Kinh nghiệm của Tỉnh ủy Đồng Nai trong lãnh đạo phát triển kinh tế công nghiệp
Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về vai trò của công nghiệp trong sự nghiệp CNH, HĐH, xuất phát từ những chủ trương, chính sách về CNH của Trung ương, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (1991) đến nay, Đồng Nai luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế công nghiệp (KTCN), chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) theo hướng CNH, HĐH trên cơ sở xác định tiềm năng và thế mạnh của địa phương; xác định công nghiệp là bộ phận chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh.
Trước khi thực hiện chủ trương CNH, HĐH, nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai chiếm tỷ trọng hơn 50% GDP trong CCKT của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Hiện nay, con số này giảm còn 8,6%, tỷ trọng ngành công nghiệp trong CCKT của Đồng Nai đứng hàng thứ 3 trong 8 tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có bước chuyển dịch rõ nét, đã hình thành và phát triển một số ngành phát huy được thế mạnh của địa phương, có lợi thế cạnh tranh đối với thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Trong 10 năm trở lại đây (2001-2010), tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh đạt 19,04%/năm và thường chiếm hơn 10% giá trị SXCN toàn quốc; là tỉnh đứng thứ ba trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về giá trị SXCN, sau TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp (GDP) năm 2001 đạt 6.379 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), đến năm 2010 đạt 23.555 tỷ đồng (trong đó, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 74,95% giá trị SXCN trên địa bàn). Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 15,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (giai đoạn 2001-2005 là 12,9%/năm, giai đoạn 2006-2010 là 13,2%/năm) và được coi là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Đồng Nai.  

Với chủ trương đúng đắn của Tỉnh uỷ và những chính sách phù hợp, trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương có sức hấp dẫn đầu tư khu công nghiệp (KCN); là tỉnh đi đầu trong xây dựng, phát triển, số lượng KCN của cả nước. Đến nay, Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch phát triển 34 KCN diện tích khoảng 11.380 ha. Cuối năm 2010 đã có 30 KCN được cấp phép thành lập với diện tích 9.573 ha, thu hút 1.130 dự án từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD và hơn 31.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, phát triển KTCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn bộc lộ những hạn chế:


- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu vẫn là những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp và có nguy cơ gây ô nhiễm cao như da giày, may mặc… Tỉ trọng các ngành công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu… còn thấp; ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; sản phẩm gia công, chế biến thô còn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp…


- Chuyển dịch CCKT ngành công nghiệp giữa các vùng trong tỉnh chưa đồng đều, do vậy, tuy thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng.


- Sự tăng trưởng và phát triển công nghiệp của tỉnh ngày càng lệ thuộc vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. (Năm 2010, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 74,95% giá trị SXCN trên địa bàn).


- Các khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng hạ tầng và các dịch vụ phục vụ công nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa cân xứng. Khu vực dịch vụ chưa phát huy hết vai trò, làm hạn chế sự phát triển công nghiệp.


- Nguồn nhân lực (NNL) của tỉnh cả về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Lao động công nghiệp không có chuyên môn kỹ thuật (lao động phổ thông) chiếm tỷ lệ cao (60% lao động chưa qua đào tạo nghề). Do đó, năng suất lao động còn thấp; lao động chất xám đang có xu hướng chuyển dịch sang khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


- Cùng với sự phát triển công nghiệp, môi trường cũng bị tác động nghiêm trọng. Hiện nay, hệ thống xử lý chất thải công nghiệp đang được triển khai nhưng còn chưa đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được tăng cường, nhưng những vi phạm về ô nhiễm môi trường không giảm, phát hiện và xử lý còn chậm, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp.


Từ thực tiễn đó, Tỉnh ủy rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu trong lãnh đạo phát triển KTCN:

Một là,
không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Tỉnh uỷ, cấp uỷ các cấp trong tình hình mới, đánh giá đúng khả năng, tiềm năng và xu thế phát triển của tỉnh. Từ đó, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Tỉnh uỷ về KTCN.

Hai là,
phát huy đoàn kết, thống nhất, quyết đoán, năng động, sáng tạo, thể hiện quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên cơ sở quán triệt và vận dụng đúng đắn các nghị quyết của Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo là yếu tố quan trọng phát triển KTCN của tỉnh.

Ba là,
có chuyển dịch CCKT phù hợp với từng thời kỳ. Một trong những thành công đáng kể của Đồng Nai trong quá trình phát triển KTCN là đẩy nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp; chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, kỹ thuật cao, kịp thời đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của tỉnh.

Bốn là,
xác định đúng lợi thế của địa phương, trên cơ sở đó khai thác nội lực, thu hút ngoại lực. Đồng thời, xác lập đúng hướng đi cho từng thời kỳ. Tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực, vùng, sản phẩm theo hướng ứng dụng ngày càng cao các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.  

Năm là,
chuẩn bị NNL đáp ứng yêu cầu phát triển KTCN, coi việc phát triển và nâng cao chất lượng NNL là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong phát triển KTCN của tỉnh. Trong đó, làm tốt công tác cán bộ của Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu; chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nâng cao chất lượng NNL, coi trọng NNL có trình độ cao, quản lý giỏi, kỹ thuật lành nghề để có thể nắm bắt kịp thời công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mức độ phát triển KTCN không chỉ được tính bằng tỉ trọng công nghiệp trong GDP mà còn phải nâng cao đời sống người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo vệ môi trường...  

Sáu là,
sự tích cực, chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp theo phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, thường xuyên và trực tiếp giải quyết những vướng mắc của các nhà đầu tư, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển.

Bảy là,
coi trọng lãnh đạo tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm về lãnh đạo phát triển KTCN sao cho sát đúng với tình hình, phù hợp với điều kiện của tỉnh và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.  

Phát triển KTCN để thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai không ngừng đoàn kết, sáng tạo, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm trong quá trình phát triển KTCN, ra sức “phấn đấu xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản CNH, HĐH vào năm 2015” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất