Để có hạnh phúc phải đấu tranh, dựng xây, kiến tạo

1. Quan niệm về hạnh phúc

Hạnh phúc là một khái niệm có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ (Etuxia) biểu hiện trình độ tư duy của con người, tưởng đã rất quen thuộc, dễ hiểu, được dùng một cách phổ thông, thể hiện ở ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau trên toàn cầu. Vậy mà ở mỗi người, mỗi giai tầng... lại có quan niệm rất khác nhau. Đó là chưa kể một số dân tộc có quan niệm rất đặc thù bị chi phối bởi phong tục, tập quán và tín ngưỡng. Xét trên bình diện chung, người ta đều cho rằng khái niệm hạnh phúc dùng để chỉ một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Các nhà triết học và tâm lý học thì cho rằng hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.

Quan niệm Mác-xít về hạnh phúc

C.Mác, nhà duy vật biện chứng theo đuổi một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, trọn đời mang nặng nỗi ưu tư, lòng trắc ẩn và sự cảm thông đối với những người lao động thì cho rằng khái niệm hạnh phúc tương đồng, cùng cấp độ với khái niệm tự do. Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất. Chính vì thế, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ông và Ph.Ăng-ghen đã nêu khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Liên hiệp những người lao khổ nhất trong xã hội lại để cùng nhau đấu tranh mưu cầu tự do, hạnh phúc và phẩm giá con người. Do vậy, những người lao động cùng khổ, chiếm số đông trong dân cư, biết liên hiệp, đoàn kết với nhau chính là căn cốt của thành công mang tới hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc mà tạo hóa ban cho con người một khi chỉ còn dành riêng cho một số ít người thuộc giai cấp hữu sản, cho những kẻ có quyền lực cưỡng bức chiếm đoạt bất công, tàn bạo thì mục tiêu đấu tranh cho hạnh phúc của đại đa số người lao động nghèo khổ cũng chính là mục tiêu đấu tranh cho tự do. C.Mác từng nói: Chỉ có những hạng người mất nhân tính mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại, mà chăm lo cho hạnh phúc riêng của mình.


C.Mác quan niệm hạnh phúc là đấu tranh


C.Mác quan niệm hạnh phúc là đấu tranh (lời Tự bạch của C.Mác khi ông trả lời hai cô con gái Gien-ni và Lô-ra: “Quan niệm của cha về hạnh phúc?”). Đấu tranh không phải là nhằm tiêu diệt như có người lầm tưởng, dù đối tượng của đấu tranh là cái ác, là những hành động phi nhân tính như tranh giành quyền chức rồi lợi dụng chức quyền mà tham nhũng chiếm đoạt của công, là nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật, ức hiếp dân lành… Đấu tranh là một phạm trù triết học liên quan đến thế giới quan và phương pháp luận của con người. Đấu tranh là để giải quyết mâu thuẫn nhằm đưa tới sự phát triển hài hòa chứ đâu chỉ có sự tiêu diệt. Đấu tranh là phủ định mặt đối lập trên cơ sở kế thừa để đưa tới sự thống nhất, hòa hợp, tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn. Đó là cái vốn có của đời sống, tư duy con người, sự tồn tại và biến đổi phát triển tiến bộ của tự nhiên, xã hội loài người. Cơ thể con người, của cả thế giới động vật và thực vật đều là sự thống nhất mâu thuẫn của hai mặt đối lập đồng hóa và dị hóa, của hấp thụ và bài tiết. Tư duy của con người là sự đấu tranh giữa cái ác và cái thiện; giữa sức ỳ, lười biếng, bảo thủ, giáo điều với sự chăm chỉ, năng động, sáng tạo, đổi mới để cái ác, xấu xa, vô nhân tính, lạc hậu ngày một lụi tàn và cái thiện, tốt đẹp, tiến bộ, văn minh nảy nở phát triển. Đấu tranh còn là sự tự vấn lương tâm, tự phê bình và phê bình.

Tiêu ngữ của Nhà nước dân chủ đầu tiên của nước ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay từ ngày đầu lập ra chế độ mới là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, phải đấu tranh mới có và cũng phải thường xuyên đấu tranh để giữ gìn, phát triển. Chân lý, mục tiêu cao cả ấy của loài người, theo đúng tư tưởng xuyên suốt chủ thuyết của hai nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học - C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã được in đậm trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Như vậy, đấu tranh là để hòa hợp, để liên hiệp và đoàn kết con người lại với nhau một cách bình đẳng và yêu thương chứ đâu phải nhằm tiêu diệt. Tất nhiên từ nay tới đó là con đường muôn dặm. Mỗi bước tiến lên của loài người là một bước đi tiếp tới tự do, hạnh phúc, phải qua đấu tranh gian khổ, phải có nghị lực phi thường, phải dũng cảm tự vượt cao hơn chính mình.

Tự do - hạnh phúc là mục tiêu cao cả, là khát vọng của loài người. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cần hướng vào mục tiêu cao cả ấy mà phấn đấu, đấu tranh, gắng gỏi tự vượt lên. Đấu tranh ở đây trước hết là để chiến thắng, vượt lên chính mình và nắm tay đồng loại cùng tiến.

2. Hoàn cảnh của mỗi người cũng như của từng dân tộc sinh ra họ là khách quan và vốn bất bình đẳng. Không ai tự chọn được cha mẹ đẻ của mình, cũng không ai tự chọn được quê hương, đất nước nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Nhưng mỗi con người cũng như mỗi quốc gia đều có quyền bình đẳng trong khát vọng, trong hành động để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, để được thụ hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc. Nói chung “chiến trường” mà mình sẽ phải chiến đấu, tâm thế và ý chí là thứ chúng ta phải tự biết trang bị cho mình. Buông xuôi, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho khách quan, thậm chí cho cường quyền rồi hèn nhát ẩn mình hay trốn chạy? Hay quả cảm biết chấp nhận thực tế mà cố gắng thay đổi, vươn lên, kiên định và biết hài lòng, trân trọng những gì tốt đẹp mình đang có để tự đấu tranh với bản thân, với ngoại cảnh để đắp bồi, xây dựng cho tương lai? Đó chính là lý trí sáng suốt, là con đường duy nhất để có được phồn vinh, hạnh phúc.

3. Bác Hồ từng nói: Muốn có hạnh phúc thì phải đem sức ta mà giải phóng cho ta. Dân tộc ta đã chịu nhiều khổ đau, qua những thời kỳ bị ngoại bang đô hộ, trải qua mấy cuộc kháng chiến, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ rồi lại đến bọn bành trướng bá quyền, biết bao là hy sinh gian khổ, máu xương của lớp lớp người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên cường đấu tranh mới giành lại được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải chống ngay ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Theo Người, nước nhà đã giành được độc lập, tự do mà dân vẫn đói nghèo, cực khổ thì độc lập, tự do không có ích gì.

Đấu tranh chống những kẻ địch nói trên rất khó khăn, phức tạp. Muốn đấu tranh thắng lợi cần có lực lượng cách mạng vững mạnh về tổ chức, sáng suốt về lãnh đạo và quản lý, phải thu hút, trọng dụng nhân tài và bố trí, sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc. Theo nhận định của Trung ương, bộ máy cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở đã được chọn lựa cẩn trọng, đúng quy trình. Một số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực đã được Đại hội chọn lựa, trao cho trọng trách tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước trong nhiệm kỳ mới.

Với vị trí, vai trò và quyền hạn, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của toàn dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất do Hiến pháp 2013 quy định. Sau Đại hội XIII, việc bầu cử Quốc hội là sự kiện chính trị quan trọng nhất của toàn dân, là dịp để Nhân dân cả nước thể hiện quyền làm chủ đất nước. Mấu chốt của quyền dân chủ là tôn trọng quyền tự do ứng cử và bầu cử của công dân và đó cũng chính là mấu chốt của việc tìm kiếm, chọn lựa những đại biểu Quốc hội xứng đáng. Trong một quốc gia, công dân có tài đức cảm thấy hứng thú, hăng hái tham gia gánh vác việc nước và chế độ dân chủ, biết tạo ra những điều kiện để có thể thu hút, chọn lựa được hiền tài cho đất nước thì đó là hồng phúc của quốc gia, là cái gốc của việc phát huy sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc ấy.

Ngay từ những năm đầu của nền dân chủ cộng hoà, lúc đó dân số nước ta mới chỉ bằng khoảng 1/4 dân số hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị “Tìm người tài đức”. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(2).

Với tinh thần ấy, Bộ Chính trị (khóa XIII) trong phiên họp đầu tiên đã chỉ rõ các cấp uỷ đảng cần tập trung trí tuệ, công sức, công minh, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội, phát hiện người có tài đức; động viên, ủng hộ họ ứng cử đại biểu Quốc hội. Nếu có nhiều công dân đủ tài đức ứng cử và được đề cử thì sẽ có thêm nhiều đối tượng để cử tri so sánh, lựa chọn. Bầu cử là quyền lợi và trách nhiệm của công dân, là thể hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính bản thân mình. Mọi đảng viên, đoàn viên và thành viên các tổ chức chính trị - xã hội cần phải gương mẫu, nghiêm túc trong việc bầu cử để cùng toàn dân “chọn mặt gửi vàng” dành phiếu của mình cho những người xứng đáng. Thờ ơ trước một đợt sinh hoạt chính trị lớn, bầu cử qua loa, tắc trách, hoặc không trung thực trước cử tri, giành lá phiếu không lành mạnh đều là biểu hiện của người thiếu văn hoá dân chủ, thiếu tư cách công dân, không xứng đáng là con dân của một quốc gia có chủ quyền, một dân tộc có truyền thống luân lý và trách nhiệm cao trước cộng đồng. C.Mác từng khẳng định hạnh phúc xã hội sinh ra lý trí chính trị và theo Hồ Chí Minh, nếu lý trí chính trị biết vì dân, hiểu rằng mọi quyền hành và lực lượng đều thuộc về dân; các cơ quan của Nhà nước đều do dân tổ chức nên thì đó mới thực sự là căn cốt đem lại hạnh phúc cho dân tộc. “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”. Tinh thần chỉ đạo ấy của Đại hội XIII đã khơi dậy niềm hứng khởi mới của dân tộc ta trên hành trình đấu tranh để đạt tới hạnh phúc và phồn vinh.

-----

(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, toàn tập, NXB ST, H.1995, tập 4, tr.628. (2) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 4, tr.451.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất