Những năm 20 của thế kỷ trước, trong thân phận đất nước nô lệ dưới ách thống trị của phong kiến và chủ nghĩa thực dân Pháp, xã hội ta khi ấy rất cần có một cuộc cách mạng giải phóng nhưng vì thiếu đường lối, phương hướng, tổ chức đúng đắn nên chưa thể thực hiện được. Trong bối cảnh lịch sử ấy, năm 1911, Việt Nam xuất hiện một người thanh niên, dũng cảm sang phương Tây để tìm con đường cứu nước khác các bậc cha chú. Đó là Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh.
Trong những năm 1921-1929, khi Nguyễn Tất Thành còn bôn ba hải ngoại, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập và tìm đường giải phóng dân tộc thì trong nước đã có 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (mùa thu 1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1-1930). 3 tổ chức cùng theo chủ nghĩa cộng sản, cùng có mục đích đấu tranh chống đế quốc phong kiến, giành độc lập cho đất nước, nhưng chia rẽ, không kết thành một khối mà còn tranh giành ảnh hưởng, đả kích lẫn nhau.
Ngày 27-10-1921, Nguyễn Ái Quốc, thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động trong tổ chức cộng sản quốc tế; được Quốc tế cộng sản phái về làm nhiệm vụ tập hợp các tổ chức cộng sản ở Đông Dương thành một đảng thống nhất. Như vậy, để có một đảng cách mạng chân chính thống nhất làm nên sự nghiệp vĩ đại như ngày nay thì ngay từ trong trứng nước, trong phôi thai, những người cộng sản Việt Nam đã phải dũng cảm vượt lên chính mình để khắc phục tệ bè phái, cục bộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930. Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, nay là Hồng Kông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Các thành viên hội nghị gồm Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng), Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng). Ngày 24-2-1930 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tự nguyện và được chấp nhận tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng của sự trưởng thành, tự vượt qua chính mình, thành một tổ chức thống nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần đầu tiên đảng cách mạng nước ta có một Cương lĩnh, một Sách lược và một bản Điều lệ đúng đắn, ngắn gọn, có tầm nhìn xa, tuy nó chỉ khiêm tốn gọi là những văn bản tóm tắt. Về nhiệm vụ cách mạng, Cương lĩnh nêu rõ chủ trương chiến lược có hai cấp độ, hai bước đi, trước tiên là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng” để làm cơ sở, sau đó mới “đi tới xã hội cộng sản” và nhiệm vụ cách mạng là: Đánh đổ thực dân Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Nam độc lập. Sức mạnh của cuộc cách mạng ấy bao gồm một tập hợp tất cả các giai cấp, các dân tộc đa số và thiểu số, các lực lượng tiến bộ, các nhà yêu nước; công nhân, dân cày nghèo, trí thức, tiểu tư sản, trung nông, phú nông, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc… Rõ ràng về chiến lược, sách lược, mục tiêu trước mắt và lâu dài, lực lượng cách mạng, quan hệ giai cấp và dân tộc, những vấn đề cốt tử của một đảng chân chính cách mạng ở Việt Nam đã được giải quyết rất đúng đắn, sáng suốt ngay từ buổi đầu mang tầm vóc lớn dẫn đến sự biến đổi cả một dân tộc.
Tháng 10-1930 đồng chí Trần Phú từ Liên Xô về nước, bổ sung vào BCH Trung ương lâm thời, được giao nhiệm vụ, soạn thảo Cương lĩnh mới thay thế các văn bản của Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau khi có Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930, dưới sự lãnh đạo và hy sinh anh dũng kế tiếp nhau của những người cộng sản, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam kỳ… Tuy thất bại, hy sinh to lớn nhưng những tấm gương yêu nước sáng ngời của Đảng đã góp phần thức tỉnh tinh thần và khí phách dân tộc. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua nhiều sóng gió, nhiều mất mát to lớn, hy sinh anh dũng, có cả những sai lầm, vấp váp nhưng không bao giờ gục ngã, vượt qua mọi trở lực khách quan và chủ quan để tiến về phía trước!
Tháng 3-1938, sau khi các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập hy sinh thì đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm đó đồng chí mới 26 tuổi. Tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận nổi tiếng, một sự dũng cảm công khai tự chỉ trích, dám nhận khuyết điểm với một xác tín và quyết tâm sửa chữa để tạo nên sức mạnh vượt lên, tiến về phía trước của những người chiến sĩ tiên phong, quyết tâm lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi. Tác phẩm đã chỉ rõ: Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng, không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm nhìn sự thật… Chúng ta không bao giờ có thể đổ lỗi rằng nguyên nhân thất bại là do quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Mùa xuân năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về đến Cao Bằng. Từ ngày 10 đến 19-5-1941, Người cùng Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8. Hội nghị này có tầm vóc lớn như một đại hội. Những vấn đề lý luận cơ bản nhất của cách mạng nước ta thời kỳ này đã được giải quyết sáng tỏ, khắc phục những biểu hiện của bệnh “ấu trĩ tả khuynh” đã mắc phải. Đó là mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; giữa dân tộc và dân chủ, giữa chiến lược và sách lược… Một luận điểm lớn mà Hội nghị này xác lập đã có giá trị tạo nên sức mạnh làm biến đổi cả các dân tộc Đông Dương là: Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Nghị quyết thể hiện quyết tâm khơi dậy tinh thần dân tộc, truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta, tạo thành một mặt trận thống nhất, cả dân tộc cùng nhau xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đó phong trào cách mạng trong nhân dân lên rất cao. Nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chủ trương và quyết định sáng suốt của Thường vụ Trung ương Đảng đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của Việt Nam, một thể chế dân chủ đầu tiên của Đông Nam Á.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tiến hành từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của Tổng Bí thư Trường Chinh là một văn kiện lịch sử quan trọng, đã bổ sung, phát triển hoàn chỉnh lý luận về cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân của Đảng ta. Hồ Chí Minh và Đại hội đã gọi đó là Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam.
Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm, tận lực phụng vụ Tổ quốc và Nhân dân. Như vậy, Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là một. Chính vì vậy Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.
Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Chính vì thế sau này Hồ Chí Minh đã viết: Chủ nghĩa Mác - Lênin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng, “làm cho Đảng… trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”. Đảng Lao động Việt Nam đã tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, hòa bình vừa được lập lại trên miền Bắc, trong xây dựng đất nước, Đảng mắc một sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đúng như tiên lượng thiên tài của C.Mác, những người cách mạng vừa giành được một thắng lợi mới thì do không có kinh nghiệm, ngay lập tức họ lại tự tạo ra một trở lực mới phải vượt qua. Đảng đã lắng nghe phản ứng của Nhân dân, nhận ra sai lầm, kiên quyết sửa chữa, kỷ luật nghiêm khắc, thay đổi Tổng Bí thư và cách chức một số cán bộ cao cấp của Đảng…
Dám nhận ra sai lầm để cố gắng sửa chữa là một sự sáng suốt. Từ trong sự vấp ngã đau đớn lại tìm cách đứng lên đòi hỏi một tầm trí tuệ cao, nắm vững các quy luật khách quan với một sự vượt lên trên những tư duy bình thường. V.I.Lê-nin đã từng nói, người thông minh nào cũng đều có thể phạm sai lầm, nhưng biết nhanh chóng nhận ra sai lầm, tìm nguyên nhân và đề ra chủ trương, biện pháp khắc phục có hiệu quả, người đó là người thông minh. Sự vĩ đại của vĩ nhân và các chính đảng được sản sinh chính từ sự thông minh ấy. Đảng Lao động Việt Nam dũng cảm nhận sai lầm, quyết sửa sai và sửa sai có kết quả bằng một sự thông minh như thế. Từ trong sai lầm, vấp ngã, Đảng đứng dậy và lại được sự lượng thứ, bao dung và ủng hộ của Nhân dân. Đảng với Nhân dân lại kết thành một khối vững chắc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh tiếp tục làm Chủ tịch Đảng và bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương. Đảng lãnh đạo Nhân dân tiếp tục làm cuộc kháng chiến vĩ đại “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Khi non sông vừa mới liền một dải, Đảng lại phải lãnh đạo quân dân cả nước tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây nam và phía Bắc, đánh bại kẻ thù mới vô cùng gian manh và độc ác.
Ngày 2-9-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cõi vĩnh hằng. Người ra đi để lại Bản Di chúc lịch sử như một Cương lĩnh tổng quát xây dựng đất nước sau ngày thống nhất.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam tiến hành từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyết định đường lối chiến lược xây dựng nước Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, vững chắc đi lên CNXH.
Trải qua 10 năm, hai nhiệm kỳ Đại hội IV tiếp đến giữa nhiệm kỳ Đại hội V của Đảng đều do đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư cho đến khi đồng chí từ trần ngày 10-7-1986. Đồng chí Trường Chinh được cử giữ chức Tổng Bí thư. Dưới sự chủ trì của đồng chí, Đảng đã chỉ rõ do chủ quan, nóng vội, duy ý chí nên Đảng đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam lại một lần nữa dũng cảm nhận ra sai lầm và đề xuất Đường lối đổi mới, khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn. Từ Đại hội VI (1986) tới Đại hội X (năm 2006), đã qua 5 nhiệm kỳ (lần lượt do các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư. Từ Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016) do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư,
Để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa hoàn toàn bị đẩy lùi, 2 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được ban hành với quyết tâm chính trị rất cao nhằm chỉnh đốn Đảng, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm làm suy thoái Đảng, mất lòng tin của Nhân dân, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. 2 nghị quyết ấy đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Một lần nữa, sự vĩ đại của Đảng chính là ở sự tự chỉ trích, tự phê bình, dũng cảm tẩy rửa khỏi đầu óc và cơ thể mình những sai lầm, thậm chí dũng cảm đưa những cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao khi phạm sai lầm, có tội ra khỏi Đảng.
91 năm - một chặng đường dài, đã bao lần đứng trước nguy nan, trải nhiều thăng trầm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vững vàng tiến bước. Bởi trong mọi tình huống, Đảng luôn bình tĩnh, sáng suốt tiến hành tự chỉ trích, tự chỉnh đốn, tự đổi mới. Từ trong vấp ngã, sai lầm, Đảng tiếp tục tiến lên. Sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh để Đảng trở nên vĩ đại chính là như thế!
Không ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta thật vĩ đại”, 8 năm sau (năm 1968), trước khi qua đời một năm, Người tiếp tục khẳng định: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chống nghĩa cá nhân - kẻ thù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, nhiều khi đau đớn, nhưng đó chính là nỗi đau để trở thành vĩ đại. Không có gì làm cho ta vĩ đại hơn là cơn đau vĩ đại ấy, cơn đau của sự sinh thành và phát triển.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra các chủ trương, chính sách mới với quyết tâm chính trị rất cao. Đảng ta đang quyết tâm vượt qua chính mình để tiếp tục làm nên những thành tựu vĩ đại mới, vì Nhân dân, vì dân tộc!
PGS. Trần Đình Huỳnh