Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào – thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn


Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Ảnh tư liệu.

Thời gian của lịch sử càng lùi xa, cùng với những kết quả tìm hiểu, nghiên cứu, khảo cứu của giới khoa học trong và ngoài nước thì Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 ngày càng được tiếp cận và nhìn nhận đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, nhất là tầm vóc, ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó rút ra những giá trị lịch sử và hiện thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những điểm nhấn lịch sử sau 50 năm nhìn lại

Thứ nhất, đó là một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Đảng

Thắng lợi trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào trước hết là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thể hiện trong việc quyết định mở chiến dịch phản công kịp thời và chỉ thị cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh nhất thiết phải tổ chức đánh thắng trận này. Đồng thời, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (gọi tắt là Bộ Tư lệnh 702) do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy; Đại tá Cao Văn Khánh làm Phó Tư lệnh; Đại tá Hoàng Phương làm Phó Chính ủy Mặt trận; Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng đại diện Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Thứ hai, là sự thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Để kịp thời bộ đội, sát ngày mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị gửi một bức thư trong đó nhấn mạnh: Nhất thiết đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận quyết định về chiến lược. Bức thư của Bộ Chính trị được quán triệt đến các đơn vị làm cho tinh thần của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch.

Trong mưa bom bão đạn, các đơn vị tham gia chiến dịch vẫn nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, khó khăn không nản, ác liệt không sờn, kiên cường trong đánh chặn, dũng mãnh trong tiến công và truy kích địch. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng giữ vai trò hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Thứ ba, đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là cố gắng cao nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đầu năm 1969, Ních-xơn lên làm Tổng thống Mỹ trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, trong đó có cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù vậy, Ních-xơn vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam và Đông Dương, đề ra học thuyết mang tên mình – “Học thuyết Ních-xơn”, lấy Đông Dương làm nơi thí điểm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Lào hóa chiến tranh”, “Khơ-me hóa chiến tranh”, trong đó trọng tâm là “Việt Nam hóa chiến tranh”. Để thực hiện “Lam Sơn 719”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động toàn bộ lực lượng tổng trù bị chiến lược với tổng số quân lúc cao nhất là 55.000 quân. Chúng hy vọng với lực lượng hùng hậu đó sẽ đánh chiếm được Sê Pôn, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, bóp nghẹt cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam.

Cố gắng của địch càng cao thì thất bại càng nặng nề, từ quân sự đến chính trị, kinh tế. Vì vậy, thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là vô cùng to lớn và toàn diện. Thất bại của cuộc hành quân “Lam Sơn 719” cũng làm thất vọng và tiêu tan hoàn toàn kỳ vọng trong việc xây dựng đội quân thiện chiến quân đội Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Thứ tư, đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thực tiễn tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khẳng định: về mặt quân sự, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng. Trong chiến dịch này, Quân đội ta đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ khá hoàn thiện.

Chiến dịch đã diễn ra trong 3 đợt, nối tiếp nhau, đợt trước tạo tiền đề cho đợt sau. Quá trình chặn địch, phản công và tiến công, đánh địch rút chạy đồng thời chủ động kết thúc chiến dịch. Đó là quá trình chuyển hóa linh hoạt, phá vỡ thế trận của địch, phát triển thế trận của ta bảo đảm cho các đơn vị, binh chủng trên chiến trường hợp đồng chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau kịp thời trong các tình huống tác chiến.

Một biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Đông Dương, ngày 19-6-1970 Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết “Về tình hình mới ở bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ mới về chúng ta. Nghị quyết nêu rõ, trước tình hình mới 3 nước Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, nhiệm vụ mới của chúng ta là động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả 2 miền nước ta, tăng cường đoàn kết chiến đấu nhân dân 3 nước Đông Dương trở thành một khối thống nhất có một chiến lược chung, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân 3 nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Ngay từ khi Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn chuẩn bị mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào đã chỉ đạo một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và các đơn vị vũ trang Quân khu Nam Lào thành lập Mặt trận Y (Mặt trận Xa-ra-van) do đồng chí Hoàng Kiện, Phó Tư lệnh Đoàn 559 trực tiếp chỉ huy.

Trên cơ sở dự đoán âm mưu của địch, từ nửa cuối năm 1970 đến tháng 1 năm 1971, bộ đội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí phòng tuyến của địch trên đất Lào, từng bước đánh bại các cuộc tiến quân, bẻ gãy từng hướng tiến công của địch từ phía Tây đường 9 đến Huội-Mun, Tùm-Lan, Mường-Nọng, Mường-Phan-Lan, Đồng-Một-Huội-Xa-Lan…

Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đánh dấu bước tiến quan trọng của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào.

Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi ở Đường 9 - Nam Lào, Trung ương Đảng của 2 nước khẳng định : “Thắng lợi ở Đường 9 - Nam Lào đã đánh gục vai trò nòng cốt của quân ngụy Sài Gòn trong âm mưu “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của Mỹ, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào và toàn bộ chiến trường Đông Dương. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của Quân đội và Nhân dân Việt Nam, mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào trong suốt cuộc kháng chiến”.

Như vậy, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là một đòn bất ngờ đánh vào chiến lược của Ních-xơn, mở ra khả năng mới đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Đây là một thắng lợi điển hình của chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại đội quân tinh nhuệ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình tổ chức và điều hành chiến tranh ở giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới trước tình hình mới, để chủ động, linh hoạt trong đối ngoại quốc phòng phục vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, toàn quân cần tiếp tục sâu sắc đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Quân ủy Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trong điều kiện, đối tác đan xen như hiện nay, công tác đối ngoại quốc phòng cần nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, trong khu vực ASEAN, cần bằng quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước.

50 năm đã lùi xa nhưng nhắc lại chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị và ý nghĩa to lớn của nó; nhận thức sâu sắc hơn về bản chất, tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong từng quyết sách, chiến lược ở giai đoạn này. Từ đó tiếp thu, kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học hay, những kinh nghiệm quý để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.  

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất