Đạo và đời ngày càng gắn bó
Các cấp chính quyền chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Đắc Lắc nhân dịp Lễ Giáng sinh.

Là người con tỉnh Hà Tĩnh nhưng nhiều năm qua, Linh mục Trần Mạnh Cường lại gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều đóng góp để đạo và đời ngày càng gắn bó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và tinh thần “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của bà con giáo dân… góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh. Ghi nhận sự cống hiến của Linh mục Trần Mạnh Cường, năm 2006, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Đại đoàn kết cho Linh mục. Hiện nay Linh mục là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắc Lắc, đại biểu Quốc hội khóa XII và là ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Tại Hội nghị thi đua toàn quốc biểu dương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong đồng bào công giáo (tháng 11-2010), phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trao đổi thân tình với Linh mục Trần Mạnh Cường.

Phóng viên (PV): Thưa Linh mục, xin Linh mục chia sẻ về những đóng góp của mình và sự phát triển của đồng bào Công giáo tỉnh Đắc Lắc?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ, hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển của xã hội..., với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắc Lắc tôi cố gắng làm mọi việc mà sức mình có thể làm được, dành công sức, tâm trí của mình để xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào công giáo ở tỉnh Đắc Lắc, góp phần vào tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiều năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, tôi thấy Đắc Lắc là tỉnh có diện tích rộng 13.125,5 km2, một địa phương có nhiều sắc thái riêng, đặc biệt là đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu cả nước ta có 54 dân tộc anh em thì Đắc Lắc có 44. Thời gian qua, đồng bào công giáo ở Đắc Lắc thực hiện tốt chủ trương toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo và có cách làm phù hợp với một vùng đất có nhiều dân tộc. Hầu hết các xứ đạo, nơi có đông đồng bào công giáo Kinh và dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, tệ nạn xã hội hầu như không có.

Đa phần đồng bào công giáo ở Đắc Lắc là nông dân, nguồn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hướng dẫn tận tình của các linh mục quản xứ nên nhiều bà con giáo dân đã lựa chọn cách thức phát triển kinh tế phù hợp. Nhiều giáo dân đã dựa vào điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển các giống hoa, hồ tiêu, nhất là cà phê. Cà phê Đắc Lắc đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, không chỉ cung cấp thỏa mãn cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Thông qua phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ đã khẳng định được ưu thế trong giao thương các sản phẩm hàng hóa của đồng bào. Nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển, làm ăn hiệu quả do chính người công giáo ở các giáo xứ, họ đạo, dòng tu của Đắc Lắc làm chủ. Điển hình như doanh nghiệp Hoàng Sơn, Hồng Ngọc, Khánh Công chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ Nguyễn Trọng Đoạt, Ngô Quang Trung, Sơn Hòa, Trung Huyền… chế biến cà phê, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà bà con giáo dân còn đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau thoát nghèo đối với những buôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác từ thiện, nhân đạo luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước, kính Chúa của đồng bào công giáo Đắc Lắc. Nhiều phong trào từ thiện do các linh mục, dòng tu, giáo dân khởi xướng. Đặc biệt trong những trận bão lũ khốc liệt vừa qua tại miền Trung, các cha xứ, linh mục, giáo dân đã bằng nhiều hình thức quyên góp thể hiện tình thương yêu, bác ái đối với những mất mát,  đau thương của bà con ở khúc ruột miền Trung.

PV: Linh mục có thể trao đổi cụ thể hơn về cách xây dựng và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc ở Đắc Lắc?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Như đã nói ở trên, Đắc Lắc là một tỉnh có diện tích rất lớn, dân cư đông. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh có 80 ủy viên. Tại các huyện, thị trấn có các Ban Đoàn kết Công giáo phụ trách địa bàn của Ban, các thành viên của Ban Đoàn kết Công giáo kết hợp cùng với giáo dân các giáo xứ lân cận đến tận buôn, làng của người Ê đê, Ba Na, Sedang, M’nông... hướng dẫn bà con cách thức làm kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác cây trồng và nuôi gia súc, khoan giếng nước và lắp đặt máy lọc nước cho dân làng, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương... Qua đó xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong đồng bào, tránh sự kỳ thị giữa các dân tộc. Đây chính là cây cầu nối sự liên kết, gắn bó người Kinh và bà con người dân tộc thiểu số lại với nhau, góp phần tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp phát triển tỉnh Đắc Lắc.

PV: Xây dựng khối đoàn kết gắn liền với đổi mới, phát triển của đồng bào công giáo Đắc Lắc đã góp phần vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Vậy, Linh mục cảm nhận như thế nào về những thành tựu của đất nước chúng ta sau hơn 20 năm đổi mới?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Tôi nhận thấy đất nước chúng ta đổi mới rất nhiều. Với thời gian, với điểm xuất phát từ một đất nước kinh tế-xã hội chưa phát triển mà chúng ta đạt được kết quả như ngày hôm nay là sự thành công lớn: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng lên, an ninh-quốc phòng được giữ vững, chính trị-xã hội ổn định, mở rộng quan hệ quốc tế… Chính đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đem lại những kết quả kỳ diệu, khơi dậy nguồn sức mạnh của toàn dân. Năm 2010, Đảng và Nhà nước tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đưa vị thế Việt Nam lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, không chỉ tôi mà đông đảo bà con giáo dân đều cảm nhận rõ ràng là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 - Đại hội của đổi mới) đến nay so với năm 1975 thì chủ chương, chính sách tôn giáo của Đảng có sự đổi mới rõ rệt. Hiện nay, có nhiều giáo dân là đảng viên, cán bộ đang công tác tại các cơ quan đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp; đã có nhiều bạn trẻ công giáo tự nguyện rèn luyện phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng… Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ cơ sở do nhận thức chủ trương, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước chưa đúng nên trong cách xử lý các vấn đề, vụ việc chưa khéo. Do vậy, tôi ước mong Nhà nước cần sớm có Luật Tôn giáo để các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo vừa bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, vừa đúng quy định của pháp luật, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.

PV: Theo Linh mục, nên xây dựng đội ngũ cán bộ như thế nào để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đi vào cuộc sống hiệu quả?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Với những cán bộ làm công tác tôn giáo hoặc hoạt động trong vùng có đông bà con tôn giáo nói chung và đồng bào công giáo sinh sống nói riêng không những phải đủ năng lực, trình độ, còn phải có hiểu biết nhất định về lĩnh vực tôn giáo. Nhất là đối với cán bộ cơ sở cần nắm vững, hiểu đúng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo để có phương pháp vận động và cách giải quyết công việc đem lại hiệu quả tốt nhất. Theo tôi, những cán bộ được phân công nhiệm vụ giúp các cấp ủy đảng, chính quyền về lĩnh vực tôn giáo nên tham khảo và lắng nghe những ý kiến của các chức sắc tôn giáo, điều đó sẽ góp phần tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo.

PV: Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắc Lắc và là một trong hai Linh mục là đại biểu Quốc hội khóa XII, Linh mục và các cộng sự sẽ thực hiện đường hướng phát triển như thế nào để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước, đạo và đời ngày càng gắn bó?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì thế, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Đắc Lắc luôn đồng hành cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắc Lắc để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào quá trình phát triển tỉnh Đắc Lắc và đất nước qua các phong trào chung của Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là cuộc vận động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong đồng bào Công giáo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo”.

Là đại biểu Quốc hội, trong các buổi thảo luận về các văn kiện của Đảng tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII (tháng 10, 11-2010) vừa qua, tôi tích cực đóng góp ý kiến về việc xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, đồng bào công giáo. Đảng và Nhà nước đã có đường lối, chủ trương về tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào các tôn giáo thực hiện đời sống tâm linh của mình. Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thông thoáng, cởi mở được thực hiện tới từng địa phương. Đồng thời thông qua Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền, tôi cũng thường xuyên trao đổi, góp ý, mong muốn cán bộ cơ sở có nhận thức đúng về đời sống tâm linh của đồng bào các tôn giáo để hiểu, tuyên truyền đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khắc phục những hạn chế trong công tác tôn giáo. Với cương vị là đại biểu Quốc hội, tôi cũng như các linh mục của các khóa Quốc hội trước, đã kiến nghị Quốc hội sớm có Luật tín ngưỡng tôn giáo. Khi đó mọi hoạt động của tôn giáo, đạo giáo đi vào nền nếp, tuân thủ đúng quy định của luật đã đề ra.

PV: Mùa xuân 2011 cũng là năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra, theo Linh mục, Đảng, Nhà nước và Giáo hội cần tiếp tục làm gì để đạo và đời ngày càng gắn bó, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Theo tôi, Đảng, Nhà nước, các tôn giáo đều có mục tiêu chung là vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc, phục vụ con người, phục vụ đồng bào. Đường hướng của Hội đồng Giám mục và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Đường lối của Đảng và Nhà nước ta là: Xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất theo định hướng XHCN vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Để được như vậy phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các tôn giáo tại Việt Nam cần phát huy, hợp tác chân thành vì mục tiêu chung là hạnh phúc con người, là sự phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc. Đó không chỉ có ý nghĩa đạo đức, mà còn là mục tiêu của sự phát triển.

PV: Linh mục có thể chia sẻ những cảm xúc, những lời nhắn gửi nhân dịp Xuân Tân Mão - 2011 và Kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng?

Linh mục Trần Mạnh Cường: Tôi có ước mong chung và cầu nguyện cho đất nước ta ngày càng phát triển trên mọi phương diện từ đời sống chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội đến đời sống tôn giáo ngày càng tốt đẹp hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ta ngày càng đi lên. Đây là mong ước không chỉ của riêng ai. Tuy nhiên, bằng trải nghiệm từ chính cuộc sống của mình nên cũng hiểu không phải cứ ước mong điều gì thì điều đó sẽ tự nhiên trở thành hiện thực. Bởi vậy, theo tôi cần có sự nhận thức đúng, nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân.

Riêng với đồng bào Công giáo, trong sứ điệp của  Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là đòi hỏi của phúc âm” và Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã nhắn nhủ tất cả chúng tôi: Anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là công dân tốt”.

Là Linh mục của Giáo xứ Đoàn kết (một xã ngoại thành của Tp. Buôn Ma Thuột) nên tôi cầu mong và chung sức cùng với bà con xây dựng giáo xứ ngày một phát triển, ấm no, hạnh  phúc, tốt đời đẹp đạo.

PV: Chúc Linh mục và giáo dân Đắc Lắc sức khỏe, ngày càng phát triển.

Phản hồi (1)

Phuong Mai 30/06/2011

Hôm nay tôi cần tìm một số tư liệu về công giáo. Tôi đã search được khá nhiều bài viết của một số báo, có thêm thông tin cho mình... Trong đó có tìm được một số bài phỏng vấn của Tạp chí đối với các linh mục. Tôi rất cảm ơn Tạp chí vì những bài viết của Tạp chí (tuy chưa nhiều lắm về vấn đề này) song rất sâu, có chất lượng, có cái nhìn bao quát, tầm của nó... thể hiện sự nghiên cứu kỹ của tác giả, của toà soạn khi phỏng vấn và đăng tài. Tôi còn thấy, một số ý trong bài viết của Tạp chí còn là gợi mở cho các bài viết của các trang báo khác khi viết về nhân vật này (vì họ đăng sau Tạp chí). Rất mong Tạp chí phát huy và có nhiều bài viết về lĩnh vực này (dù biết rằng lĩnh vực này khó và nhạy cảm)!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất