Nhìn lại những thành công
Việc xây dựng báo cáo chính trị đã được các cấp ủy chú trọng, đầu tư nhiều công sức với cách làm khoa học và thái độ nghiêm túc, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trên cơ sở tiếp thu các định hướng lớn, tinh thần đổi mới trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, báo cáo của hầu hết các cấp ủy đã đánh giá khách quan, toàn diện, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng về những kết quả đạt được cũng như về những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân; nhất là nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, đã phân tích khá sâu sắc thời cơ và thách thức, điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của địa phương mình để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới, thậm chí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm nổi bật của các báo cáo chính trị lần này là đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; làm sâu sắc, đầy đủ hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo cáo kiểm điểm của các cấp ủy đã thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, ý thức cầu thị, thẳng thắn, khiêm tốn, trung thực, trách nhiệm, hạn chế tình trạng nể nang, né tránh; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; cơ bản khắc phục được tình trạng chủ yếu đề cập ưu điểm, ít nói khuyết điểm và nội dung còn trùng lặp với báo cáo chính trị. Việc nghiên cứu, thảo luận, tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên trực tiếp và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng Dân.
Công tác nhân sự đại hội có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị tốt cho nhân sự Trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm. Yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cơ bản được bảo đảm. Tỉ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số nhìn chung cao hơn so với các nhiệm kỳ trước. Ở đại hội đảng bộ cấp tỉnh, tỷ lệ phiếu trúng cử các chức danh chủ chốt cao, nhiều đồng chí đạt 100%. Cơ cấu, chất lượng cấp ủy nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Cấp ủy nữ chiếm 15,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,7%; bí thư cấp ủy là nữ 9 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,9% (nhiệm kỳ trước 3 đồng chí). Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số 11,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,7%. Cấp ủy có trình độ thạc sỹ trở lên đạt 66,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,2%. Tuổi bình quân của BCH, BTV, bí thư, phó bí thư thấp hơn so với nhiệm kỳ trước; cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; 28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,1%. 27 đồng chí bí thư không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,1%.
Công tác tổ chức đại hội được tổ chức nghiêm túc, trang trọng, có đổi mới, đúng quy định, sát thực tế, thể hiện không khí dân chủ, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng. Các hoạt động chào mừng đại hội được tổ chức theo hướng tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả; không phô trương, hình thức, phù hợp với tình hình thực tế phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả bão, lũ. Không tổ chức liên hoan, giao lưu gây lãng phí trước, trong và sau khi kết thúc đại hội. Nhiều nơi đã kịp thời phát động, tổ chức ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ ngay tại đại hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đạo lý và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc ta.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công việc của một số cấp ủy chưa thường xuyên, sâu sát; chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề phức tạp nảy sinh. Một số nơi vẫn còn dành nhiều công sức, thời gian cho công tác chuẩn bị nhân sự, chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng các văn kiện. Báo cáo chính trị của một số cấp ủy tính khái quát chưa cao, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa nêu bật vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng hoặc có nêu nhưng ở dạng chung chung, khó triển khai thực hiện. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy chưa nhìn thẳng vào sự thật, còn né tránh khuyết điểm, chưa chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng chưa sâu sắc; cá biệt, có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn biểu hiện cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Ở nhiều nơi tỉ lệ cán bộ trẻ còn thấp, chưa đạt yêu cầu...
Những nguyên nhân
Trước hết, có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ, nhất quán của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư. Có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn và chủ động, tích cực của cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy.
Hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành kịp thời, đồng bộ, cụ thể, phù hợp, sát thực tế; nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn, bầu cử và nâng cao chất lượng đại biểu.
Từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ được tiến hành bài bản, chặt chẽ từ việc thể chế hóa các văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Quy trình công tác cán bộ thực hiện theo 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự bảo đảm thận trọng, khách quan, đúng người, đúng việc. Có sự chủ động, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh, làm chuyển biến tình hình, tạo nên thành công của đại hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, phong phú, hiệu quả, thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định; dịch bệnh được kiểm soát tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và sự đồng thuận của xã hội là nền tảng quan trọng góp phần làm nên thành công đại hội đảng bộ các cấp.
Sáu kinh nghiệm
Một là, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội, chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản sớm, đồng bộ, đầy đủ, toàn diện. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; huy động trí tuệ tập thể; bảo đảm dân chủ nhưng tập trung, thống nhất, dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, dân chủ nhưng có sự lãnh đạo. Cấp ủy triệu tập đại hội nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội công phu, chu đáo, nghiêm túc, có kế thừa, tham khảo những kinh nghiệm quý, bài học hay của các nhiệm kỳ trước và bổ sung những điểm đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của nhiệm kỳ này.
Hai là, báo cáo chính trị làm rõ được vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo hướng: Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh là thường xuyên, trọng yếu; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Báo cáo kiểm điểm của BCH phải bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc, tránh trùng lặp với báo cáo chính trị.
Ba là, nắm vững và kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn trước khi đại hội diễn ra. Nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận liên quan đến nhân sự trước, trong và sau đại hội để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, bất cập. Trong công tác nhân sự đại hội, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình 5 bước, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc theo phương châm làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm phải thực hiện nhất quán theo quy định, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan và quyết định theo đa số.
Bốn là, thảo luận văn kiện đại hội phải tập trung vào những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và bám sát vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Gửi nội dung gợi ý thảo luận trước cho các đại biểu dự đại hội để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng, tạo không khí sôi nổi, thảo luận tại đại hội.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, chào mừng đại hội nhưng không phô trương, hình thức.
Sáu là, vừa tổ chức tốt đại hội, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động tham mưu việc tổ chức đại hội có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Những kinh nghiệm, những bài học quý giá rút ra được từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành trên cơ sở kế thừa truyền thống tốt đẹp của Ban Tổ chức Trung ương và của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ, phù hợp với xu thế xã hội và tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tất cả đã tạo ra khí thế mới, động lực mới và là cơ sở quan trọng để chuẩn bị, tổ chức thật tốt, góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại trong đời sống chính trị của Đảng, của dân tộc, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, mở ra triển vọng và tương lai tươi sáng của Tổ quốc ta.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính và thực hiện “5 hóa” (hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa văn bản pháp quy; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa tổ chức thực hiện; tối ưu hóa kết quả hoạt động). Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, lấy sản phẩm, chất lượng, hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ, công chức. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp” đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
NGUYỄN THANH BÌNH
Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương