài học về sự phối hợp lực lượng phòng không ba thứ quân đánh thắng Không quân, Hải quân của đế quốc Mỹ ở Lạch Trường - Thanh Hóa (5-8-1964) vẫn còn nguyên giá trị.

Hoạt động khiêu khích của Mỹ và cuộc chiến đấu phòng thủ chủ động của quân, dân ta

Thua đau ở miền Nam và trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ càng tăng cường chống phá miền Bắc, chúng dùng hoạt động không quân trong kế hoạch 34A nhằm thu thập tin tức tình báo, phát hiện hệ thống phòng không, ra đa, căn cứ quân sự, hệ thống kho tàng trên miền Bắc. Ngày 2-3-1964, Mỹ dùng tàu Khu trục tuần tiễu ven biển Bắc Việt Nam trong kế hoạch Đề-sô-tô để làm hậu thuẫn cho quân nguỵ đánh phá các hải đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh khu IV.

Ngày 1-4-1964, Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta dọc biên giới Việt Nam, Lào, Cam- pu-chia nhằm ngăn chặn sự chi viện Bắc vào Nam. Kế hoạch này được Mỹ dự định thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Truy kích Việt Cộng qua biên giới Lào và Cam-pu-chia. Giai đoạn 2: Mở đợt công kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc. Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục miền Bắc, gồm 3 điểm: Dùng hải quân phong toả cảng Hải Phòng; dùng tàu phóng ngư lôi tiến công các căn cứ miền Bắc; ném bom các thành phố miền Bắc. Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu miền Bắc nước ta (trong đó có cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá).

Thực hiện kế hoạch đó, ngày 12-6-1964, một trung đội biệt kích ngụy dùng thuyền cao su đổ bộ vào bờ biển huyện Tĩnh Gia, rồi tiến sâu vào nội địa, phá sập cầu Hang trên quốc lộ 1A, bắn chết 1 dân thường. Ngày 30-6-1964, tập kích vào một nhà máy nước ở tỉnh Quảng Bình… Đồng thời với hành động khiêu khích trên, Mỹ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch 34 A, dùng các tàu khu trục Hạm đội 7 tuần tiễu, khiêu khích trong vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Để chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 29-6-1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ”.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Thanh Hoá nghiêm khắc tự phê bình, rút ra bài học về thiếu cảnh giác vụ cầu Hang. Đồng thời lần lượt thành lập các đơn vị pháo binh dân quân cho các đơn vị ven biển, các tổ dân quân bắn máy bay bằng súng bộ binh cho các đơn vị trọng điểm. Đến cuối năm 1964, tuyến  phòng thủ dọc biển, các cửa lạch, các vùng trọng điểm thị xã Thanh Hóa, Hàm Rồng, các địa phương ven biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Sầm Sơn, Tĩnh Gia… dân quân được trang bị vũ khí, huấn luyện, bố trí thế trận sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ.

Bờ biển Thanh Hoá dài trên 102km, có 6 cửa lạch, trong đó có 3 cửa lạch lớn, quan trọng: Lạch Trường, Lạch Hới và Lạch Ghép. Lạch Trường, Lạch Hới thường là nơi trú đậu, tập kết của tàu hải quân  và cũng là nơi bố trí các trạm ra đa, trạm phòng không của ta. Ngoài ra dọc bờ biển Thanh Hoá còn có hai đảo: Hòn Nẹ thuộc huyện Hậu Lộc về phía đông Bắc, Hòn Mê thuộc huyện Tĩnh Gia  về phía đông Nam của tỉnh. Đảo Hòn Nẹ và đảo Hòn Mê trong chống chiến tranh phá hoại với đế quốc Mỹ có vị trí đặc biệt quan trọng, là tai mắt của đất liền.

Vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ liên tục có những hoạt động khiêu khích miền Bắc nước ta, nhất là các tỉnh ở khu IV và Thanh Hoá. Đêm 30 rạng ngày 31-7-1964, lực lượng biệt kích của hải quân nguỵ bất ngờ đánh phá đảo hòn Mê (Thanh Hoá) và hòn Ngư (Nghệ An). Trong khi đang cho máy bay bắn phá ở một số điểm ở phía tây tỉnh Nghệ An, tàu Ma Đốc của Mỹ được lệnh tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, thu thập tin tức tình báo về các trạm ra đa và trận địa phòng thủ của ta. Hầu như bờ biển Thanh Hoá từ đảo Hòn Nẹ đến đảo Hòn Mê trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964, ngày nào cũng có tàu tuần tiểu Mỹ, ngụy hoạt động.

11 giờ 30 phút ngày 2-8-1964, phân đội hải quân  gồm 3 chiếc tàu phóng lôi  333, 336, 339 thuộc đoàn 135, Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam đã hành quân tới vùng biển Hòn Mê và chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu. 13 giờ 30 phút, tàu Ma Đốc xâm phạm vùng biển giữa Hòn Mê và Lạch Trường. 14 giờ 52 phút, tàu chỉ huy của ta phát hiện tàu địch và được lệnh tấn công, truy đuổi, buộc chúng phải rút ra vùng biển quốc tế.

Sau thất bại ngày 2-8-1964, để chuẩn bị cho bước leo thang mới, đế quốc Mỹ tăng cường Hạm đội 7 về phía biển Đông. 23 giờ ngày 4-8-1964, Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn họp Hội đồng an ninh Quốc gia và ngay sáng ngày 5-8, chính phủ Mỹ ra tuyên bố bịa đặt “Cuộc tiến công thứ  2 của Hải quân Bắc Việt Nam”. Đồng thời ra lệnh cho không quân và hải quân địch đánh trả đũa mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với qui mô lớn chống lại miền Bắc Việt Nam.

Với chiến dịch “Mũi tên xuyên”, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 5-8-1964, từ 2 tàu sân bay Ti-côn-đê-gô-ra và Côn–xtơ-lê-xơn thuộc hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi Đà Nẵng cho 64 lần chiếc máy bay gồm các loại máy bay cánh quạt A1 “giặc trời”, A4 “diều hâu” và các loại máy bay phản lực F4 “con ma”, F8 “thập tự quân” đã bay vào bắn phá Lạch Trường (Thanh Hoá), sông Gianh (Quảng Bình), Vinh, Bến Thuỷ (Nghệ An), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh ).

Lúc 14 giời 45 phút ngày 5-8-1964, lực lượng không quân Mỹ từ hạm đội 7 bay vào đánh phá từ đảo hòn Nẹ huyện Hậu Lộc đến cửa Lạch Trường huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá. Ngay sau khi máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá cửa Lạch Trường và công kích vào các tàu hải quân ta. Đơn vị dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hoà Lộc thuộc huyện Hậu Lộc; xã Hoằng Trường huyện Hoằng Hoá; tự vệ đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 Phòng không bảo vệ trạm ra đa; đồn công an vũ trang 74… nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Khi địch cho máy bay bắn phá vào cửa lạch và công kích vào các tàu hải quân ta, bằng những khẩu súng bộ binh, dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hoà Lộc, Hoằng Trường; súng máy 14,5mm cuả đại đội 19 bộ đội phòng không; súng trường của đồn công an vũ trang trên bờ phối hợp với súng máy, cao xạ trên tàu hải  quân ngoài khơi bắn trả quyết liệt máy bay giặc Mỹ. Những tay súng của tự vệ xí nghiệp đánh cá Lạch Trường, cùng các chiến sỹ trên tàu hải quân quần nhau với giặc giữa biển khơi.

Trung đội dân quân xã Hoằng Trường do trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy, cụ Tường 63 tuổi, tuy tuổi cao, mắt kém vẫn bình tĩnh phụ trách khẩu trung liên cùng con cháu chiến đấu kiên cường. 12 cô gái dân quân xã Hoà Lộc huyện Hậu Lộc  đã chiến đấu ngoan cường với lũ giặc trời. Hai cô gái Nguyễn Thị Vy 17 tuổi; Lê Thị Thảo 20 tuổi chưa từng quen với sóng cả nhưng vẫn xung phong vượt sóng ra khơi dưới làn bom đạn địch để cứu chữa thương binh, tiếp đạn cho tàu hải quân chiến đấu. Đoàn viên thanh niên Tô Thị Đạo không tiếc thân mình nhiều lần tiếp máu cứu sống thương binh. Sự chi viện, chăm sóc của nhân dân khu vực Lạch Trường đã làm tăng thêm sức chiến đấu của lực lượng hải quân ta, góp phần vào chiến thắng vẻ vang.

15 giờ 15 phút trận chiến đấu tại Lạch Trường kết thúc, quân và dân khu vực Lạch Trường phối hợp chiến đấu ngoan cường bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ.

Những kinh nghiệm quý

Chiến thắng ngày 5-8-1964, đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên quân và dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh đã hạ được “uy thế của không lực Hoa Kỳ”. Chúng ta có thể đánh thắng được máy bay phản lực hiện đại Mỹ; bắn trúng, bắn rơi máy bay bằng súng cao xạ và cả bằng súng bộ binh, bằng lực lượng phòng không phối hợp 3 thứ quân. Trận chiến đấu ngày 5-8-1964, để lại những kinh nghiệm quý báu:

Một là, th­ường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống

Đây là kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, là cơ sở nền tảng cho thắng lợi. Chính vì vậy cần phải thư­ờng xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cách mạng, Quân đội, đơn vị và truyền thống của quê hương dân tộc, đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng đi sâu vào quán triệt tình hình nhiệm vụ cụ thể, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng ý chí quyết tâm vư­ợt qua khó khăn gian khổ, thử thách, sẵn sàng chiến đấu hy sinh; tinh thần quả cảm, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù. 

Hai là, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trong khu vực phòng thủ, kịp thời đánh trả địch có hiệu quả

Ngay từ đầu phải xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, mọi phương án phải được chuẩn bị chu đáo, bố trí và phối hợp cùng các lực lượng trong khu vực cụ thể, điều đó được thể hiện: Khi có lệnh chiến đấu các lực lượng đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng vào vị trí chiến đấu, tàu hải quân, dân quân tự vệ trên biển bằng vũ khí, trang bị hiện có chiến đấu với địch. Trong quá trình điều động lực lượng, xử lý tình huống đã thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng. Tuy chưa có kinh nghiệm trong chiến đấu với máy bay Mỹ, song với ý chí kiên cường, dám đánh địch, quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ, quân dân Lạch Trường đã bắn rơi 2 máy bay, ghi chiến công đầu tiên của quân và dân Thanh Hóa.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân

Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trên địa bàn là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đó thể hiện ở thế và lực, chuẩn bị sẵn sàng và huy động được khi có chiến tranh xảy ra, đảm bảo xây dựng lực lượng 3 thứ quân vững mạnh trên cùng một địa bàn. Giữa các lực lượng phòng không đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ để bắn trúng, bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng cao xạ, bằng cả súng bộ binh, bằng lực lượng phòng không phối hợp ba thứ quân. Quân dân miền Bắc trong 1 ngày đã bắn rơi 8 máy bay phản lực, làm bị thương 2 chiếc khác và bắt sống một giặc lái. Trong đó, lực lượng vũ trang địa phương phải thực sự vững mạnh, có độ tin cậy cao, có ý chí chiến đấu kiên cường, linh hoạt sáng tạo.

Trong trận chiến  đấu này, dân quân Lạch Trường đã bám trụ trận địa, cùng với các lực lượng khác trong khu vực quần lộn với địch trong suốt 40 phút, lực lượng dân quân tự vệ vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, tiếp đạn, vận chuyển cứu chữa thương binh, sẵn sàng tiếp máu cứu sống đồng đội… Qua thử thách chiến đấu, dân quân tự vệ Lạch Trường thực sự là đội quân vững mạnh, có ý chí kiên cường, dũng cảm.

Bốn là, nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, sử dụng hiệu quả vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có

Th­ường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thường trực cũng như dân quân tự vệ, dự bị động viên đi sâu vào nghiên cứu và làm chủ khoa học kỹ thuật, chuẩn bị và thực hiện tốt công tác bảo đảm; phục vụ cho chỉ huy ra mệnh lệnh chính xác, giành thắng lợi; kịp thời rút kinh nghiệm. Nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật qua từng trận đánh. Đồng thời phát huy nghệ thuật quân sự, toàn dân, toàn diện, phát huy cách đánh truyền thống kết hợp vũ khí trang bị khí tài hiện đại trong quá trình chiến đấu tiêu diệt quân thù

Chiến thắng Lạch Trường Thanh Hoá đã góp  phần vào chiến thắng chung của quân và dân miền Bắc trong ngaỳ 5-8-1964, hạ 8 máy bay giặc Mỹ; cổ vũ quân và dân miền Bắc hăng hái quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ; góp phần vào cổ vũ đồng bào, chiến sỹ miền Nam tiến lên giết giặc lập công.

Chiến thắng trận đầu  ngày 2 và 5-8-1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường, bất khuất; của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

50 năm đã trôi qua, “Chiến thắng Lạch Trường - Chiến thắng trận đầu” của quân và dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc một lần nữa đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Có niềm tin quyết thắng vào bản lĩnh, trí tuệ và nội lực Việt Nam. Xây dựng tiềm lực, thế trận, lực lượng quốc phòng, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phạm Văn Luân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất