V.I.Lênin là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác. Ở nước ta, nếu nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là người mở ra một thời đại mới, một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam thì không thể không nhắc tới vai trò của V.I.Lênin với tư cách người khai sáng về lý luận tiên phong cho Nguyễn Ái Quốc để Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong dẫn dắt dân tộc trên con đường giành độc lập, tự do.
Năm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 141 ngày sinh V.I.Lênin khi vừa kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết và cả Cương lĩnh đã được Đại hội thông qua cùng với một ban lãnh đạo được xác định là những người ưu tú nhất, có đủ đức tài để chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước tới bến bờ hạnh phúc: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó có nghĩa là theo chủ trương của Đại hội, trong vòng 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, đất nước ta sẽ tiếp tục một lộ trình đã được khẳng định dẫn tới CNXH. Khi Cương lĩnh xây dựng đất nước mà Đại hội XI vừa mới bổ sung, phát triển đi vào cuộc sống thì thực tiễn sẽ là minh chứng duy nhất chỉ rõ khả năng nhận thức, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh của thế hệ những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ở thập niên thứ hai của thế kỷ này.
V.I.Lênin là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác. Cần có nhiều thời gian và công sức của nhiều người, nhiều thế hệ để đánh giá đúng công lao của ông đối với phong trào cách mạng thế giới ở thế kỷ XX.
Ở nước ta, nếu nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là người mở ra một thời đại mới, một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam thì không thể không nhắc tới vai trò của V.I.Lênin với tư cách người khai sáng về lý luận tiên phong cho Nguyễn Ái Quốc để Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong dẫn dắt dân tộc trên con đường giành độc lập, tự do. Trong cuốn sách mở lòng cho thế hệ cách mạng đầu tiên của nước nhà - cuốn Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927 - Nguyễn Ái Quốc đã lấy ý chính trong cuốn “Làm gì” để làm đề tựa cho cuốn sách của mình, như sau: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng... chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(1). Đây là vấn đề cơ bản của công tác xây dựng đảng vì nếu sai lầm về lý luận thì tất nhiên đảng sẽ sai lầm về chính trị, về đường lối, về tư tưởng và tổ chức. Hồ Chủ tịch đã gọi lý luận là trí khôn của đảng cũng là với tinh thần ấy.
Lâu nay khi nghiên cứu học thuyết của V.I.Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, nhiều người thường nhấn mạnh đến xây dựng đảng về ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo tôi, nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ, chưa phản ánh được tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về xây dựng một đảng tiên phong chiến đấu, một đảng luôn mang trong mình hai thuộc tính cơ bản là cách mạng và khoa học, mà cách mạng và khoa học thì bao giờ cũng gắn liền với đời sống thực tiễn không ngừng vận động và phát triển. Không thể mặc nhiên coi lý luận như là cái có sẵn, đã hoàn thiện, hoàn mỹ, coi nó như là nguyên tắc bất biến chỉ cần căn cứ vào đó mà định ra đường lối (chính trị), mà thống nhất về tư tưởng và xây dựng tổ chức. Như vậy dễ dẫn tới thói quen, không chú trọng đấu tranh và sáng tạo lý luận, dễ rơi vào giáo điều, bảo thủ, là mầm mống của mâu thuẫn trong đảng. V.I.Lênin, sau khi khẳng định chỉ đảng nào có lý luận tiền phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong, Người đã viết: “Ta hãy dẫn chứng những lời nhận xét của Ph.Ăng-ghen hồi năm 1874 về ý nghĩa của lý luận trong phong trào dân chủ - xã hội, Ph.Ăng-ghen công nhận rằng cuộc đấu tranh vĩ đại của đảng dân chủ - xã hội không chỉ có hai hình thức (chính trị và kinh tế) - như ở nước ta thường công nhận như thế - mà có ba hình thức và xếp hình thức đấu tranh lý luận ngang với hai hình thức đấu tranh trên. Lời Ph.Ăng-ghen căn dặn phong trào công nhân Đức... là rất bổ ích với các vấn đề và cuộc tranh luận hiện tại...”(2). V.I.Lênin còn nhấn mạnh cuộc đấu tranh của phong trào công nhân được tiến hành một cách có phương pháp theo cả ba phương diện phối hợp và gắn liền với nhau là: về lý luận, về chính trị và về kinh tế - thực tiễn. Sức mạnh và sự vô địch của phong trào là do cuộc tấn công có thể nói là phối hợp ấy mà có. Như mọi người đều biết, lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là lịch sử của cuộc đấu tranh về lý luận, gắn lý luận với thực tiễn vận động của xã hội và qua đó lý luận phát triển. Chính Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin là hai người có những đóng góp to lớn nhất trong việc đấu tranh bảo vệ và phát triển lý luận của Chủ nghĩa Mác.
Đấu tranh chính trị là giành và giữ vững chính quyền, là xây dựng một nhà nước dân chủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân làm chủ. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi phải có lý luận soi đường nhưng lý luận Mác-Lênin và cả Tư tưởng Hồ Chí Minh nữa cũng không cho ta mọi lời giải trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam hôm nay mà nó chỉ cho chúng ta phương pháp luận để suy nghĩ sáng tạo trong tình hình mới. V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai mẫu mực tuyệt vời về phương pháp vận dụng và sáng tạo lý luận trong điều kiện cụ thể lịch sử mà ở thời các ông phải giải quyết và đã giải quyết rất thành công.
“Nhà nước pháp quyền XHCN” là một thuật ngữ mới xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta, do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) để thay thế thuật ngữ “nhà nước chuyên chính vô sản” do C.Mác cùng Ph.Ăng-ghen sáng tạo và V.I.Lênin vận dụng, phát triển, hiện thực hoá nó bằng mô hình nhà nước Xô-viết. Trước Đại hội VII, Việt Nam cũng đã dùng thuật ngữ nhà nước chuyên chính vô sản. Có thể thấy rõ nhà nước chuyên chính vô sản là một học thuyết, một sáng tạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nó ra đời trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản với giai cấp tư sản ở giữa thế kỷ XIX và được thực hiện ở thế kỷ XX, còn Nhà nước pháp quyền là sáng tạo của các học giả tư sản, nó ra đời trong cuộc cách mạng tư sản ở các nước tư bản phương Tây và tồn tại cho tới nay. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không dùng thuật ngữ chuyên chính vô sản, không xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản theo mô hình Xô-viết, cũng không xây dựng nhà nước pháp quyền theo mô hình các nước tư sản. Chúng ta sáng tạo ra thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền XHCN” và xây dựng một kiểu nhà nước mới, với ý định nó tiến bộ hơn các kiểu nhà nước nói trên. Với quyết tâm chính trị xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, không chấp nhận đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng, chỉ thực hiện một đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận có đảng đối lập là một thách thức lớn cả về mặt lý luận lẫn tổ chức thực tiễn. Ngoài các văn bản chính trị và một vài công trình nghiên cứu mang tính minh hoạ, rõ ràng chúng ta đang cần xây dựng một học thuyết - học thuyết nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là công việc không mấy dễ dàng, không thể chỉ bằng lòng với những điều ta đã biết về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và những việc ta đã làm mà nó đang là một cuộc đấu tranh và sáng tạo trên mặt trận lý luận, cần có sự nỗ lực chung của trí tuệ toàn Đảng và của cả dân tộc, cần gắn với thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo duy nhất của sự đúng sai. Mọi sự giáo điều, bảo thủ hay mang nặng tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa để đề ra các nguyên tắc trái với quy luật tự nhiên và quy luật phát triển của xã hội, áp đặt lên cuộc sống đều không mang lại kết quả.
Chúng tôi thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chủ trương và đầu tư thích đáng để khích lệ, cổ vũ việc nghiên cứu sao cho có một công trình khoa học lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN với tầm cỡ là một học thuyết như những học thuyết về nhà nước đã có trong lịch sử (nhà nước pháp quyền của các học giả ở thế kỷ XVII-XVIII; nhà nước chuyên chính vô sản của Chủ nghĩa Mác-Lênin). Tất nhiên, đã là một học thuyết thì học thuyết nào cũng cần có sự đấu tranh về lý luận, cần có tự do, dân chủ trong nghiên cứu và tranh luận, có phản biện xã hội để khẳng định chân lý và cuối cùng, cái quyết định là thông qua thực tiễn để kiểm chứng.
Đấu tranh kinh tế-thực tiễn là cuộc cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện nền kinh tế lạc hậu của nước ta để biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa mà trên thế giới chưa có tiền lệ. Đây cũng lại là cuộc đấu tranh và sáng tạo lý luận cực kỳ khó khăn. Liên-xô đã để lại những bài học thành công và thất bại chưa từng có trong lịch sử phát triển của CNXH. Rõ ràng mô hình Xô-viết không phải là cái mà chúng ta hướng tới. Chính đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói ta làm khác Liên-xô cũng là Mác-Lênin. Lý luận của Chủ nghĩa Mác đã khẳng định chế độ kinh tế của CNXH là nền kinh tế công hữu về tư liệu sản xuất dựa trên sức sản xuất phát triển cao. V.I.Lênin đã áp dụng thành công trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; sau đó tiếp tục duy trì chế độ Cộng sản thời chiến và đã thất bại. Chính V.I.Lênin đã thẳng thắn và dũng cảm công khai thừa nhận rằng đó là sai lầm về đường lối. Người viết: “... chúng ta đã phạm một sai lầm đã quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa... một cuộc thí nghiệm không lâu lắm đã cho chúng ta thấy rõ rằng cách làm như vậy là sai...”(3). Thật là dũng cảm và trung thực. V.I.Lênin đã thẳng thắn chỉ rõ cả khiếm khuyết của lời bài hát - bài Quốc tế ca - mà bấy lâu nay những người cộng sản trên toàn thế giới đều giơ tay hát một cách nghiêm cẩn khi chào lá cờ Đảng của mình, rằng “Khi chúng ta hát: “Đấu tranh này là trận cuối cùng”, thì đáng tiếc rằng câu hát ấy có điểm chưa được đúng, - đáng tiếc rằng đây chưa phải là trận chiến đấu cuối cùng của chúng ta”(4). Cũng thật trùng hợp tư tưởng của hai vĩ nhân cộng sản lỗi lạc, Bác Hồ của chúng ta cũng đã từng nói cuộc kháng chiến chống ngoại xâm xong rồi thì mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường vạn dặm, cần có kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ để tránh mắc khuyết điểm, sai lầm. Năm 1921, khi quyết định chuyển sang Chính sách kinh tế mới, V.I.Lênin đã viết - đúng hơn là tâm đắc nhắc lại lời của Ph.Ăng-ghen - một câu nổi tiếng, rất đáng để chúng ta ghi nhớ và suy ngẫm rằng: “Về mặt lý luận: trong thời kỳ cách mạng cũng như trong bất cứ lúc nào, người ta đều mắc những điều ngu xuẩn, - Ph.Ăngghen đã nói như thế - và đã nói đúng. Cần cố gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn, và sửa chữa hết sức nhanh chóng những điều ngu xuẩn đã mắc phải”(5). Một năm sau, Người đã phát biểu trước Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) về vấn đề thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới chủ nghĩa cộng sản như sau: “Ngay đến C.Mác cũng không viết một lời nào về vấn đề đó, và Người đã mất đi mà không để lại một lời nào rõ rệt, một chỉ dẫn nào chắc chắn về vấn đề ấy cả. Vì thế ngày nay, chúng ta phải tự mình tìm ra lối thoát”(6).
Điều đó cho thấy, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn cần phải thay đổi phương pháp cách mạng trên cơ sở một lý luận khoa học được tổng kết từ thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã mắc những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng và cũng đã biết nhận ra, sửa chữa để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới. Những bài học cũ vẫn đang còn nóng hổi tính thời sự.
Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đấu tranh để đưa đất nước tiến lên CNXH trong bối cảnh trong nước và quốc tế không ít trở lực, khó khăn. Con đường chúng ta đi còn lắm chông gai. Cuộc đấu tranh về mặt lý luận đã và đang là một mặt trận nóng bỏng. Chỉ có đồng thời xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức dưới ánh sáng của lý luận tiên phong không ngừng đổi mới và phát triển mới có thể làm cho Đảng trở thành một đảng tiên phong trong sự vận động không ngừng của đời sống xã hội. Một lần nữa chúng ta cần nhắc lại: Vận động là tuyệt đối, vận động là sống và phát triển.
Kỷ niệm lần thứ 141 Ngày sinh của V.I.Lênin vĩ đại, trong tình hình mới, chúng ta vô cùng biết ơn Người về những chỉ dẫn quan trọng mà Người đã để lại cho các đảng cộng sản đang có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng rằng: “Riêng đối với những người lãnh đạo, nhiệm vụ của họ là phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, đòi hỏi phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”(7).
Lý luận tiên phong không bao giờ chỉ là những điều có sẵn, nó phải thông qua đấu tranh trên mặt trận lý luận và tổng kết thực tiễn mà có. Hồ Chủ tịch đã dạy: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”(8).
_____
(1) Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, 1978, tập 6, tr.30-32. (2) Sđd, tr.32. (3) Sđd, tập 44, tr.197. (4) Sđd, tập 44, tr.205. (5) Sđd, tập 44, tr.277. (6) Sđd, tập 45, tr.101. (7) Sđd, tập 6, tr.35. (8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, xuất bản lần 2, tập 5, tr.233.
TS. Trịnh Quang Cảnh