Động lực và hành trang để xây dựng Hà Tĩnh giàu đẹp, văn minh

Mùa Thu năm 2011 này, Hà Tĩnh tròn 180 tuổi, tính từ thời điểm vua Minh Mệnh cắt hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ lập thành tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo dọc tiến trình của lịch sử dân tộc, vùng đất này đã có từ hàng ngàn năm với bao trầm tích văn hóa. Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh 1831 chứng tỏ vùng đất này đã phát triển tới mức trở thành một đơn vị hành chính độc lập trên bản đồ Đại Nam, khẳng định ví thế và tầm vóc của một tỉnh lỵ với những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực mà các triều đại và cư dân Hà Tĩnh đã tạo dựng nên. 180 năm qua đã bồi đắp thêm những giá trị, những truyền thống tốt đẹp để vùng đất núi Hồng sông La chạm khắc vào lịch sử, văn hóa Việt Nam một gương mặt Hà Tĩnh không thể trộn lẫn, không thể nhạt nhòa.

Hà Tĩnh nổi danh trong lịch sử Việt Nam là vùng đất văn hóa và cách mạng. Người Hà Tĩnh từ xưa đến nay đều giàu lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, coi trọng văn chương khoa bảng, gan góc kiên cường đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù hung bạo. Người Hà Tĩnh thủy chung nhân nghĩa và bao dung, chân mộc đậm đà “lắng lại hồn non sông”.

Tuy sống trên vùng đất đầy nắng gió bão giông, gánh nặng hai đầu đất nước nhưng người dân Hà Tĩnh vẫn có tâm hồn lãng mạn, trong sáng, lạc quan yêu đời. Vùng đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa làm rạng danh đất Việt. Đó là Mai Thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Biểu, Bùi Cầm Hổ, Phan Kính, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Hài Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Thời nào cũng có người nổi danh kế tục truyền thống ông cha.

180 năm qua, biết bao người con Hà Tĩnh đã bồi đắp nên hồn cốt quê hương, khắc sâu thêm bản sắc Hà Tĩnh. Khi thực dân Pháp chính thức đặt chân lên nước ta vào năm 1858, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, hàng trăm sĩ phu văn thân và cả những người chân đất áo vải giàu lòng yêu nước ở Hà Tính đã sôi nổi đứng lên khởi nghĩa chống Pháp, trong đó tiêu biểu là Lê Ninh (quê Trung Lễ- Đức Thọ), Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, quê ở làng Đông Thái (Tùng Ảnh - Đức Thọ) và Cao Thắng (Sơn Lễ - Hương Sơn)… Phan Đình Phùng đã khắc sâu thêm cốt cách người Hà Tĩnh: “Nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”…

Trong giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng, tháng 12-1929, ở Hà Tĩnh đã có chi bộ đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng ở Trường Tiểu học Pháp Việt (thị xã Hà Tĩnh) do Lê Bá Cảnh làm Bí thư. Ngày 3-2-1930, Đảng cộng sản Đông Dương ra đời và cuối tháng 3-1930, Đảng bộ Hà Tĩnh đã được thành lập do đồng chí Nguyễn Trung Thiên (tên thật là Trần Hữu Thiều) làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, với dòng máu anh hùng và quật khởi từ cha ông truyền lại, nhân dân Hà Tĩnh đã làm nên một cao trào cách mạng, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, mở màn cho một giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dù máu chảy đầu rơi, xiềng xích và tù tội nhưng những người con trung kiên của Hà Tĩnh như Trần Hữu Thiều, Trần Thị Hường, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Hữu Thái… và 42 nông dân áo vải ngã xuống ở Ngã Ba Nghèn đã thêm một lần nữa khẳng đinh tinh thần yêu nước, ý chí đầu tranh bất khuất của người Hà Tĩnh. Đặc biệt, tên tuổi của hai Cố Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam Trần Phú và Hà Huy Tập đã kết tinh nên hồn thiêng sông núi nơi đây, trở thành niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh hôm qua, hôm nay và mai sau.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là 1 trong 4 tỉnh của cả nước giành chính quyền sớm nhất và chỉ trong vòng 5 ngày. Thời kỷ 1946-1954, để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa, người dân Hà Tĩnh lại tiên phong đi đầu, dốc hết nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Quân và dân trên mảnh đất này đã không để Pháp đứng chân nổi một tiếng đồng hồ sau bao nhiêu lần xâm nhập phá hoại, tiêu biểu là chiến thắng Nhượng Bạn 4-9-1953.

Hà Tĩnh đã có 43.780 thanh niên nhập ngũ, 32.600 dân công hỏa tuyến, cung cấp cho cả nước gần 162 ngàn tấn lương thực, thực phẩm. Hình ảnh người con Hà Tĩnh Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai là hình ảnh tiêu biểu của “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đảm bảo mạch máu giao thông cho xe ra tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Gần 92.000 thanh niên lại tiếp bước cha anh ra trận và hàng trăm ngàn lượt người đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Trong số đó hơn 13.000 lượt người đã hy sinh. Tên tuổi của những La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tri Ân, Phan Như Cẩn, Dương Chí Uyển, 10 cô gái Núi Nài, 10 cô gái Đồng Lộc cùng những địa danh: Ngã ba Đồng Lộc, Bến Thủy, Núi Nài, Đèo Ngang, Khe Giao, Địa Lợi… đã làm sáng lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người dân Hà Tĩnh.

Nhưng không chỉ có “lưng đeo gươm”, người Hà Tĩnh còn “Tay mềm mại bút hoa. Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng. Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”. Lịch sử thế kỷ XX đã ghi danh những người con Hà Tĩnh hiếu học, coi trong văn chương khoa bảng, tài hoa trong sáng tạo văn học nghệ thuật, trong nghiên cứu học thuật. Đó là Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Tứ, Hà Huy Giáp, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn…

Hà Tĩnh nghèo nhưng hiếu học, khao khát vươn lên, khao khát tỏa sáng, luôn đi đầu trong mọi phong trào cách mạng. Sau cách mạng Tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên hoàn thành xóa nạn mù chũ, được Bác Hồ gửi thư khen. Từ đó đến nay, truyền thống hiếu học vẫn được người dân Hà Tĩnh vun đắp gìn giữ. Nhờ đó, trong gần một thập niên qua, Giáo dục Hà Tĩnh luôn ở tốp dẫn đầu cả nước cả về mọi phong trào cũng như chất lượng mũi nhọn và đại trà.

Hà Tĩnh luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy và nuôi dưỡng di sản của ông cha, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới làm giàu có và phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Dù lắm nắng hạn và bão giông nhưng mảnh đất Hà Tĩnh với những câu hò điệu ví lắng đọng và tha thiết, những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc, những con người biết nhường nhịn sẻ chia, sống có tự trọng, gắn kết cộng đồng, nghĩa tình thủy chung và yêu đời… đã trở thành nỗi nhớ niềm thương cho ai đi xa rồi cũng nhớ về. Hà Tĩnh đã khắc ghi vào tâm tưởng du khách với thế núi hình sông hùng vĩ và thơ mộng, với những bản nhạc, bài thơ trĩu nặng và da diết tình người

Tất cả những giá trị, những truyền thống tốt đẹp đó là tài sản tỉnh thần vô giá, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh hôm nay tự hào, vững tin, đoàn kết bên nhau xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh văn minh như mong ước của tiền nhân.

Phát huy truyền thống của cha ông, 20 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã có những đổi thay toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, những năm gần đây, vượt lên muôn vàn gian lao thử thách của một tỉnh nghèo ở khu vực miền Trung, cộng với những ảnh hưởng chung của “cơn bão” lạm phát và khủng hoảng kinh tế thế giới, Hà Tĩnh vẫn ổn định chính trị, từng bước phát triển kinh tế, duy trì và phát huy kết quả trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, tạo được sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng toàn dân với mục tiêu đưa tỉnh nhà sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tiến tới giàu mạnh văn minh.

Về kinh tế, điều mừng nhất là mặc dầu khó khăn thử thách nhiều như vậy nhưng năm 2010, thu ngân sách của tỉnh nhà vẫn đạt và vượt chỉ tiêu. Xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, các dự án lớn tiếp tục triển khai và triển khai quyết liệt: Dự án FORMASA được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, khu kinh tế Vũng Áng có gần 100 dự án đăng ký với giá trị 200.000 ngàn tỷ đồng. Nhà máy nhiệt điện Vũng áng đã lắp đặt lò bao hơi số 1. Tổng kho xăng dầu Vũng áng đã đI vào hoạt động. Dự án Mỏ sắt Thạch Khê, Ngàn Trươi -Cẩm Trang tiếp tục triển khai. Khu kinh tế Cầu Treo, Gia Lách, Hạ Vàng đã khởi động. Cả tỉnh đã huy động đựơc các nguồn vốn ODA, ADB, WB… vào đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học..

Sau lũ lụt 2010, cùng với sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhân dân cả tỉnh đã dồn sức khôi phục sản xuất nông nghiệp, hồi sinh các miền quê. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công hội nghị giữa nhiệm kỷ nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), tạo ấn tượng tốt cho các nhà tài trợ.

Về văn hóa - xã hội, truyền thống đất học tiếp tục được giữ vững, giáo dục Hà Tĩnh vẫn nằm tốp đầu của cả nước với 12/12 chỉ tiêu đạt khá, đặc biệt, học sinh giỏi Quốc gia năm học 2010-2011 càng tăng về số lượng và chất lượng. Kỳ thi đại học vừa qua có 4 em đạt thủ khoa và 22 em đạt số điểm trên 28; y tế - DSKHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Văn hóa, thể thao, du lịch có nhiều dấu ấn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở… Các vấn đề xã hội được chăm lo, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường củng cố; các vụ việc xảy ra được chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Mặc dầu trong tình hình phức tạp của khu vực và thế giới nhưng Hà Tĩnh vẫn ổn định, người dân yên tâm làm ăn, học tập và sinh sống. Khắp nơi từ miền ngược đến miền xuôi, nhân dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và hoạt động của MTTQ, các tổ chức đoàn thể.

Những kết quả trên đã tạo thêm sức mạnh mới trong hành trình đi lên của tỉnh nhà, chứng tỏ những thế hệ sau đã nối gót tiền nhân, làm giàu đẹp thêm truyền thống 180 năm của quê hương.

Trong chặng đường mới, Hà Tĩnh còn nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lẫn thứ XVII đề ra cần sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và của gần 1,3 triệu dân. Khó khăn thử thách ở phía trước còn nhiều nhưng được tiếp sức từ truyền thống của cha ông, với niềm tự hào của những người con núi Hồng sông La địa linh nhân kiệt, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh sẽ sớm về đích trong hành trình đi tới giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc và phồn vinh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất