Xây dựng Đảng: Điểm nhấn quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Phóng viên: Xin được gửi lời chào năm mới tới GS, TS. Hoàng Chí Bảo, GS, TS. Nguyễn Lân Dũng và PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc! Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước ta. Vậy ý nghĩa đặc biệt của Đại hội XIII là gì, thưa các đồng chí?

GS, TS. Hoàng Chí Bảo (ảnh trên): Đại hội XIII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhiều mặt. Thứ nhất, Đại hội  sẽ tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn sau 35 năm đổi mới, trong đó có 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đây là những tổng kết hết sức quan trọng để vạch ra những mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ tới mà trong văn kiện Đại hội có nêu, đó là 3 đột phá chiến lược. Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang là hiểm họa của toàn nhân loại mà Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch bằng sức mạnh tinh thần, bằng ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam, nhất là phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái”, đoàn kết cộng đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Nhà nước và Chính phủ.

Trong bối cảnh như vậy, Đại hội là niềm cổ vũ rất lớn về chính trị và tinh thần cho cả dân tộc và Nhân dân ta. Chưa kể Đại hội diễn ra khi chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng; trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân thể hiện rõ quyết tâm chính trị đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Những việc Đảng ta đã làm thời gian qua rất được dân ủng hộ. Từ kết quả chống tham nhũng quyết liệt vừa qua, Đảng ta đã dần lấy lại được niềm tin của Nhân dân. Đại hội XIII cũng có thể coi là Đại hội chuyển tiếp các thế hệ. Về mặt nhân sự, xuất hiện những gương mặt mới. Lần này Đảng ta quyết tâm lựa chọn những nhân vật ưu tú nhất, thực đức, thực tài, xứng đáng với niềm tin cậy của Nhân dân để tham gia vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đấy là một kỳ vọng để phát triển và cũng là niềm tin cậy của Nhân dân với Đảng.

Phóng viên: Xin PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc cho biết rõ hơn về chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới xây dựng, phát triển đất nước thể hiện trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này?

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc (ảnh trên): Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã nghiêm túc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo đúng Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Thành công nổi bật của đại hội đảng bộ các cấp là văn kiện tại các đại hội đã phản ánh được thực tiễn địa phương và khát vọng phát triển của các tỉnh, thành, đồng thời công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy. Nhiệm kỳ 2020-2025 số cấp ủy viên trẻ tuổi tăng, nhiều bí thư tỉnh ủy ở độ tuổi dưới 50, bí thư tỉnh ủy trẻ nhất 42 tuổi; có 9 bí thư tỉnh ủy là nữ (nhiệm kỳ trước là 5). Số cấp ủy viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng cao. Như Đảng bộ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ là giáo sư, tiến sĩ, 4 đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đều có học vị tiến sĩ. Các đồng chí lãnh đạo được luân chuyển đều có tín nhiệm cao, 28% bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đảng bộ tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ cấp ủy viên người dân tộc thiểu số cao nhất (69%). Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang có tỷ lệ cấp ủy viên là nữ cao nhất (29,17%). Lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc hệ trọng, mang tính khoa học, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Phải có con mắt tinh đời”, “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”. Kết quả bầu cấp ủy khóa mới qua đại hội đảng bộ các cấp là cơ sở vững chắc để có được một BCH Trung ương tại Đại hội XIII đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng và đất nước trong thời kỳ mới.

Đại hội XIII của Đảng với những quyết sách mang tầm chiến lược mở ra một thời kỳ phát triển mới. Khi đã có đường lối và chiến lược phát triển đúng đắn thì một trong nhiều vấn đề quyết định thành công của nhiệm kỳ mới là vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Báo cáo chính trị, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ XII trình Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh công tác cán bộ, một nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội XIII phát triển toàn diện, đồng bộ, sâu sắc và hiện thực chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới. Điều đó đặt ra những vấn đề lớn trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; sự giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ của Đảng và trách nhiệm lớn lao của các cơ quan, cá nhân trực tiếp làm công tác cán bộ. Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người mẫu mực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng và tư duy chiến lược, năng động, sáng tạo trong công việc được phụ trách với tinh thần trách nhiệm cao và phải có uy tín trong Đảng và Nhân dân.

Đại hội lần này cũng mở ra thời kỳ mới trong việc thực hiện chiến lược cán bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ mãi mãi soi sáng công tác cán bộ của Đảng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý do đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng bầu ra chắc chắn có đủ trình độ, trí tuệ, năng lực, đạo đức, bản lĩnh và uy tín tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước đi lên XHCN, giành được những thành tựu ngày càng to lớn và có ý nghĩa trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo GS, TS. Hoàng Chí Bảo, những điểm mới nổi bật trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này là gì?

GS, TS. Hoàng Chí Bảo: Dự thảo văn kiện lần này có thể nói là rất công phu, đã được chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ lão thành cách mạng và Nhân dân cả nước. Đây là biểu hiện của dân chủ, Đảng lắng nghe ý kiến của dân, tiếp thu những ý kiến hợp lý, đúng đắn để hoàn thiện văn kiện. Việc lấy ý kiến về dự thảo văn kiện lần này cũng như một trường học thực tiễn để củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và trong dân, bảo đảm có một văn kiện tốt nhất, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tộc đưa ra trình Đại hội.

Một trong những điểm nhấn của Đại hội lần này là nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đổi mới thì Đại hội VI (năm 1986) đã nhắc đến nhưng lần này đổi mới để nâng cao năng lực sáng tạo của Đảng, của Nhân dân, để có thể “đánh thức” khát vọng Việt Nam. Tư tưởng khát vọng Việt Nam trong văn kiện lần này là rất mới. Đó chính là khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân, đấy cũng là tâm nguyện cả đời của Bác Hồ. Khát vọng phát triển bền vững, khát vọng phát triển hội nhập quốc tế thành công là phát triển hiện đại hóa đất nước, để thực hiện cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như trong nhiều kỳ Đại hội Đảng ta đã khẳng định.

Điểm mới thứ hai của văn kiện lần này là nhắc đến vai trò, mục tiêu, động lực của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà cốt lõi của văn hóa là đạo đức, còn đạo đức là giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Dự thảo văn kiện đưa ra vấn đề xây dựng giá trị quốc gia trên nền tảng của giá trị dân tộc, xã hội, gia đình. Những giá trị ấy phản ánh đặc trưng của văn hóa Việt Nam là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Từ đó chúng ta có thể nghiên cứu hệ giá trị của con người Việt Nam để tiến theo các chuẩn mực “chân - thiện - mỹ”. Còn giá trị của quốc gia, tức là giá trị của cả dân tộc trong thời kỳ phát triển mới, qua nghiên cứu dự thảo văn kiện, chúng ta thấy đó là chuỗi giá trị thực tiễn.

Đặc biệt, báo cáo chính trị lần này đề cập một cách toàn diện từ kinh tế đến chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế. Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đột phá về thể chế để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và làm cho nền kinh tế nước nhà thích ứng với nhu cầu phát triển của thời đại. Chúng ta không chỉ có kinh tế thị trường, gần đây chúng ta nói nhiều đến kinh tế số, kinh tế môi trường, kinh tế phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa cá nhân, tập thể và xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế nhà nước như một vai trò xương sống, cốt lõi, nhưng cũng đồng thời phải phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Điều này trước đây là nhận thức mới của Đảng và lần này chúng ta tiếp tục đẩy mạnh để bảo đảm kinh tế tư nhân, tức là Nhân dân làm kinh tế, trở thành một động lực của sự phát triển kinh tế.

Về mặt xã hội, chúng ta chú trọng đến phát triển quản lý xã hội. Các vấn đề xã hội nảy sinh ngày một phức tạp trong nền kinh tế thị trường, nhất là tác động của đại dịch COVID-19. Phải gắn kết kinh tế với xã hội, gắn kết xã hội với bảo đảm môi trường sống an toàn, bền vững. Trong vấn đề xã hội phải chú trọng đến giáo dục, y tế cộng đồng, an sinh xã hội, xây dựng cơ cấu xã hội lành mạnh, toàn diện. Tôi thấy đây là một văn kiện toàn diện, phong phú, thể hiện rõ năng lực thực tiễn, tính kịp thời trong vấn đề lý luận của Đảng ta.

Một điểm nhấn quan trọng trong văn kiện lần này là vấn đề xây dựng Đảng. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không chỉ Đảng trong sạch, vững mạnh mà cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị nhưng xây dựng Đảng là then chốt. Xây dựng Đảng toàn diện trên các mặt, không chỉ chính trị, tư tưởng, tổ chức như trước đây mà Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa. Lấy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là thước đo tin cậy của Nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là người đứng đầu cấp ủy, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ cấp chiến lược.

Văn kiện lần này cũng thể hiện năng lực phân tích, dự báo, đặt Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, tìm thời cơ, thuận lợi để tận dụng, phát huy và đã hình dung những thách thức rất nghiệt ngã mà Việt Nam phải vượt qua trong bối cảnh phức tạp hiện nay để vừa giữ vững ổn định chính trị, vừa phát triển mạnh mẽ, vững chắc, vừa đẩy nhanh tốc độ phát triển đất nước bằng tiêu chí hiện đại hóa để phấn đấu đến hết thế kỷ này nước ta là nước phát triển có thu nhập cao, là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Những điểm mới đó kết tinh trong chủ đề của Đại hội, gần như là một thông điệp, là tiếng nói mà Đảng tuyên bố trước Nhân dân về đường lối chính trị của mình và cũng là điều Đảng gửi gắm niềm tin trong Nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cùng nhau thực hiện cho được ý Đảng - lòng Dân và Đất nước là một để thúc đẩy Việt Nam phát triển.

Phóng viên: Khoa học - công nghệ là một động lực quan trọng để phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Điều đó thể hiện như thế nào trong dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này, thưa GS, TS. Nguyễn Lân Dũng?

GS, TS. Nguyễn Lân Dũng (ảnh trên): Dự thảo văn kiện lần này rất quan tâm đến khoa học - công nghệ nhưng cần làm rõ thêm nền khoa học - công nghệ của Việt Nam phải phấn đấu trở thành một nền khoa học hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, văn kiện cần đưa được nội dung chú trọng phát triển khoa học cơ bản vì trên nền tảng này thì các ngành khoa học - công nghệ khác mới phát triển. Muốn vậy, phải có sự đầu tư xứng đáng cho khoa học cơ bản cũng như khoa học - công nghệ. Đảng, Nhà nước cần có chính sách, quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. Cụ thể, về vấn đề đào tạo, Nhà nước cần tập trung hơn cho việc đào tạo các nguồn nhân lực ở các ngành khoa học mũi nhọn mà đất nước đang cần để phát triển. Đất nước không cần quá nhiều trường đại học mà cần những cơ sở đào tạo chuyên sâu, “sản sinh” ra những bộ óc sáng tạo chứ không phải “thư viện”.

Thực tế cho thấy sự xuất hiện nhân tài của một quốc gia gắn liền với nền giáo dục của quốc gia đó. Giáo dục và đào tạo không chỉ là nơi đào tạo nhân tài mà còn là nơi phát hiện nhân tài cho đất nước. Vì vậy, phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là con đường tìm ra nhân tài và cung ứng nhân tài, từ đó góp phần hình thành một xã hội tri thức - động lực phát triển của kinh tế - xã hội. Ngoài ra, để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách cụ thể, hấp dẫn hơn để các nhà khoa học, đội ngũ trí thức chất lượng cao yên tâm đóng góp, cống hiến.

Phóng viên: Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng. Vậy theo GS, TS. Hoàng Chí Bảo, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII chúng ta phải tổ chức việc học tập này như thế nào?

GS, TS. Hoàng Chí Bảo: Đại hội V Đảng đã đề ra vấn đề học tập Bác về tư tưởng và đạo đức, Đại hội IX Đảng ta đã có chủ trương học tập và làm theo Bác, Đại hội XI nhấn mạnh về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đại hội XII Đảng ta nhấn mạnh học tập và làm theo Bác về tư tưởng, đạo đức và phong cách. Đến Đại hội XIII với tinh thần của văn kiện, học tập và làm theo Bác càng phải được đẩy mạnh, đến mức nó trở thành một nhu cầu văn hóa trong xã hội chứ không chỉ là một “cuộc vận động”, thành một sức mạnh nội sinh trong Đảng, trong dân, trong mỗi cá nhân, tự giác, bền bỉ học tập và làm theo đúng phương châm của Bác “nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động”. Bác nói “lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo bằng khoa học, dân chủ cùng với lãnh đạo bằng gương mẫu thì đó là cách lãnh đạo hiệu quả nhất, phù hợp nhất với ý nguyện của dân chúng”. Cho nên trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, học tập và làm theo Bác phải đẩy mạnh. Thế nhưng đẩy mạnh theo chiều hướng nào? Theo tôi, đầu tiên phải tập trung giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân vấn đề về đạo đức để nhất quán vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và đạo đức cũng là vấn đề đầu tiên trong thực hành của Hồ Chí Minh, kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm” ẩn nấp trong lòng, phá từ trong phá ra.

Một chủ đề lớn bao quát của khóa XIII này, đó là Đảng ta phải tổ chức được việc học tập và làm theo Bác về đạo đức cách mạng, xoay quanh các giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thực hành đạo đức là rất quan trọng, mà để thực hành được thì phải chống được quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bác Hồ từng nói “thiếu một đức thì không thành người”, bởi vậy Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải cần, kiệm, liêm, chính thì mới văn minh về vật chất, giàu có về tinh thần. 

Tổ chức việc học tập và làm theo Bác phải đánh thức được khát vọng Việt Nam. Trước đây chúng ta đã thấu nỗi nhục mất nước, biết khổ đau vì nghèo nàn, lạc hậu thì bây giờ phải có ý thức giữ cho Việt Nam không tụt lại phía sau, không lạc hậu so với thế giới và tiến đến ngang tầm với quốc tế, thực hiện khát vọng của Bác là một nước Việt Nam đủ sức “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Học tập Bác không chỉ là ý thức, tình cảm của mỗi chúng ta mà phải bằng hành động, mà muốn hành động thì phải sáng tạo. Cho nên làm sao khơi dậy được tinh thần sáng tạo, giải phóng được toàn bộ năng lực sáng tạo, những tiềm năng trong xã hội và trong mỗi người. Ở đây gắn liền với chiến lược con người, chiến lược đào tạo cán bộ, thực sự coi trọng hiền tài, tôn trọng trí thức, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức, coi đó là động lực cho sự phát triển văn minh của toàn xã hội. Có như thế chúng ta sẽ thể hiện được khát vọng Việt Nam.

Một điểm nữa rất thời sự và cần thiết, đó là chúng ta phải tổ chức giáo dục thật tốt lòng yêu nước bắt đầu từ những cấp học đầu tiên, phát huy sức mạnh truyền thống yêu nước của cả dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ. Giáo dục lòng yêu nước, giáo dục tinh thần cách mạng, truyền thống cách mạng cho lớp trẻ là điều cực kỳ quan trọng để không tạo ra “đứt gãy” về truyền thống. Phải nâng cao vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên để tạo ra môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ từ trong nhà trường đến gia đình và ngoài xã hội.

Nhiệm kỳ khóa XIII này, học tập và làm theo Bác, theo tôi nên chú trọng vấn đề văn hóa. Phải xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với 4 giá trị đặc trưng “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”; xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam sao cho đạt chuẩn mực về chân - thiện - mỹ, trung thực, khiêm tốn, giản dị, vị tha, nhân ái, biết sống vì người khác, nhất là biết phát huy truyền thống cộng đồng dân tộc Việt Nam mà biết bao tấm gương trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung vừa qua đã thể hiện. Chúng ta phải thức tỉnh lòng yêu nước, giáo dục, giữ gìn và phát huy phẩm chất cao quý của người Việt Nam, mà trong đó cán bộ, đảng viên đóng vai trò tiên phong.

Phóng viên: Xin cảm ơn các chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học. Xin kính chúc các đồng chí một năm mới thật dồi dào sức khỏe, cống hiến được nhiều hơn cho đất nước, cho Nhân dân. 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất