Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề thanh đảng

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhất trí ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chỉ rõ ba vấn đề cần làm ngay:

Một là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hai là: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Ba là: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất.

Vì sao Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động xây dựng Đảng nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra? Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm. Nhiều nghị quyết của Đảng liên tiếp đánh giá “một bộ phận không nhỏ” trong đội ngũ Đảng đang có biểu hiện suy thoái, biến chất gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Có lẽ, cần rà soát lại toàn bộ các chủ trương, biện pháp, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cực kỳ trọng đại này đã đồng bộ chưa? Tổ chức thực hiện đã chặt chẽ và triệt để chưa? Và, thiết nghĩ, việc nghiên cứu, vận dụng quan điểm của V.I. Lênin “Về vấn đề thanh đảng” trong lúc này là cần thiết.

1. V.I. Lênin đặt vấn đề thanh đảng trong điều kiện cụ thể nào?

Vấn đề thanh đảng được V.I.Lênin đề cập trong nhiều tác phẩm, nhưng tập trung nhất ở tác phẩm “Về vấn đề thanh đảng”, viết vào tháng 9 năm 1921.

Vì sao phải thanh đảng?

Thứ nhất, ngay từ ngày đầu thành lập, tại Đại hội II của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga (7-1903), Đảng đã chia thành hai phái Bôn-sê-vích (B) và Men-sê-vích.

Thứ hai, giai cấp công nhân Nga trải qua Chiến tranh thế giới I và nội chiến đã có những biến động lớn. Nhiều công nhân ưu tú phải ra mặt trận. Nhiều người xuất thân từ đủ mọi tầng lớp dân cư đã vào làm việc trong các xí nghiệp, hầm mỏ, trong đó có cả những kẻ trốn nghĩa vụ quân sự và những tên vô sản lưu manh v.v.

Thứ ba, do sức hấp dẫn của đảng cầm quyền khiến bọn cơ hội tìm mọi cách chui vào Đảng. Những phần tử cơ hội mới cùng với những phần tử cơ hội cũ  trở thành một lực lượng đáng kể trong Đảng. Đây chính là nguồn gốc chia rẽ, bè cánh, phe nhóm trong Đảng.

Thứ tư, số lượng đảng viên tăng quá nhanh, dẫn đến khó tránh khỏi chất lượng thấp.

Năm 1919-1920, Đảng Cộng sản (B) Nga đã đăng ký lại đảng viên với mục đích đưa những phần tử bám lấy Đảng vì danh lợi, địa vị, thoái hoá… ra khỏi Đảng.

Năm 1921, Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) Nga quyết định chuyển sang chính sách kinh tế mới. Nhận thấy sự tồn tại của các phe nhóm là một nguy cơ cho việc thực hiện đường lối mới nên Đại hội đã đặc biệt chú ý đến sự thống nhất trong Đảng.

V.I. Lênin trực tiếp soạn thảo nghị quyết về vấn đề thanh đảng. Người đề nghị công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn có sự tham gia đông đảo của quần chúng lao động.

Đại hội đã tán thành và thực hiện việc thanh đảng vào năm 1921.

Tháng 9-1921, V.I.Lênin viết bài báo “Về vấn đề thanh đảng”. Người chỉ rõ: Thanh đảng đã trở thành vấn đề nghiêm túc, đặc biệt quan trọng. Tiến hành việc đó phải dựa vào kinh nghiệm của công nhân, quần chúng ngoài Đảng, dựa vào các tổ chức Xô-viết.

Cuộc thanh đảng rộng lớn đã được tiến hành. Cuộc thanh đảng này đã đưa ra khỏi Đảng 170.000 đảng viên (khoảng 25% tổng số đảng viên).

2. Mục đích của thanh đảng

Ngay từ Đại hội II, V.I.Lênin đã đấu tranh quyết liệt chống lại những người Men-sê-vích để bảo vệ danh hiệu người đảng viên cộng sản.

Tháng 11-1905, trong bài báo “Bàn về cải tổ Đảng” V.I.Lênin đã khẳng định: Nếu Đảng không khác gì quần chúng thì Đảng sẽ hoà tan trong quần chúng và Đảng không còn xứng đáng là đội tiên phong, mà đã tự hạ mình xuống thành cái đuôi của quần chúng.

Sau Cách mạng Tháng Mười, từ bài học của các cuộc cách mạng và từ thực tiễn của cách mạng Nga, V.I Lênin đã chỉ ra rằng: điều tuyệt đối không thể tránh được là sau khi cách mạng thắng lợi không thể tránh khỏi những phần tử nguy hại, những bọn phiêu lưu chui vào đảng cầm quyền. Người kết luận: bất cứ cuộc cách mạng nào cũng không tránh khỏi điều đó và sẽ không tránh khỏi được.

V.I Lênin khẳng định: tất cả vấn đề là ở chỗ - đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hoá biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Việc làm đó sẽ làm cho lực lượng và uy tín của Đảng tăng lên rất mạnh.

Tóm lại, mục đích của thanh đảng là nhằm: loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn phiêu lưu, bọn khiêu khích ra khỏi Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thanh đảng để có một đội ngũ đảng viên đủ sức thực hiện chính sách mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị mới.

3. Đối tượng thanh đảng

Đối tượng thứ nhất: những kẻ bè phái chống Đảng, như bọn Men-sê-vích, Tơ-rốt-kít. V.I Lênin cho rằng, chỉ có thể lưu lại trong Đảng những người Men-sê-vích cũ tham gia Đảng từ sau đầu năm 1918 nhiều lắm là 1% và phải thẩm tra từng người một trong số những người được lưu lại, bảo đảm đủ phẩm chất.

Đối tượng thứ hai: những phần tử tuyên truyền những quan điểm chống Đảng.

Đối tượng thứ ba: những kẻ gian giảo, những đảng viên quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt, bọn tham ô, ăn cắp, bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào.

Tóm lại: đối tượng thanh đảng bao gồm những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực.

4. Hình thức và biện pháp thanh đảng 

Một là, dựa vào những kinh nghiệm và ý kiến của quần chúng  ngoài Đảng. V.I Lênin cho rằng, dĩ nhiên không thể nghe theo tất cả mọi ý kiến của quần chúng. Song đối với việc nhận xét, đánh giá, bọn quan liêu, bọn làm quan thì trong nhiều trường hợp là rất quý báu.

Hai là, V.I.Lênin cho rằng việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức đồng bộ như: đăng ký lại đảng viên; động viên ra khỏi Đảng...

Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.                                   

Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề thanh đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đưa những phần tử không còn đủ tiêu chuẩn đảng viên ra khỏi Đảng là một nhiệm vụ thường xuyên của công tác xây dựng đảng. Một bài học quan trọng là phải dựa vào nhân dân, quần chúng ngoài Đảng để chỉnh đốn Đảng.          

Trong tình hình hiện nay, Đảng có giữ vững, có phát huy được vai trò người lãnh đạo hay không, một yếu tố quyết định là chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng; đội ngũ đó có thực sự là trí tuệ, lương tâm và danh dự của thời đại hay không? Như vậy, đổi mới, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cốt lõi, cần thiết, cấp bách của toàn Đảng. Cần phải có quyết tâm, biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ và triệt để, dựa vào quần chúng nhân dân thì thực hiện Nghị quyết mới thành công.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất