Sau một thời gian lâm bệnh nặng, sáng 8-9, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), hưởng thọ 100 tuổi. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Võ Chí Công, Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang.
Sau chiến tranh, viện trợ của các phía đối với nước ta giảm dần. Đất nước bị tàn phá nặng nề. Vết thương chiến tranh sâu thêm ở khắp mọi miền. Sản xuất thiếu nguyên liệu, năng lượng, phân bón. Nạn đói xuất hiện. Nông nghiệp bị đảo lộn do hợp tác hóa ào ạt, không có phân bón và Nhà nước thiếu hàng hóa để trao đổi với nông dân. Đồng tiền mất giá. Các nước tư bản phối hợp với nhau bao vây kinh tế nước ta. Một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nhanh chóng ập đến khắp nước. Không khí phấn khởi sau năm 1975 biến mất. Số người bỏ ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Võ Chí Công, sau năm 1945 chủ yếu hoạt động ở quê nhà và ở miền Nam, nổi tiếng là người kiên cường, năng động sáng tạo, tác phong chu đáo, sống có tình nghĩa, được bầu vào Bộ Chính trị và Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp sau Đại hội lần thứ IV của Đảng; và sau Đại hội lần thứ V, được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và là Thường trực Ban Bí thư.
Đồng chí đến đúng lúc và đúng nơi cần một người giàu kinh nghiệm, sát cuộc sống quần chúng, ghét lý thuyết viển vông, có điều kiện đề xuất một giải pháp có tính đột phá để đưa đất nước qua cơn hiểm nghèo. Tình hình lúc ấy nguy ngập thật, cả nước đói. Nền sản xuất ngưng trệ, đời sống tiêu điều. Người ta hay hát một bản nhạc Thằng Bờm có cái quạt mo...
Võ Chí Công nghĩ và làm. Anh mở một đội công tác đi làm thử việc giao khoán cho xã viên ở một hợp tác xã ở Vĩnh Phú. Anh thường suy nghĩ: đã có lần ra Bắc hoạt động và gặp nhiều thanh niên ngoài đồng bằng sông Hồng, họ rất năng động và chịu thương, chịu khó; vì sao sản xuất nông nghiệp sút kém, có nơi không bằng trước khi hợp tác hóa?
Tôi gặp anh, vừa cùng làm việc trong Ban Bí thư, vừa cùng suy nghĩ. Biết tôi đang tìm một lối thoát như anh, anh bàn riêng với tôi: "Chúng ta chung nhau. Tôi phụ trách công tác nông nghiệp, anh phụ trách công tác tư tưởng. Hãy mở rộng việc khoán sản phẩm cho xã viên và giao ruộng cho họ định rõ mức thuế và mức bán thóc, còn bao nhiêu họ hưởng hết, có thể bán theo giá thỏa thuận". Anh cử Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu cùng tôi làm việc này. Chúng tôi họp các trưởng ban Nông nghiệp và trưởng ban Tuyên huấn các tỉnh, đưa chủ trương này ra thảo luận. Số đông tán thành, một số người phản đối. Nhân vật lãnh đạo cấp cao hơn thấy có cuộc vận động này, nói: các anh cứ làm với điều kiện bảo đảm không đẩy lùi cách mạng kỹ thuật và quyền làm chủ tập thể của nông dân. Chúng tôi hứa sẽ bảo đảm. Sau một vụ, tình hình sản xuất và nông thôn thay đổi trông thấy; đặc biệt là không khí lao động; nông dân chuộng ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nghỉ trưa ở bờ ruộng; truyền thống một nắng hai sương trở lại với đồng ruộng thân yêu.
Chúng tôi thấy vững tâm, việc đột phá đã tìm thấy. Trước hết, phải giải quyết vấn đề ăn, chân lý nghìn đời; thế mà có lúc lãng quên. Một nhà tu hành thấy hiện tượng lạ, nói: ông nào đưa ra sáng kiến khoán sản phẩm nên thờ ông ấy làm Thành Hoàng. Ông ấy chính là ông nông dân, ông cán bộ cơ sở. Họ đã khoán được từ trước, sau khi được ông Phó thủ tướng mạnh dạn đề xuất chủ trương và Bí thư Trung ương Lê Thanh Nghị ký Chỉ thị 100 (trước khi Võ Chí Công chuyển sang), thì một cuộc vận động lớn, sôi nổi và có hiệu quả hiếm thấy này, đã trở thành hợp pháp; trước đó làm thử. Võ Chí Công còn có vai trò quan trọng khi ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cùng với đồng chí Trường Chinh chuẩn bị Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Lần này, hai ý kiến khác nhau lại xuất hiện:
- Ý kiến thứ nhất, là giữ vững chính sách cũ, công hữu kế hoạch hóa tập trung và sản xuất lẫn phân phối.
- Ý kiến thứ hai, là phải đổi mới tư duy, lý luận; bắt đầu từ tư duy kinh tế.
Nhờ Trường Chinh, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và một số đồng chí khác kiên trì mà ý kiến thứ hai trở thành tư tưởng trung tâm của báo cáo chính trị. Tư tưởng đổi mới đáp ứng đúng nhu cầu cuộc sống. Khi trình bày dự thảo báo cáo chính trị ra Hội nghị Trung ương, nhanh chóng được ủng hộ và thuyết phục. Và văn kiện được công bố trên báo chí; sự nhất trí rất mạnh ở tất cả các miền. Đại hội thảo luận sôi nổi, không có đại biểu nào phản đối. Sau Đại hội VI, Võ Chí Công là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chuẩn bị Nghị quyết có số hiệu là 10 giao quyền sử dụng ruộng đất cho nông dân, làm đúng khẩu hiệu ruộng cày nêu ra từ đầu: canh giả hữu kỳ điền (người cày có ruộng của nó).
Họa và phúc phần lớn do con người gây ra. Trước tai họa, chỉ rõ lối ra là phúc. Chuyển họa thành phúc là người lãnh đạo giỏi. Võ Chí Công đã xuất hiện đúng lúc lịch sử có nhu cầu và đã đáp ứng đúng nhu cầu ấy.
Hoàng Tùng
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng
Nguồn: Báo Quảng Nam