Giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở Tây Nguyên
Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) trên vùng đất Tây Nguyên hôm nay
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng từng được ví như “mái nhà của Đông Dương”, khi tiến hành xâm lược nước ta, Pháp và Mỹ đều tìm mọi cách đánh chiếm khu vực này để từ đó khống chế vùng Nam Lào, Căm-pu-chia, Nam Bộ và miền Trung Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên được coi là thắng lợi then chốt và quyết định của quân và dân ta, tạo nền tảng cho phát triển thời cơ và thế trận của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, với tầm nhìn chiến lược và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm lớn cho địa bàn này, đặc biệt là tập trung sức lực và của cải để xây dựng Tây Nguyên phát triển mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội (KT - XH) và quốc phòng - an ninh (QP - AN).
Tây Nguyên hiện nay gồm 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, với diện tích 54.474km2, dân số hơn 4,8 triệu người, trong đó 1,5 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Tây Nguyên đang từng bước phát triển vững chắc trên tất cả các mặt. Trong 10 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo kịp thời, toàn diện, chặt chẽ đối với vùng Tây Nguyên; thể chế hoá và cụ thể hoá nhiều chủ trương, chính sách, tăng cường đầu tư các nguồn lực để các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị.

Kết quả, kinh nghiệm             

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và các cơ quan chức năng, đảng bộ các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp cho nhiệm vụ xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

- Chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, đảng bộ và chính quyền các tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ về giữ cương vị chủ chốt tại các xã trọng điểm, khó khăn phức tạp. Tại các địa bàn trọng điểm đã bổ sung 26 đồng chí phó bí thư, huyện uỷ viên, 128 phó bí thư cấp ủy xã chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị; huy động cán bộ các ngành, các cấp và lực lượng vũ trang tham gia làm công tác dân vận và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở dưới nhiều hình thức.

- Làm tốt công tác phát triển đảng viên tại chỗ kết hợp với điều động đảng viên đến vùng sâu, vùng xa để giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Cho đến nay, về cơ bản đã xoá được tình trạng thôn, buôn làng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Trong công tác phát triển đảng, đã kết nạp 59 nghìn đảng viên mới (trong đó 20,6% là người DTTS, 4,52% người có đạo), số lượng đảng viên tăng 1,9 lần so với năm 2001.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tuyến cơ sở. Thực hiện Quyết định 253 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở, các tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho gần 8 vạn lượt cán bộ xã, buôn làng dưới nhiều hình thức. Bộ máy chính quyền được tập trung  kiện toàn, từng bước chuẩn hóa cán bộ theo quy định của Chính phủ. Nhiều tỉnh đã vận dụng chính sách, chủ động bổ sung các chức danh làm việc tại xã theo yêu cầu thực tế; tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về làm việc, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ dự nguồn cấp xã. Trong đó, công tác quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS được đặc biệt quan tâm, trong số 11.000 cán bộ cơ sở thuộc diện quy hoạch có 2.600 người DTTS; trong HĐND cấp xã, đại biểu người DTTS chiếm 37,6%; trong cơ cấu đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cấp xã có 29,06% cán bộ, công chức là người DTTS. Đội ngũ cán bộ chủ chốt người DTTS ở thôn, buôn chiếm 28,32%. Đồng thời, có nhiều chính sách, chế độ ưu tiên đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ người DTTS.

- Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động lấy phương châm “gần dân sát dân” làm chủ đạo. Thông qua hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS như: Phong trào tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá buôn, làng; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong công tác giáo dục, vận động quần chúng.

Những giải pháp trên đã góp phần làm cho hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên ngày một vững chắc và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT - XH và QP - AN, từng bước đưa Tây Nguyên phát triển lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt ưu điểm đã đề cập, hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên nhất là trong vùng DTTS còn nhiều mặt chưa thực sự vững chắc, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới mà nguyên nhân là:
- Sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn yếu, chưa chủ động và kịp thời trong việc phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa phương. Trình độ, năng lực thực tiễn của phần đông đội ngũ cán bộ còn thấp và không đồng đều, công tác quy hoạch, tạo nguồn, và sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS các cấp, nhất là ở cơ sở còn nhiều bất cập. Việc thực hiện chủ trương bổ sung phó bí thư cấp uỷ chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị đối với các huyện, xã trọng điểm còn lúng túng về chức năng nhiệm vụ, hiệu quả thấp. Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên tại một số địa bàn vùng DTTS, vùng đồng bào có đạo còn hạn chế… Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp còn bất cập nên chưa thu hút, động viên cán bộ yên tâm công tác, bám buôn làng.
- Ở một số địa phương, nhận thức của cấp uỷ và chính quyền về xây dựng buôn làng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, vùng trọng điểm về an ninh chính trị chưa đúng. Một số bộ, ngành chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 10, chưa thấy hết sự khó khăn, phức tạp và yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược của vùng Tây Nguyên nên có lúc có nơi còn buông lỏng chỉ đạo, chưa làm tốt trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các chính sách sát với đặc thù của vùng Tây Nguyên; đầu tư còn dàn trải, việc phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn chưa được tiến hành thường xuyên và chưa hiệu quả.

- Quan điểm, nhận thức về chính sách tôn giáo của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tín đồ, chức sắc chấp hành các quy định về tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy:
- Để ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả chính trị - tư tưởng, KT - XH, AN - QP; gắn đầu tư phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị cơ sở.

- Đi đôi với phát triển KT - XH, phải chăm lo công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; tập trung xây dựng buôn làng để bảo đảm tính tự quản, làm nền móng vững chắc cho hệ thống chính trị ở cơ sở.

- Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của vùng Tây Nguyên. Do đó, song song với ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cơ sở cần phải quan tâm đến văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS và phải linh hoạt vận dụng chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá của đồng bào các DTTS.

Giải pháp 

Tây Nguyên luôn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT - XH, QP - AN của đất nước. Do đó, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là: Phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết là hệ thống chính trị cơ sở, để bảo đảm gần dân, thực sự gắn với dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, năng lực vận động quần chúng, là hạt nhân lãnh đạo và duy trì khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Để có được một hệ thống chính trị vững mạnh (đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở tại các địa phương, địa bàn phức tạp về AN - QP trên địa bàn Tây Nguyên) làm nền tảng để Tây Nguyên phát triển toàn diện và bền vững, đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn cần tập trung vào nhóm nhiệm vụ quan trọng. Đó là:

- Tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức; phấn đấu xoá triệt để tình trạng thôn buôn “trắng” đảng viên và “trắng” tổ chức đảng, nhất là trong vùng đồng bào DTTS và tôn giáo.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác tổ chức cán bộ; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS trong bộ máy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người DTTS cho cả trước mắt và lâu dài, nhằm bảo đảm có một đội ngũ kế cận trong 5-10 năm tới. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người DTTS theo phương châm kết hợp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ với bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hoá, với đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị. Thường xuyên rà soát, tổ chức bồi dưỡng và đào tạo lại chuyên môn phù hợp chức danh và nhu cầu công việc của từng cán bộ DTTS, nhất là ở cấp xã.

- Tiếp tục rà soát, củng cố lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các hạt nhân cốt cán tại những xã, buôn trọng điểm, phối hợp tốt trong việc nắm tình hình, vận động quần chúng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác an ninh chính trị; bảo đảm cấp xã chủ động xử lý công tác an ninh trật tự, đấu tranh chống hoạt động nhen nhóm, lôi kéo quần chúng của các đối tượng phản động và ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật.

- Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc xây dựng cốt cán, thực lực chính trị trong quần chúng nhân dân; tích cực thu hút đoàn viên, hội viên, tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, gần dân sát dân; triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực trong vùng đồng bào DTTS, tạo nên phong trào tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình buôn làng tự quản về an ninh trật tự; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong vùng DTTS. Vận dụng linh hoạt các quy định của luật tục dân tộc để xây dựng các quy ước, hương ước về bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát huy tinh thần cộng đồng, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

-------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 10/NQ/TW ngày 18-01-2002 của Bộ Chính trị “Về phát triển KT - XH và bảo đảm QP - AN vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010”; Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên”; Thông báo kết luận số 148-TB/TW ngày 16-7-2004 của Bộ Chính trị “Về tình hình, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững".
2. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên., “Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18-01-2002 của Bộ Chính trị về phát triển KT - XH và bảo đảm QP - AN vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010”. Buôn Mê Thuột, ngày 25-12-2010.

Phản hồi (1)

Book Drong 03/09/2011

Quan trọng nhất là chăm sóc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, công bằng cho bà con thì không thấy nói đến. Cái gọi là "tạo nên phong trào tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" được để gần chót thì nó cũng giống phong trào - sớm nở, tối tàn mà thôi. Hãy bỏ cái "phong trào" đi. Cũ quá. Cần đổi mới tư duy. Hãy làm như anh hùng Núp ngày xưa ấy. Lòng dân mới xây nên hệ thống chính trị vững chắc chứ không phải ngược lại. Xây dựng Đảng cũng phải bắt đầu từ đó.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất