Như nhiều địa phương thuộc miền hạ huyện Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Bình có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Đất canh tác của xã khá rộng, với 348 ha, tương đối màu mỡ do quanh năm được phù sa sông Ninh Cơ bồi đắp. Dân số của xã chỉ có hơn 5.000 người nên bình quân đất canh mỗi khẩu khá cao, đạt 2 sào/người. Tuy nhiên, trước đây, trong một thời gian dài, những tiềm năng, lợi thế này chưa thực sự được địa phương phát huy. Hầu hết diện tích đất canh tác trong xã chỉ được bà con độc canh cây lúa, cả trăm héc-ta đất bãi ven sông Ninh Cơ cũng chỉ được bà con dùng để trồng cói. Vậy nên, năng suất lúa của xã có thời điểm đạt kịch trần trên 130 tạ/ha/năm nhưng đời sống người nông dân địa phương không hết khó khăn, bởi mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào hạt thóc.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Quang Thưởng, Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Bình tâm sự: thu nhập thấp, đời sống của bà con khó khăn, cán bộ chúng tôi rất trăn trở, thấy mình như người có lỗi. Phải làm gì để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân là câu hỏi được Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2000-2005 dành rất nhiều thời gian tập trung thảo luận. Câu trả lời cuối cùng và sau này đã trở thành nghị quyết, được BCH nhiệm kỳ 2000-2005 và các nhiệm kỳ kế tiếp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đó là phải chuyển đổi phương thức, tập quán, đa dạng hoá các hoạt động sản xuất. Cụ thể, phải từng bước phá bằng được thế thế độc canh, đưa rau màu vào sản xuất trên đất hai lúa. Phát triển mạnh hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao đã manh nha hình thành tại địa phương. Có thể nói đây là một chủ trương khá mạnh dạn của đảng bộ Nghĩa Bình thời điểm đó. Bởi, bao đời nay nông dân trong xã chỉ quen việc trồng lúa, trong khi sản xuất rau màu, nhất lại là trên đất hai lúa đòi hỏi kỹ thuật và các điều kiện hỗ trợ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ nông dân trong xã đã nhận thức được sự cần thiết, lợi ích của việc đưa rau màu vào sản xuất vụ thứ ba trên đất hai lúa, tích cực tham gia thực hiện.
Ban đầu, do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm canh tác, thiếu các điều kiện hỗ trợ cần thiết, nhất là hệ thống thuỷ lợi, việc lựa chọn cơ cấu cây trồng cũng chưa phù hợp nên hiệu quả sản xuất rau màu ở Nghĩa Bình rất thấp. Đảng uỷ xã chủ trương cử cán bộ trực tiếp đến một số địa phương trong và ngoài huyện học tập, nghiên cứu kinh nghiệm. Sau những chuyến đi học tập, nghiên cứu đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn tới từng thôn, đội sản xuất để bà con vận dụng thực hiện. Đảng uỷ xã chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) xác định lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng, trong đó lựa chọn, thay thế những giống lúa dài ngày bằng những giống ngắn ngày nhằm sớm giải phóng quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Tiến hành quy hoạch, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi dần đáp ứng yêu cầu khi có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Những năm đầu sản xuất và nghiên cứu thực tế tại các địa phương có điều kiện đồng đất tương tự, xã đã xác định được một số cây trồng vụ đông chính gồm cà chua, bí xanh, dưa chuột, các loại rau… Được đội ngũ cán bộ nông nghiệp xã sát cánh trên đồng ruộng hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, sau ít năm nông dân Nghĩa Bình đã hoàn toàn làm chủ, “bắt” cà chua, bí xanh, dưa chuột, rau các loại vốn là những cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng khó làm “chịu” ra hoa, kết quả trên phần đất bao đời nay chỉ dành cho cây lúa, đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Diện tích rau màu trên đất hai lúa của xã không ngừng tăng. Trong 5 năm 2005-2010, toàn xã đã trồng được hơn 398 mẫu cây hoa màu, đạt bình quân gần 80 mẫu/năm, chiếm gần 8% diện tích đất hai lúa. Ngoài mô hình 2 vụ lúa + 1vụ mầu cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/năm, xã đã từng bước xây dựng được mô hình 2 vụ màu + 1 vụ lúa, số diện tích này hiện đạt 10,14 ha, cho thu nhập hơn 180 triệu/ha/năm. Giúp nông dân giải quyết “đầu ra”, Đảng uỷ xã ban hành chủ trương, chính quyền, HTXNN xây dựng cơ chế, chủ động tìm đối tác là một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Nhà máy chế biến cà chua Hải Phòng, Công ty Luveco Nam Định… về tham gia đầu tư, vừa liên kết hỗ trợ kỹ thuật vừa thu mua nông sản cho nông dân. Hiện tại, nhiều nông dân địa phương đã mua sắm được phương tiện vận chuyển, qua đó có thể đưa nông sản đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước…
Nếu như chủ trương đưa rau màu vào sản xuất thành công trên đất hai lúa giúp nông dân địa phương nâng cao đáng kể thu nhập trên một đơn vị diện tích thì chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là nuôi cá nước ngọt của đảng bộ Nghĩa Bình đã giúp nhiều hộ nông dân trong xã vươn lên làm giầu. Để thực hiện chủ trương này, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo HTXNN xây dựng quy hoạch chuyển đổi 15% diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang đào ao thả cá, bước đầu thực hiện trên diện tích đất ven làng, ven thổ. Chủ trương trên nhanh chóng được nhân dân trong xã hưởng ứng. Hầu hết số hộ có đất canh tác ven làng, ven thổ đã thực hiện cải tạo, đào ao để “canh trì”. Những năm đầu, qua thực hiện trên diện tích 12 ha đất ven làng, ven thổ cho thấy nuôi cá là hướng phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Đến thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Phan Thanh Lịch ở xóm 3, thôn Quần Phương mới thấy chủ trương chuyển đổi, đa dạng hoá các hoạt động sản xuất của Đảng bộ xã đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống như thế nào. Trên phần diện tích vườn tạp trước đây, ông Lịch đào 3 sào ao thả cá lóc bông lẫn các loại cá truyền thống. Ông Lịch cho biết, năm đầu do chưa nắm được kỹ thuật, cá chết, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng bước sang các năm sau, nhờ nắm vững, thực hiện tốt khâu vệ sinh ao đầm, mỗi năm ông thu trên ba tấn cá thương phẩm. Hiện nay giá cá lóc bông trên dưới 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, sau 6 tháng từ 3 sào ao ông thu lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài ba sào ao nuôi cá, gia đình ông còn có thêm ba sào vườn trồng các loại hoa màu, ngoài diện tích đất canh tác của gia đình, ông thuê thêm, cấy tổng cộng 2,7 mẫu lúa. Chỉ với hai lao động, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Để giúp nông dân có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn cá giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, Đảng uỷ xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã, HTXNN phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư của huyện mở các lớp tập huấn cho các gia đình tham gia chuyển đổi. Nhờ đó, bà con đều làm chủ được các khâu kỹ thuật. Ngay tại xã, các dịch vụ cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm cũng rất phát triển nên hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của bà con rất thuận tiện, khép kín. Toàn xã hiện có gần 45 hộ gia đình nuôi cá lóc bông, nhiều gia đình có diện tích nuôi lớn, cả ha.
Nhằm phát triển, nhân rộng hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, từ năm 2009, đảng uỷ xã tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi hai khu vực Nam Phong và Thanh Hương thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích là 52 ha. Đến nay, vùng nuôi trồng đã thực hiện thi công giai đoạn I với hệ thống đường bê tông bao quanh khu vực sản xuất trị giá 845 triệu đồng; hiện tại đang tiếp tục thi công giai đoạn II là cải tạo hệ thống thuỷ lợi và đi vào sản xuất chuyên canh. Bên cạnh đó, Đảng uỷ xã cũng chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã, HTXNN hướng dẫn bà con nông dân địa phương khai thác hiệu quả khu vực bãi ven sông Ninh Cơ phục vụ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Đến nay, diện tích đất bãi được bà con cải tạo nuôi trồng thuỷ sản đã lên đến hơn 90 ha, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân địa phương.
Cùng với mô hình đào ao, thả cá, xã Nghĩa Bình hiện có gần 60 hộ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, trong đó mô hình nuôi nhím hiện rất phát triển với 20 hộ tham gia. Thực tế cho thấy nhím là vật nuôi khá dễ tính, nguồn thức ăn rất sẵn, sức kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao. Một đôi nhím giống hiện có giá trên dưới 20 triệu đồng. Trong tương lai, cùng với con cá, nhím sẽ là con nuôi làm giầu cho nông dân địa phương. Đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó bí thư Đảng uỷ xã cho biết, đi đầu tham gia các hoạt động chuyển đổi sản xuất ở địa phương và chuyển đổi thành công chính là gia đình các cán bộ, đảng viên. Đến nay, hầu hết gia đình các cán bộ, đảng viên ở Nghĩa Bình đều đang tham gia chuyển đổi với nhiều mô hình sản xuất cho giá trị thu nhập cao. Điển hình như gia đình đồng chí Trần Mạnh Thiêm, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã hiện có 2ha ao thả cá, bình quân mỗi năm thu trên dưới 20 tấn cá thương phẩm, lãi hàng trăm triệu đồng. Người đầu tiên đưa nghề nuôi nhím về Nghĩa Bình là gia đình đồng chí Bùi Văn Tiến, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã. Từ nuôi nhím mỗi năm gia đình đồng chí Tiến đang có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. Việc tích cực tham gia chuyển đổi, chuyển đổi hiệu quả của gia đình các cán bộ, đảng viên trong xã không chỉ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện một chủ trương lớn, quan trọng của đảng bộ mà còn có tác dụng động viên, khích lệ nhân dân địa phương cùng tham gia, đưa chuyển đổi sản xuất thành phong trào phát triển kinh tế sâu rộng, hiệu quả ở Nghĩa Bình trong những năm qua, thiết thực nhất là giảm được tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống chỉ còn chưa đến 7%...
Vui mừng vì những kết quả đã đạt được, nhưng qua trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ xã Nghĩa Bình cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở. Tới đây, khi dự án xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ, rồi dự án xây dựng tuyến đường ven biển, dự án xây dựng khu du lịch ven biển Đông của Chính phủ, của tỉnh được triển khai, là địa phương nằm liền kề, nhiều nội dung của các dự án sẽ được tiến hành thực hiện ngay trên địa bàn xã, chắc chắn Nghĩa Bình sẽ chịu nhiều tác động. Cơ hội phát triển toàn diện, mọi mặt mở ra cho địa phương là rất lớn đi liền với đó là những thách thức không nhỏ. Làm gì để tận dụng, đón đầu được những cơ hội phát triển, nhất là việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sao cho phù hợp, có tầm nhìn, có tính chiến lược đòi hỏi đảng bộ xã Nghĩa Bình phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn. Tin rằng với truyền thống đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, hơn 230 đảng viên được nhân dân tin tưởng, lại có sự hỗ trợ, định hướng của cấp uỷ cấp trên, đảng bộ xã Nghĩa Bình sẽ lãnh đạo nhân dân địa phương dành được những thắng lợi to lớn hơn trong tình hình mới!
Trần Duy Hưng
Báo Nam Định